“Cảnh sát giao thông” làm việc tốt “được”... nhục mạ

“Cảnh sát giao thông” làm việc tốt “được”... nhục mạ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Dù chỉ là những người dân bình thường và không được cơ quan tổ chức nào giao nhiệm vụ, nhưng với trách nhiệm công dân họ lại luôn thường trực ở những "điểm nóng" về ùn tắc giao thông để tham gia điều tiết giải tỏa kẹt xe.

Trò chuyện cùng những con người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" ở thành phố Hồ Chí Minh, có lúc thấy nghẹn lòng khi nghe họ trải lòng "làm việc vì cái chung, nhưng không hiếm lúc bị người đi đường chửi là đồ thằng điên, thằng khùng...".

Một người dân tự nguyện hướng dẫn giao thông tại TP. HCM

Chuyên nghiệp như cảnh sát giao thông

Người dân khi đi qua đoạn ngã tư Phú Nhuận, giao lộ ngã tư giữa đường Phan Đình Phùng - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) không còn xa lạ với hình ảnh hai người đàn ông đen nhẻm với một tay cầm dùi cui tự chế, một tay cầm còi luôn hòa mình vào biển người đi lại để tham gia hướng dẫn mọi người tham gia giao thông đúng phần đường, đi theo hướng thuận lợi để không ùn tắc giao thông.

Có mặt tại giao lộ này vào lúc 16h30' chiều ngày 21/7, chúng tôi nhận thấy vào giờ cao điểm, lưu lượng người tham gia giao thông đông đúc, mọi người vừa tan ca công sở đều muốn về nhà sớm nên cứ giành giật từng khoảng nhỏ để nhích dần từng đoạn, không ai nhường ai, thậm chí leo lên vỉa hè. Khắp mọi hướng đều như thế trong khi giữa giao lộ có lô cốt chắn ngang nên những đoàn người ùn ứ lại, nối đuôi nhau kéo dài đến cả cây số khiến tình hình giao thông trở nên hỗn loạn.

Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi hai người đàn ông năng nổ đi lại liên tục, gào thét để nhắc nhở mọi người phải chấp hành luật giao thông, phải đi đúng tuyến. Họ điều khiển rất có nghề và chuyên nghiệp khiến mọi người có cảm giác họ là những cảnh sát giao thông thực thụ. Các phương tiện tham gia giao thông từ xe máy, xe đạp đến các tài xế xe buýt, xe taxi thấy thế tự ý thức và làm theo hiệu lệnh của hai "cảnh sát giao thông bất đắc dĩ" này đã chạy xe trật tự hơn, tình trạng kẹt xe giảm đi rõ rệt, xe đi lại lưu thông thông thoáng và dễ dàng hơn.

Không chỉ tại giao lộ trên mới xuất hiện những "cảnh sát giao thông bất đắc dĩ" như vậy mà từ lâu nay, ở những điểm nóng về kẹt xe trên nhiều tuyến đường như ngã tư Nguyễn Huy Tự - Đinh Tiên Hoàng, Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), giao lộ Lý Thường Kiệt - Cách Mạng Tháng Tám - Hoàng Hoa Thám - Trường Chinh (quận Tân Bình), ngã tư Bốn Xã (quận Tân Phú), Tân Kỳ Tân Quý - Trường Chinh (quận Tân Phú), khu vực ngã 6 Cộng Hòa (quận Tân Bình)... đều có mặt "lực lượng phản ứng nhanh với kẹt xe" gồm những người dân tự nguyện tham gia điều khiển giao thông như vậy.

Bỏ kiếm tiền để đi điều tiết giao thông

Tại ngã 4 Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (quận Tân Bình), khi dòng người đổ xô từ mọi phía về khiến tình trạng giao thông nơi này rối rắm như mớ bòng bong thì cũng là lúc anh Hoàng Văn Thanh, hành nghề sửa xe đạp ở gần đó bỏ công việc mưu sinh của mình để bắt đầu làm công việc của một người điều tiết giao thông. Lấy thanh tre được bao bọc bởi ruột xe làm dùi cui, móc túi lấy thêm còi được chuẩn bị sẵn, anh vội lao ra đường điều khiển giao thông. "Tả xung hữu đột", anh đi lại khắp mọi hướng, anh lại vừa nhìn đèn giao thông vừa cố tìm những khoảng trống thông thoáng để hướng dẫn mọi người cách đi lại sao cho không dẫn đến việc ùn tắc.

Khi trời dần tối, lưu lượng xe ít và mật độ giao thông thông thoáng hơn, anh mới đem cất "đồ nghề". Gạt vội những dòng mồ hôi ướt cả áo, anh nói giọng đứt quãng không ra tiếng vì mệt: "Đuối lắm chú ạ, nhưng vui vì mình làm việc có ý nghĩa, có ích cho mọi người và xã hội". Được biết, anh làm "nghề" này đã được 3 tháng nay.

Dùi cui và còi luôn là vật bất ly thân của anh nên không chỉ là "cảnh sát giao thông bất đắc dĩ" của khu vực này, anh còn tham gia điều khiển giao thông ở nhiều khu vực khác. Mỗi khi đi đường thấy chỗ nào kẹt xe là anh lại dựng xe trên lề rồi xuống đường hướng dẫn mọi người. Anh Thanh bảo: "Những khi nhìn thấy công việc mình làm đã giúp cho tuyến đường được thông thoáng hơn, mọi người đi lại dễ dàng hơn là tôi vui lắm mặc cho ngày đó không kiếm được đồng nào sửa xe, vá ép".

Ông Huỳnh Tùng, một "cảnh sát giao thông bất đắc dĩ" khác, thường xuyên "trực" ở ngã tư Bốn Xã (quận Tân Phú) thì kể, ông làm nghề chạy xe ôm tại khu vực này nên mỗi ngày đều được chứng kiến tình trạng kẹt xe. "Sáng thì từ 7h30’ đến 9h, chiều từ 16h đến 18h là kẹt xe liên tục. Thấy nhiều người than vãn vì kẹt xe mà trễ nải công việc, nhiều em học sinh trễ giờ học ở trường cũng vì kẹt xe, hay nhiều xe cấp cứu đưa bệnh nhân đang trong tình trạng nguy hiểm mà cứ loay hoay không có lối đi nên tôi không thể đành lòng đứng nhìn và quyết định xuống đường nhằm giải tỏa kẹt xe", ông Tùng nói.

Được biết, ông làm xe ôm 3 năm cũng là bấy nhiêu thời gian ông tự nguyện làm công việc đầy ý nghĩa này bất kể ngày nắng cháy người hay mưa dầm dề, dù cho tuyến đường này luôn trong tình trạng bụi bặm mịt mù, ngột ngạt đến mức ngợp thở. Có những hôm xảy ra tai nạn giao thông, kẹt xe nghiêm trọng, ông phải cật lực điều khiển giao thông mệt bở hơi tai, tối về ăn cơm không nổi. Thế nhưng theo ông thì: "Với tôi, đây là nghĩa vụ của một người công dân, cố gắng đóng góp sức mình để cùng giải quyết vấn nạn kẹt xe và cũng là một cách để tìm niềm vui cho bản thân".

Làm việc tốt, “được”... nhục mạ

Ông Tùng cho biết, cái "nghề" làm "cảnh sát giao thông" bất đắc dĩ này vui ít, buồn nhiều. Ông nói: "Vui nhất là lúc mọi người ý thức được công việc của mình làm, nghe theo những tiếng tuýt còi, những hiệu lệnh của mình đưa ra nhưng cũng đó là niềm vui ít ỏi mà tôi có được, còn lại thì...". Giọng ông chùng xuống rồi kể: "Có người lật lọng cho mình chính là kẻ gây ra kẹt xe chú ạ trong khi mình đang cố gắng để giải tỏa vấn nạn đó. Họ trách móc, thậm chí là chửi bới thậm tệ đến mức xúc phạm: Đồ thằng điên, đồ thằng khùng, cái đồ vô công rỗi nghề chẳng có việc gì làm mới ra đường làm ba cái việc không ai mượn như thế này... Chả có tích sự gì cả, chỉ làm vướng víu kẹt xe thêm thôi".

Cũng chính vì thế mà có lần thấy tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang đèn đỏ, thấy hai thanh niên cố tình chạy xe nhanh vượt qua, ông đã thổi còi đề nghị dừng lại, phải nhường đường để mọi người hướng khác lưu thông tránh việc ùn ứ, ách tắc giao thông. "Thế là tụi nó xuống đập mũ bảo hiểm vào khắp người tôi vì cho rằng do tôi mà tụi nó đã tốn mất 60 giây chờ đợi. May mắn là người đi đường can thiệp nên tôi chỉ phải "ăn" 6 cú đập", ông Tùng nhớ lại.

Tương tự, ông Quảng, "cảnh sát giao thông bất đắc dĩ" "làm việc" ở ngã tư Phú Nhuận cũng kể thường xuyên bị người đi đường cự nự, thậm chí là bị các tài xế xe buýt vượt đèn đỏ để chạy cho kịp thời gian nhổ nước bọt trên đầu cho bõ ghét vì "dám cản tài của tao" mỗi khi ông yêu cầu dừng xe lại. "Để làm công việc này, tôi đã tìm hiểu luật giao thông, nhờ các anh cảnh sát giao thông bày cho cách khi nào thì thổi còi, khi nào thì yêu cầu xe dừng lại, cách hướng dẫn xe lưu thông như thế nào... Tôi làm đúng những chỉ dẫn đó, ấy vậy mà...", ông Quảng thở dài.

Khi trò chuyện với chúng tôi, hầu hết những "cảnh sát giao thông bất đắc dĩ" này đều kể vì luôn phải hòa vào biển người đông nghịt nên việc bị bỏng ống pô xe là chuyện diễn ra... như cơm bữa. Không những vậy, họ thường xuyên bị những người vô ý thức cố tình tông xe vào người.

"Nhưng kể thì kể cho vui vậy thôi chứ chẳng nhằm nhò, chẳng đáng xá gì đâu. Dù có thế nào, dù có người khinh khi cho rằng tôi là người điên vô công rồi nghề làm ba cái chuyện vừa không công vừa vô bổ thì tôi vẫn tiếp tục làm... người điên để góp phần làm giao thông thông thoáng", ông Tùng hóm hỉnh.

Thanh Bảo