Cấp cứu thành công nam bác sĩ Campuchia bị bệnh Lupus ban đỏ

Cấp cứu thành công nam bác sĩ Campuchia bị bệnh Lupus ban đỏ

Thứ 6, 28/07/2017 | 08:30
0
Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM vừa điều trị thành công cho nam bác sĩ người Campuchia bị bệnh Lupus ban đỏ.

TS. BS Nguyễn Đình Khoa, Trưởng khoa Nội khớp, bệnh viện Chợ Rẫy, vừa chữa trị thành công cho anh Chum Chetra (31 tuổi, quốc tịch Campuchia) bị bệnh Lupus ban đỏ.

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ, kèm sốt nhẹ. Trước đó, anh đến khám ở bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM được chẩn đoán bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, điều trị không giảm.

Anh tiếp tục đến khám ở khoa Nội tiêu hóa, bệnh viện Chợ Rẫy thì được chẩn đoán nhiễm trùng dịch báng do tụ cầu Stanphylococus aureus đa kháng. Qua xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị Lupus dương tính.

Các bệnh - Cấp cứu thành công nam bác sĩ Campuchia bị bệnh Lupus ban đỏ

Bệnh nhân bị bệnh Lupus ban đỏ đã hồi phục tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.

Các bác sĩ khoa Nội khớp, Nội tim mạch, Hồi sức phẫu thuật tim, Nhiệt đới của bệnh viện Chợ Rẫy đã chung tay phối hợp điều trị.

Được biết, bệnh nhân Chetra là một bác sĩ ở Campuchia.

BSCK II Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim cho biết: "Bệnh nhân được thay van động mạch chủ cơ học, thay động mạch chủ ngực đoạn lên và cắm lại 2 lỗ vành, đặt hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO). Trong 7 ngày điều trị, với sự hỗ trợ của máy ECMO, bệnh nhân đã hồi phục, chức năng các cơ quan cải thiện".

Chia sẻ với PV, bác sĩ Nguyễn Thái An cho biết, sau thời gian điều trị, anh Chum Chetra đã ăn uống, giao tiếp tốt, sinh hiệu ổn định. Nếu bệnh nhân không gặp các trở ngại nào khác sẽ được các bác sĩ cho xuất viện sớm.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Khoa, bệnh Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn mạn tính, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể. Trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Ở người mắc Lupus ban đỏ hệ thống, hệ miễn dịch không giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ, gây bệnh mà quay ra chống lại cơ thể bằng cách sinh ra các kháng thể kháng lại các tế bào của hầu hết các cơ quan.

Người bệnh thường có ban đỏ ở mặt giống như hình vết cắn của chó sói. Bệnh thường xảy ra với những người trong độ tuổi tứ 15-45 tuổi, nữ bị bệnh nhiều hơn nam (gấp 9 lần so với nam), nhất là những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Nguyên nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa biết rõ. Bệnh có thể do di truyền, môi trường sống nhiễm khuẩn, tiếp xúc nhiều với hóa chất, ánh nắng mặt trời, hoặc do nội tiết… Triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm.

Lành Nguyễn