Nghệ nhân giữ lửa cho ca trù bằng ký ức tuổi thơ

Nghệ nhân giữ lửa cho ca trù bằng ký ức tuổi thơ

Thứ 4, 06/02/2013 | 11:48
0
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lỗ Khê, Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội, tuổi thơ vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hân (83 tuổi) và Phạm Thị Điền (71 tuổi) được đắm chìm trong không gian nghệ thuật ca trù.

Nức tiếng nhờ... học lỏm

Những ai từng đặt chân lên đất tổ ca trù Lỗ Khê nghe hát sẽ ấn tượng bởi hình ảnh rất đẹp của cặp đôi nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Hân và Phạm Thị Điền. Đã từ lâu, người dân ở Lỗ Khê quen với hình ảnh cụ Hân đánh đàn đệm cho người vợ của mình ca mỗi khi làng mở hội. Rất nhiều người, khi được tận mắt chứng kiến màn biểu diễn của "cặp đôi hoàn hảo" này đã thốt lên: Đây chính là vẻ đẹp của ca trù mà thời gian không thể làm phai mờ. Với chúng tôi, trong một lần về Lỗ Khê nghe hát, lần đầu tiên chứng kiến cảnh hai vợ chồng cụ Hân người đàn, người hát đã trở thành ký ức rất đẹp khi lần đầu đặt chân lên miền đất tổ của ca trù. Sau lần  đó, chúng tôi tự hứa với lòng mình, sẽ quay lại Lỗ Khê để được gặp vợ chồng cụ Hân và muốn được hai cụ kể cho nghe những câu chuyện liên quan đến môn nghệ thuật truyền thống này.

Ngày đầu xuân, tiết trời se lạnh, chúng tôi đã lên đường về Lỗ Khê. Qua vài lần hỏi thăm đường, chúng tôi đã tới được ngôi nhà của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hân hiện đang sinh sống. Biết chúng tôi là những vị khách phương xa đến chơi, muốn được nghe hai cụ nói chuyện về ca trù để hiểu hơn về môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, vợ chồng cụ Hân vui vẻ tiếp chúng tôi như đón những đứa con từ phương xa mới về.

Nói đến ca trù, khuôn mặt của đôi vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hân và Phạm Thị Điền sáng hẳn lên. Để chiều lòng khách, cụ Điền ca ngay vài câu tặng chúng tôi. Cuộc trò chuyện cởi mở và vô cùng thân thiện. Cụ Điền đã khéo léo dẫn chúng tôi đi vào thế giới nghệ thuật ca trù một cách rất tự nhiên. Cụ Điền tâm sự rằng, để tập hát ca trù không khó, nhưng để hát hay đòi hỏi phải có sự đam mê. Bởi hát thì dễ nhưng hiểu lời bài hát và hát có hồn, có ý là rất khó. Cụ Điền kể, trước đây cụ thực sự không chú tâm đến tập ca trù. Một phần vì trẻ, phần nữa thời gian làm công chức Nhà nước nên không có thời gian, chỉ khi về nghỉ hưu cụ mới tham gia vào câu lạc bộ ca trù.

Xã hội - Nghệ nhân giữ lửa cho ca trù bằng ký ức tuổi thơ

Đôi vợ chồng nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Hân và Phạm Thị Điền.

Thời điểm đó là những năm cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước, ca trù nói chung và ca trù Lỗ Khê đang bị mai một dần. Những người gắn bó và xem ca trù như một nghề dường như không còn nữa. Người sành nghề và nắm bí quyết thuần thục đều đã già, nhiều người đã thành thiên cổ. Đa phần những người già biết tới ca trù do từng được nghe hát, được sống trong thời điểm thịnh hành của môn nghệ thuật này vào thời điểm những năm 40 thế kỷ trước. Trước cái nghiệp của cha ông 600 năm qua đang bị mai một dần, một số người rủ nhau thành lập câu lạc bộ ca trù. Các thành viên trong câu lạc bộ đều chung sức lục tìm trong trí nhớ, sưu tầm, góp ý để phục dựng lại môn nghệ thuật truyền thống của quê hương.

Cụ Điền chia sẻ: "Bản thân tôi chỉ được xem hát, nghe hát từ thời còn trẻ chứ chưa một lần được truyền nghề chính thức từ các nghệ nhân đi trước". Cụ Hân ngồi bên vợ cũng góp thêm: "Thời tôi khoảng 8 tuổi, bố mẹ có thuê thầy về nhà để dạy đàn cho anh trai. Tôi được giao nhiệm vụ bưng nước pha trà cho thầy. Chính vì có cơ hội tiếp xúc nên đã học lỏm được cách đánh đàn đáy. Đứng bên cạnh nghe thầy truyền nghề cho anh, tôi tự nhẩm và học thuộc lòng".

Không được dạy dỗ bài bản nhưng vì một thời được sống trong không gian nghệ thuật ca trù truyền thống nên những lời hát, cung đàn đã ngấm vào tâm hồn của đôi vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hân. Khi về nghỉ hưu hai cụ đã cùng những người cao tuổi trong làng tham gia câu lạc bộ ca trù, tự tập, góp ý cho nhau để rồi những làn điệu, những nhịp trống, nhịp phách tưởng chừng đã mai một nay lại được khôi phục lại gần như nguyên vẹn.

Ngọn lửa tuổi 80

Bàn về ca trù, cụ Điền hóm hỉnh chia sẻ, ai đã say ca trù thì không bỏ được, không khéo quên cả đường về. Câu nói đó mới nghe ngỡ là nói đùa nhưng càng nghe hai cụ nói chuyện chúng tôi mới hiểu được ẩn ý sâu xa của nó. Theo lời cụ Điền, ca trù mới nghe rất khó để hiểu, người trẻ bây giờ rất kén nghe môn nghệ thuật truyền thống này. Nhưng có một điều rất lạ, những người từng trải càng nghe càng ngấm, người hát ca trù càng già càng hát hay.

Cụ Điền nói rằng, thông thường ca trù nếu không hiểu, người nghe chỉ một hai lần là nản. Nhưng một khi đã bắt đầu hiểu được ý tứ, cái hay cái đẹp của nó thì gần như bị hút hồn, không cưỡng lại được.

Mặc dù mấy năm gần đây ca trù được phục dựng lại ở Lỗ Khê, nhưng theo cặp nghệ nhân này ca trù chưa thu hút được bọn trẻ. Lý do bởi đam mê theo nghiệp thì không đủ kiếm sống. Chỉ có một hai cháu vẫn cố theo nhưng đến giờ cũng có biểu hiện xao nhãng. Ngay cả đứa con trai út của cụ Hân, được bố mẹ truyền nghề cho nhưng rồi cũng bỏ dở giữa chừng để ra thành phố tìm việc chứ không đeo đuổi được nó. Nguyên nhân vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hân nêu ra chính là người theo nghiệp ca trù không có tiền để sống. Cụ Hân tỏ ra lo lắng, nếu kéo dài tình trạng này môn nghệ thuật ca trù sẽ bị mai một, tàn luỵ ngay trên mảnh đất tổ có truyền thống 600 năm ca hát này.

Theo lời cụ Hân, một thời ca trù phát triển rầm rộ, thậm chí được xem là thú chơi thời thượng vì người hát ca trù có nguồn thu lớn từ nghề của mình. Trong hồi ức của cụ Hân, những năm 40 của thế kỷ trước, Lỗ Khê có tới gần chục phường ca. Người đến xem hát, thuê hát tấp nập. Ông Hân nhớ lại, thời đó ca trù được cho là mốt thời thượng của những người lắm tiền, nhiều của. Họ nghe ca trù vừa để thưởng thức cái hay cái đẹp của môn nghệ thuật này, vừa thể hiện cái ngông và độ chơi của mình. Theo cụ Hân, người sành chơi ca trù phải biết đánh trống chầu. Nếu chưa quen, khi nghe đào nương ca, thấy hay thì đánh tùng 1 tiếng để tán đồng với người hát. Đạt đến độ sành sỏi người chơi phải biết đánh đệm cùng với đàn và ca nương.

Nhưng muốn được đánh trống chầu, người chơi phải bỏ tiền mua. Do đó từ khi đánh được vài tiếng đến khi đánh sành sỏi người chơi phải đổ cả núi tiền nên dễ bị tán gia bại sản. Cụ Hân và cụ Điền đều cho rằng, "tuy phát triển như thế hơi thái quá, nhưng xét về góc độ nào đó, chính điều này đã thu hút được nhiều tài năng theo đuổi nghề. Người hát ca trù sống đàng hoàng bằng chính tiếng hát của mình nên chuyên tâm trau dồi nghề nghiệp. Còn bây giờ, người hát sống không nổi bằng chính tiếng hát thì làm sao để ca trù phát triển được", cụ Hân trăn trở.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, các nghệ nhân trong làng Lỗ Khê giờ chỉ còn vài người đàn và hát được ca trù. Đa số đã không còn sức để đeo đuổi môn nghệ thuật này nữa. Những người đam mê ca trù như cặp vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hân và Phạm Thị Điền không còn nhiều, trong khi lớp trẻ được truyền nghề nhưng lại không coi nó là một nghề để kiếm sống. Chính điều này đang đẩy ca trù Lỗ Khê đến nguy cơ bị mai một.

Tạm biệt đôi vợ chồng nghệ nhân già chúng tôi ám ảnh bởi câu nói "còn sức chúng tôi còn đàn và hát". Hy vọng, tình yêu, nhiệt huyết của hai cụ đối với ca trù sẽ là động lực giúp lớp trẻ thêm lòng say mê, góp phần giữ gìn môn nghệ thuật truyền thống này.     

80 tuổi vẫn cầm đàn hát

 Cụ Điền cho biết, thời trước không ít người vì say ca trù mà tán gia bại sản, bán cả trâu lẫn ruộng. Đến khi nhẵn tiền mới ngộ rằng mình đã say ca trù lúc nào không hay. Nói như vậy để hiểu được sức hút từ môn nghệ thuật hát nói của dân tộc như thế nào đối với những người nặng lòng với nó. Bản thân chúng tôi, một thời gian dài đã quên ca trù, nhưng khi nghỉ hưu rảnh rỗi tập luyện trong câu lạc bộ chúng tôi cũng bị hút hồn. 80 tuổi vẫn cầm đàn hát.

Như Hải

Thật lạ khi nghe 9X hát ca trù

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Giọng ca của các 9X vang lên, nghe xa xôi như thứ phù vân chốn kinh kỳ.

Đệ nhất danh cầm Nguyễn Phú Đẹ: Người giữ hồn ca trù Việt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng danh cầm Nguyễn Phú Đẹ vẫn đau đáu giữ lửa cho ca trù. Chín mươi năm sống trên đời cũng là từng ấy năm cụ dành hết tâm huyết để đưa những làn điệu ca trù đến gần hơn với công chúng.

Người cuối cùng “giữ lửa” cho phố Lò Rèn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
"Giữa trăm nghề chọn nghề thợ rèn /Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi /Suốt tám giờ chân than, mặt bụi", có lẽ cũng chính vì thế mà phố Lò Rèn của Hà Nội giờ đã thưa vắng tiếng đe, lạnh ngắt lò than hồng. Ông Nguyễn Thế Lai, một trong những người hiếm hoi còn giữ lại nghề bùi ngùi nuối tiếc những ngày xa xưa.

Người ngâm thơ giữ lửa tâm hồn dân tộc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Thập kỉ 60, 70 của thế kỉ trước, trên làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN), một giọng ngâm thơ từng làm say đắm biết bao tâm hồn người Việt.