Câu chuyện tài xế ‘anh hùng’: Đúng là chỉ có… nhà báo sai!

Câu chuyện tài xế ‘anh hùng’: Đúng là chỉ có… nhà báo sai!

Thứ 2, 12/09/2016 | 06:26
0
Mới hôm trước được mọi người tung hô như “người hùng”, giúp cứu sống hàng chục mạng người, đến hôm sau, tài xế Phan Văn Bắc lại phải đối diện luồng ý kiến trái chiều đầy ác ý, coi anh như…“kẻ tồi tệ”.
Xi nhan Trái Phải - Câu chuyện tài xế ‘anh hùng’: Đúng là chỉ có… nhà báo sai!

Anh Phan Văn Bắc xứng đáng được trân trọng vì những gì đã làm, chứ không đáng bị lên án vì những gì... một số nhà báo viết! Ảnh: Tuổi Trẻ.

Có lẽ trong mơ, người tài xế vừa thực hiện chiến công phi thường ấy cũng không nghĩ rằng tên tuổi và việc làm của anh lại được nâng lên đặt xuống với tốc độ chóng mặt như vậy!

Hôm trước, nhiều tờ báo và hãng tin đã ca ngợi anh hết lời, thậm chí “mô tả” ly kỳ y như phim hành động rằng, xe anh Bắc đang chạy phía sau xe khách mất phanh, thì cố gắng vượt lên khi 2 xe đang chạy tốc độ cao ở… đèo Bảo Lộc để còn hãm xe hộ. Hai xe đã phối hợp nhuần nhuyễn thế nào qua cửa sổ xe, hành khách gào thét…

Tới hôm sau, mạng xã hội Facebook tràn ngập những chia sẻ phân tích về sự phi lý trong câu chuyện nói trên, rồi cả lời kể không cụ thể của người trong cuộc… Để từ đó, nhiều người quay ra “ném đá” anh Bắc dữ dội, miệt thị anh bằng những lời lẽ tồi tệ và còn đòi tước đoạt những phần thưởng mà anh vừa được nhận.

Ngồi giữa 2 luồng dư luận rát rạt đó, tôi muốn kể cho các bạn nghe về một câu chuyện xảy ra vài năm trước, có lẽ không khác nhiều chuyện khúc mắc nói trên, vì tựu trung lại, “thủ phạm” lại chính là… các đồng nghiệp của tôi – những phóng viên truyền đạt thông tin tới bạn đọc.

Đầu tháng 6/2013, một chiếc xe bồn đang tiếp xăng cho cây xăng đối diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đã bất ngờ phát nổ, bùng cháy dữ dội. Đông đảo lực lượng cứu hỏa của công an và quân đội được huy động tới hiện trường dập lửa.

Do lo sợ bình xăng phát nổ, lực lượng chữa cháy phải phun vào cả nước (để giảm nhiệt), cát và CO2 lỏng. Sau nhiều giờ đồng hồ nỗ lực, vụ cháy mới được khống chế.

Trong quá trình chữa cháy, một chiến sỹ công an không mặc đồ bảo hộ, đi ủng, có lẽ đảm nhiệm vai trò giữ trật tự vòng ngoài đã nhìn thấy một đám cháy nhỏ bập bùng trên mặt nước chảy tràn phía ngoài. Theo phản xạ, anh đã tới lấy chân đạp, hất nước xung quanh để dập đám lửa này. Không may, anh bị trượt chân, ngã sấp lưng vào đúng đám cháy đó.

Lập tức, chiến sỹ này vội chồm dậy, thì bị lửa bén vào bộ cảnh phục vải đang mặc, cháy đùng. Song rất may những người xung quanh đã giúp dập lửa cho anh.

Sự việc chỉ có vậy, và đã xuất hiện đầy đủ trong một clip được Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) ghi lại.

Nhưng sau đó khoảng 2 ngày, bất ngờ trên một tờ báo lớn xuất hiện chùm ảnh về “sự hy sinh quả cảm”, hiểm nguy gian khó quên mình… trong đó, chụp lại cảnh chiến sỹ công an vừa vùng dậy, lửa bám đầy quần áo. Tác giả chùm ảnh là một phóng viên ảnh còn trẻ. Cậu đã viết những dòng nội dung mô tả chùm ảnh vô cùng lâm li bi đát, khác hẳn sự thật được video clip ghi lại.

Vì clip trên không mấy phổ biến, nhiều người không biết nên chùm ảnh đó bỗng trở thành “hot”, được ca ngợi rất nhiều.

Cho tới khi tôi quyết định đưa vấn đề ra bàn luận công khai trên một diễn đàn báo chí uy tín, nhiều người đã giật mình, song cậu phóng viên ảnh vẫn kiên quyết “đánh tráo khái niệm” để bảo vệ cho thông tin không đúng sự thật của mình.

Còn tôi muốn bảo vệ sự thật, vì tôi tin rằng nếu có cơ hội bày tỏ ý kiến, người chiến sỹ công an trong sự việc cũng không muốn được “ghi công” bằng một câu chuyện không thật về mình.

Câu chuyện trên có sự tương đồng với sự việc của tài xế Phan Văn Bắc, nhưng không phải ở phần “công trạng”, mà là sự mô tả, tường thuật lại của một số phóng viên trên những tờ báo lớn lại không đúng sự thật. Nó khiến hình ảnh của anh Bắc bỗng nhiên trở nên méo mó trong mắt người khác, khi họ phát hiện ra các chi tiết phi lý trong câu chuyện đã qua.

Dù gì nói thì nói, việc người tài xế ấy giúp cứu sống hàng chục mạng người là hết sức đáng trân trọng và biểu dương. Những người đáng ngượng trong sự việc này, hơn ai hết, chính là các phóng viên cầm bút mà quên mất nguyên tắc cơ bản trong nghề nghiệp của mình, là “khách quan” và “tôn trọng sự thật”.

À, mà vẫn còn một thành phần nữa đáng ngượng, các bạn ạ!

Là những “cư dân mạng” lười đọc, lười suy nghĩ song rất nhanh tán đồng theo ý kiến mới phát sinh. Ngày hôm qua, họ có thể dành những lời tán dương có cánh nhất cho người tài xế ấy. Đến hôm nay, vừa có thông tin trái chiều mới xuất hiện, chưa kịp nghe đủ 2 tai, họ lại quay ra trách mắng anh bằng những lời lẽ tổn thương nhất…

Suy cho cùng, nếu tất cả chúng ta không nhìn nhận lại, thì còn ai “dám” làm anh hùng trong thời đại này nữa? Cứ đóng cửa, bỏ mặc mọi thứ, thế hẳn là an toàn…

Trung Hiếu

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Chuyên mục Đa Chiều đưa ra những góc nhìn khác nhau về các vấn đề thời sự - xã hội nóng thu hút dư luận. Độc giả có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, đồng tình hoặc phản biện về vấn đề quan tâm. Xin vui lòng gửi thư về địa chỉ: toasoan@nguoiduatin.vn. Mọi quan điểm của độc giả đều cần được tôn trọng!

 

Cùng chuyên mục

Vinh của Vinh

Thứ 4, 31/01/2024 | 07:00
Có thể hơi chơi chữ chút, nhưng nó là như thế này, tôi muốn nói về cuốn “Vinh phố của tôi” của Phạm Thùy Vinh.

Trước tiền…

Thứ 2, 09/10/2023 | 07:00
Từ năm 1998, pháp lệnh chống tham nhũng đã được ban hành, và về danh nghĩa nó phải được thực hiện nghiêm túc từ hồi ấy.

Chơi mạng xã hội

Thứ 2, 25/09/2023 | 07:00
Vụ án bà Phương Hằng vừa chấm dứt với bà, còn một số người liên quan vẫn đang... chờ.

Quân hồi vô phèng

Thứ 4, 20/09/2023 | 07:37
Thú thực, cho đến bây giờ tôi vẫn không rõ lắm cái câu mà ngày xưa tôi thấy mẹ tôi hay dùng để mắng chúng tôi khi chúng tôi làm gì đấy mà cụ cho rằng vô tổ chức, vô kỷ luật, trên dưới lộn tùng phèo...

Lại nói về văn học trong nhà trường phổ thông

Thứ 7, 09/09/2023 | 07:07
Văn chương khi được đưa vào nhà trường phổ thông, buộc phải qua một quá trình lựa chọn vô cùng khắt khe...