Câu chuyện toàn cầu & sự thách thức đối với đạo Phật

Câu chuyện toàn cầu & sự thách thức đối với đạo Phật

Thứ 2, 05/08/2013 | 16:33
0
Hiện nay thế giới đang đứng trước nhiều sự việc và hiện tượng có tác động toàn cầu. Chúng cũng là những thách thức lớn đối với Đạo Phật và Phật tử chúng ta.

Về mặt tiêu cực, nạn nhân mãn và suy dinh dưỡng tại nhiều nơi trên thế giới, bạo lực tàn phá mạnh mẽ các tài nguyên thiên nhiên – có khi đến độ không thể phục hồi -, cường độ bão lụt gia tăng và quả đất bị hâm nóng dần là một vài ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, hiện tượng suy tôn vật chất và các tiện nghi máy móc đang lan tràn. Sự xói mòn lòng tin đối với những giá trị truyền thống ngày càng mạnh mẽ.

Thiền++ - Câu chuyện toàn cầu & sự thách thức đối với đạo Phật

Đất nước Việt Nam cũng đang trực diện với những vấn đề tương tự. Phật tử chúng ta không thể không phân vân tự hỏi: “Mình đã đóng góp đủ bổn phận vì thế hệ mai sau chưa?”. “Mình đã áp dụng đúng lời Phật dạy trong sự xây dựng một nếp sống quân bình giữa vật chất và tinh thần trong hoàn cảnh mà mình đang có mặt?”

Ngược lại, thế giới cũng đang đứng trước nhiều thuận lợi mới. Sự chấm dứt chiến tranh lạnh, nỗ lực hợp tác giữa những nước đã từng thù nghịch với nhau, sự lớn mạnh của phong trào giải phóng phụ nữ; sự bành trướng bảo vệ môi trường và sự truy tầm một nội dung mới cho vấn đề “phát triển lâu bền”, đang làm tiền đề cho những thao thức và cố gắng mới trong sự xây dựng “một thế giới chung” tốt đẹp hơn. Người Phật tử có thể đóng góp được gì nhằm hỗ trợ và triển khai những việc tích cực ấy?

Các câu hỏi vừa đặt ra cho người Phật tử có lẽ không thừa. Bởi vì Phật tử nào cũng biết câu: “Phật pháp không lìa thế gian pháp” và ý thức rằng giáo lý của Đức Phật không là những gì trừu tượng đứng ra ngoài cuộc đời. Do đó, sự tìm hiểu hoàn cảnh và những sự việc hiện thực, cũng như xu thế phát triển của chúng, với chủ đích làm sống động mối tương quan giữa Đạo Phật và đời sống thực tại, là một điều tất yếu.

Qua đó, người Phật tử vừa thực hiện được một trong bốn lời nguyện lớn: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, vừa nhận thức rõ hơn, thế nào là những hành động hợp với “khế lý” và “khế cơ” trong sự xây dựng một nếp sống vì sự giải thoát của mình và vì sự an lành của chúng sinh. 

Thiền++ - Câu chuyện toàn cầu & sự thách thức đối với đạo Phật (Hình 2).

Sau đây xin gợi ý về “Đạo Phật đối với vấn đề phát triển lâu bền và bảo vệ môi trường”, nhằm góp phần vào cuộc thảo luận chung quanh chủ đề “Đạo Phật và Thời Đại”. 

Bài viết của tiến sĩ Lê Văn Tâm, Đại học Gottingen (CHLB Đức), một trong 12 bài trình bày tại buổi Hội thảo “Phật Giáo và Thời Đại”, được tổ chức tại Trúc Lâm Thiền Viện (Pháp) vào tháng 9 năm 1995.

Là một chuyên viên về bảo vệ môi trường, lại là Phật tử, ông đã vận dụng một phần của lời Phật dạy (Kinh Từ Bi) để mô tả và dự báo về những tác hại mà con người, trong quy trình phát triển xã hội, đã tàn phá thiên nhiên và các động vật hữu hình khác không những một cách vô minh mà còn phi kinh tế nữa. 

Bài trình bày được viết cách đây gần 20 năm, nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự.

Người đưa tin xin chia làm nhiều kỳ để độc giả tiện theo dõi. Tiêu đề các bài báo sẽ được biên soạn, đặt lại cho phù hợp. 

“Phát triển” là vấn đề trung tâm của mỗi quốc gia. Xưa nay chưa có một nội dung thống nhất về “phát triển”. Bởi vì quốc gia nào cũng có suy nghĩ và ưu tiên riêng. Hơn nữa, khi hoàn cảnh chuyển biến thì quan niệm về “phát triển” cũng phải thay đổi để hợp với những yêu cầu mới. “Phát triển” thường được hiểu qua nghĩa hẹp là “phát triển kinh tế”, là “xây dựng và phát huy mọi tiềm năng sản xuất toàn quốc, nhằm phục vụ dân chúng với hàng hóa và dịch vụ”. 

Vào những thập niên 50, 60 phát triển được quan niệm là “sự tăng trưởng hàng năm về thu nhập quốc dân”. Sau đó, nội dung “giảm nghèo, giảm chênh lệch và giảm nạn thất nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế” đã được đề cao. Phát triển cũng được hiểu như “sự thay đổi toàn bộ hệ thống xã hội, nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của khối lớn quần chúng đang cảm thấy thiếu thốn về vật chất và tinh thần”.

Nói chung, dầu với nội dung nào đi nữa, vai trò sản xuất hàng hóa, phân phối và tiêu thụ hàng hóa, vẫn luôn luôn giữ vị trí ưu tiên hàng đầu trong sự phát triển.

Biểu tượng của sự phát triển từ trước đến nay là số lượng ngày càng tăng của sắt thép được chế tạo, của sự sản xuất cùng tiêu thụ năng lượng và hàng hóa, là tốc độ bành trướng đô thị, là tốc độ di chuyển và thông tin. 

Con người đã không ngừng thi đua nhau trong việc sản xuất. Chỉ tiêu “ngày càng nhanh, ngày càng nhiều và ngày càng mới” đã được thần thánh hóa. Nhu cầu về nguyên liệu và chất đốt tăng vòn vọt. Thiên nhiên đã trở thành nguồn vật liệu không ngừng bị khai thác và khống chế. Thiên nhiên cũng là nơi tiếp nhận miễn phí mọi loại rác dơ bẩn và chất thải độc hại. 

Tiến sỹ Lê Văn Tâm

Đại học Gottinggen, Cộng hòa Liên bang Đức

Giữ lại Cố đô Huế thì được tích sự gì?

Thứ 4, 24/04/2013 | 20:50
Người ta không thể đắm chìm trong ký ức. Nhưng không thể gọi các đấng tiên đế lên để tra vấn “sao lại chọn xây Đàn Xã tắc ở chỗ đó”.

Trăm dâu đổ đầu....biến đổi khí hậu

Thứ 6, 26/04/2013 | 11:32
Cách đây hơn một thập niên, cụm từ “biến đổi khí hậu” còn khá xa lạ với nhiều người. Theo tốc độ lan truyền của thông tin đại chúng, đi cùng nhiều dấu hiệu bất thường của thời tiết ngày càng xuất hiện với tần số và cường độ cao hơn, vấn đề “biến đổi khí hậu và nước biển dâng” dần trở nên quen thuộc.

Vấn đề môi trường dưới góc nhìn Phật giáo

Thứ 2, 05/08/2013 | 16:28
Đức Phật đã chỉ ra chân lí của sự sống, rằng mọi loài sống trên trái đất này đều có quan hệ hữu cơ, gắn bó khăng khít với nhau, sự sinh tồn của loài này là điều kiện tồn tại của loài kia và ngược lại sự chấm dứt sự sống của một loài sẽ kéo theo sự diệt vong của loài khác, có cái này sẽ có cái kia, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt.