Câu hỏi trách nhiệm và nỗi đau sau vụ cháy ở Đồng Nai

Câu hỏi trách nhiệm và nỗi đau sau vụ cháy ở Đồng Nai

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Một ngọn lửa ngùn ngụt bốc lên từ buồng hút bụi mùn cưa rồi nhanh chóng lan nhanh khắp xưởng gỗ, 21 công nhân trong tổng số gần 140 công nhân đang làm việc tại đây bất chấp nguy hiểm lao vào tham gia chữa cháy. Trong phút chốc, một tiếng nổ long trời lở đất vang lên, khiến ngọn lửa bao trùm toàn bộ khu nhà xưởng. 21 công nhân tham gia chữa cháy đã bị ngọn lửa trùm lên, chắn cả khu vực cửa ra và bị kẹt lại trong đám cháy.

21 công nhân bị ngọn lửa trùm

Ngày 31/10, ngay sau khi vụ cháy kinh hoàng xảy ra, PV đã tìm đến xưởng gỗ của DNTN Đức Tâm (chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, ngụ ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), chứng kiến cảnh hoang tàn diễn ra tại đây. Toàn bộ khu nhà xưởng của DNTN Đức Tâm bị thiêu rụi hoàn toàn. Trên khuôn mặt của nhiều công nhân may mắn thoát nạn lửa tại xưởng gỗ vẫn hiện rõ sự bàng hoàng, kinh hãi.

Một công nhân làm việc tại đây cho biết, vào khoảng 14h30’ ngày 30/10, gần 140 công nhân đang làm việc tại xưởng gỗ bất ngờ phát hiện lửa đang bốc lên từ buồng hút bụi mùn cưa và lan nhanh. Nhiều người hốt hoảng liều mình phi thân qua đám cháy tháo chạy. Số công nhân còn lại gồm 21 người đã dùng bình chữa cháy và nước để dập lửa. Nhưng sau đó, một tiếng nổ lớn vang lên, ngọn lửa bao trùm toàn bộ xưởng gỗ và 21 công nhân tham gia chữa cháy. Một số công nhân ở phía ngoài nhà xưởng đã sử dụng hệ thống phòng cháy tại chỗ dập lửa giải vây cho số công nhân đang mắc kẹt trong đám cháy.

Xã hội - Câu hỏi trách nhiệm và nỗi đau sau vụ cháy ở Đồng Nai

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Trảng Bom Vĩnh Cửu đang tích cực dập tắt đám cháy.

Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Trảng Bom, Vĩnh Cửu (thuộc sở cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai) đã điều đến hiện trường 2 xe chữa cháy chuyên nghiệp và 20 chiến sĩ tham gia dập lửa. Lúc này, ngọn lửa vẫn bốc lên ngùn ngụt, toàn bộ số gỗ trong xưởng bị thiêu rụi. Các chiến sĩ Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Trảng Bom, Vĩnh Cửu cho biết, lực lượng chữa cháy phải dùng vòi rồng công suất lớn để dập ngọn lửa. Khoảng 30 phút sau, ngọn lửa mới được khống chế. Tuy nhiên, 21 công nhân mắc kẹt trong đám cháy đã bị bỏng nặng, nhiều người trong tình trạng vô cùng nguy kịch.

Cấp cứu kịp thời người bị nạn

Vào thời điểm này, bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) đã điều 5 xe cứu thương, bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) điều 2 xe, bệnh viện Nhi Đồng (TP.HCM) điều 1 xe và một Phòng khám đa khoa tư nhân tại Đồng Nai điều thêm 1 xe cùng hàng chục y tá, bác sĩ cấp tốc đến hiện trường tham gia cấp cứu các nạn nhân. Đến 18h cùng ngày, 21 ca nhập bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã được sơ cứu. Sau đó, các bác sĩ đã quyết định chuyển 16 ca nặng lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), trong đó có 4 ca bỏng từ 50 - 60% diện tích cơ thể, đang trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng.

Những ca còn lại, độ bỏng từ 30 - 40% diện tích cơ thể. 5 ca đang được theo dõi tại bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Bác sĩ Nguyễn Thế Thắc, trưởng phòng chỉ đạo tuyến bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cho biết: "Sau khi chuyển các nạn nhân về bệnh viện, do số lượng nạn nhân quá đông, bệnh viện phải huy động thêm 7 xe cấp cứu của bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, đồng thời điều thêm gần 100 diều dưỡng, y tế, bảo vệ, bác sĩ khẩn trương sơ cứu, chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu gấp.

Đến 17h50' cùng ngày, các nạn nhân bị bỏng nặng đã được đưa đến bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu. Bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa bỏng, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Bệnh viện đã tiếp nhận các nạn nhân trong tình trạng bị bỏng nặng, người bị nặng nhất là 72%, nhẹ nhất là 8%. Sau khi nhập viện, các nạn nhân được các bác sĩ nhanh chóng kê thuốc giảm đau và kháng sinh nhằm chống sốc bỏng và phòng ngừa bội nhiễm. Trong số nạn nhân đang được cấp cứu và điều trị tại bệnh viện, đa số là đàn ông, chỉ có một phụ nữ. Nạn nhân nhiều tuổi nhất sinh năm 1965, ít tuổi nhất sinh năm 1994.

Ngày 31/10, PV có mặt tại bệnh viện Chợ Rẫy để tìm hiểu tình trạng sức khỏe của các nạn nhân. Theo BS Phạm Trí Dũng, trưởng Khoa Cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, trước đó, khoa bỏng bệnh viện Chợ Rẫy đã có 73 bệnh nhân đang nằm điều trị.

Bây giờ cùng lúc tiếp nhận nhiều nạn nhân trong vụ cháy trên, nên bệnh viện đã tăng cường các bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng và các bác sĩ ở các khoa khác đến để điều trị kịp thời cho nạn nhân. Hiện có 4 nạn nhân bị bỏng trong vụ cháy, nổ trên phải nằm điều trị ở phòng hồi sức tích cực với diện tích bỏng lên tới 72% (độ bỏng 2 - 3), số nạn nhân còn lại đang được theo dõi đặc biệt.

Nhiều nạn nhân không người thân chỉ có một mình

Cũng trong ngày 31/10, ghi nhận tại Khoa bỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện rất nhiều nạn nhân đang một mình chống chọi với nỗi đau đớn của những vết bỏng nặng. Nhiều nạn nhân cho biết, hầu hết họ là những người xa xứ từ nhiều tỉnh thành vào đây làm ăn. Mặt khác, sự việc xảy ra quá bất ngờ và đột ngột nên các thân nhân của họ vẫn chưa kịp đến để chăm sóc. Bà Nguyễn Thị Lựu (45 tuổi, quê Bình Thuận), cho biết: "Sự việc xảy ra quá bất ngờ, nên hầu hết các gia đình của các nạn nhân ở xa vẫn không hề hay biết. Điều khó khăn nhất của họ bây giờ không phải chỉ có thuốc men mà cần có một người chăm sóc và chia sẻ nỗi đau".

Thơ Trịnh - Thanh Nguyên