“Cây di sản” thứ hai mang dáng dấp một chuyện tình bất tử

“Cây di sản” thứ hai mang dáng dấp một chuyện tình bất tử

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Lịch sử của cây gắn với chuyện tình cảm động của cụ ông đời thứ sáu dòng họ Lê Văn (Dương Quang, Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Nằm tọa lạc bên ven bờ con sông Thương thơ mộng ngay sát chân cầu Bắc Giang, đền Tân Ninh (P.Trần Phú, TP.Bắc Giang) nổi tiếng với cây sữa mang dáng dấp của một chuyện tình và rất nhiều gia thoại được truyền tụng qua bao đời. Với rất nhiều tò mò về cây Sữa nổi danh, qua một người bạn giới thiệu, chúng tôi rời Hà Nội phồn hoa tìm về với mảnh yên bình có dòng sông Thương bên đục bên trong.

Xã hội - “Cây di sản” thứ hai mang dáng dấp một chuyện tình bất tử

Bà Nguyễn Thị Vân Nga, Nguyễn Thị Phận, Lê Nhung Tuyết (từ phải sang) đang chia sẻ những câu chuyện lạ của ngôi đền và cây sữa

Tuổi của cây gắn với niên đại hơn 700 năm của đền?!

Qua đầu cầu Bắc Giang theo đường Quốc lộ 1A cũ, chúng tôi rẽ phải chạy dọc theo triền đê khoảng chưa đầy 500 mét là đến được với đền Tân Ninh. Phải nói rằng đền Tân Ninh (hay còn gọi là đền cây Sữa) có một vị trí hết sức đắc địa. Lưng đền ngả sát sườn đê, mặt đền hướng ra con sông Thương thơ mộng có hai dòng trong đục gợn sóng lăn tăn mỗi chiều ngả gió. Nhìn sang bên phải đường, cây cầu vào thành phố vắt ngang dòng sông như dải yếm thắm của người quan họ.

Trước mắt chúng tôi lúc này là hình ảnh một cây có tán lá rộng, xòe bóng um tùm, cao che phủ cả không gian quanh đền. Vì đã có sự giới thiệu từ trước nên chúng tôi đoán ngay đó là cây Sữa mà mình đang muốn tìm hiểu. Bà thủ hương của đền tên Lê Nhung Tuyết (SN 1947) đón tiếp chúng tôi với thái độ niềm nở, tự hào. Bà Tuyết cũng chính là người đầu tiên xây dựng lại đền sau những năm tháng bị chiến tranh tàn phá.

Nói chuyện với PV Người đưa tin, bà Tuyết kể lại: “Đền đã xuất hiện từ thời Trần đến nay cũng hơn 700 năm tuổi (?!). Những năm kháng chiến chống Pháp, ngôi đền đã bị dỡ mất. Cho đến nay, chỉ còn giữ lại được vài tảng đá xây bậc thềm. Đền thờ tam vị là Đức Thánh Trần và hai tướng Trần Văn Sơn, Trần Văn Cảnh. Theo như lời bà Tuyết thì cây Sữa này cùng tuổi với ngôi đền. Hằng năm vào mùa tháng Tám, hoa sữa nở thơm ngào ngạt cả một vùng trời. Cây cao, to như một cây đa cổ thụ. Có lẽ không ở đâu lại có cây hoa Sữa to như cây hoa Sữa ở đền Tân Ninh này. Gốc cây to chừng hai tay người ôm. Nó mọc thẳng lên khoảng 2 mét thì chia tách làm hai thân. Ỡa giữa đoạn chia tách này có một nhánh cây nhỏ mọc thẳng lên một đoạn. Hai nhánh cây chia tách đến gần ngọn cây thì lại chập làm một. Chính bởi dáng hình kỳ lạ này mà người dân nơi đây và những vị khách đến đền vãng cảnh đã đặt cho cây một cái tên khác rất thơ mộng là cây “song song phu phụ” (tức là cây vợ chồng).

Xã hội - “Cây di sản” thứ hai mang dáng dấp một chuyện tình bất tử (Hình 2).

Hình dáng cây sữa nhìn từ xa

Câu chuyện tình như… dáng dấp loài cây

Bà Tuyết chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về một câu chuyện tình khá lãng mạn nhưng bi thương lưu truyền qua bao nhiêu đời ở ngôi đền. Đó là chuyện một chàng trai quê ở Hải Phòng đến miền Kinh Bắc đã đem lòng yêu một cô gái với giọng hát tình tứ làm say lòng người ở miền quan họ. Yêu nhau được một thời gian thì chàng trai đất cảng quyết định hỏi cưới cô gái. Và tất nhiên, cô gái đã gật đầu đồng ý. Họ hẹn ước sống chết cùng nhau không rời xa. Khi tình yêu của họ đơm hoa kết trái bằng một cái thai đã hơn một tháng tuổi, chàng trai quyết định trở về Hải Phòng để báo cáo chuyện tình cảm với gia đình và hợp thức hóa mối quan hệ với người mình yêu thương.

Trong khi chờ đợi chàng trai trở về quê hương, cô gái vô cùng mong nhớ. Ngày ấy, chuyện trinh tiết của người con gái còn hết sức khắt khe. Vì đã không giữ được mình nên cô gái đã phải sống trong tâm trạng lo lắng, thấp thỏm. Chàng trai đất cảng không có một tin tức nào với người đã trót mang giọt máu của mình. Hơn một tháng trời không thấy chàng trai quay lại, cô gái đã quyết đi tìm người mình yêu. Ngày ấy, miền quan họ quê hương cô gái tới mảnh đất cảng nơi người yêu cô sinh sống bị ngăn cách bởi dòng sông Thương thơ mộng. Khi đứng bên này ngóng về phía bên kia sông chờ đợi, cô gái đã không thể nén lòng khắc khoải. Cô quyết định bơi qua sông để sang bờ bên kia đi tìm người yêu. Tuy nhiên, vì sức khỏe yếu do nhiều ngày không ăn ngủ được nên cô đã kiệt sức giữa dòng. Cô gái đã chết ở đây với cái thai hơn một tháng tuổi.

Trong thời gian cô gái chết, người dân nơi đây đã phát hiện ra xác một người con trai cũng bơi từ bên kia sông qua bên này để tìm người yêu. Chàng trai đó chính là người mà cô gái hết mực yêu thương và chờ mong. Vì thời gian về lại quê nhà không nhận được sự đồng ý của gia đình nên chàng trai đã một mình lên Phủ Lạng để gặp cô gái. Anh sợ người yêu đợi mình lâu sẽ có chuyện chẳng lành. Khi đến bờ sông Thương, chàng trai cũng nóng lòng bơi qua sông Thương để sang gặp lại người yêu. Nhưng vì đường đi xa xôi phải đi mấy ngày trời vất vả nên chàng trai cũng đã bị chết đuối dưới sông. Người dân sống ven bờ sông phát hiện ra và vớt thi thể chàng trai lên để mai táng.

Cũng nơi hai người chết đã mọc lên một cây hoa Sữa. Người dân nơi đây bao đời nay cứ truyền tụng nhau câu chuyện tình buồn gắn với sự xuất hiện của loại cây mang dáng hình cổ tích. Cho đến ngày 26/4 âm lịch năm 2012, đền Tân Ninh đón tiếp một đoàn gồm sáu vị khách từ Hải Phòng đến. Họ chính là con cháu dòng họ Lê Văn ở Dương Quang, Thủy Nguyên đang đi tìm lại cụ tổ nhà mình theo dấu tích lịch sử còn để lại trong gia phả. Theo đó, cụ tổ đời thứ sáu của dòng họ này đã từng làm quan trên Phủ Lạng Thương cũ. Vì trót đem lòng yêu một cô gái miền Kinh Bắc mà cụ ông đã bỏ mạng ở dòng sông Thương khi bơi qua sông để tìm đến gặp người yêu. Đến ngày hôm nay, con cháu cụ mới có điều kiện đi tìm và mong rước cụ về với ban thờ tổ tiên.

Anh Lê Văn Quý (con cháu chàng trai bơi qua sông) có tâm sự lại với bà Tuyết rằng: “Chúng tôi đã đi dọc sông Thương đoạn chảy qua phủ Lạng xưa để mong tìm lại được dấu tích của cụ nhà mình. Khi đến với đền Tân Ninh, nghe câu chuyện của đôi trai gái xưa còn được người dân truyền tụng lại, cùng với việc lật lại gia phả của dòng họ thì chúng tôi có thể khẳng định cụ nhà mình đang nằm ở đây rồi”.

Ngày 16/4 âm lịch (tháng nhuận), dòng họ Lê Văn lại tổ chức một đoàn gần 20 người đến đây để làm lễ kiều cụ nhà mình về theo phong tục địa phương để thờ cúng. Trong ngày kiều cụ, có một con rắn to bằng đầu ngón chân cái, dài chừng hơn hai mét xuất hiện và nằm cuộn tròn trước quả chuông cúng cầu trong buổi lễ. Con rắn xuất hiện chừng hơn một tiếng đồng hồ dưới sự chứng kiến của nhiều vị khách đến đây thắp hương, cầu lễ, vãn cảnh.

Dương Thu – Đinh Nhung