Cây hài Bình Trọng: 'Kẻ nhảy dù trong nghệ thuật'

Cây hài Bình Trọng: 'Kẻ nhảy dù trong nghệ thuật'

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Tự ví mình như một "kẻ nhảy dù trong nghệ thuật", nghệ sĩ hài Bình Trọng một trong những cây hài hàng đầu đất Bắc tâm sự: "Làm nghệ thuật thì khó giàu được nhưng bù lại được cái phong lưu tình người giữa cuộc đời".

"Kẻ nhảy dù"

Cái duyên với sân khấu đến với Bình Trọng khá sớm vì cha anh là NSƯT Trần Nhượng. Tuổi thơ của anh gắn liền với các buổi diễn của cha. Thời gian anh được ở với mẹ thì ít, ở với các cô chú trong đoàn diễn của cha thì nhiều. Lần đầu tiên đứng trên sân khấu là lúc 5 tuổi, khi đoàn làm phim của cha anh "cấn" diễn viên nhí quá, thấy cậu bé con bám theo cha đi xem diễn "kháu" quá thế là các cô các chú "hốt" luôn.

Về sau, trong suốt thời niên thiếu, anh không ít lần phải làm diễn viên bất đắc dĩ như vậy, thế nhưng anh chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một diễn viên chuyên nghiệp. Nhìn cha mình, suốt đời làm nghệ thuật nhưng vẫn cứ nghèo, gia đình lại cứ phải một chốn bốn nơi nên anh đâm ra nản, muốn tìm cho mình một con đường khác.

Tốt nghiệp cấp III, anh nuôi ước mơ trở thành một nhà quản lý văn hóa, bèn nộp đơn thi vào trường đại học Văn hóa Hà Nội. Ra trường, anh bắt đầu với vị trí của một trợ lý đạo diễn trong các đoàn làm phim của hãng phim truyền hình Việt Nam. Nói là trợ lý cho oai, chỉ những ai ở trong nghề mới biết vất vả thế nào, chỉ là chân chạy "lon ton"..., thậm chí khi cần cũng phải đóng những vai quần chúng nhỏ lẻ. Công việc toàn những thứ không tên nhưng lúc nào cũng phải căng ra để chạy, bù lại được cái nhanh nhẹn, tháo vát và cởi mở nên anh được các đạo diễn và đồng nghiệp rất quý mến.

Sự kiện - Cây hài Bình Trọng: 'Kẻ nhảy dù trong nghệ thuật'

Gia đình nhỏ của nghệ sĩ hài Bình Trọng.

Năm 1996, khi những số đầu tiên của chương trình "Gặp nhau cuối tuần" khởi quay và lên sóng, trong một lần tình cờ, đạo diễn cần tìm một người đóng vai "ma cà bông", một anh chàng vá săm lốp và rải đinh trên đường cao tốc. Vai diễn ngắn nhưng lại khó kiếm nhân vật, thời gian thì gấp lại yêu cầu cần phải tiết kiệm chi phí trường quay. Gấp quá, đạo diễn "ấn" ngay anh vào. Không ngờ, vai diễn này lại đánh dấu bước ngoặt trong nghiệp diễn của anh. Thành công tới mức, từ đó trở đi, hễ cần một vai diễn nào ngắn, có tạo hình hài hước, láu cá là các đạo diễn... gọi anh. Bình Trọng tâm sự, có lẽ chính nghiệp diễn đã lựa chọn anh nhưng dù thế nào đi nữa, nếu không có sự đam mê và dốc lòng thì cũng không thể có một Bình Trọng của ngày hôm nay.

Nhiều người thường hỏi: Tại sao anh không chọn làm chính kịch như cha mình, anh suy nghĩ rồi trả lời: Cũng có thử qua vài vai diễn nhưng có lẽ không hợp với cái "tạng" của mình, vốn lười nên chỉ thích những vai nho nhỏ, ngăn ngắn và có phần hơi "nhố nhăng" một chút. Với lại cũng phải có duyên thì mới làm được, diễn hài mà khiến người xem phải khóc thì nhiều khi còn khó hơn nhiều. Anh không quan trọng hài kịch hay chính kịch, miễn là khán giả còn nhớ tới những vai diễn của anh, không nhàm chán mỗi khi anh bước lên sân khấu.

Khi đã tự nguyện gắn bó với nghề thì nghề cũng chẳng phụ mình, đi diễn nhiều nơi, vừa diễn vừa tiếp tục ở vị trí trợ lý đạo diễn, anh có cơ hội quan sát và học hỏi các phong cách làm phim khác nhau, đến khi có cơ hội cũng chập chững "nhảy" vào vị trí đạo diễn. Những chương trình hài, quảng cáo cho tới phim ngắn... mỗi lần đóng máy một bộ phim là một lần anh thở phào nhẹ nhõm để đến khi lên sóng lại thêm một lần hồi hộp theo dõi xem có bị khán giả "ném đá" không.

Gắn bó với nghiệp diễn đã mười mấy năm nhưng vẫn chưa mua được cho vợ chồng con cái một ngôi nhà riêng để làm chốn đi về, vẫn phải đi ở nhờ nhà bạn, anh phân bua: "Thực ra thì cũng có cơ hội mua 2 lần rồi, nhưng toàn để hụt mất. Cũng do anh không quyết đoán cả, lần sau quyết để quyền quyết định cho vợ mới yên tâm". Hãng phim mang tên con trai Bình Minh ra đời cũng đã được mấy năm, hai vợ chồng anh vẫn phải tất tả ngược xuôi làm thêm bên ngoài để có tiền trang trải cho những bộ phim đang và sắp "ra lò". Được cái cả hai vợ chồng đều là những người chu toàn với nghệ thuật nên chịu khó đầu tư, thà lãi ít hoặc không lãi nhưng phim chất lượng thì vẫn "được lãi" cái tình mà khán giả dành cho.

Vợ là nội tướng quyết định việc lớn nhỏ trong nhà

Đi làm nhiều, lại làm cái nghề đạo diễn nên cơ hội tiếp xúc với các người đẹp càng nhiều nhưng chàng trai trẻ Bình Trọng vẫn chưa tìm được một nơi để yên tâm gửi gắm tình cảm của mình, mãi đến năm 2002, khi tham gia vào ê kíp tổ chức cuộc thi hoa hậu Việt Nam thì anh mới gặp chị. Anh có một chút ưu ái, quan tâm hơn với những thí sinh đồng hương Hải Dương nhưng sau cuộc thi là quên luôn.

Bẵng đi vài tháng, một lần đến xưởng phim, đi qua đại học Luật, tình cờ có một cô gái trẻ xinh đẹp và cao ráo đạp xe qua mỉm cười chào với anh. Bình Trọng thú thực lúc ấy không thể nào nhớ nổi đã gặp cô ở đâu, đành ậm ờ hỏi chuyện lấp liếm cho qua. Mãi vài lần hẹn hò cà phê anh mới nhớ ra đã gặp cô trong cuộc thi. Tình yêu đến cũng nhẹ nhàng, nên vợ nên chồng trong sự bất ngờ của nhiều người. Hạnh phúc nhiều khi như món quà mà cuộc đời đột nhiên đặt vào tay mình.

Hồi ấy, cũng có nhiều người theo đuổi nhưng lý do chị chọn anh cũng bởi vì anh đơn giản, thật thà, thậm chí thật thà tới mức ngờ nghệch. Chị cảm nhận được sự chân thành của anh, hoàn toàn khác với những lời ong bướm đường mật của những người đàn ông hào nhoáng khác. Lấy nhau rồi, vợ chồng chật vật xoay xở với cuộc sống. Anh phải nhận đi show nhiều hơn, nhiều đêm diễn ở tỉnh, bạn bè trong đoàn phải "tị" vì chỉ có anh có người tháp tùng. Có những hôm, 4h sáng đã lên xe đi Hải Dương, Ninh Bình rồi vòng về Thanh Hóa, tối lại phải có mặt ở Hà Nội. Nhìn vợ gà gật dưới sân khấu mà thương. Mãi đến khi có con, chị không theo anh thường xuyên được nữa.

Bình Trọng chia sẻ: "Trong nhà, cô ấy là bà nội tướng quyết định những việc lớn, mình đàn ông nhưng không xốc vác nên chỉ làm những việc nho nhỏ thôi. Nói là việc nhỏ, nhưng ngay cả những việc như chăm con, cho ăn, cho tắm thì anh cũng chịu".

Anh vốn khảnh ăn, thậm chí ăn hơi yếu nhưng lại yêu cầu cao, bữa ăn luôn luôn phải có nhiều món. Nhiều hôm thèm ăn cái này, cái kia, bảo vợ mua về nấu, rồi đến bữa lại chẳng đụng vào miếng nào. Nghĩ cũng tội cho vợ tất tả mua sắm rồi bếp núc nhưng cũng chẳng nói được một lời khen động viên. Nhưng dù đi diễn ở đâu, bận thế nào cũng cố gắng về ăn cơm của vợ, vì chỉ có chị mới hiểu được khẩu vị của anh.

Là dân luật nên chị đảm đương luôn cả việc quản lý công ty, anh chỉ việc lo sao cho chất lượng những thước phim thật tốt. "Mình thật thà quá nhiều khi thành ra thua thiệt, cứ giao cho vợ là yên tâm rồi", nghệ sĩ Bình Trọng tâm sự.

Đỗ Huệ