Hành trình tìm chữ cho trẻ em nghèo miền biển

Hành trình tìm chữ cho trẻ em nghèo miền biển

Thứ 3, 19/03/2013 | 22:20
0
Hơn 40 năm trên cương vị là nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, bà giáo Nguyễn Thị Thông (61 tuổi, ngụ xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã trăn trở với nhiều cảnh ngộ trẻ em nghèo thất học. Nhìn thấy những đứa trẻ nghèo khó, không học hành, bà giáo làng đã tự bỏ công sức, tiền bạc đi tìm con chữ cho chúng. Thậm chí, người đàn bà này đã chấp nhận hi sinh cả hạnh phúc riêng để dành thời gian dạy học cho học sinh nơi đây.

Cả đời vì học sinh nghèo

Đã từ lâu, căn phòng nhỏ của gia đình bà là nơi học tập của lớp học tình thương. Trên bục giảng, một cô giáo với mái tóc đã lốm đốm bạc đang miệt mài dạy các em đánh vần từng con chữ. Thấy khách lạ đến, bà cho học sinh nghỉ một lát rồi mời chúng tôi vào nhà. Sau khi trò chuyện, chúng tôi mới biết, trước đây, bà Nguyễn Thị Thông đã từng là hiệu trưởng trường tiểu học và trung học xã Ngư Lộc. Đến tuổi nghỉ hưu, bà tự nguyện dạy học cho những đứa trẻ nghèo. "Dân nơi đây sống bằng nghề đi biển nên nghèo lắm. Mà cái nghèo chính là bóng tối che lấp đi cái chữ", bà Thông nói với chúng tôi như thế. Năm nay, bà đã bước qua tuổi 60, cái tuổi mà đáng ra phải được nghỉ ngơi sau những tháng cống hiến cho giáo dục. Tuy nhiên, người đàn bà  này vẫn dành thời gian chăm lo cho những học sinh nghèo vùng biển.

Thời con gái, bà Thông nức tiếng là xinh đẹp, ngoan ngoãn lại học giỏi nên được nhiều chàng trai "trồng cây si". Bà là con thứ hai trong gia đình 5 chị em. Gia đình nghèo, từ nhỏ, bà luôn ước sẽ học thật giỏi để trở thành cô giáo. Và có lẽ, cùng hoàn cảnh nghèo khó nên bà hiểu được cái khát khao con chữ của những đứa trẻ miền biển. Học xong phổ thông, bà thi đỗ vào trường cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa. Khi ra trường, cô giáo trẻ về công tác tại mái trường gần nơi cô đã sinh ra và lớn lên. Bà Thông tâm sự: "Ngày ấy, bố mẹ tôi già yếu, vừa phải đi làm, vừa nuôi các em ăn học, tôi đã quên mất là mình phải lập gia đình. Đến khi các em đã trưởng thành, nhìn lại thấy mình đã "ngoại tứ tuần" nên không muốn đi tìm hạnh phúc riêng nữa. Giờ đã sống hơn nửa đời người, niềm vui của tôi là hàng ngày dạy học cho những đứa trẻ em nghèo".

Xã hội - Hành trình tìm chữ cho trẻ em nghèo miền biển

Bà Thông luôn cố gắng truyền thụ kiến thức cho các em.

Đưa tiền để thuyết phục phụ huynh cho con đi học

Ở Ngư Lộc, nhiều gia đình nghèo lại đông con. Việc đảm bảo đủ cái ăn, cái mặc đã khó nói gì đến ước mơ xa xỉ là đi học chữ. Nhiều đứa trẻ lớn lên không biết mặt chữ, bố mẹ không dạy dỗ đến nới đến chốn, dễ đi vào con đường trộm cắp, tù tội. Năm 2001, bà Thông nghỉ hưu, thấy nhiều cháu đến tuổi đi học không được đến trường, nhiều người lớn chưa biết mặt chữ. Chính vì thế bà đã mở lớp dạy học tình thương, dạy cho các em biết đọc, biết viết để hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.

"Nhìn những đứa trẻ ăn mặc rách rưới, đói ăn, đói mặc, đói con chữ mà tôi cảm thấy xót xa lắm. Tôi muốn dạy cho các cháu có cái chữ để bước vào đời", bà giáo Thông tâm sự. Thế rồi từ ý nghĩ phải xây dựng một lớp học tình thương, bà Thông đã làm đơn báo cáo với Đảng ủy UBND xã Ngư Lộc và trường học, đứng ra xin bảo lãnh cho các em đi học. Bà tự mình lặn lội xuống tận các thôn xóm trong xã, thuyết phục các gia đình cho các em đi học. Bà giáo già bảo, xuống nhà các cháu mới thấm thía được tại sao có cháu đã 10 tuổi mà không được đến trường. Bố mẹ các cháu đi biển quanh năm, không quan tâm đến việc học hành của con cái. Có khi cả tháng trời, chúng sống thui thủi trong nhà vì bố mẹ ngoài khơi xa. "Thậm chí, khi tôi đi thuyết phục phụ huynh cho con em đi học, có người còn đuổi đánh. Họ sợ rằng con mình đi học sẽ không về nhà làm việc nữa. Nhiều khi, tôi phải cho tiền, cho gạo phụ huynh để họ đồng ý cho con mình đi học", bà Thông kể lại.

Nhớ lại ngày ấy, bà giáo Thông bảo: “Ngày đó làm gì có bàn ghế mà ngồi như bây giờ. Tôi phải lên xin nhà trường cấp 1 được ít bàn ghế đã gãy, nhờ thợ mộc sửa sang lại cho các cháu ngồi tạm. Nhiều hôm cô trò đang học trên lớp thì trời đổ mưa, mái nhà bị mưa hắt vào, mấy cô trò mang áo mưa che đậy để nước đỡ chảy ra nền nhà".

Giờ thì lớp học đã được cải thiện hơn. Bà giáo Thông dành hẳn một gian để cho cô trò làm việc. Tiếng là phòng học nhưng chỉ là gian nhà nhỏ trước ngõ mái ngói đã cũ nát, bờ tường vữa lở ra cả mảng, có thể rơi xuống đầu cô trò bất kể lúc nào.

Em Nguyễn Văn Xuyên, 13 tuổi cho biết: "Cô giáo như người mẹ thứ hai của con. Thấy hai anh em suốt ngày đi nhặt rác ngoài bờ biển, cô đã đến tận nhà để thuyết phục mẹ cho chúng con đi học. Cô tập cho con đánh vần, viết chữ cái mà không lấy tiền thù lao".

Giáo trình ở lớp học tình thương này không giống với bất kỳ một trường lớp nào, bởi những học sinh nơi đây quy tụ nhiều lứa tuổi khác nhau. Lớn có, bé có, đều ngồi cùng nhau học bài. "Tôi có phương pháp riêng để áp dụng cho từng em. Nhiều cháu đã hơn 10 tuổi nhưng khi tôi đưa bảng chữ cái ra hỏi thì lắc đầu không biết. Vì chúng chưa nhìn thấy mặt chữ bao giờ", bà giáo làng tâm sự. Nhiều cháu trí nhớ rất kém, do không được rèn luyện từ nhỏ nên cứ dạy trước lại quên sau. Có em viết đến 100 lần vẫn không nhớ nổi mặt chữ. Tan lớp các em về nhà ném sách vở vào góc tường, rồi chạy ra biển nhặt rác kiếm sống, hôm sau đến lớp lại quên ngay. Nhiều lúc bà Thông cảm thấy bất lực, muốn chửi mắng, dùng hình phạt các em nhưng nghĩ thương các em lắm.

Xã hội - Hành trình tìm chữ cho trẻ em nghèo miền biển (Hình 2).

Bà giáo Thông đang giảng bài trên lớp.

"Những đứa trẻ mặc chung quần giờ đã nên người"

Cuộc trao đổi giữa chúng tôi với bà giáo Thông nhiều lúc bị gián đoạn, bởi trên gương mặt gầy gò, điểm vài vết nhăn, những giọt nước mắt thi thoảng nhỏ xuống như trăn trở cho những mảnh đời, số phận các em nơi đây.

Như trường hợp ba anh em ruột Ngọ, Nhâm, Nhung giờ đã vào tuổi trưởng thành, người thì lập nghiệp ở xa, người thì phát triển kinh tế tại địa phương. Năm 2002, cơn hồng thủy đã cướp đi người bố thân yêu của các em. Nhưng được cô giáo Thông giúp đỡ, các em đã quyết tâm học tập, là tấm gương cho những con người nghèo khó, biết vươn lên trong cuộc sống.

Ngôi trong căn nhà tranh 2 gian liêu xiêu trước gió là nơi sinh sống của cả gia đình. Mỗi khi trái gió, trở trời ba anh em Ngọ phải thức trắng đêm lấy áo mưa ra lót mái nhà để mưa đỡ chảy vào nhà. Bố mất, mẹ đi làm thuê, các em phải tự lo cuộc sống hàng ngày. Nhiều hôm nhà hết gạo, các em không biết phải đi vay mượn ai, đành ăn tạm gói mì tôm cho qua bữa. Hai anh em trai Nhâm và Ngọ có duy nhất một cái quần đi học, cứ hôm nay Nhâm mặc, ngày mai đến lượt Ngọ mặc đến lớp. "Có hôm tôi đến thăm, thấy Nhâm cuộn quanh mình chiếc chiếu rách, gọi mãi em không ngồi dậy, nghĩ là em bị ốm. Hỏi ra em mới khai thật: Do không có quần nên em không dám đi đâu. Sau đợt đó chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho các em có gạo để ăn, quần áo để mặc. Bây giờ các em đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Mỗi lần về quê các em đều tranh thủ sang thăm tôi", bà Thông vừa nói vừa mỉm cười mãn nguyện.

Chúng tôi chia tay lớp học tình thương của bà giáo Thông khi hoàng hôn buông xuống. Hình ảnh về một cô giáo nghèo miệt mài giảng bài cho những mái đầu xanh làm tôi cảm kích và khâm phục. Từng giây, từng phút bên học trò nghèo bà đều cố gắng truyền đạt kiến thức của mình cho các em. Bà hy vọng cuộc đời các em sau này sẽ tươi sáng.

 Vị "phù thủy" diệt trừ "bóng ma" mù ch

Bà Nguyễn Thị Thông (SN 1946) từng làm Hiệu trưởng trường cấp 1,2 xã Ngư Lộc. Bà từng được phong tặng Nhà giáo ưu tú năm 1998. Do có nhiều đóng góp cho sự phát triển giáo dục của địa phương nên bà được nhận bằng khen của Trung ương hội khuyến học; Bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về sự đóng góp cho nền giáo dục tỉnh nhà... Đặc biệt, từ năm 2001 đến nay, bà giáo Thông đã dạy cho hơn 100 người biết đọc biết viết. Trong đó có 70 em đã hòa nhập cùng các bạn tại trường, 30 người được xóa mù chữ. Bà Thông bảo, sắp tới vào năm học mới sẽ chuyển 9 em lên lớp 2 và lớp 5 vào trường học. Hết lứa học sinh này trong xã sẽ xóa sổ nạn mù chữ.

Phương Phương

Cô giáo nhiễm HIV ươm mầm sống cho đời

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
Phòng Giáo dục huyện đã giải thích cho mọi người biết về HIV, tác hại cũng như cách lây nhiễm của nó để mọi người không quá lo lắng trước câu chuyện “động trời” khi nhà trường quyết định giữ một giáo viên có HIV ở lại giảng dạy.

Chuyện về thầy giáo mù gieo chữ trên đồi cát

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Không trường không lớp, không phấn trắng mực đen, lớp học trên đồi cát Bay (hay còn gọi là đồi Hồng, Mũi Né – Bình Thuận) của thầy giáo mù có những đứa trẻ lấm lem, vất vả với mưu sinh.

Thầy giáo đẹp trai bày teen cách "thoát bẫy tình, tiền"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Các clip tháo gỡ "những rắc rối khó đỡ" trong việc tránh sa vào bẫy tình của một thầy giáo trẻ đang khiến cộng đồng mạng phát cuồng.

Cô giáo nghèo mở trường giúp trẻ em cơ nhỡ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Dù nhà còn nghèo khó nhưng cô giáo Huỳnh Mai vẫn giang tay giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh

"Bà tiên" nuôi 12 trẻ mồ côi trên đỉnh Thiên Cấm sơn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Mười năm qua, bà Võ Thị Ba (75 tuổi) đã nhận về 12 đứa trẻ không cha mẹ để nuôi dưỡng, chăm sóc như máu mủ ruột thịt của mình.