Chai nhựa, túi nilon: Dùng một lần, hại nghìn năm

Minh Minh

Hơn 300 triệu tấn là con số rác thải nhựa trên toàn cầu được thải ra môi trường hàng năm, trong đó 50% là nhựa dùng một lần. Ở Việt Nam, trong 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm có tới 300 tỷ chiếc túi nilon tiện lợi... Điều đáng nói, túi nilon, chai nhựa, ống hút nhựa, hộp cơm trưa văn phòng... chỉ được dùng một lần nhưng phải mất 500 – 1.000 năm sau mới phân huỷ hết.

Từ thói quen hàng ngày...

7h sáng một ngày bình thường trong tuần, bà Hoàng Thị Lan (65 tuổi, phố Minh Khai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) dắt xe máy ra khỏi nhà để đi chợ. Ngoài ví tiền và điện thoại, người phụ nữ này không mang theo bất cứ vật dụng gì để đựng đồ mang về, khác với thói quen của chính bà cách đây 40 – 50 năm là xách một chiếc làn bằng mây.

Theo chân bà Lan ra đến chợ 8/3 - ngôi chợ truyền thống nằm trên phố Quỳnh Mai, cách đó hơn 1km - chúng tôi thấy hầu hết mọi người dân khi đến chợ đều không mang theo làn, túi... Mua nửa cân thịt lợn, 5 bìa đậu, một mớ rau muống, 2 củ su hào, 2 lạng thịt bò, 4 gói xôi và 2 suất cháo cho trẻ em, bà Lan đã sử dụng tất cả 6 chiếc túi nilon và 2 cốc nhựa dùng một lần.

Thói quen dùng túi nilon một lần (ảnh trái) nên được thay thế bằng dùng làn đi chợ.

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin pháp luật, người phụ nữ này cho biết, phần lớn những chiếc túi nilon được bà tận dụng lần nữa để đựng rác thải gia đình rồi vứt ra xe rác. Khi PV đề cập vấn đề rác thải nhựa, bà Lan hồn nhiên hỏi lại: “Không đựng bằng túi nilon thì đựng bằng gì? Chẳng lẽ mang cả đống bát, đĩa đi mua thức ăn về?”.

Còn bà Lê Thị Hồng - tiểu thương bán rau củ quả tại chợ 8/3 - cho hay, việc người bán hàng phải trang bị túi nilon cho khách mang đồ về đã thành thông lệ nhiều năm nay. “Biết là làm phát sinh nhiều rác thải nhưng không thay đổi được, thậm chí có người chỉ mua một mớ rau hay mấy quả ớt cũng yêu cầu đựng trong túi nilon”, bà Hồng nói

Chúng tôi hiểu tại sao, tại mọi gian hàng tạp hóa của khu chợ này đều có một khay lớn để ngay mặt tiền, bày bán từng cuộn túi nilon với giá bán từ 20 –- 45 nghìn đồng/kg tùy kích cỡ, màu sắc. Sau khi được đựng đồ một lần, đường đi của chúng phần lớn là ra xe thu gom rác thải, rồi tập kết ở bãi rác, sau đó được chôn lấp thô sơ. Chỉ một phần rất nhỏ được tái chế hoặc xử lý bằng công nghệ xử lý rác hiện đại.

Hàng ngày, hình ảnh thường thấy trên các đường phố Việt Nam là những chiếc xe thu gom rác thải luôn cao quá đầu người bởi những bọc, bị nilon chứa rác xếp chồng lên nhau và treo lủng lẳng ở thành xe.

Rác thải sinh hoạt bao gồm nhiều rác thải nhựa

... đến gánh nặng cho môi trường và sức khỏe con người

Theo chân TS Mai Hương - Phó khoa Nước, Môi trường và Hải dương học (trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) – đến labo nghiên cứu tại số 18 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), chúng tôi được tiếp cận với đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng độc hại của nhựa siêu vi trong trầm tích đến động vật đáy hồ nội thành Hà Nội” mà TS Hương và cộng sự đang nghiên cứu. Đây là đề tài cấp Nhà nước, được thực hiện trong 36 tháng (từ 9/2019), đánh giá trên 2 hồ của Hà Nội là hồ Tây (đại diện cho hồ tự nhiên) và hồ Yên Sở (hồ điều hòa, nhân tạo).

TS Mai Hương tại labo nghiên cứu của trường ĐH Công nghệ Hà Nội và hình ảnh hạt, sợi vi nhựa dưới hồ Tây được soi dưới kính hiển vi (ảnh phải)

Theo TS Mai Hương, đến nay, một số kết quả nghiên cứu của công trình chưa được công bố song ghi nhận ban đầu cho thấy cả hai hồ nói trên đều đang bị ô nhiễm nặng nề, trong đó rác thải từ vi nhựa chiếm tỷ trọng lớn. Nó có nguồn gốc từ công nghiệp dệt vải, mỹ phẩm... nhưng chủ yếu phát sinh từ rác thải sinh hoạt và các nhà máy xử lý rác thải nhựa.

Số liệu từ bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho hay, rác thải nhựa hiện nay chiếm 12% lượng chất thải rắn của Việt Nam. Nếu không được tái chế, 2,5 triệu tấn rác thải nhựa hàng năm sẽ được xả thẳng ra môi trường. Hiện Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới trong danh sách những quốc gia xả thải nhiều nhất ra biển (sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines), với khoảng 1,8 triệu tấn rác thải mỗi năm.

Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải đổ ra biển

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, ước tính của sở TN&MT Thành phố cho biết, trong năm 2017 có 80 nghìn tấn túi nilon được thải bỏ ra môi trường song đáng lo ngại, tỉ lệ túi nilon được thu gom, tái chế bởi các công ty xử lý chất thải chỉ đạt 38%.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin pháp luật, một chuyên gia tại viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo: Chúng ta sống trong môi trường có vi nhựa (hạt nhựa nhỏ dưới 5mm – PV) ở khắp nơi, kể cả khi ngủ và thở. Các hạt, mảnh vi nhựa có trong nước chúng ta uống, trong hải sản chúng ta ăn, trong không khí chúng ta thở.

Theo thống kê, trong 5 gram muối có 3 hạt vi nhựa, 1 lít nước đóng chai dùng 1 lần có 28 - 241 hạt vi nhựa, 1 suất ăn hải sản trung bình có 90 hạt nhựa, thậm chí có khoảng 70 nghìn hạt nhựa nhỏ rơi xuống bàn ăn của chúng ta mỗi lần ăn...

Nilon đã ra đời và phát triển như thế nào?

“Nhựa là một chất trơ khó phân hủy, do đó những hạt vi nhựa này sau khi đi vào cơ thể con người, tùy điều kiện nhất định, có thể gây dị ứng, đau đầu chóng mặt, rối loạn chức năng, tắc nghẽn thành ruột, mất cân bằng ô xy hóa, ảnh hưởng đến chuyển hóa của gan... Nếu đủ nhỏ để đi vào tế bào, nó sẽ va vào thành tế bào rồi gây vết thương, làm thay đổi cấu trúc tế bào và đây chính là nguyên nhân gây ung thư”, vị chuyên gia nhận định.

Nói không với rác thải nhựa: Bắt đầu từ đâu?

Vị chuyên gia chia sẻ, chúng ta sử dụng phổ biến đồ dùng nhựa cách đây vài chục năm nhưng sự quan tâm về rác thải nhựa mới chỉ khoảng 5 năm gần đây, và phải đến những năm 2018 đến nay thì mới bắt đầu có những quyết sách mạnh mẽ để quản lý rác thải nhựa.

Thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần sẽ có hại cho sức khoẻ và môi trường

Trong đó, luật Bảo vệ môi trường (năm 2014); luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo (năm 2015); Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Quyết định 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 về quản lý, hạn chế, giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa đại dương, ... chính là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa nói chung và trên biển nói riêng.

Ngoài ra, tại dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới đây, bộ TN&MT đã đề cập vấn đề đánh thuế rác thải theo khối lượng. Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần đề xuất đánh thuế túi nilon sử dụng một lần..., song những chính sách này hiện nay chưa áp dụng được do vướng nhiều trở ngại về quản lý và vấp phải sự phản đối của người dân.

Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, các chuyên gia kinh tế và môi trường đều cho rằng nhất thiết phải có những chính sách, hành động mạnh mẽ để “nói không với rác thải nhựa”.

Một sản phẩm nhựa dùng một lần được sản xuất trong 5 giây nhưng phải mất đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm mới phân huỷ hết.

Trong công trình nghiên cứu “Hành trình của rác trôi nổi ở TP.HCM: Từ kênh rạch đến bãi chôn lấp”, TS Kiều Lê Thuỷ Chung - Giảng viên khoa Kinh tế địa chất và Dầu khí (đại học Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) - nhận định: Ở châu Âu và Bắc Mỹ, việc sản xuất túi nilon đã bị cấm hoàn toàn nhưng ở châu Á thì nhựa vẫn là ngành kinh tế quan trọng. Hậu quả là, 60% tổng lượng rác thải nhựa đổ ra biển đến từ 5 nước châu Á (Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan).

Theo TS Lê Thủy Chung, nguyên nhân gánh nặng rác thải nhựa tại Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng là do thói quen tiêu dùng của người dân (độ bền của nhựa do chống ăn mòn hoá chất, tỉ trọng nhẹ, độ bền cao, giá thành rẻ, dễ sử dụng) và sự yếu kém trong quản lý chất thải rắn.

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin pháp luật, TS Nguyễn Hoàng Nam - Giảng viên khoa Môi trường và Biến đổi khí hậu, đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (ảnh trên) - nêu quan điểm, để giải quyết câu chuyện rác thải nhựa ở Việt Nam thì cần phải có một chiến lược tổng thể, trong đó vấn đề mấu chốt là phải xây dựng được nền kinh tế tuần hoàn (rác thải của ngành sản xuất này được tái chế để trở thành nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất khác – PV).

Để vận hành nền kinh tế tuần hoàn, ông Nam cho rằng, cần có sự đồng bộ thể chế, kỹ thuật và nhận thức của người dân. Theo đó, trong nền kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp là động lực, Nhà nước đóng vai trò bà đỡ để cung cấp công cụ pháp luật, ưu đãi về thuế, công cụ giám sát (ví dụ ký quỹ môi trường, DN nào sử dụng nguyên liệu đầu vào là vật liệu tái chế thì được giảm thuế...)

Các bên cần đầu tư cho kỹ thuật để xây dựng kinh tế tuần hoàn. Hiện nay ở Hà Lan hiện đã có công cụ tái chế bê tông của tòa nhà cũ thành bê tông mới để xây tòa nhà mới.

Và quan trọng nhất là phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, không sử dụng nilon, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần... từ đó thúc đẩy doanh nghiệp cung ứng vật liệu thay thế bằng tre trúc, giấy, vải, lá cây...

Nhiều chuyên gia cho rằng, công cụ thuế cần được áp dụng hợp lý. Trên thực tế, lượng túi nilon thải ra môi trường ngày càng tăng song thuế bảo vệ môi trường (trong đó có đánh thuế trên túi nilon) thì ngày càng giảm, cho thấy có sự thất thu thuế đối với mặt hàng này.

“Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu nêu gương trong phong trào chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng ngân sách mua sắm đồ nhựa dùng một lần.

Các cơ quan cần gương mẫu loại bỏ ngay việc mua chai nước nhựa dùng một lần, túi nilon đựng tài liệu hội họp... ngay từ khâu dự toán. Khối công sở cần khắc phục ngay chuyện lạm dụng "ship đồ” ăn trưa làm phát sinh túi nilon, hộp nhựa, ống hút nhựa..."

TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng tổng cục Môi trường (bộ TN&MT) - ảnh: Minh Minh

Đánh thuế túi nilon vì sao chưa thực hiện được?

Theo chuyên gia tài chính - GS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên học viện Tài chính Hà Nội), nguyên nhân chủ yếu do ngành Thuế chưa quyết liệt trong triển khai thực hiện.

Chuyên gia tài chính - GS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên học viện Tài chính Hà Nội)

Thưa TS. Định Trọng Thịnh, ông có đồng ý đánh thuế túi nilon sử dụng một lần hay không?

GS.TS Định Trọng Thịnh: Đồng ý là phải giảm thiểu rác thải nhựa, trong đó có túi nilon dùng một lần. Tác hại của nó ra sao thì đã rõ, biết là cấp thiết rồi, nhưng muốn chỉnh sửa chính sách thì cần phải có thời gian xem lại toàn bộ những quy định liên quan hiện hành, trên cơ sở đó đề xuất một phương án tổng thể, thích hợp.

Sở dĩ đề xuất đánh thuế túi nilon chưa nhận được sự đồng thuận, một phần vì túi nilon chỉ là một bộ phận gây ô nhiễm môi trường, để hợp lý thì phải đánh thuế cả các loại rác thải nhựa khác nữa chứ không chỉ riêng túi nilon.

Hiện nay chúng ta đang thu thuế túi nilon thông qua thuế Bảo vệ môi trường, với mức 50 nghìn đồng/kg nilon. Nhưng giá bán túi nilon hiện tại chỉ từ 20 – 45 nghìn đồng/kg. Vấn đề ở đây là gì, thưa ông?

GS.TS Định Trọng Thịnh: Là thất thu thuế Bảo vệ môi trường. Tiền thuế phải cấu thành nên giá thành sản xuất, không lý do gì giá bán lại rẻ hơn giá thành. Nếu mọi doanh nghiệp sản xuất túi nilon đều nộp khoản thuế nói trên thì giá bán túi nilon sẽ tăng gấp 3-4 lần hiện nay, vì phải “cõng” theo cả chi phí nguyên vật liệu, máy móc, nhân công, vận chuyển... Theo tôi, trách nhiệm này thuộc về ngành Thuế.

Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất đánh thuế thẳng trên túi nilon nhưng chưa thành công. Theo ông, thuế túi nilon nên đánh trên sản xuất hay trên tiêu dùng? Chính sách như thế nào thì khả thi để hạn chể sử dụng túi nilon và nhựa dùng 1 lần?

GS.TS Định Trọng Thịnh: Để hạn chế rác thải nhựa thì đầu tiên phải là khâu tuyên truyền, sao cho người dân nhận thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường để từ bỏ thói quen dùng đồ nhựa một lần và phân loại được rác thải.

Không có cách nào khác. Thực tế trên thế giới, các nước thành công trong xử lý môi trường đều là những nước thành công trong phân loại rác thải. Phân loại xong mới quyết định tiêu huỷ cái nào, tái chế cái nào.

Những hành vi thiết thực nhất cần làm để giảm thải rác thải nhựa.

Thứ hai là phải quản lý được từ gốc xem doanh nghiệp sản xuất bao nhiêu túi nilon, chai nhựa một năm để có cơ sở đánh thuế và yêu cầu trách nhiệm với môi trường. Hiện nay nhiều quốc gia đã buộc nhà sản xuất phải thu hồi sản phẩm sau khi người dân thải ra môi trường. Chính sách này buộc nhà sản xuất phải lựa chọn nguyên liệu dễ tiêu huỷ ngay từ đầu vào của sản xuất.

Cuối cùng là phải tăng cường khâu giám sát thực hiện và áp dụng nghiêm các chế tài xử phạt. Thời gian qua chúng ta thất bại về mặt quản lý thuế Bảo vệ môi trường một phần vì lý do này.

Thuế đánh trên sản xuất thì đang áp dụng rồi. Theo tôi nên đánh thuế trên cả khâu tiêu dùng thông qua khối lượng rác thải. Cần phân loại rác thải ra rồi đánh thuế trên lượng rác thải nhựa đó. Có như vậy mới thay đổi được triệt để thói quen tiêu dùng của người dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Minh Minh

Sử dụng túi vải đi chợ, đựng thực phẩm bằng lá cây, dùng ống hút tre... là cách để mỗi người tự bảo vệ sức khoẻ và bảo vệ môi trường