Chân dung nghệ sĩ Minh Nhí sau những vai diễn hài

Chân dung nghệ sĩ Minh Nhí sau những vai diễn hài

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Minh Nhí sẵn sàng thủ vai "ác" để học trò mình cố gắng học tập hơn. Khác với những lớp học khác, lớp học về nghệ thuật là một lớp học đặc biệt.

Nếu tính từ ngày đầu tiên Minh Nhí đi dạy đến nay đã hơn 20 năm. Đó là một khoảng thời gian khá dài. Tuy vậy, nghề gõ đầu trẻ của Minh Nhí cũng gặp biết bao thăng trầm. Không hẳn đó là một con đường suôn sẻ, nhưng đó là một con đường mà Minh Nhí đặt nhiều tâm huyết nhất.

Sự kiện - Chân dung nghệ sĩ Minh Nhí sau những vai diễn hài

Diễn viên Minh Nhí chuẩn bị cho một vai diễn

Sau lần Minh Nhí định cư ở nước ngoài và bị buộc thôi giảng dạy tại trường đại học Sân khấu Điện ảnh, nhiều người vẫn nghĩ Minh Nhí không đi dạy nữa. Nhưng nỗi nhớ nghề khiến anh không thể rời xa. Anh tiếp tục giảng dạy ở nhiều nơi sau đó. Hiện tại anh làm chủ nhiệm Sân khấu kịch Hồng Vân. Trong đó Minh Nhí dạy môn kỹ thuật diễn xuất, nghệ sĩ Hữu Châu dạy tiếng nói sân khấu, nghệ sĩ Đức Hải dạy phân tích tâm lý nhân vật… Mỗi thầy có những cá tính khác nhau, cách dạy cũng khác nhau. Nhưng những cá tính này phải được dung hòa để cho học trò phất triển một cách tốt nhất.

Nếu như có một Hữu Châu gần gũi kiểu như: "Hôm nay buồn quá, thầy trò mình đi hát karaoke đi", thì sẽ có một Minh Nhí nghiêm nghị, đĩnh đạc kiểu: "Không đi hát hò, vui chơi gì đâu nhé". Giữa hai ông thầy có vẻ như một sự đối lập rõ nét. Mỗi người nhập một vai. Nếu như có một ông thầy đóng vai "hiền", thì sẽ có một ông thầy đóng vai "ác".

Minh Nhí tâm sự: "Trong một lớp, nếu thầy nào cũng dễ dãi thì học trò khó có động lực để phấn đấu". Vì vậy mà Minh Nhí sẵn sàng thủ vai "ác" để học trò mình cố gắng học tập hơn. Khác với những lớp học khác, lớp học về nghệ thuật là một lớp học đặc biệt. Đôi khi cũng có sự đố kỵ xen vào.

Chẳng hạn như, cùng một cách diễn sao thầy ưu tiên cho bạn A nhiều hơn bạn B. Vì vậy làm thầy của diễn viên không bao giờ dễ. Công tâm và khách quan luôn là những yếu tố được Minh Nhí đặt lên hàng đầu. Không giống với những ngành khác cả người học và người dạy đều mang tâm hồn nghệ sĩ dễ buồn vui, dễ giận hờn, thậm chí cũng rất dễ xảy mâu thuẫn. Tuy nhiên sau những mâu thuẫn đó thì thầy trò lại là những người bạn bè thân thiết trong cuộc sống.

Dù miệng luôn la hét nhưng hiếm khi Minh Nhi nói lời khen ngợi cho sự diễn xuất hay. Kỷ luật tập dượt nghiêm khắc, bài bản, đó là công thức Minh Nhí tạo ra những thế hệ học trò thành công tiếp sau như Thúy Nga, Việt Hương, Tiết Cương, Quốc Thuận, Thu Trang… "Hắc" trong giảng dạy, nhưng Minh Nhí hiền hòa trong tình cảm. Minh Nhí đưa học trò đến bến bờ thành công bằng những cách nghiêm ngặt như thế.

Đóng vai ông thầy "ác" nhưng Minh Nhí luôn chu đáo trong cách dạy học trò của mình. Anh không chỉ dạy nghề mà còn rất quan tâm đến chuyện đạo đức, tác phong cho học trò. Đến dự buổi giảng dạy của anh, nhiều người không khỏi bất ngờ vì sự quan tâm cặn kẽ của Minh dành cho học trò. Anh luôn nhắc họ biết cúi đầu chào những người cao tuổi, các anh chị trong nghề, biết đi thưa, về trình.

Và có lẽ, sau này ra trường hình ảnh một ông thầy Minh Nhí luôn quan tâm đến sinh viên của mình bằng những điều rất giản dị như: "Bữa nay chân con bị làm sao vậy?" hay "Sao bữa nay bạn A không đi học?" luôn là những ký ức đẹp trong lòng những học trò đã từng theo học anh. Chắc chắn một điều, trên bước đường trở thành người nổi tiếng, những học trò ấy sẽ luôn nhớ những bài học đạo đức mà Minh Nhí ngày nào đã truyền dạy để xứng đáng là những ngôi sao không scandal của làng nghệ thuật Việt trong tương lai.

Ngày còn đi học, Minh Nhí học khá giỏi môn văn, thấy vậy cô giáo nói: "Con trai học giỏi văn thường khổ lắm đó". Quả thật, cuộc đời Minh Nhí đã trải qua nhiều nỗi thăng trầm, lận đận tưởng chừng như gục ngã. Nhưng niềm vui cuối cùng rồi cũng đến được với anh. Bây giờ, Minh Nhí hài lòng và hạnh phúc khi cảm nhận "người ta thương anh thật lòng".

Hợp Phố