Chàng khiếm thị 20 năm nuôi mộng luật gia

Chàng khiếm thị 20 năm nuôi mộng luật gia

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Lên 5 tuổi, sau một tai nạn ngã đập đầu xuống sân, Lê Sỹ Anh (SN 1989) bị mất dây thần kinh thị giác dẫn đến hỏng hẳn đôi mắt.

Tuổi thơ bất hạnh

Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, tại vùng quê nghèo xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cậu bé Lê Sỹ Anh là con trai duy nhất trong gia đình có 4 anh chị em. Khi lên 5 tuổi, Sỹ Anh bị ngã đập đầu xuống sân và bị mất dây thần kinh thị giác. Dù được chạy chữa nhiều nơi, nhưng đôi mắt của em đã vĩnh viễn chìm trong bóng tối. Mọi hy vọng cũng như mơ ước về tương lai, thoát cái nghèo, cái đói của gia đình đặt vào em dường như bị dập tắt.

Trong thời kỳ khó khăn đó, bố mẹ chỉ biết động viên và xin cho Sỹ Anh được học chữ nổi ở trung tâm Hội người mù của tỉnh. Học tại trung tâm khoảng hai năm, lúc này, em mới được 8 tuổi. Bố mẹ muốn xin cho em về học trường ở xã cùng với các bạn lại gần nhà, nhưng xã không nhận trường hợp học sinh khiếm thị. Phải đến năm 2001, lúc này em đã 12 tuổi nhưng mới học lớp 3, chậm hơn so với các bạn cùng tuổi.

Nhớ lại những ngày được hòa nhập và đi học cùng với các bạn sáng mắt, Sỹ Anh kể: "Em chỉ mơ ước được nhận vào học, hòa nhập cùng các bạn như một đứa trẻ bình thường. Học với các bạn bình thường có nhiều khó khăn, đặc biệt là chuyện ghi chép bài giảng, vì không nhìn thấy nên em thường nhờ các bạn đọc từ sách để em chép chữ nổi. Như môn Toán phải chép lại chi tiết từ đầu, đặc biệt môn tiếng Anh có những từ không biết, em lại phải nhờ bạn đánh vần từng chữ cái một mới có thể chép được".

Những ngày đầu chân ướt chân ráo ra Thủ đô nhập học, Lê Sỹ Anh may mắn có anh chị họ ở Từ Liêm, Hà Nội cho ở nhờ. Được một vài tuần thì anh chị lại khuyên em nên về quê, chứ mắt như vậy học hành rồi sau này ra trường công việc ra sao, chỗ nào nhận người khiếm thị vào làm. Một mặt bố mẹ ở quê liên tục gọi điện khuyên nhủ Sỹ Anh về quê không đi học nữa. Có những lúc cậu sinh viên luật cũng thấy nản lòng, buồn chán và cảm thương cho chính thân phận mình. Không để bố mẹ phải lo lắng quá nhiều, và chàng sinh viên với ý chí "thép" này đã quyết định ra ở ngoài và tự tìm công việc để phụ thêm chi phí đỡ bố mẹ.

Lê Sỹ Anh bắt đầu xin đi làm thêm ở một số cơ sở tẩm quất của người mù. Mới đầu, em cũng được một số nơi nhận vào làm, nhưng một thời gian họ lại cho em thôi việc bởi công việc tẩm quất đòi hỏi nhiều thời gian túc trực ở nhà chờ khách. Trong khi đó, em đi học cả ngày tối mới về nên không đáp ứng được công việc.

Xã hội - Chàng khiếm thị 20 năm nuôi mộng luật gia

Lê Sỹ Anh có thể đánh máy mười ngón và sử dụng máy tính rất cừ

Một mình tìm nhà trọ, đến trường, sinh hoạt trong khi đôi mắt không thấy gì, Sỹ Anh gặp không ít khó khăn. Bố mẹ gọi điện liên tục khuyên nên về quê, bảo lưu kết quả đến lúc nào có điều kiện thì học tiếp. Nhưng Sỹ Anh quyết tâm phải học dù vừa đi học vừa đi làm. Sau bao nhiêu năm cố gắng mới vào được đại học, nên phải tận dụng cơ hội để thoát khỏi sự đói nghèo và quyết không là gánh nặng cho người khác. Không phải người khiếm thị nào cũng có thể đi học đại học, bởi vậy mà em luôn lạc quan, hướng đến tương lai và tự dặn với lòng mình: "Mọi chuyện rồi sẽ qua, cứ cố gắng và cố gắng đến cùng nhất định sẽ thành công".

Cậu sinh viên năm đầu vẫn còn nhớ như in ngày nhận giấy báo nhập học, em vui mừng khôn xiết bởi ước mơ đến giảng đường đại học cũng thành hiện thực. Một điều khiến em phải suy nghĩ hơn cả là khoản tiền mà bố mẹ phải chạy vạy khắp nơi mới được 4 triệu đồng cho em ra Hà Nội nhập trường. Sỹ Anh chia sẻ: "Khoản tiền đó rất lớn đối với gia đình em. Nhà em có 4 anh chị em, chị gái đầu đang học cao học ở ĐH Quy Nhơn, thứ hai đến em, sau còn hai em gái nữa. Một mình mẹ gánh vác tất tần tật mọi việc từ đồng áng đến chăm lo cho con cái học hành. Không đủ sống, bố em cũng phải làm đủ nghề từ đi phụ hồ, chạy xe ôm đến nấu ăn thuê ở trong Nam, nhưng mỗi tháng chỉ kiếm được mấy triệu đồng mà vất vả lắm".

Học gấp 2, 3 lần người khác

Hiện tại, Lê Sỹ Anh đang theo học chuyên ngành luật Quốc tế, đại học Luật Hà Nội, chàng sinh viên năm đầu chia sẻ: "Em là người khiếm thị nên được đặc cách vào một trường đại học trong nước nếu trường đó có tuyển người khiếm thị, nhưng với điều kiện 3 năm học cấp ba đều là học sinh khá trở lên. Mới đầu nộp hồ sơ chọn trường, em cũng băn khoăn không biết chọn trường nào cho phù hợp. Sau, em được mọi người tư vấn rằng đất nước nào cũng cần luật nên người làm trong ngành luật rất quan trọng và cần thiết.

Hơn nữa, học luật sẽ giúp bản thân em hiểu luật để mình không phạm luật và hướng dẫn người khác không vi phạm. Bởi vậy, em đã quyết định theo ngành luật. Mới đầu vào học, em cũng thấy khó, nhưng sau này càng học càng thấy hay và thích học".

Người mắt sáng bình thường học đại học đôi khi còn gặp nhiều khó khăn và để có kết quả tốt cũng không phải chuyện dễ, huống chi là người khiếm thị. Đặc biệt ngành luật học khá "khô khan" và khó học, nhưng chàng trai Lê Sỹ Anh đã làm được điều đó. Ngoài việc học tài liệu, giáo trình trên lớp người học còn phải đọc nhiều tài liệu khác nữa, vậy mà Lê Sỹ Anh vẫn học tập tốt như những sinh viên sáng mắt bình thường khác.

"Học cùng các bạn sáng mắt bình thường, em cũng gặp khá nhiều khó khăn. Học đại học chủ yếu là nghe thầy cô giảng và đọc giáo trình, trong khi đó em không nhìn thấy cũng thiệt thòi lắm nên em phải học gấp 2-3 lần mới theo kịp các bạn. Các thầy cô giáo cũng tạo điều kiện cho em làm kiểm tra qua email, còn thi cuối kỳ, em thi vấn đáp như các bạn cùng lớp, phần thi viết, thầy cô giáo vừa đọc câu hỏi vừa ghi lại trả lời của em vào bài thi".

Vừa tiếp chuyện chúng tôi, Sỹ Anh vừa giới thiệu về một phần mềm đặc biệt có tên Jaws, một phần mềm dành riêng cho người khiếm thị. Sỹ Anh cho biết: "Phần mềm này giúp em sử dụng máy tính như người sáng mắt mà không gặp bất cứ trở ngại nào và không cần màn hình. Phần mềm trang bị cả ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, ấn vào phím nào trên bàn phím, phần mềm sẽ tự động phát ra âm thanh. Em có thể đọc sách, đọc báo online, tìm giáo trình điện tử, vào mạng xã hội Facebook, chát yahoo,... Nhiều khi em còn quên mất mình bị khiếm thị. Bên cạnh việc học tập trên mạng internet, em cũng chăm chú nghe thầy cô giáo giảng trên lớp và ghi lại vào máy ghi âm, về nhà phần nào chưa hiểu mở ra nghe lại".

Ngồi tâm sự, Sỹ Anh bảo cậu đang cố gắng tập trung hoàn toàn vào việc học tập, bởi kiến thức ở trường ngày càng nặng và khó học. Cô em gái vừa tốt nghiệp ra trường, thương anh trai mắt mũi không nhìn thấy gì nên đã tìm phòng trọ gần trường hai anh em ở cho tiện, tiện cho cả chuyện đến trường và ăn uống, học hành. Trước kia, mỗi lần Sỹ Anh đến trường rất vất vả và tốn kém bởi chỗ làm cũng là chỗ ở, mỗi lần đi học phải nhờ bác xe ôm đến đón, cả đi cả về cũng mất gần 50 nghìn đồng.

Hơn ai hết, chàng trai nghị lực "thép" ấy vẫn ấp ủ nhiều hoài bão, ước mơ trở thành nhà tư vấn luật, "hiệp sỹ" công nghệ thông tin. Lê Sỹ Anh chia sẻ: "Em không ước có một điều gì đó diệu kỳ để đôi mắt em sáng trở lại vì điều đó là không thể. Em chỉ mong tất cả sự cố gắng của mình sẽ được đền đáp, có một việc làm ổn định không phụ thuộc gia đình. Ngoài ra, em cũng mong muốn sau này mình sẽ đóng góp một chút công sức nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ và giúp đỡ những người nghèo khi cần tư vấn của luật sư".

Cậu sinh viên luật cũng khá tự tin với trình "IT" của mình, Sỹ Anh khẳng định: "Soạn thảo văn bản em làm đơn giản, căn lề em cũng làm được. Ngoài ra, em còn cài được window, các phần mềm và thậm chí cả phần cứng em cũng tháo ra và lắp lại được. Em cũng tham gia một số diễn đàn trên mạng giao lưu với các bạn và tìm tài liệu để học". Không chỉ giỏi công nghệ, Sỹ Anh còn đoạt giải Nhì liên tiếp các năm trong cuộc thi viết chữ Braille ONKYO do Hiệp hội người mù thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức. Sỹ Anh tươi cười khoe, năm 2012 bài của mình vinh dự được gửi tham gia vòng châu Á - Thái Bình Dương.

Thiên Vũ