Chàng trai tàn tật “cõng

Chàng trai tàn tật “cõng" chữ về làng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Vượt lên nỗi đau di chứng chất độc da cam nặng nề, chàng trai trẻ Chu Quang Đức đã trở thành thầy giáo.

Đến trường trên lưng bố

Thầy giáo Chu Quang Đức, sinh năm 1984 bị nhiễm chất độc da cam từ người cha cựu chiến binh Chu Quang Chiến (Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội). Vượt qua số phận, Đức đã trở thành giáo viên bộ môn Tin học tại trường THPT Mê Linh.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 anh em, từ nhỏ Đức đã không đi lại được như các bạn cùng trang lứa khác, chân tay và toàn thân teo quắt lại. Gia đình tưởng Đức mắc căn bệnh lạ nên đã đưa đi khắp các bệnh viện lớn nhưng đều không có kết quả. Mãi khi lớn lên, mọi người mới biết Đức bị di chứng chất độc màu da cam từ người cha đã từng một thời lăn lộn trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.

Nhớ lại những tháng ngày ấu thơ đầy đau khổ đó, Đức tâm sự: "Lên 10 tuổi, tôi chỉ như đứa trẻ lên ba đặt đâu, ngồi đó". Cuộc sống nghiệt ngã đã khiến Đức trở nên lầm lì ít nói, hay cáu gắt với mọi người xung quanh. Nhiều lần chán nản, Đức đã nghĩ đến điều xấu nhất. "Trong lúc tuyệt vọng nhất, tôi đã nói với bố mẹ rằng, con sống như thế này thà để con chết đi cho bố mẹ bớt khổ. Lúc đó, bố mẹ cùng ôm tôi khóc và khuyên tôi hãy cố gắng sống rồi sẽ trở thành người có ích cho xã hội", Đức kể.

Xã hội - Chàng trai tàn tật “cõng' chữ về làng

"Thầy giáo tý hon" Chu Quang Đức.

Cuộc sống có những định mệnh nghiệt ngã nhưng luôn tạo cơ hội cho những ai có cố gắng vượt lên số phận. Đức nhớ lại, ngày đó đến trường luôn là khát khao cháy bỏng của Đức. Nhiều lần, nhìn các bạn nô nức đến trường, Đức lại tha thiết xin bố mẹ đi học đến lớp, đến trường. Những lúc đó, bố mẹ thương con nên đặt ra rất nhiều câu hỏi như Đức bệnh tật nếu có bạn bè trêu trọc thì biết làm sao, bởi tay cầm thìa xúc cơm còn không nổi làm sao cầm bút viết và thước kẻ được? Nhưng rồi trước quyết tâm của Đức, bố mẹ cũng chấp nhận dù trong lòng còn mang nhiều nỗi băn khoăn, lo lắng.

Những tháng ngày đi học với những học sinh bình thường đã vất vả nhưng với Đức lại khó khăn gấp trăm lần. Ngày nào cũng vậy, Đức đến trường trên đôi vai gầy của bố. Hàng ngày, khi thì Đức được bố cõng trên lưng, khi thì ngồi trên xe đạp đến trường. Ngày nắng như thiêu đốt hay những ngày rét tái tê, những cơn đau tái phát đau buốt đến toàn thân nhưng không vì thế mà Đức nghỉ học. Với Đức học tập vừa là khát khao vừa là động lực giúp Đức vượt qua mặc cảm, cũng như mọi khó khăn trong cuộc sống, để rồi suốt 12 năm học, Đức đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường, được bạn bè, thầy cô quý mến. Ngày cầm giấy trúng tuyển vào khoa Tin học, trường đại học Sư phạm 2, Đức ôm bố mẹ khóc lên vì sung sướng.

Hình ảnh hai cha con nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin quyết tâm vượt lên trong cuộc sống đã khiến các ban, ngành, tổ chức, các nhà hảo tâm thực sự xúc động và quan tâm giúp đỡ. Nhiều mạnh thường quân cũng như các tổ chức xã hội như: Hội Bảo trợ trẻ em nhiễm chất độc da cam tại Pháp (VNED), Hội Chữ thập đỏ huyện Mê Linh, tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel... đã có những hỗ trợ kịp thời cả về vật chất và tinh thần giúp chàng sinh viên Chu Quang Đức yên tâm học tập. Tháng 6/2009, Đức ra trường và được Trung tâm Bảo trợ nạn nhân Chiến tranh của TP.Hà Nội mời về làm việc. Niềm vui tiếp nối, hơn 1 năm sau Đức tiếp tục được sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chính thức nhận về làm giáo viên dạy tin học tại trường THPT Mê Linh.

Biết mình tật nguyền, không có được thuận lợi như các đồng nghiệp khác nên Đức luôn nỗ lực trong công việc. Sự nỗ lực ấy đã được đền đáp. Năm 2011, Đức và người cha được vinh dự tham gia các hội nghị lớn từ trong nước đến quốc tế về nạn nhân chiến thắng chất độc da cam như: Gặp mặt cá nhân điển hình nạn nhân chất độc da cam TP.Hà Nội; Giao lưu các điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2011. Bản thân thầy giáo Chu Quang Đức vinh dự được nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Xã hội - Chàng trai tàn tật “cõng' chữ về làng (Hình 2).

Lớp học tại nhà cho học sinh làng của thầy Đức.

"Chở chữ" trên xe lăn

Sau những gian nan vất vả, vượt lên những đắng cay nghiệt ngã của cuộc sống, tâm nguyện của Đức đã trở thành hiện thực. Trở thành giáo viên dạy tin học, Đức luôn mong muốn mình sẽ đem những kiến thức tin học mà đã tiếp thu được truyền tải lại cho các em học sinh, giúp các em có kiến thức am hiểu về công nghệ thông tin để áp dụng vào cuộc sống. Không chỉ là thầy giáo dạy tin học của trường THPT Mê Linh, Đức còn mở một lớp dạy Toán cho các em học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 tại nhà.

Học sinh đến với Đức chủ yếu là thôn và các địa phương lân cận. Lớp học tuy còn sơ sài, thiếu phương tiện dạy học nhưng vẫn rất đông học sinh đăng ký. Với sự tận tình dạy dỗ của người thầy giáo trẻ, với những kiến thức toán học chắc chắn bám sát chương trình học phổ thông, nhiều học sinh của Đức đã bước chân vào nhiều giảng đường của các trường đại học lớn như đại học Sư phạm 1; đại học Thương mại; đại học Bách Khoa; đại học Giao thông Vận tải...

Lớp học của thầy giáo Đức nằm khiêm tốn ngay bên ngoài hành lang căn nhà nhỏ của gia đình. Với vài chiếc bàn học, một chiếc bảng điện tử và một chiếc máy chiếu, thầy Đức cứ miệt mài viết lên những con số và dòng chữ để truyền đạt lại kiến thức. Có một điều đặc biệt rằng thầy dạy nhiều lớp cùng một lúc. Khi chúng tôi đến, thầy giới thiệu: Đây là học sinh lớp 11, kia là học sinh 12... Thầy bảo đang giảng bài cho học sinh lớp 11 và giao bài tập cho học sinh lớp 12. Cứ thế thầy luân phiên giảng và chữa bài tập cho 2 lớp.

Lớp học của thầy Đức chủ yếu là học 4 môn Toán, Lý, Hóa, và Tin học. Những học sinh học ở lớp của thầy thường được kèm xuyên suốt 3 năm, từ lớp 10 cho tới lớp 12. Học sinh ở đây có rất nhiều người ở xa, khác xã và khác huyện nhưng vẫn đến lớp của thầy Đức để học. Những học sinh ấy luôn có một niềm tin mãnh liệt đối với người thầy đặc biệt này. Trong quá trình giảng dạy tại nhà, thầy luôn hiểu hoàn cảnh từng học sinh, để tư vấn giúp các em cũng như gia đình chọn khối, chọn trường thi phù hợp. Em nào hoàn cảnh gia đình khó khăn, thầy Đức không thu học phí.

Kể từ năm 2009 tới nay, mỗi năm lớp học của thầy Đức đều có 9 -10 học sinh đỗ vào các trường đại học lớn. Như năm học 2011- 2012 vừa rồi, số lượng học sinh đậu đại học còn lên tới con số 15. Trong đó có những trường đại học lớn như đại học Luật, Ngoại ngữ, Sư phạm... Ngoài ra còn nhiều em đậu vào các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Nói về sự thành công của các học sinh, thầy Đức không giấu được niềm vui: "Hạnh phúc của tôi là được thấy các em đặt chân vào giảng đường đại học, để sau này thoát cảnh lam lũ...".

Cao Tuân