Chất lượng của thực tế

Chất lượng của thực tế

Thứ 7, 25/05/2013 | 15:32
0
Giáo dục và xã hội Việt Nam dường như đã thấm thía rất nhiều cái gọi là hạn chế lịch sử của một thời đường đất cách trở, bó mình trong trường ốc và đang vươn mình ra bốn phương tám hướng để tự làm mới bản thân.

Trường học, công sở, xí nghiệp muốn nối dài ra các con đường theo cái gọi là vận dụng, xã hội hóa, tích cực... Bằng chứng là học trò từ màu áo trắng chuyển sang balo, quần ngố dạo khắp các danh thắng, kì tích, cắm trại, nhảy sạp, nặn gốm, đốt cơm lam.

Cán bộ những phòng bạn quanh năm đối mặt với ẩm mốc giờ bỗng dưng ló mặt ở những kinh đô ánh sáng trên thế giới, hòa mình vào sóng biển mùa hè hay nheo mắt ở phi trường tạo dáng cho một lần xuất ngoại đi đâu đó.

Đi một ngày đàng ắt được một sàng khôn. Chỉ cần được dạo phố nước bạn cũng đủ ngộ ra cái chân lí mà nửa cuộc đời mọt sách ở nhà không biết. Cũng không ít gia đình con lười nhác, học hành kém cỏi ở nhà nhưng nhờ có thực tế bon chen đất kinh kì mà cũng xong tại chức liên thông để tết nhất trở về tạm rung đùi vuốt râu coi là hiển đạt.

Xã hội - Chất lượng của thực tế

Nết người được rèn luyện ngay từ khi trẻ còn nhỏ (Ảnh minh họa)

Nhưng, lặng lẽ mà ngẫm ra một chân lí là không phải kẻ mộ đạo nào cũng tìm thấy chân lý, không hẳn người cần cù nào cũng đãi được hạt  vàng lấp lánh giữa miền đất hứa. Nhìn từ lí thuyết, trước cái khách thể thô nhám, mênh mông của thực tế đó là cần đến một đôi mắt tinh tường, có phương pháp để nhìn ra đối tượng cần chiếm lĩnh. Đi tần ấy đường đất, lạc vào chùa chiền hương khói, mái đao, tượng Phật nhưng chỉ cần nhận ra lớp lang của kiến trúc, tâm thức của thời đại sinh thành ra di sản ấy hay một đôi câu đối, hoành phi...

Đối tượng để khảo sát, nhận thức trong thực tế cụ thể ấy hình như đã bị mờ đi trong cái nô nức trôi nổi gọi là cho cán bộ, sinh viên, học sinh đi thực tế. Hình như đến đâu cũng bắt gặp đoàn người ùa ra từ xe du lịch để tạo dáng, chụp ảnh, mua sắm hay sờ mó hàng lưu niệm cho đến khi thu quân thắng lợi trở về.

Tôi đã từng giật mình ngơ ngác khi được mời họp tổng kết với một đoàn thực địa. Giật mình như người đang mơ trúng số bạc tỉ bị lay gọi, như đi trên mây bị hụt chân té đất. Không nhắc thì đến cả tôi cũng lầm mình vừa trải qua chuyến phượt cao cấp và ăn, ngủ, mua sắm.

Nhưng, kì lạ thay các đồng nghiệp của tôi đã phăm phăm trên tay những bản báo in khổ A4 dày đặc con chữ. Đó là tư duy linh hoạt của người Việt khi nào biết học ở chỗ chơi và chơi trò gì đó ở chỗ cần phải học?  Không, đơn giản là hai việc hoàn toàn tách rời nhau, không có một chút liên quan gì.

Một đằng là vui chơi thuần túy, không định hướng trong thực tế. Một đằng là văn bản hóa, khái quát hóa những gì không thu hoạch được từ thực tế đó để lập nên một thành tích, một kết quả quy mô và quy phạm. Hình như ở cả hai bình diện đó họ đều làm tốt.

Chỉ có điều cái giá để đến với thực tế mà hằng năm chúng ta phải bỏ ra cả núi tiền kia hóa ra chả giúp ích được gì cho mớ báo cáo và lí thuyết đã sinh thành ra từ trước đó vài năm bị biến hình trong giới "Copy and Paste"  (sao chép và dán). Như thế, thử hỏi thực tế kia sẽ giúp ích được gì cho những khát vọng mở rộng tầm mắt, hiểu biết và nhận thức cho con người.

"Một sàng khôn" của con người cũng chỉ đến với những ai dám mạo hiểm đi tìm cái khôn một cách thành thực và dại dột. Nhưng khi đã quá khôn để biến những hoạt động thực tế kia thành những cơ hội thực hiện lợi ích cá nhân thì "sàng khôn" ấy cũng cần phải xem lại và cảnh giác.

Một hoạt động ít hiệu quả, mang tính phong trào hay đối phó? Vâng, nhưng như thế không đáng ngại bằng sự phản cảm, sự chủ quan của con người vào hoạt động nhận thức của mình!

Bảo Vy

Giáo dục giới tính kém, học sinh gặp nhiều nguy hiểm

Thứ 7, 18/05/2013 | 09:00
Những bài học trong trường trung học tập trung giảng dạy quá nhiều về sự sinh sản thay vì nói đến tầm quan trọng của những mối quan hệ lành mạnh.

Bê bối tình dục làm điên đảo nền giáo dục Singapore

Thứ 2, 13/05/2013 | 17:15
Nhiều giáo viên có hành vi vô cùng "mất nết" như đổi điểm lấy tình, lạm dụng học sinh hay "bệnh hoạn" hơn nữa là quay phim trong nhà vệ sinh nữ...

Giáo dục Việt Nam chưa chú trọng học như thế nào?

Thứ 4, 08/05/2013 | 09:51
Nền giáo dục nước ta tuy rộng nhưng chưa sâu, chưa chú trọng học như thế nào là đủ, đó là nhận của độc giả Phạm Quốc Sử, 71/86A, Nguyễn Huệ, phường 2, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long nói về nền giáo dục Việt Nam trong bài viết gửi báo Người đưa tin.

Bộ Giáo dục nói gì về clip luận về giáo dục?

Chủ nhật, 21/04/2013 | 14:48
Vụ trưởng Vụ công tác HSSV (Bộ GD-ĐT) Ngũ Duy Anh chia sẻ: “Tôi đã xem clip và suy nghĩ rất nhiều. Em có thể viết thư cho Bộ trưởng nêu trăn trở...”