Chất lượng giáo dục đại học kém do áp đặt tuyển chọn?

Chất lượng giáo dục đại học kém do áp đặt tuyển chọn?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Có một nghịch lý là số lượng thạc sĩ, tiến sĩ hàng năm vẫn tăng đều đặn, trong khi giảng viên có trình độ tương đương vẫn thiếu.

Lỗi từ cơ chế áp đặt tuyển chọn?!

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, trong tổng số giảng viên đại học, cao đẳng ở nước ta đến nay thì giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư chiếm tỷ lệ 3,5%; giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm tỷ lệ khoảng 10% và giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm tỷ lệ khoảng 40%. Như vậy còn khoảng 50% giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học chưa có bằng tiến sĩ, thạc sĩ.

Đáng nói, trong một kết quả điều tra mới nhất của Bộ GD&ĐT, để thực hiện Nghị quyết 50 của Quốc hội khóa 12 về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT đã phải cho dừng tuyển sinh nhiều ngành do không đủ điều kiện tối thiểu về số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Mặc dù mỗi ngành chỉ cần có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ, tuy nhiên nhiều cơ sở giáo dục đại học lúc mở ngành đăng ký đủ số lượng giảng viên theo quy định nhưng trong quá trình đào tạo đã không giữ được số lượng giảng viên có trình độ này.

Xã hội - Chất lượng giáo dục đại học kém do áp đặt tuyển chọn?

Đại học FPT được coi là nhân tố đi tiên phong trong việc nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên đại học bằng việc xây dựng thương hiệu của Trường

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, chúng tôi đã nhận được phản ánh của độc giả T.H (Đống Đa, Hà Nội) về câu chuyện tréo ngoe của chị phần nào phản ánh cho tình trạng chất lượng giảng viên đại học đang tồn tại rất nhiều vấn đề.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Luật, chị H. quyết định học tiếp chương trình đào tạo thạc sĩ Luật nhằm đáp ứng đủ điều kiện được đứng trên bục giảng cấp bậc đại học như mơ ước. Ngay sau khi nhận được tấm bằng thạc sĩ trên tay, chị H. vui mừng nhận được thông tin, khoa Luật của một trường đại học kinh tế lớn tại Hà Nội tuyển dụng giảng viên. Hồ hởi mang bộ hồ sơ đến nộp, chị H. mới té ngửa khi nhận được thông tin từ bộ phận tiếp nhận hồ sơ của trường với thông điệp: “Chỉ nhận ứng viên tốt nghiệp đại học loại khá, chứ không nhận ứng viên có bằng thạc sĩ”?!. Quá bất ngờ, chị H. đành tiu ngiủ ra về.

Một độc giả khác cũng kể lại câu chuyện “vật vã tìm đường làm giảng viên” của mình. Theo lời độc giả này, việc chạy vào công chức đã trở nên phổ biến và quá quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, để “chạy” được một “chân” làm giảng viên ở trường đại học thực sự khó hơn lên trời. Nhiều người vẫn rỉ tai nhau, muốn vào làm công chức Nhà nước, đặc biệt là giảng viên ĐH thì trước tiên phải có quan hệ sau đó là phải có tiền. Bản thân tôi thi tuyển đàng hoàng vào một trường ĐH, nhưng nhà trường chỉ “hứa” sẽ cho chúng tôi vào. Vừa rồi đến khi công bố danh sách những người được vào mà không hề tổ chức 1 kỳ thi nào, khiến chúng tôi rất hoang mang.

Chị này bức xúc: “Chúng tôi đang băn khoăn tự hỏi là tại sao lãnh đạo nhà trường không tổ chức một kỳ thi để đánh giá trình độ một cách khách quan. Tại sao đến giờ phút này khi mà xã hội đang rất cần những con người có năng lực thực sự thì vẫn tồn tại nhiều điều phi lý? Thiết nghĩ những người có năng lực, có tâm huyết mà không có thêm các điều kiện khác nữa thì sớm muộn cũng chán nản, giảm nhiệt huyết trong giảng dạy”.

Một số chuyên gia cho rằng, có một nghịch lý, số lượng thạc sĩ, tiến sĩ hàng năm vẫn tăng đều đặn, trong khi giảng viên có trình độ tương đương vẫn thiếu. Điều này xuất phát từ thực tế, muốn được “chen chân” vào giảng dạy trong một số trường hoàn toàn không đơn giản. Đó là chưa kể đến việc phải có “chân trong chân ngoài”, chạy lên chạy xuống mới giành được “suất”.

Trước thực tế này, trao đổi với PV báo ĐS&PL, GS. TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo thẳng thắn: “Đó là một thực tế tồn tại từ lâu trong ngành giáo dục cũng như nhiều ngành khác. Thủ tục rườm rà, chế độ lương bổng, đãi ngộ thấp, cơ chế xin cho… dẫn đến việc nhiều người có trình độ không muốn “dấn thân” vào nghiệp giảng dạy đại học”.

Một chuyên gia (đề nghị giấu tên) cho rằng, hiện nay chúng ta đang bàn nhiều đến chất lượng của các trường đại học, vấn đề xây dựng đội ngũ luôn được coi là vấn đề quan trọng. Thế nhưng, việc tuyển cán bộ lại không được coi trọng để tuyển chọn những người thực sự có năng lực để thực hiện nhiệm vụ. Việc tuyển chọn hình như chỉ để giải quyết “mối quan hệ” nào đó. Một chuyên viên phòng đào tạo nhưng ăn mặc quần áo rất “thiếu vải” khi đứng trước học sinh, nghiệp vụ văn phòng không có; một cán bộ quản lý một đơn vị rất được giám đốc tín nhiệm nhưng người học thì rất bất bình. Rồi chuyện tuyển công chức mà chỉ Hiệu trưởng và phòng tổ chức biết còn Phó hiệu trưởng chẳng biết gì… Nếu vẫn giữ “nếp” giáo dục như vậy, sự nghiệp giáo dục ĐH sẽ “ngày càng thụt lùi”.

Biết nhưng đành... “bất lực”

Từng nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, GS. TS Trần Hồng Quân thừa nhận, những hạn chế, bất cập và chất lượng yếu kém của hệ thống đào tạo đại học không phải bây giờ mới được nhắc đến. Bản thân những người làm giáo dục không phải không biết nhưng dường như đành… “bất lực”. Theo GS Quân, một trong những nguyên nhân được cho là cơ bản nhất đó là do thiếu hụt đội ngũ giáo viên có trình độ cao. Thậm chí nhiều trường, không có giảng viên có học hàm GS. Giảng viên chất lượng cao cũng phân bố không đều, chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế…

Ở các trường địa phương, tỷ lệ giảng viên thạc sĩ trở lên là tương đối thấp. “Điều đó cho thấy, so với các nước có nền giáo dục đại học phát triển, số lượng giảng viên có học hàm trong các trường ĐH ở nước ta là quá thấp. Lực lượng giảng dạy và cơ sở vật chất quá yếu kém so với số lượng sinh viên và cam kết chất lượng trên giấy. Đây là vấn đề cần được các nhà hoạch định chiến lược giáo dục đặc biệt quan tâm”, GS Quân nói.

Cũng theo nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, số liệu thống kê này hoàn toàn không có gì bất ngờ bởi những người làm giáo dục quá biết. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấy, nó phản ánh thực trạng chất lượng giáo dục của chúng ta hiện nay có vấn đề. Những giảng viên không đạt chuẩn, chắc chắn không thể “sản sinh” ra những sinh viên đạt chuẩn. Thực tế, nhiều trường chỉ chạy theo đầu vào, tìm đủ mọi cách “vét” thí sinh sao cho càng nhiều càng tốt. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển sinh lại đua nhau quảng cáo rùm beng, nhưng thực tế có khi không đủ giảng viên. Nhiều trường cũng chẳng mấy quan tâm đến đầu ra, cho nên khi sinh viên ra trường thường không đủ chuyên môn để làm việc và phải đào tạo lại. Đó là vòng luẩn quẩn không “lối thoát”, người gánh chịu vẫn là sinh viên.

Đồng quan điểm, GS. VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đánh giá: “Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 400 trường CĐ, ĐH; “phấn đấu” thời gian tới con số này sẽ tăng lên 500 trường. Con số này hoàn toàn không đáng mừng mà cực kỳ nguy hiểm. Có trường ĐH ở miền Trung, khi thành lập có một tiến sĩ, sau 5 năm con số này tăng lên… 3 tiến sĩ. Thậm chí có trường vừa mới thành lập, chưa có cơ sở vật chất mà vẫn ung dung được phép tuyển sinh và khai giảng rùm beng. Tôi không hiểu, các cơ quan quản lý Nhà nước làm gì mà để tình trạng này diễn ra như vậy”.

Theo GS Hạc, cách đây ít lâu, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phối hợp với các chuyên gia nước ngoài thực hiện kiểm định thí điểm 20 trường ĐH thuộc “tốp trên” của Việt Nam. Kết quả kiểm định cho thấy, không có một trường ĐH nào đạt chuẩn cơ sở vật chất như nhà học, phòng thí nghiệm, giáo trình… Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Các trường mới chỉ đạt 80% yêu cầu của tiêu chí, thậm chí chỉ có 3 trường đại học. Trong khi chất lượng giáo dục ĐH đang bị bỏ ngỏ, nếu không nhanh chóng “siết”, việc thành lập trường sẽ dẫn tới hậu quả khó lường.

Sẽ ảnh hưởng đến “ tiền đồ” của xã hội

GS. VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết, ĐH là đào tạo ra những đội ngũ lao động tri thức chất lượng cao, nếu để tình trạng kém chất lượng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiền đồ của xã hội. Các trường đua nhau “vét” thí sinh, rồi “đến hẹn lại ra”, với tỷ lệ bằng khá, giỏi khá nhiều. Chất lượng đào tạo thấp, nhiều trường cung cấp “hàng giả, hàng nhái”. “Sản phẩm” của giáo dục đào tạo ĐH không có chỗ đứng trên thị trường, người học xong đại học khó hoặc không tìm được việc làm. Điều đó, “lỗi” một phần do chất lượng giảng viên thấp, một phần do cơ chế giáo dục ĐH của chúng ta có vấn đề.

Anh Đức – Vương Trần