"Chát" với nhà văn viết truyện ma nhiều nhất Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Từng có một thời, người được sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là viết truyện ma nhiều nhất bị chế độ cũ cấm viết vì cho rằng, đó là cách tuyên truyền của cách mạng.

"Ma trong các câu chuyện hầu hết đều do tôi tưởng tượng nhưng truyện của tôi có rất ít chi tiết ma quỷ. Trong đó, nhân vật chính hầu hết là ma nữ. Tôi cho rằng, những người thấp cổ bé họng khị bị áp bức, họ ít có khả năng dùng vũ lực, sức mạnh để đấu tranh đòi lại quyền bình đẳng. Chỉ khi chết đi, hồn ma của họ mới trở về và báo oán những kẻ cường hào, ác bá. Đó âu cũng là theo thuyết nhà phật: Gieo gì gặt nấy. Cái cuối cùng mà tôi muốn nói, thông qua những câu chuyện chính là triết lý đó", nhà văn Thượng Hồng (bút danh Người Khăn Trắng) vừa được sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là người viết truyện ma nhiều nhất Việt Nam chia sẻ.

Xã hội - 'Chát' với nhà văn viết truyện ma nhiều nhất Việt Nam

Nhà văn Thượng Hồng

Nhân duyên đến với... chuyện ma

Ông kể lại câu chuyện của một người bạn và nó là một trong những nguyên nhân sau này ông hay viết chuyện ma. Số là vào những năm 1972, khi Sài Gòn còn ngổn ngang, có một anh tài xế chuyên lái xe từ Sài Gòn về Biên Hòa (Đồng Nai) và ngược lại.

Một ngày nọ, lúc khoảng 6h chiều, khi chạy ngang qua nghĩa trang quân đội chế độ cũ, cách cầu Đồng Nai chừng 500m, anh tài xế mơ hồ thấy một cô gái mặc chiếc áo dài trắng tinh khôi, mái tóc xõa dài buông mềm bay bay trong gió đứng vẫy tay đón xe. Dù chỉ lướt qua, anh cũng kịp thấy một vẻ đẹp kỳ bí, đầy mê hoặc nhưng cũng phủ đầy vẻ liêu trai khó tả. Lúc ấy, trời đã bắt đầu buông sương lạnh xuống. Vừa chạy anh vừa sợ và thắc mắc: "Giờ này sao còn có cô gái đứng đón xe, hay có lẽ cô ấy đang đón xe về nhà". Dù đã chạy qua khoảng 200m, anh vẫn quay xe lại. Anh nghĩ, bỏ một cô gái giữa lúc trời tối thì quá nhẫn tâm. Hơn nữa, xe cộ thường hiếm khi qua lại ở đoạn đường này.

Rước cô gái lên xe, trên đoạn đường về, cô gái cho biết mình tên là Cẩm Lệ và bắt đầu tâm sự: "Em có chồng chết trận, nằm lại nghĩa trang này. Ngày nào em cũng lên đây thăm mộ. Hôm nay vì quá nhớ thương chồng mà khóc quên mất cả giờ về”. Rồi cô nói thêm: "Vì hôm nay là thứ bảy, chứ không em sẽ mời anh tới nhà chơi".

Để giữ liên lạc, cô gái đưa một mảnh giấy nhỏ ghi lại địa chỉ nhà trước khi chia tay. Anh tài xế nhìn vào thì đó là một căn nhà có địa chỉ ở đường Trần Quang Khải (quận 1, TP.HCM ngày nay). Ngày hôm sau, anh tài xế bị những suy nghĩ lạ lùng ám ảnh và quyết đi đến nhà cô gái ngay trong chủ nhật đó.

Không quá khó khăn để anh tài xế tìm đến nhà cô gái. Nhưng khi cánh cửa vừa mở ra thì trước mặt anh là một người phụ nữ khá lớn tuổi. Anh hỏi thăm Cẩm Lệ thì bà cụ tròn xoe đôi mắt hỏi: "Anh gặp con tôi từ lúc nào?". Anh tài xế trả lời: "Vừa gặp hôm qua". Nghe xong, bà cụ bỗng té ngửa xuống nền nhà. Khi cụ ngã xuống, hình ảnh chiếc bàn thờ có hình cô gái trẻ đập vào mắt anh tài xế. Anh rùng mình hốt hoảng khi người trong bức hình kia chính là Cẩm Lệ. Thì ra, Cẩm Lệ đã chết được hơn 6 tháng nay.

Theo lời kể của người phụ nữ lớn tuổi kia, thì Cẩm Lệ có một người chồng là lính nhảy dù chế độ cũ. Chẳng may, chồng chết khi còn trẻ tuổi. Vì quá nhớ thương chồng, ngày nào Cẩm Lệ cũng đến nghĩa trang để thăm. Một hôm, sau khi buồn tủi khóc lóc ở nghĩa trang xong, người ta bỗng thấy Cẩm Lệ lao vào đầu xe, trước nghĩa trang, chết ngay trong tức khắc. Nghe xong câu chuyện, anh tài xế điếng hồn, những cảm giác ma mị rợn ngợp trong anh, khiến anh bị ám ảnh không thôi.

Rồi Người Khăn Trắng lại kể tiếp cho chúng tôi nghe về chuyện gặp ma trong đoàn làm phim của nữ minh tinh nổi tiếng Thẩm Thúy Hằng. Một lần, đoàn làm phim của Thẩm Thúy Hằng đến Nha Trang để quay phim, họ thuê một căn biệt thự trên đường Yersin để anh em trong đoàn ở.

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, những người phụ nữ thì được sắp xếp ngủ cùng nhau trong một căn phòng trên tầng 2. Thẩm Thúy Hằng gặp bạn ngoài bãi biển. Một số chị em khác thì đi dạo. Còn những người đàn ông đang ngồi nhậu ở phía dưới bỗng nghe tiếng nước chảy phía trên lầu. Một người trong họ chạy lên thì thấy nước chảy, nhìn qua nhìn lại vẫn không thấy ai. Khá kinh ngạc nhưng người đàn ông vẫn tiếp tục xuống nhậu.

Có một điều đặc biệt, khi uống xong lon bia nào vừa ném ra ngoài sân thì vài phút sau những lon bia đều được ném trả lại. Không lâu sau đó, trên lầu lại có tiếng nước chảy róc rách. Lần này lên lầu, những người trong đoàn thấy nước đã chảy lênh láng, kèm theo đó là rất nhiều tóc của phụ nữ trên sàn. Suốt đêm hôm đó, cả đoàn làm phim không có ai dám ngủ. Sau này, những người làm phim trong đoàn được biết, chỗ họ ở chính là phòng Nhì của Pháp làm trụ sở. Nơi đó đã từng tra tấn và giết chết rất nhiều người. Có lẽ, linh hồn của họ không được siêu thoát nên cứ vất vưởng, lẩn khuất mãi ở nơi đây.

Những câu chuyện của ông kể cứ hư hư thật thật khiến chúng tôi cũng sởn… gai ốc. Tôi chợt nghĩ: "Chả trách ông viết chuyện ma nổi tiếng đến vậy".

Xã hội - 'Chát' với nhà văn viết truyện ma nhiều nhất Việt Nam (Hình 2).

Nhà văn Thượng Hồng: Sau mỗi câu chuyện của tôi là triết lý về nhân sinh của người phụ nữ, tôi luôn bênh vực và đứng về phía họ

Giải mã “người ma”

Nói chuyện với chúng tôi, Người Khăn Trắng (nhà văn Thượng Hồng, tên thật là Huỳnh Thượng Đẳng) chia sẻ, cuộc đời này có ma hay không vẫn là câu hỏi lớn. Khi mà giới khoa học vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Riêng bản thân tôi, ma là có. Nhưng ma của tôi không phải như mọi người thường nghĩ, ma ở đây là ma trong lương tâm mỗi con người. Theo thuyết nhà Phật, gieo nhân nào gặt quả ấy, luật nhân quả, người ở hiền sẽ gặp lành, người ở ác thì ắt sẽ gặp báo oán.

"Nhân vật của tôi xây dựng trong truyện đều là ma nữ. Họ thường là những cô gái trẻ. Người xưa thường nói: "Người chết trẻ mới linh, mới thiêng". Theo dân gian thì khi họ chết đi, thường về quấn quýt bên người thân, gia đình. Còn họ có oan ức thì sẽ về báo oán với kẻ đã gây ra cái chết hoặc những ai đã gây ra tai ương cho họ".

Nói về nhân vật nữ, nhà văn Thượng Hồng cho rằng, đây là tầng lớp bé cổ thấp họng. Họ thường bị chà đạp, cưỡng hiếp. Thậm chí có nhiều vụ việc xảy ra một cách dã man trong cuộc sống. Hàng ngày, có rất nhiều vụ việc thương tâm xảy ra. Do đó, qua các câu chuyện, tôi muốn nói lên triết lý về nhân sinh của những người phụ nữ mà khi còn sống, họ thường bị chà đạp.

Nhà văn Thượng Hồng bắt đầu viết truyện ma từ năm 1966. Những câu chuyện của ông đã thu hút được được độc giả thời bấy giờ, bởi lối viết theo giọng Nam bộ giản dị, có khi dùng phương ngữ làm nhiều người mê. Thêm vào đó, cốt truyện gần gũi, có ít yếu tố ma quỷ nên truyện của ông có khá nhiều độc giả theo từ đó tới nay. Ông cho biết, đến nay đã có nhiều người đã U60, 70 vẫn thích đọc truyện của tôi. Thậm chí, họ còn chỉ cho con cháu đọc. Qua đó, họ nhận ra được nhiều giá trị cuộc sống.

Năm nay, Người Khăn Trắng đã bước sang tuổi 74, nhưng ông vẫn viết khỏe. Ông cho biết, có tuần tôi viết một cuốn là bình thường. Đến nay, tôi đã viết hơn 400 cuốn, xuất bản và bán trên 1 triệu bản. Nhưng không vì thế mà nghỉ ngơi, tôi vẫn viết và đang theo đuổi loại truyện khác. Cái gì cũng có giới hạn của nó. Truyện ma theo tôi thế là vừa.

Người Khăn Trắng cho biết, lúc cầm bút thời chế độ cũ, đã bị chính quyền lúc ấy ấy cấm viết cho tới khi giải phóng. “Qua những câu chuyện của tôi, họ cho rằng, đó là phương tiện để tuyên truyền, đấu tranh của cộng sản. Đặc biệt, khi lấy những nhân vật nữ về báo oán các loại cường hào, ác bá hay những tên bóc lột hà hiếp dân nghèo. Thêm vào đó, gia đình tôi đa phần hoạt động theo cách mạng, tập kết ra Bắc. Riêng tôi, đến năm 1954 thì chuyển lên Sài Gòn sinh sống. Mãi đến năm 2004 thì tôi bắt đầu viết lại”, nhà văn Thượng Hồng nói.

Khi những tập truyện của tôi xuất bản, đã có một số người ăn theo, mạo danh. Vừa qua, tôi đã kiện một người mạo danh Người Khăn Trắng, anh ta lấy bút danh Người Khăn Trăng (thiếu dấu sắc) của một nhà xuất bản khá tên tuổi của TP.HCM. Trong mỗi câu chuyện, tôi đều có lời khẳng định: "Truyện của tôi ít chuyện ma quỷ, kết thúc bao giờ cũng là có hậu và có chứa những triết lý nhân sinh”.

T.nghĩa - H.Phố - T.Thơ