'Cháy rừng' dưới đáy biển

'Cháy rừng' dưới đáy biển

Chủ nhật, 07/04/2013 | 11:12
0
Rong mơ (tên khoa học là sargassum) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các hệ sinh thái biển, nó giống như rừng trên cạn. Thế nhưng, dọc ven biển tỉnh Khánh Hòa, nhiều người dân đổ xô "tàn sát" rong mơ đúng vào mùa sinh sản của các loài thủy sản. Đó là nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ vốn đã cạn kiệt, nay lại càng rơi vào tình trạng cùng kiệt.

Biết tôi chuyên viết về biển, ông Nguyễn Điền, thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa hẹn gặp tôi "tố cáo": "Ông Luận phải lên tiếng ngay tình trạng khai thác rong mơ quá dữ dội, vùng rong mơ là nơi sinh sản và phát triển cá, tôm. Bao nhiêu năm nay, người dân chúng tôi sống nhờ vùng biển ven bờ, nay phá rong đi rồi chẳng khác nào "cháy rừng" cả. Trên bờ còn có kiểm lâm, chứ ở dưới biển giờ toàn "đồi trọc", không có ai lặn xuống xem, lập báo cáo với Nhà nước. Mỗi ngày có hàng trăm tấn rong tươi bị nhổ cả gốc, lẫn rễ đưa lên bờ phơi khô, kéo theo hàng tỉ ấu trùng, trứng cá, tôm và sinh vật bị hủy diệt. Nếu như không có chỉ thị của UBND tỉnh Khánh Hòa, người dân Xuân Tự kéo ra đánh mấy người khai thác rong mơ rồi đó".

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!

Việt Nam Xanh - 'Cháy rừng' dưới đáy biển

  Các thuyền khai thác rong mơ cập bến. 

Đánh nhanh thắng nhanh

Theo ông Điền, những năm trước đây, rong mơ mọc dài mấy sải, ở những bãi rạn san hô, rong mơ mọc dày đặc như rừng, nó giống như là "nồi cơm" dân làng ven biển. "Lúc trước, ăn Tết xong, nghề câu, nghề lặn, lưới... ai cũng làm có ăn. Bây giờ đói lắm, tìm con cá, con tôm "đỏ" cả mắt mà không ra, phá rong mơ là diệt đơn, diệt kép" - Ông Điền tiếp tục xổ bức xúc.

Tôi bắt đầu đi thị sát dọc bờ biển từ huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, TP Nha Trang, đến Cam Lâm, Cam Ranh hầu như chỗ nào cũng có người khai thác và phơi rong mơ đầy bờ biển. Ông N.V.P, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, thật thà bộc bạch: "Ra biển, người đi khai thác rong mơ rất đông, chỉ cần nhú lên vài tấc là lặn xuống nhổ sạch, phơi 1 - 2 nắng bán với giá 8.000 - 13.000 đồng/kg". "Vì sao không để rong mọc lên vài mét rồi khai thác cho có lợi biển cả và tăng thêm thu nhập?" - Tôi cắt ngang. Chẳng cần suy nghĩ lâu, ông N.V.P xổ luôn: "Mình không nhổ trước, nhóm người khác đến nhổ, tốt nhất là mình phát hiện ra chỗ nào có rong thì hãy "ăn" trước. Ngoài Hòn Lớn, chỗ du lịch Vinpearl, mấy ông bảo vệ không cho khai thác, tụi tui căn me mấy ông đi vào phía trong, chạy ghe (thuyền) đến lặn. Nếu làm căng quá, chuyển sang lặn khai thác ban đêm, kiểu nào tụi tui cũng "chiều" hết, miễn là có rong chở về bờ là được".

Chuyện tranh giành lãnh địa khai thác rong đã lên đến đỉnh điểm, dẫn đến xung đột giữa "chúa đảo" với dân khai thác rong mơ. "Cuối tháng 3 vừa rồi, ông bảo vệ đảo Hòn Rùa (TP Nha Trang) canh giữ rất lâu, rong mơ mọc dày đặc, tụi tui chạy 3 ghe ra lặn nhổ rong, ông bảo vệ ngăn cản quyết liệt. Tức quá, tụi tui nhảy lên túm cổ áo ông ta xoay mấy vòng. Lúc đó, ông ta mới thôi "cái alô" lại, tụi tui hốt đầy 3 ghe chạy về bờ. 3 ngày sau, tụi tui cho người theo dõi, phát hiện ông bảo vệ đảo Hòn Rùa vào bờ sửa máy. Tụi tui huy động 25 ghe và cả trăm người chạy ra "đánh nhanh thắng nhanh" rong ở xung quanh đảo, coi như sạch bách luôn" - Ông N.V.P hào hứng kể.

 Phương thức khai thác rong mơ đa số thủ công. Khoảng 3 giờ sáng, họ chạy thuyền ra các đảo, rồi săn tìm chỗ nào có rong, họ nổ máy ô-xi lên mang bao lưới lặn xuống, dàn hàng ngang nhổ rong đến khi nào đầy bao mới trồi lên. Mỗi thuyền đi khai thác có từ 4 - 6 lao động, sản lượng dao động từ 3 - 5 tấn tươi/thuyền. Theo ước tính, mỗi năm biển Khánh Hòa khai thác khoảng 10.000 tấn rong mơ tươi.

 Việt Nam Xanh - 'Cháy rừng' dưới đáy biển (Hình 2).

 Cây rong mơ mới mọc lên cũng bị nhổ cả rễ. 

Chẳng ai thực hiện theo chỉ thị

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải dương học Nha Trang, đánh giá rong biển giống như một cỗ máy lọc nước khổng lồ, là "ngôi nhà" cư ngụ, sinh sản và phát triển các loài thủy, hải sản; là cái "kho" dự trữ và cung cấp nguồn giống lâu dài cho cả vùng biển khơi. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng xác định được tầm quan trọng của rong mơ đối với môi trường biển. Vì vậy, ngày 23-2-2010, lãnh đạo địa phương này đã ban hành Chỉ thị số 07, "Về việc quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn rong mơ tỉnh Khánh Hòa". Chỉ thị nêu rất rõ thời điểm khai thác rong mơ bắt đầu ngày 15-4 hàng năm, có vùng biển bắt đầu từ ngày 1-8, đến hết tháng 12. Thế nhưng mới tháng 1, người ta đã đổ xô ra nhổ sạch, từ cây dài đến cây mới nhú lên vài xăng-ti-mét.

 Theo Chỉ thị 07: "Khi thu hoạch rong, phải để lại gốc bám và một đoạn thân cây rong dài khoảng 10cm, nhằm giúp rong có phần tán che cho bao tử tránh được các động vật ăn, giảm bớt ánh sáng tác động trực tiếp, phát triển thêm các thỏi sinh sản và cung cấp thêm nguồn giống bao tử. Khi thai thác phải chừa khoảng 20% trữ lượng của bãi rong theo các luống, luống cách luống khoảng 100m, để còn nơi cư trú và sinh sản cho động vật thủy sản". Rõ ràng, chính quyền tỉnh Khánh Hòa biết rất sâu vấn đề này, song cách giải quyết xem ra không hiệu quả.

Trao đổi với chúng tôi, một đồn trưởng đồn BP ở tỉnh Khánh Hòa khẳng định, Chỉ thị số 07 ban hành nhưng rất khó thực hiện. "Chẳng ai lặn xuống biển kiểm tra dân cắt rong mơ để lại bao nhiêu xăng-ti-mét? Rồi luống cách luống 100m? Còn trữ lượng 20%? Người đi khai thác toàn dân nghèo, thấy được tí tiền trước mắt, thế là họ ra sức "tận thu, tận diệt" chúng tôi có bắt họ thì không biết xử lý thế nào. Muốn xử phạt thì phải có chứng cứ, không có điều tra viên nào giỏi nghề lặn xuống biển để lập biên bản bắt quả tang vi phạm chỉ thị ban hành. Nếu như UBND tỉnh Khánh Hòa làm một cuộc điều tra xã hội học, hỏi dân ven biển, nên cấm hay cho khai thác rong mơ. Tôi cam đoan, trên 95% người dân yêu cầu Nhà nước cấm khai thác loại thực vật quý hiếm và vô cùng quan trọng" - Vị đồn trưởng bức xúc.

Rong mơ được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm, dệt in hoa, hồ vải, công nghệ sinh học và y học. Vì vậy, có rất nhiều thương lái từ Trung Quốc sang đặt hàng các đầu nậu ở Việt Nam nỗ lực thu gom rong mơ để xuất sang nước này với số lượng rất lớn.

Theo Hải Luận Báo Biên Phòng

Thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất đe dọa Australia

Thứ 4, 09/01/2013 | 16:57
Tại nhiều nơi trên đất nước Australia, nhiệt độ đã tăng lên 54 độ C.

Sóc Trăng: Cảnh báo nguy cơ cháy rừng

Thứ 6, 05/04/2013 | 17:21
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, hiện nay có tổng diện tích khoảng 5.000 ha rừng đã khô nước, báo động cháy cấp 2 cấp 3.

Vụ cháy rừng trên đèo Hải Vân có thể do bom

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Sau gần 12 tiếng đồng hồ, đến gần 1h sáng 3/5, lửa trên đỉnh đèo Hải Vân vẫn tiếp tục bốc cháy và lan rộng.

Cháy rừng ở Nghệ An với những con số đáng báo động

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Theo báo cáo nhanh của Chi cục kiểm lâm Nghệ An về tình hình cháy rừng, từ ngày 1/1/2012 đến 23/7/2012, toàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ cháy với diện tích: 67,44 ha.