Chị em loay hoay để... tránh thực phẩm “bẩn”

Chị em loay hoay để... tránh thực phẩm “bẩn”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Trước tình hình dịch cúm gia cầm quay trở lại, thịt lợn siêu nạc chứa chất Beta Agonists có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, người tiêu dùng đứng trước những lựa chọn khó khăn về thực phẩm thì trên thị trường xuất hiện nhiều chiêu tiếp cận mới.

Tuy nhiên, dù được trấn an bởi các cơ quan chức năng: chỉ một số cơ sở chuồng, trại chăn nuôi có dùng chất độc hại này chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng người tiêu dùng vẫn hoang mang, liệu thực phẩm họ mua có thực sự "sạch"?

Xã hội - Chị em loay hoay để... tránh thực phẩm “bẩn”

Tin thịt lợn chứa chất cấm gây hoang mang cho người tiêu dùng. Nhiều người tiêu dùng chọn siêu thị làm thực phẩm sạch.

Thịt mỡ lên ngôi

8h30 sáng ngày 16/3, chúng tôi có mặt tại chợ Cầu Giấy, Hà Nội. Bà H, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ cho biết: "Trước thông tin thịt lợn có chứa hàm lượng thuốc tăng trưởng, người mua đã chọn mua thịt nạc nhiều. Tuy nhiên, hiện nay mọi người mua hàng lại có cách lựa chọn hoàn toàn khác. Đa số khách hàng giờ lại thích mua hàng tại những phản thịt có nhiều thịt mỡ. Cô cứ nhìn các phản thịt còn hàng thì biết. Đa số đều còn ế thịt nạc là chính. Bây giờ chúng tôi "mời" khách mua thịt không dám đưa miếng thịt nạc thay vào đó là miếng thịt nào có mỡ dày, càng nhiều mỡ càng tốt".

Dạo qua các chợ Nghĩa Tân, chợ Bưởi, tình trạng ế ẩm thịt lợn nạc cũng xảy ra tương tự. Theo đa số các tiểu thương, dù họ mời chào nhiệt tình thì thịt nạc vẫn làm người tiêu dùng e dè. "Giờ thì những con lợn mổ ra có nhiều mỡ lại được người bán và người mua thích hơn lợn nạc. Thịt ba chỉ lại dễ bán và đắt hàng hơn thịt thăn", một tiểu thương tại chợ Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ.

Theo một chuyên gia về VSATTP thì các chất kích thích tăng trưởng gốc B - Agonist chủ yếu là Sallbutamol, Clenbuterol... đều là những chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Ở Việt Nam, Salbutamol đã bị cấm dùng từ năm 2002 vì có thể gây rối loạn chức năng tim phổi nếu con người ăn phải thực phẩm có tồn dư lớn chất này. Chính vì thế cả người bán và người mua cẩn trọng cũng là điều dễ hiểu.

Chị Trần Thị Phượng, phố Dịch Vọng, Cầu Giấy cho biết: "Trước kia, giá thịt lợn nạc bán lẻ thường chênh với giá thịt có nhiều mỡ từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng. Nhưng sau khi có thông tin, cơ quan chức năng phát hiện nhiều người chăn nuôi sử dụng chất cấm để tăng trọng và tạo nhiều thịt nạc thì giá cả giữa thịt mỡ và thịt nạc chỉ chênh 1.000 đồng. Thậm chí, mấy ngày nay tôi muốn mua thịt ba chỉ về ăn cho an tâm cũng khó mua vì hết hàng nếu ra chợ muộn".

Khác với xu thế người dân chuyển sang ưu tiên mua các sản phẩm thay thế cho thịt lợn và thịt gà tại các chợ bán lẻ. Tại các siêu thị lớn không có nhiều biến động về các loại thực phẩm thay thế. Theo đại diện siêu thị Big C Thăng Long thì tại siêu thị không có sự đột biến về cơ cấu, số lượng bán ra các loại thực phẩm có khả năng thay thế mặt hàng thịt lợn và thịt gà.

Chị Nguyễn Thị Nga, Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: "Thực sự ra các chợ bán lẻ ở Hà Nội mà tìm được dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng trên các sản phẩm gia súc, gia cầm là rất khó. Nhiều chị em mách tôi là nên mua thịt từ những con lợn có nhiều mỡ. Tuy nhiên, gia đình tôi có 4 người thì cả 4 đều không ăn thịt mỡ. Miếng thịt mà có dính một tẹo mỡ chồng tôi cũng cắn bỏ. Vậy không lẽ mua thịt mỡ rồi về lọc lấy nguyên nạc nấu? Đặc biệt, sạp hàng nào có dấu xanh kiểm dịch còn nâng giá bán hàng với lý do đưa ra là "thịt an toàn".

Người bán thịt kiêm... chuyên gia tư vấn

Trong lúc các cơ quan chức năng vẫn đang trấn an người tiêu dùng không nên hoang mang về các sản phẩm thịt được bày bán tại các chợ thì cả người bán và người mua đang có những cách xoay để thích ứng.

Nguyên tắc “nằm lòng”

Theo chị Lan, ở phố Nhân Chính, Hà Nội cho biết: "Giữa lúc dịch cúm ảnh hưởng tới các thực phẩm gia cầm, thịt lợn thì "loay hoay" kiểm soát gắt gao chất tạo nạc. Tôi phải "nằm lòng" nguyên tắc cả tuần đi chợ một buổi. Thay vì mua các sản phẩm thịt tươi ngon ngay tại chợ gần nhà, tôi chấp nhận ăn thịt lợn, gà chủ yếu mua trong siêu thị. Dù biết là không tươi nhưng nó giúp tôi an tâm về tinh thần. Bởi các sản phẩm tại các siêu thị luôn có nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm".

Chị Trần Quỳnh Trang, một tiểu thương tại chợ Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội cho biết: "Bản thân tôi là người đi bán thịt, tôi cũng phải chọn thịt ngay từ lúc nhập hàng về. Theo kinh nghiệm mà các tiểu thương chúng tôi chia sẻ nhau, người mua có thể xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt. Một con lợn có lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh. Thông thường lợn siêu nạc được ăn hóa chất nên lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5-2 cm. Đặc biệt màu sắc của thịt lợn nếu có chứa các chất tăng trưởng cấm như cơ quan chức năng thông báo, thường có màu đỏ tươi khác thường, sáng và bóng. Miếng thịt ra từng đoạn dày bằng 2-3 ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn rất có thể thịt đã nhiễm chất tăng trọng".

Chị Trang cũng không quên dặn dò người mua là nếu quan sát chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc.

Anh Nguyễn Văn Chung, một thương lái chuyên mua lợn ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ cho rằng, nếu tình trạng người tiêu dùng thờ ơ và hoang mang với các sản phẩm thịt nạc nhiều như những ngày vừa qua. Anh và các thương lái đang tìm mua các giống lợn lang vắt thăn ở các tỉnh miền núi. Theo anh Chung thì điều này chỉ là giải pháp tạm thời. Quan trọng nhất vẫn là việc kiểm soát chất cấm và tự người nuôi không dùng các chất tăng trọng gây nguy hiểm cho người dùng.

Hoàng Mai


Tag: Big c