Chiêm ngưỡng nhà Trăm Cột - Tuyệt phẩm độc nhất xứ Nam Kỳ

Chiêm ngưỡng nhà Trăm Cột - Tuyệt phẩm độc nhất xứ Nam Kỳ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Từ Chợ Lớn, ông đã cất công ra Huế xem cách làm nhà rường. Sau 5 năm ròng rã, tuyệt phẩm nhà Trăm Cột, độc nhất vô nhị xứ Nam Kỳ mới hoàn thành.

Lặn lội tầm nghệ nhân dựng nhà

Thuở xưa, ở xứ Long Hựu (làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn, xã Long Hựu Đông, huện Cần Đước, Long An) có gia đình ông Hương sư, trưởng gia tên là Trần Văn Hoa (1879 - 1952) giàu nức tiếng. Tuy là địa chủ nhưng ông đức trọng, tài cao, ăn ở có trước có sau nên được dân chúng trong vùng mến mộ, kính nể.

Thân sinh ông Hương sư là cụ Trần Văn Nhơn, một người cần cù, siêng năng, chịu khó. Thuở trước xứ Long Hựu hoang vu, chưa người khai phá, chỉ có cây ngập nước, kênh rạch. Một mình cụ Nhơn cất công đến phát cây, đào đất đắp ụ dựng nhà. Nhờ biết cách trồng lúa, năng chăn nuôi, chẳng mấy chốc, gia đình cụ Nhơn vươn lên thành nhà có của ăn của để. Nghe tiếng, người dân tìm đến nhờ cụ bày cách làm ăn, dần dà nhà cửa được dựng lên...

Sự kiện - Chiêm ngưỡng nhà Trăm Cột - Tuyệt phẩm độc nhất xứ Nam Kỳ

Đồ nội thất trong ngôi nhà vô giá

Rồi cụ Nhơn lập ấp, dựng làng, xứ Long Hựu hình thành từ đó. Không ngừng khai hoang, mua thêm đất, gia đình cụ Nhơn trở thành người có đất đai rộng thẳng cách cò bay, trâu, bò thả đầy đồng. Có vị thế, lại giỏi, nên cụ được các quan Pháp trọng dụng, tiến cử cụ làm chức Hương quan trong vùng (tương đương quan cấp huyện ngày nay), cụ tham gia Hội đồng quản hạt nở Nam Kỳ lục tỉnh. Dù giàu có, địa vị quan lang, thế nhưng cụ Nhơn là một địa chủ có tinh thần dân tộc, thương người, sống để đức cho con cháu. Cụ là người uyên thâm Đông - Tây học, nghiên cứu sâu những tư tưởng nho học vào cuộc sống thường ngày, để tạo dựng khuôn phép gia đình, rèn dũa con cháu giữ gìn nề thói gia phong, nên không những dân chúng kính trọng cụ, mà quan Tây cũng nể phục.

Thế hệ con cháu của cụ kể lại rằng, cụ Trần Văn Nhơn là người rất mẫu mực, đặc biệt chú trọng rèn dũa con cháu theo khuôn phép Nho giáo. Cụ am hiểu nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt thích nghệ thuật kiến trúc và có ý định xây dựng một ngôi nhà theo đúng cốt cách gia đình phong kiến truyền thống xưa.

Trong mấy người con mà cụ Nhơn sinh ra có Trần Văn Hoa, có nhiều tư chất giống ba nhất. Thông minh, khiêm tốn, cần cù, từ nhỏ đã biết thương người, Hoa được cha đặt nhiều kỳ vọng và dạy dỗ rất nghiêm ngặt. Nhà giàu có, Hoa còn được đi học trường Tây, về nhà lại được cha truyền thừa tư tưởng nho giáo, nên sớm lĩnh hội được những tư tưởng tiến bộ, thức thời. Năm 1901, Trần Văn Hoa tròn 22 tuổi. Một ngày, cụ Nhơn gọi Hoa lại và bảo: "Này con trai, từ lâu ta rất muốn xây dựng một ngôi nhà theo lối cha ông xưa. Một đời lao lực làm ăn, giờ ta đã già không còn sức, tất cả ta chỉ trông chờ vào con. Ta biết Huế là xứ của kiến trúc nhà truyền thống rường cột, không chỉ đẹp mà chắc chắn, chỉ làm một lần đời sau con cháu cứ thế nối tiếp mà ở. Con hãy làm một ngôi nhà như thế".

Hiểu ý cha, chàng thanh niên Trần Văn Hoa thu xếp việc nhà, cất công ra tận Huế thăm thú các công trình cung đình của các vua chúa xưa. Ông nhận thấy rằng, vùng đất này có lối dựng nhà không chê vào đâu được. Nhất là những ngôi nhà rường cách đây hàng trăm năm vẫn không hư.

Những ngôi nhà rường ở Huế bây giờ không đơn thuần là nhà ở nữa, mà là tác phẩm đạt đến độ nghệ thuật, người dựng nhà cũng là nghệ nhân. Họ nắm giữ bí quyết dựng nhà đạt được hai yêu cầu, một mặt yên tâm sinh sống ngay trên miền quanh năm gió bão và mặt khác đạt độ thẩm mỹ cao. Chàng trai 22 tuổi nhận ra rằng, ngoài gỗ tốt ra, điều cốt yếu là do người dựng. Và ở xứ Trung Kỳ này chỉ có một ngôi làng mộc, sản sinh những con người khéo tay về điêu khắc gỗ, dựng nhà, đó chính là làng Mỹ Xuyên, cách trung tâm Kinh đô Huế thời đó khoảng 40 km về phía Bắc (hiện nay làng nghề này vẫn còn- PV). Những nghệ nhân xuất thân từ làng này nhiều đời được triệu vào cung để thiết kế, sáng tạo các tác phẩm điêu khắc cho kinh thành và nhà cửa cho các vị quan tướng trong triều. Ông Hoa đã tìm gặp những người này và sau nhiều ngày tuyển chọn, ông quyết định chọn 15 thợ bậc thầy về điêu khắc gỗ có tiếng trong làng, chuẩn bị ngày đưa vào Nam dựng nhà.

Sự kiện - Chiêm ngưỡng nhà Trăm Cột - Tuyệt phẩm độc nhất xứ Nam Kỳ (Hình 2).

Mặt tiền của nhà Trăm Cột

Gian nan ngày dựng nhà

Tuy phải nhờ đến nghệ nhân, nhưng việc thiết kế mẫu nhà lại là do chàng trai Trần Văn Hoa quyết định. Bởi, ai cũng biết, tuy mới 22 tuổi đời nhưng Hoa rất giỏi về kiến trúc, đó là điều hiếm thấy ở chốn miệt sông nước, nơi xưa nay chỉ có cách dựng nhà bằng cây chàm, lợp lá dừa tạm bợ.

Anh Trần Văn Ngộ (chắt của cụ Hoa) kể với tôi rằng, tất cả công đoạn xây nhà được ông nội kể lại là rất kỳ công, mất rất nhiều công sức, thời gian, còn chi phí thì không thể nào tính nổi. Tất cả vật liệu nhà như gỗ, gạch nền, đá trụ, ngói lợp hoàn toàn lấy từ nơi khác chứ không phải ở quê nhà như người ta lầm tưởng. Vì xứ Long Hựu hồi đó nhiều rừng, nhưng chủ yếu cây thân xốp, không có loài gỗ tốt theo yêu cầu của nhà rường. Gỗ tốt chỉ có ở vùng Tân Uyên - Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay), còn phần dự tính dùng đá xanh, gạch lục giác. Đá xanh thì chỉ có một số ngọn núi ở vùng Biên Hòa, còn gạch ở các lò ở Biên Hòa nổi tiếng bền đẹp, không chê vào đầu được.

Về quê, ông Hoa cho người lên vùng rừng Tân Uyên - Bến Cát, chọn những loài cây thân gỗ như: Gõ đỏ, mun, thao lao, cẩm bông, trắc, giá tỵ. Đặc biệt gỗ giá tỵ, được mệnh danh là "vua gỗ" - chỉ dùng làm báng súng - được ông ưu tiên tìm với số lượng nhiều nhất. Đích thân ông Hoa chọn những thân cây lớn nhất, dài nhất đẵn nguyên cây, lọc phần vỏ và phần có thể mục bên ngoài, chỉ còn lõi rồi phơi khô. Tuy nhiên, phần vận chuyển mới thực khó khăn. Bởi, tính khoảng cách đường chim bay thì từ Bến Cát - Tân Uyên về đến Long An không quá trăm km. Thế nhưng, hồi đó không hề có đường lớn, chỉ có những con lộ nhỏ, nhưng không có phương tiện để vận chuyển hàng trăm thớt gỗ khổng lồ, nặng hàng tấn. Chàng thanh niên Trần Văn Hoa đã chọn đường sông để đưa gỗ về. Hệ thống sông Sài Gòn chảy từ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh ngày nay) nối Thủ Dầu Một cắt qua tỉnh Chợ Lớn (ngày nay là ranh giới địa phận Long An và Sài Gòn), xuôi về hạ nguồn, đổ ra cửa biển. Xứ Long Hựu nhà ông chính là điểm mút của hạ nguồn sông, từ cửa biển có con rạch dẫn vào tận nhà. Vì thế, chỉ cần đưa gỗ lên bè, từ Thủ Dầu Một cho chảy xuôi là về đến nhà ông.

Ngày vận chuyển gỗ, chứng kiến sự kiện ông Hương sư xây nhà mà ngỡ như xây một kinh thành bằng gỗ. Những thân cây khổng lồ ngày nối ngày được vận chuyển bằng bè về, xếp ngổn ngang trên mảnh đất nhà ông. Song song với đó là một đội đào đất cơi nền. Xong xuôi, ông lại cho người ngược Biên Hòa chọn những thớt đá xanh đục đá, đích thân ông tìm đến lò gạch uy tín nhất ở Biên Hòa đặt nung gạch lục giác và ngói liệt (loại ngói dành riêng lợp nhà rường) vận chuyển về. Sau khi vật liệu xong xuôi, 15 nghệ nhân điêu khắc, kiêm dựng nhà làng Mỹ Xuyên, được ông Hoa chính thức mời vào ăn ở ngay trong nhà, cùng ông thiết kế.

Bà Trần Thị Ngõ (SN 1947, là cháu dâu, người gọi ông Hoa bằng cố) cho biết, bà là hậu thế, không chứng kiến cảnh xây nhà, thế nhưng bà nghe cha chồng kể lại rằng: "Ngôi nhà xây mất năm năm mới xong, trong đó hai năm xây dựng, ba năm chạm khắc". 15 nghệ nhân Huế được ông Hoa nuôi ăn ở ngay trong nhà suốt năm năm trời. Nhà ông Hoa giàu, công bộc sòng phẳng, nên những nghệ nhân không nề hà, cống hiến hết mình. Tổng giá trị ngôi nhà khoảng 15 nghìn đồng (thời tiền tính bằng xu, cắc). Ngày khánh thành nhà, một lễ tân gia trước nay chưa từng có, những quan chức Nam Kỳ lục tỉnh, quan Tây nườm nượp đến chúc mừng, dân chúng kéo đến xem như nêm, ăn uống linh đình nhiều ngày trời. Người ta tò mò đến xem một công trình nghệ thuật mà xưa nay vùng sông nước không ai có.

Kỳ Anh