'Chiến binh pốt tơ' chia sẻ bí quyết khuất phục Phanxipăng

'Chiến binh pốt tơ' chia sẻ bí quyết khuất phục Phanxipăng

Thứ 2, 08/07/2013 | 16:44
0
Nhiều người quan niệm, vượt qua đỉnh Phanxipăng- mái nhà Đông Dương là vượt qua chính bản thân mình. Với họ, leo Phan là niềm đam mê, là động lực nhưng với những pốt tơ người Mông ở nơi này lại là một công việc, một kế mưu sinh đầy vất vả. Những pốt tơ này còn được ví như những chiến binh quả cảm và đầy dũng khí đương đầu với mạo hiểm tột độ...

Người đứng cạnh “vinh quang lên đỉnh”

Nghề pốt tơ là cách gọi nôm na theo tiếng Anh của bà con trong vùng để chỉ những người làm nghề khuân vác đồ cho khách du lịch leo Phanxipăng. Đây là nghề đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho đa số đàn ông trong vùng.

Phanxipăng theo tiếng địa phương gọi là Hua-Si-Pan, có nghĩa là khối đá khổng lồ tựa như chiếc bàn, nằm chênh vênh giữa mây trời. Thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn dài 280km kéo dài từ Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đến giáp tỉ nh Hòa Bình. Chiếc bàn đá khổng lồ bao gồm ba khối núi là khối Bạch Mộc Lương Tử, khối Pú Luông và khối Phanxipăng, trong đó cao nhất, hiểm trở và bí ẩn nhất vẫn là đỉnh Phanxipăng.

Lạ & Cười - 'Chiến binh pốt tơ' chia sẻ bí quyết khuất phục Phanxipăng
Pốt tơ là một nghề vất vả và nguy hiểm nhưng đem lại nguồn thu nhập chính cho những người đàn ông H'mông trong vùng.
 
Từ Sa Pa hiện có 4 tuyến đường cho khách du lịch lựa chọn để leo núi Phanxipăng tùy vào sức khỏe và lòng ham muốn trải nghiệm của khách. Tuyến dễ đi nhất là xuất phát từ thị trấn Sa Pa theo quốc lộ 4D qua thung lũng Ô Qui Hồ tập kết ở đỉnh đèo Trạm Tôn, từ đây du khách bắt đầu đi bộ lên núi với quãng đường chừng hơn 25km. Các tuyến khác xuất phát từ Sa Pa đi bản Cát Cát hoặc Sín Chải, Séo Trung Hồ men theo các con đường mòn lên núi, trong đó tuyến đi từ bản Séo Trung Hồ là xa nhất và vất vả nhất.

Pốt tơ Giàng A Chảo chia sẻ bí quyết bao năm trong nghề theo đó, chúng tôi phải bám sát nhau để tránh bị lạc đường và giữ hơi thở đều khi leo núi. Mỗi thành viên chỉ mang theo ba lô cá nhân, ít vật dụng cần thiết, một bộ quần áo mưa và đèn pin, một bộ đồ dự  phòng trời mưa, ít đồ ăn nhẹ, tất cả không nặng quá 3kg. Còn đồ ăn, nước uống cùng túi ngủ, lều bạt, tấm lót nền cho cả đoàn được các pốt tơ gùi hết trên lưng, ước chừng mỗi người mang khoảng 30kg. Hành trang của những pốt tơ khi leo Phanxipăng không gì khác ngoài đôi chân đi rừng rắn rỏi cùng con dao nhỏ, cái gùi trên lưng. Trong khi những người khác nhễ nhại mồ hôi, thở dốc, các pốt tơ vẫn cần mẫn leo núi, không một tiếng thở than, thậm chí họ còn thêm đôi ba câu chuyện vui đùa để những thành viên trong đoàn lấy thêm khí thế.

Buổi tối, dừng chân ở độ cao 2.800m, bên ngọn lửa nhỏ của lán nghỉ, chúng tôi được pốt tơ Má A Lềnh kể cho những câu chuyện về nghề đi núi, về cái nghiệp mà theo anh là "cõng đam mê" của mình. Trên núi thời tiết giá lạnh, đêm xuống sương giăng mỗi lúc một dày, ở trong lều còn run lập cập nhưng các pốt tơ chẳng mấy khi ngủ lều lán. Họ phải nhường chỗ ấm cho khách và hướng dẫn viên. Giường của họ bên ngoài lán chính là những thân cây mai nhỏ, kê trên mấy thân gỗ trong căn bếp lụp xụp. Những hôm đông khách, thậm chí họ còn phải ngủ ngoài trời, trên những chiếc ghế băng bằng gỗ cũ kê sát vách lán.

Lạ & Cười - 'Chiến binh pốt tơ' chia sẻ bí quyết khuất phục Phanxipăng (Hình 2).

Săn chuột núi ở độ cao 2.800m

Mới 5h sáng, Má A Lềnh đã dậy đun nước pha cà phê và chuẩn bị đồ ăn cho khách, chuẩn bị hành lý, chờ mọi người sẵn sàng là lại tiếp tục cuộc hành trình. Con dao, cái bật lửa là thứ không được phép quên. Ngoài ra, thứ không thể thiếu của mỗi người leo Phanxipăng là một ít rượu thóc Thanh Kim hay rượu ngô Bắc Hà. Sau một ngày leo núi vất vả là lúc các cơ bắp trở nên nhức nhối. Thêm cái giá lạnh, gió rít mạnh đến nỗi chỉ có những cây trúc lùn mới sống nổi thì chút men rượu sưởi ấm là điều không thể thiếu được. Chén rượu làm bằng nứa, chuyền tay từng người một, quanh mâm cơm đạm bạc nơi  núi rừng khiến không khí có phần ấm cúng hơn.

Đêm trên núi lạnh và buồn. Phần vì bất đồng ngôn ngữ, phần vì mệt, có trao đổi giữa khách và pốt tơ cũng chỉ đơn giản vài câu tiếng Anh xã giao bập bẹ "hello", "thank you"... Nghe những pốt tơ tụ lại với nhau, trò chuyện bằng tiếng H’mông, những  người đi cùng cũng không hiểu được. Cái mệt mỏi của một ngày leo núi khiến cơn buồn ngủ cũng nhanh chóng sập xuống.

Ngồi bếp hồi lâu mấy người trong đoàn rủ nhau đi kiếm thêm ít thịt tươi cho bữa sáng. Họ đốt đuốc nứa, soi đèn, mỗi người một cây gậy tre, một pốt tơ trẻ tên Tráng bảo đi kiếm chuột núi. Trên độ cao 2.800m này thịt chuột rất thơm và ngon, chỉ cần 5-6 con là đủ cho một bữa nhậu lai rai. Họ đi quanh các bụi trúc lùn vừa khua vừa đập làm cho lũ chuột sợ chạy về hướng đã đặt bẫy trước. Chỉ sau hơn 1 tiếng đồng hồ, mấy thanh niên trong đoàn trở về hồ hởi với một túi to đựng chừng 12 con chuột núi. Con to nhất cũng chỉ hơn cái cán dao Mèo. Tráng đem ra khe nước gần đấy vặt lông, làm sạch rồi nướng trên bếp. Mùi thịt chuột nướng thơm lừng, thêm chén rượu ngô, đêm núi cao tưởng như dài bất tận. Những pốt tơ già dặn kinh nghiệm khều vào bếp cho lửa đượm hơn rồi bảo mọi người đi ngủ, phần mình thì đem chỗ thịt lợn đựng trong túi nilon ra dìm xuống chỗ nước sâu nhất ngoài khe để giữ lạnh, Tráng bảo, làm như vậy, hai ngày sau thịt vẫn tươi mới như vừa mua ở chợ.

Đánh đu bên vực thẳm

Nghề pốt tơ thuộc tốp những nghề nguy hiểm, bởi leo Phanxipăng không đơn giản chỉ là vác đồ lên núi cho khách. Con đường độc đạo cheo leo trơn trượt, nhiều vực sâu, đá nhọn. Chỉ cần lạc một bước chân, nhẹ cũng gãy chân, gãy tay hoặc có thể mất mạng. Ngoài ra, sau những trận mưa phùn lâu ngày, bất chợt trời nắng thì rắn lục xuất hiện nhiều vô kể. Đây là loài rắn nhỏ, chỉ sống len lỏi trên cây, nhưng là loài cực độc, không may bị rắn cắn nếu không sơ cứu kịp thời rất dễ mất mạng. Hơn nữa, trên núi không có bất kỳ cơ sở y tế nào, ngoài hai trạm dừng chân ở độ cao 2.200 m và 2.800m. Nếu chẳng may có người bị thương, chỉ còn cách cõng bộ xuống núi và đưa về bệnh viện thị trấn Sa Pa. Ngoài các dụng cụ mang theo và hành lý của khách, khi cần, pốt tơ cũng kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ dìu, dắt những người xuống sức đi đến nơi về đến chốn.

"Công việc pốt tơ tuy vất vả, khó nhọc nhưng vì cuộc sống, gánh nặng mưu sinh mà ngày ngày chúng tôi vẫn phải leo núi. Hơn nữa những khách tây leo núi đa số là những khách trẻ, tây ba lô ít tiền. Chúng tôi chủ yếu dựa vào tiền công là chính, không nhiều nhưng là nguồn thu nhập chủ yếu cho gia đình, giúp vợ đong thêm gạo, sắm sửa cái quần, cái áo cho con cái đi học. Hôm nào may  mắn gặp được khách xịn cho thêm ít tiền boa thì mấy anh em chia đều cho nhau hay rủ nhau về chợ ăn bát bún, chén rượu chứ không đụng vào tiền lương để dành cho vợ con", pốt tơ Vàng A Phính tâm sự.

Sống gắn bó với núi rừng Phanxipăng lâu nhất trong đội pốt tơ và thường xuyên ở trên núi nhất là vợ chồng ông Má A Chơ. Người vừa làm pốt tơ vừa trực tiếp trông coi hai khu lán trại trên núi. Ngoài ra ông còn là thành viên của đội kiểm lâm bảo vệ vườn quốc gia Hoàng Liên này. Các thành viên trong gia đình ông thay nhau ở suốt tháng trên núi để trông coi lều trại và thu tiền nấu ăn cho khách.

Vợ ông Má A Chơ là người thường xuyên ở lại lán 2.800m. Bà suốt ngày lầm lũi, không nói không cười, hết nấu cơm rồi lại chặt củi, với dáng dấp như kiểu nhân vật Mỵ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Ít người biết tên hay hỏi chuyện bà, chỉ thấy mấy hướng dẫn người Kinh thường gọi là "Thằng Bà” khi cần lấy thêm lều bạt hay mua đồ uống. Mỗi lần như vậy bà chỉ ngẩng mặt lên cười, nét mặt hiền lành đôn hậu.

Leo Phan tuy vất vả nhưng con trai người H'mông không lúc nào quên mang theo bên mình chiếc khèn, chiếc sáo. Những đêm núi cao trên dãy Hoàng Liên Sơn, điệu dìu dặt vui buồn của những chiếc khèn, chiếc sáo, thậm chí từ một chiếc lá rừng của họ cũng khiến du khách thấy lòng dịu lại, yên bình và cảm nhận hương vị của núi, của rừng, thấy nhớ nhà, nhớ cả những gì đã từng đánh mất và đi qua...           

Thông Hà

Còn gì là Phanxipăng bí ẩn nếu cho đặt cáp treo?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
(Nguoiduatin) Với đề xuất xây dựng cáp treo trên đỉnh Phanxipăng, nhiều người cho rằng, đã đến lúc tỉnh Lào Cai phải xem xét lại cách thức làm du lịch.

Chàng 'tí hon' chinh phục nóc nhà Đông Dương bằng nạng gỗ

Thứ 5, 06/06/2013 | 10:18
Chàng "tí hon" chỉ cao 90cm đã trải qua tuổi thơ đầy cơ cực. Đã có lúc anh nghĩ quẩn, nhưng đời lại cho anh một nghị lực phi thường để vượt qua.

Nghỉ lễ dài, giới trẻ rủ nhau 'phượt vượt biên'

Thứ 4, 24/04/2013 | 19:36
Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay kéo dài đến 5 ngày quả thật là một món quà đối với dân mê “phượt”. Dân phượt chuyên nghiệp đang lên kế hoạch phượt xa ra nước ngoài.

Hãi hùng phong tục "ngủ với người chết" của người Mông

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Theo đúng phong tục truyền thống của người Mông đen, xác chết sẽ được giữ ở... trong nhà từ 3 đến 5 ngày để... cúng ma. Người thân, bạn bè bắt đầu ăn uống bên cạnh người chết trong nhiều ngày trước khi đưa người chết về nơi an nghỉ.

Anh chàng phượt khắp thế giới bằng xe đạp 1 bánh

Thứ 7, 25/05/2013 | 08:22
Fan hâm mộ thể thao đang phát cuồng với Kris Holm người đã chinh phục mọi địa hình khó nhằn nhất trên thế giới bằng chiếc xe đạp một bánh từ đỉnh Himalaya đến Vạn Lý Trường Thành.

Cô nàng mê phượt, mặc váy xòe 'cưỡi' minsk

Thứ 4, 22/05/2013 | 20:39
Vẻ ngoài nhỏ nhắn, khuôn mặt khả ái, tóc buông xõa vai, Lê Phương Thu dễ bị lầm với những “tiểu thư” e sợ nắng gió. Nhưng ít ai biết, cô nàng làm nghề thủ thư này lại có một đam mê rất đàn ông: đi phượt bằng xe Minsk.

Phượt tình nguyện, 'xê dịch' yêu thương

Thứ 2, 15/04/2013 | 11:36
Vài năm trở lại đây, người ta nhắc nhiều tới trào lưu phượt- tiếng anh gọi là backpacking, một loại hình du lịch bụi, thích hợp với những người trẻ năng động, không ngại khó, ưa mạo hiểm và khám phá những vùng đất mới.