Chiến công thầm lặng của

Chiến công thầm lặng của "đội quân tóc dài"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Trong bộ phim Biệt động Sài Gòn, theo kịch bản, ni cô Huyền Trang đã hy sinh anh dũng trong một trận đánh. Tuy nhiên, nguyên mẫu ni cô hiện nay vẫn còn sống.

Những nữ chiến binh trong đội biệt động

Mậu Thân năm 1968, cùng nhiều nơi khác, chùa Tam Bảo cũng là nơi xuất phát của những vụ đánh chấn động Sài Gòn. Chiến sĩ quân giải phóng cũng như chiến sĩ biệt động ngày qua ngày rau cháo cùng sư thầy Viên Hảo và sư cô Huyền Trang trong một ngôi nhà chung. Sau Mậu Thân năm 1968, Mỹ - ngụy ở Sài Gòn thay đổi chiến lược "quét và giữ".

Quân chủ lực của chúng được tăng cường, thường xuyên càn quét vùng ngoài nhằm đánh bật Việt cộng sang bên kia biên giới. Để giữ những căn cứ cũ, chúng tổng huy động các lực lượng quân đội trong chính quyền từ nội thành đến ngoại ô. Đó còn chưa kể đến lực lượng tình báo, mật vụ từng vây bắt bí mật rất nhiều cơ sở của cách mạng.

Xã hội - Chiến công thầm lặng của 'đội quân tóc dài'

Diễn viên đóng ni cô Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn.

Trước một số thắng lợi nhỏ, Đô trưởng Sài Gòn lúc bấy giờ là Đỗ Tiến Nhiểu đã huênh hoang trả lời trên một số tờ báo: "Tôi dám bảo đảm rằng, Việt cộng đã bị đánh tan tác rồi. Những cuộc bạo loạn trong năm Mậu Thân của họ chỉ là hơi thở tàn hắt ra từ một kẻ kiệt sức. Chắc chắn là thành phố Sài Gòn của chúng ta từ nay yên vui, hưởng lạc thú thanh bình".

Mặc cho tên Nhiểu tự đắc, những chiến sĩ biệt động của ta nghe thấy đều âm thầm hoạt động, chờ cơ hội. Lúc ấy, các chiến sĩ Việt cộng vẫn còn hoạt động mạnh ở ngay giữa Sài Gòn.

Ngày đó, chùa Tam Bảo cũng đã phải chứng kiến cảnh những chiến sĩ của ta ra đi không bao giờ trở về như trường hợp của đồng chí Tám A và Tám Ngoan. Trong một trận đánh xe bus chở quân Mỹ từ cư xá đường Nguyễn Văn Thoại ra phi trường, hai đồng chí này đã dũng cảm hy sinh.

Lúc đó, khi xe Honda chở hai cô vừa tới nơi thì xe chở bọn sĩ quan ngụy cũng vừa lăn bánh. Không thể để mất cơ hội, Tám A lái xe đuổi theo. Cô rút chốt lựu đạn rồi để vào hông xe bus. Tiếng nổ lớn phát ra, hai chiến sĩ biệt động đã anh dũng hy sinh.

Điều đặc biệt là, cái cách mà Tám A hy sinh giống với chồng của cô trong một lần nổ bộc phá tại Biên Hòa. Vậy là hai vợ chồng cô cùng là biệt động, cùng hy sinh một cách anh dũng. Họ để lại một đứa con gái đang gửi ở chùa Tam Bảo. Đứa trẻ bỗng chốc trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Trong các trận đánh, ni cô Huyền Trang luôn là người làm nhiệm vụ dẫn đường, chỉ điểm. Nghe tiếng nổ giống với những trận đánh thường diễn ra trong nội thành Sài Gòn, ni cô Huyền Trang lên xe đi xem hiện trường. Lúc cô tới nơi thì người đứng xúm lại đông nghẹt. Rẽ dòng người vào hiện trường, chợt mắt ni cô sụp xuống. Huyền Trang nhận ra hình dạng không lành lặn của hai đồng chí biệt động.

Không thể lại gần để nâng hai thi thể kia lên, đưa họ về với đất mẹ bởi bọn cảnh sát đang phong tỏa hiện trường, ni cô cố lấy lại bình tĩnh để khỏi bật ra tiếng khóc. Huyền Trang chạy một mạch về chùa thông báo cho mọi người biết hung tin.

Trong một trận đánh khác vào cư xá sĩ quan Mỹ, gọi là thành Poloma ở đường Nguyễn Văn Thoại, các chiến sĩ biệt động đã từ chùa xuất kích. Trận này, ni cô Huyền Trang làm trinh sát bảo vệ đường tiến, đường lui cho toàn đội. Trận đánh thành công, các mục tiêu đã an toàn, ni cô yên tâm rút về.

Về đến chùa, ni cô Huyền Trang cảm thấy cảnh chùa yên ắng nhưng cảm giác không phải điềm lành. Sư trụ trì Viên Hảo lặng thinh ngồi nghe đài. Lúc đó, các chiến sĩ vừa tham gia trận đánh cũng đều có mặt.

Khi ni cô vừa cắm xong nén nhang thì bọn cảnh sát, mật vụ đổ dồn vào. Hóa ra là bọn chúng đã nằm chờ trong chùa rất lâu để bắt tại trận các đồng chí cách mạng. Chúng đòi khám xét chùa nhưng ni cô nhanh trí bảo bọn chúng là phải vào hỏi ý kiến người trong chùa.

Nhanh như sóc, Huyền Trang mở cửa hầm, cửa phòng đưa một số chiến sĩ ra đường cửa sau còn mình cũng khôn khéo lẻn qua hàng rào thoát ra ngoài. Từ bên nhà một phật tử nhìn sang chùa, ni cô đau lòng vô cùng khi thấy bọn chúng đang tra tấn thầy Viên Hảo và một số anh em còn lại trong đó có một phụ nữ đang mang thai.

Chúng bắt không chừa một ai và lùng sục tìm ni cô dữ dội. Chùa Tam Bảo từ đó cũng lụi dần. Khu đất của chùa bị bọn cảnh sát bán cho dân chia nhau thành từng miếng nhỏ.

Xã hội - Chiến công thầm lặng của 'đội quân tóc dài' (Hình 2).

Ni cô Huyền Trang hồi trẻ.

Cuối đời long đong

Cuộc đời đấu tranh của ni cô Huyền Trang cùng với những trận đánh xuất quỷ nhập thần đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại. Chiếc áo nhà tu cùng chiếc khăn trùm màu vàng úa của bà được đặt trang trọng trong Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ như một chứng nhân của lịch sử.

Bà còn có chiếc Honda mà ngày xưa từng rong ruổi khắp Sài Gòn chở đội quân biệt động đi đánh Tòa đại sứ, Dinh Độc Lập, Đài Phát Thanh... do Bí thư Thành ủy lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Văn Linh tặng. Nay kỉ vật ấy bà muốn gửi lại cho Bảo tàng làm tư liệu.

Sau giải phóng, Huyền Trang về công tác tại Bộ Tư lệnh thành phố rồi bà nghỉ hưu. Người ta bảo, bà sinh ra đã mang kiếp chân tu nhưng lại không có nợ với con đường tu hành. Những ngày về hưu buồn tẻ, trống trải, bà cùng với các tăng ni, phật tử trở về Đồng Tháp khai khẩn được hơn 300 ha ruộng để làm nông nghiệp.

Hoàn thành xong công việc, bà lại quay trở về TP.HCM sống âm thầm trong căn phòng nhỏ ở chùa Trúc Lâm (Q. Gò Vấp, TP. HCM). Ngày đêm, bà se hương để kiếm tiền mưu sinh qua ngày. Một phần đó là công việc để mưu sinh nhưng ước nguyện lớn nhất của bà là khôi phục lại chùa Tam Bảo ngày xưa. Bởi, Tam Bảo không chỉ là ngôi chùa bình thường mà nơi ấy là trái tim của biệt động thành.

Nơi ấy, Huyền Trang đã hòa mình vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Và đó cũng chính nơi thấm đọng biết bao nước mắt, máu của những con người quả cảm ra đi không bao giờ trở lại.

Tuy nhiên, thật khó để làm được điều đó khi chỉ còn một mình ni cô Huyền Trang lẻ bóng lúc chiều tàn. Sau những năm tháng chống chọi với nhiều căn bệnh trên cơ thể, bà quay về chùa của mẹ ở Long Xuyên gửi trọn phần đời còn lại của mình ở nơi này. Một tháng đều đặn, Huyền Trang một mình bắt xe đò từ Long Xuyên lên bệnh viện Nguyễn Trãi (TP. HCM) khám.

Năm nay đã bước sang tuổi 81, ni cô Huyền Trang nhanh như con sóc ngày nào giờ đã chậm chạp, già nua. Nhiều người khuyên bà lên thành phố ở để cho tiện việc chữa bệnh thường xuyên. Ánh mặt bà chợt buồn.

Bà nói: "Nhà đâu mà ở, tôi vốn dĩ vẫn chỉ có một mình. Long Xuyên là chùa của mẹ ngày xưa, Đồng Tháp có chùa của cha. Tôi chỉ có thể ở một trong hai nơi ấy thôi".

Ni cô Huyền Trang thường tâm sự chân tình với những người bạn của mình rằng, từ khi đi theo con đường cách mạng thì thấy đời sáng tỏ ra nhiều thứ. Bà có sự cảm mến với những người cách mạng. Tình yêu ấy đã phát triển lớn dần lên thành tình yêu đất nước sâu nặng. Điều ấy đã thôi thúc bà vượt ra khỏi phạm vi ràng buộc của một người tu hành. Vậy là năm 1982, Huyền Trang để tóc trở về với đời.

Hoa Nguyên