Chiêu kiếm tiền siêu lợi nhuận của những thầy thuốc bất lương

Chiêu kiếm tiền siêu lợi nhuận của những thầy thuốc bất lương

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
"Có bệnh vái tứ phương", đó là tâm lý chung của người bệnh. Nắm bắt được tâm lý này, đã không ít thầy thuốc vì ham mê lợi nhuận mà coi thường sức khỏe người bệnh. Không ít người bệnh vì tin vào những loại thuốc Đông y dởm mà "tiền mất tật mang".

Rợn người trước thuốc tẩm hóa chất

Mới đây Bộ Y tế đã tiến hành kiểm nghiệm về chất lượng thuốc Đông y ở chính các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước. Trong đợt này, viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã lấy gần 400 mẫu dược liệu. Trong số đó, nhiều người thực sự sốc khi biết thông tin có tới 60 % trong số đó chưa đạt chất lượng. Thậm chí có tới 20% số thuốc bị trộn cát, xi măng, tạp chất, giả mạo, tẩm ướp hóa chất độc hại.

Xã hội - Chiêu kiếm tiền siêu lợi nhuận của những thầy thuốc bất lương
Thuốc Đông y dỏm tràn lan trên thị trường
Sau khi thông tin này được đưa ra, nhiều người từng đặt niềm tin vào các cơ sở y tế công tỏ ra hoang mang. Bởi xưa nay không ai nghĩ uống thuốc Đông y trong bệnh viện lại có độc. Điều kỳ lạ một số vị thuốc giá thành không cao, dễ kiếm nhưng vẫn bị làm làm giả. Thậm chí, họ còn trộn lẫn với hóa chất độc hại để làm giả bạch linh, hoài sơn, thỏ ty tử, hồng hoa, kim ngân hoa, liên nhục, phục thần… Đơn cử, vị thuốc thỏ ty tử trong Đông y là cây tơ hồng, liên nhục là hạt sen… những vị thuốc này có ở nhiều nơi, thậm chí có thể sản xuất đại trà ở Việt Nam.

Theo một số chuyên gia y tế, việc làm giả, tẩm ướp chất độc hại của một bộ phận sản xuất thuốc Đông y không có gì khó hiểu. Bởi khoản lợi nhuận khổng lồ của việc làm này khiến họ "chế" ra thứ thuốc độc có thể làm bệnh nặng thêm. Mới đây nhất, người dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung đổ xô đi đào rễ sim để bán cho thương lái Trung Quốc. Họ ngây thơ vui vẻ vì thứ rễ cây không khác đồ "vứt đi" nay trở nên có giá. Nhiều người còn lạc quan về việc kiếm tiền quá dễ, bởi một ngày nhởn nhơ đào bới cũng kiếm được 200 nghìn đồng.

Nhưng không mấy ai biết được số rễ cây "vô dụng" trên sau khi đưa về Trung Quốc sao tẩm nhanh chóng trở thành ô dược - một vị thuốc chữa đau bụng gió. Chỉ cần sao tẩm đơn giản, 1 kg rễ sim thu mua tại Việt Nam 2.500 đồng sau đó được bán với giá 100 nghìn đồng. Điều khiến nhiều người quan ngại rằng, nhiều người không muốn bỏ tiền ra mua rễ sim nên sẵn sàng làm đồ giả.

Theo bác sĩ Đông Y Nguyễn Hoàng (hiện công tác tại TP. HCM), việc làm giả thuốc Đông y trở nên hết sức khó lường và là một bài toán khó trong việc kiểm soát. Một củ nhân sâm có thật nhưng vẫn được xem là hàng giả vì nguồn gốc xuất xứ của nó không phải là Triều Tiên. "Trong Đông y, thuốc được phân theo nhiều hạng (a, b, c. hoặc 1, 2, 3…). Nếu nó được trồng ở khu vực này được xem là hạng a nhưng sang khu vực khác thì lại là hạng b. Đấy còn chưa nói đến những cây thuốc liệu đó có đủ ngày, đủ tháng hay không và được sao tẩm đúng quy trình", bác sĩ Hoàng lập luận.

Nhiều chuyên gia y tế cho biết, những loại thuốc càng đắt, càng dễ làm giả và càng khó kiểm soát. Ví dụ như nhân sâm, đông trùng hạ thảo có thể làm giả một cách đơn giản. Theo một lương y (đề nghị được giấu tên), để qua mắt người mua, người ta làm giả đông trùng hạ thảo từ bột ngô, bột mạch hay thạch cao... Chúng được sản xuất bằng cách gia công ép màng nên bên ngoài có màu trắng ngà, hình sâu non nhẵn bóng, rõ các vằn khía, mặt cắt có màu trắng nhạt, cầm thấy nặng như thật. "Trớ trêu chỉ khi sử dụng người ta mới biết được thật hay giả", vị lương y này than thở.

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn (giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhiều loại thuốc Đông y được tẩm hóa chất bảo quản, chống ẩm, mốc như lưu huỳnh, phosphor, chloropicin. Hơn nữa, để tăng năng suất trong quá trình sản xuất nguyên dược liệu, người ta còn sử dụng nhiều chất kích thích tăng trưởng có hại đối với sức khỏe con người. Thậm chí vì lợi nhuận, nhiều người kinh doanh còn trộn thêm tân dược để tăng tác dụng của thuốc.

Theo số liệu của Bộ Y tế, hàng năm nước ta tiêu thụ khoảng 50.000 tấn dược liệu, nhưng có đến 60-70% là thuốc nhập ngoại. Trong đó, 80% là thuốc nhập lậu, trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Nên nhiều người cho rằng, kết quả kiểm định của Bộ Y tế vừa công bố chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”.

Xã hội - Chiêu kiếm tiền siêu lợi nhuận của những thầy thuốc bất lương (Hình 2).

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn

Tiền mất tật mang vì "thần dược"

Xoay quanh chuyện ngày càng có nhiều thuốc Đông y bị làm giả, trao đổi với PV Người đưa tin, lương y Quốc gia, Nguyễn Hữu Toàn Thiện cho rằng: "Việc thuốc Đông y bị làm giả không phải bây giờ mới có mà đã xuất hiện từ rất lâu trên thị trường. Nhưng các phương thức làm giả, sao tẩm bằng hóa chất thì ngày càng tinh vi". Cũng theo vị lương y này, trước đây, các nhà thuốc Đông y chủ yếu dùng nguyên dược liệu trong nước, chỉ nhập khoảng 20 - 30% nguyên dược liệu từ nước ngoài. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu thuốc Đông y trong nước ngày càng khan hiếm nên họ phải sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc.

Điều khiến ông Thiện lo lắng là tình trạng thuốc Đông y nhập khẩu vào Việt Nam lại chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Điều này khiến các cơ quan chức năng khó quản lý, kiểm soát. Những nguồn nguyên liệu thuốc Đông y kém chất lượng được tuồn vào Việt Nam ngày càng nhiều và được chuyển đến tay người tiêu dùng dưới nhiều hình thức. Một số cơ sở khám chữa bệnh vì ham rẻ nên cũng mua thuốc không rõ nguồn gốc để bán cho bệnh nhân kiếm lời.

"Dùng thuốc Đông y giả không những không chữa khỏi bệnh mà còn dễ rơi vào cảnh "lợn lành chữa thành lợn què", tiền mất tật mang. Với những loại thuốc được tẩm ướp các chất bảo quản độc hại, hoặc thêm các tạp chất khác để tăng trọng lượng thuốc thì những hậu quả, tác hại nguy hiểm mà nó gây ra cho người sử dụng là điều không thể nói trước", lương y Thiện bức xúc. Theo nhiều chuyên gia, y tế, việc phân biệt thuốc Đông y thật - giả là một việc không hề đơn giản và ngay cả những thầy thuốc kinh nghiệm vẫn có thể bị "đánh lừa".

Lương y Nguyễn Hữu Toàn Thiện khuyên người bệnh nên đề cao cảnh giác, không nên ham rẻ để rồi mua phải những loại thuốc kém chất lượng, gây tác hại không tốt đối với sức khỏe. Để không mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người bệnh cần đến những nơi có uy tín lâu năm, kiểm tra cẩn thận trước khi mua. Tuyệt đối không mua những loại thuốc đã mốc, màu sắc thiếu tự nhiên hoặc có mùi lạ.

Đồng quan điểm với ông Thiện, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn cho rằng, những tác hại mà thuốc Đông y giả đem lại ngày càng lớn. Thông thường, dị ứng thuốc Đông y diễn ra muộn hơn (sau 10 - 20 ngày) và tình trạng bệnh thường nặng hơn các loại thuốc khác. Vì lúc đó, độc dược đã làm tổn thương đến nội tạng như gan, thận, gây khó khăn trong điều trị. Trong khi đó, người dân nước ta vẫn chưa nhận thức rõ được nguy hại mà nó gây ra. Thậm chí, nhiều người cho rằng các loại thuốc Đông y không gây độc hại hay dị ứng bởi chúng có nguồn gốc thiên nhiên, vô cùng lành tính.

Hùa theo trào lưu, cả tin sẽ dễ bị ăn quả đắng

Theo bác sĩ Đoàn, chính việc ngày càng có nhiều người "sính" dùng thuốc Đông y trong đó có thuốc Bắc, thuốc Nam, cao động vật đã góp phần khiến số lượng bác sĩ dỏm, lang băm ngày càng tăng. Chính tâm lý sẵn sàng chi trả những khoản tiền lớn cho những bài thuốc quý để nhanh chóng mang lại sức khỏe của nhiều người đã tạo điều kiện cho những kẻ hám lợi này đua nhau hành nghề. Những kẻ bất lương thản nhiên buôn bán thuốc "dỏm" mà không cần biết đến hậu quả do mình gây ra.

Trinh Phúc - Dương Dung