Chiêu lừa của phòng khám đông y mác ngoại

Chiêu lừa của phòng khám đông y mác ngoại

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục thanh tra và phát hiện những vi phạm của các cơ sở khám chữa bệnh đông y có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn mất tiền oan với hy vọng có thể "chữa tận gốc" bệnh tật như những lời quảng cáo của các cơ sở này trên phương tiện truyền thông.

Tiền mất, tật mang (!)

Phiên dịch cũng chịu với "đơn thuốc"

Trần Thị Huyền, cựu sinh viên Khoa tiếng Trung, Đại học Hà Nội từng đi làm phiên dịch cho một phóng khám đông y cho biết: “Bác sỹ người Trung Quốc kê đơn toàn bằng tiếng Trung, các nét chữ thì láu, khó đọc. Đến người phiên dịch còn chẳng đọc được huống hồ là bệnh nhân. Có người bệnh các bác sỹ đưa cho đơn thuốc, có người thì họ chỉ đưa đơn cho người bốc thuốc của phòng khám chứ không đưa cho bệnh nhân. Bệnh nhân chỉ biết cầm thuốc về uống theo chỉ dẫn của phiên dịch. Chính các bác sỹ ngay tại phòng khám cũng hay cãi nhau về đơn thuốc. Sau 2 lần kinh qua hai phòng khám tôi mới biết cùng một bệnh mỗi bác sỹ, mỗi phòng khám bốc cho bệnh nhân các đơn thuốc khác nhau. Những người sau khi khám chữa bệnh không được như ý thường quay lại phòng khám đôi co với bác sỹ”.

"Phòng khám đông y Trung Quốc, đặc trị các bệnh trĩ nội, trĩ ngoại, chuyên trị nam khoa hiếm muộn, các bệnh xã hội, hen suyễn"... là những thông tin mà hàng ngày công chúng phải nghe, phải xem trên các phương tiện truyền thông. Sự thực thì các phòng khám đông y với các chuyên gia có thể "chữa bách bệnh", "chữa trị tận gốc" các bệnh trên đến đâu?

Anh Nguyễn Mạnh Hùng ở Ba La, Hà Đông, Hà Nội cho biết: "Cách đây 2 tháng, tôi đưa bố đi phẫu thuật trĩ tại một phòng khám đông y trên đường Hoàng Hoa Thám, có cả người Việt và người nước ngoài làm việc. Trước khi phẫu thuật bác sỹ khẳng định bệnh sau khi phẫu thuật sẽ khỏi rất nhanh, sau này bệnh tái phát sẽ được quay lại điều trị miễn phí.

Tuy nhiên, đến đây mới biết phòng khám thì nhỏ, chỉ là nhà dân sau đó đổi mục đích sử dụng thành phòng khám bệnh. Không biết trình độ bác sỹ đến đâu nhưng vừa phẫu thuật xong buổi chiều thì đến chập tối gia đình phải đưa bố tôi quay lại phòng khám cấp cứu vì không tiểu tiện được, nếu để chậm hoặc đi đường xóc có thể bị vỡ bàng quang, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Sau một tuần chữa trị, bố tôi vẫn đau nhiều và tiếp tục phải quay lại điều trị. Đến đây, bác sỹ lại yêu cầu gia đình tôi nộp thêm tiền để tiếp tục điều trị nhưng gia đình tôi nhất định không chịu đóng thêm vì lý do tình trạng bệnh của bố tôi không được cải thiện sau khi mổ. Đến hết tuần thứ 2, bố tôi vẫn bị đau nhức, bệnh không đỡ hơn, tôi đã trực tiếp đến phòng khám yêu cầu bác sỹ cấp thêm thuốc để chữa trị cho bố tôi và câu trả lời vẫn như lần trước là phải mất thêm tiền để mua thuốc. Khi thấy tôi có ý định làm căng, bác sỹ mới chịu nhưng chỉ cấp miễn phí cho tôi lọ nước rửa và vài gói thuốc bột đông y, còn thuốc kháng sinh gia đình tôi vẫn phải trả tiền. Sợ tôi to tiếng, trước khi tiếp tôi, bác sỹ còn đóng kín cửa để người khác không nghe tiếng kẻo làm mất uy tín phòng khám".

Lần theo địa chỉ một bệnh nhân mà phòng khám đăng tải trên một tạp chí dành cho phụ nữ. Ngay khi chúng tôi hỏi về việc chữa trị bệnh hen suyễn của chị ở phòng khám đông y. Chị này cho biết, hầu như ngày nào cũng có người gọi hỏi chị. Chị bảo: “Nghe đài báo nói là chữa khỏi nên cũng hy vọng sẽ thoát được căn bệnh này. Nhưng uống bao nhiêu thuốc nhưng thời tiết thay đổi thì vẫn lên cơn hen như thường".

Lợi dụng quảng cáo để lừa mị

Bạn có nick gacon trên diễn đàn Vn-Zoom.com bức xúc: "Trong khi báo chí đưa tin ầm ĩ về những phòng khám đông y quảng cáo khám chữa bệnh không đúng với thực tế, bác sĩ hành nghề không có giấy phép, bán thuốc không rõ nguồn gốc, vi phạm một số quy định về hành nghề, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, có kết luận rõ ràng. Thế nhưng các phòng khám vẫn quảng cáo với lời lẽ "bốc giời". Theo kinh nghiệm của một số công ty làm truyền thông, quảng cáo trên báo chí thì họ thường ghi tên nhân vật và số điện thoại của một bệnh nhân nào đó để tăng độ tin tưởng với thông tin trên quảng cáo.

Các phòng khám đông y mọc lên nhan nhản tại Hà Nội.

Theo một bác sỹ từng công tác tại Bệnh viện 19/8 thì các phòng khám đông y có quá nhiều lời quảng cáo mị dân. Bệnh ung thư cũng tùy loại, tùy giai đoạn mới có thể phẫu thuật được. Đằng này họ quảng cáo chắc như đinh đóng cột là chữa khỏi là sai hoàn toàn. Các phòng khám này đều theo kiểu nói nhiều mà làm ít. Có người sách túi to, túi nhỏ thuốc tốn tiền triệu nhưng hiệu quả chữa bệnh thì chẳng thấy đâu. Tôi thấy khổ nhất là nhiều người bị bệnh mãn tính như huyết áp, hen suyễn đổ bao nhiêu tiền của mà kết quả thì vẫn mù mờ.

Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí Xuất bản (Thanh tra Bộ Thông tin -Truyền thông) cho biết: “Một trong những nguyên tắc của quảng cáo là trung thực và mang tính giáo dục truyền thống. Đặc biệt với các sản phẩm đặc thù như các sản phẩm dịch vụ y tế phải có sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng mà trực tiếp là Sở Y tế nơi phòng khám này đặt phòng khám”.

Chị Nguyễn Thị Dung, Thanh Thủy, Phú Thọ cho biết: “Nghe ti vi trưa nào vào giờ ăn cơm cũng phát thông tin giới thiệu về các phòng khám đông y. Bản thân tôi thì hiểu là đến khoa học hiện đại còn bó tay với nhiều bệnh. Vậy mà các phòng khám này thấy bệnh gì cũng "đặc trị" "chuyên trị".

Bố tôi bị ung thư vòm họng đi khám ở bệnh viện K xạ trị một thời gian, bệnh viện cho về nhà. Nhưng nghe quảng cáo trên ti vi ông lại muốn thử vì biết đâu đông y chữa khỏi? Mặc dù tôi biết là không thể chữa khỏi nhưng chẳng lẽ bố tôi muốn đi mà con cái lại không đưa đi. Sau vài lần khệ nệ mang thuốc lá, thuốc viên mất gần 8 triệu. Bố tôi mất khi còn chưa uống xong số thuốc mua. Vẫn biết là mất tiền oan nhưng do quảng cáo quá nhiều, ngôn ngữ lại có phần quả quyết nên làm nhiều người đặc biệt là các những người có tuổi mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, thấp khớp tin là chữa được”.

Hoàng Mai

Tag: Vn