'Chính áo dài đã chọn tôi'

'Chính áo dài đã chọn tôi'

Thứ 6, 04/01/2013 | 10:09
0
(Nguoiduatin.vn) - Là tác giả của bộ áo dài kỷ lục trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhà thiết kế Lan Hương còn được thế giới biết tới như một thương hiệu hàng đầu về trang phục truyền thống Việt.

Cô thợ may chưa từng chiều lòng khách

Tôi gặp Lan Hương tại showroom của chị trên đường Thụy Khuê (Ba Đình, Hà Nội), thấy chị vẫn đang cặm cụi bên một chiếc áo dài may dở. Sau khi tỉ mẩn đính từng bông hoa, từng chiếc lá lên thân áo. Lan Hương đứng lên ngắm nghía rồi lại chỉnh sửa cho tới khi ưng ý mới thôi. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, chị giải thích: "Khách hàng đến đây thường rất tinh, thậm chí chỉ một hoa văn, một họa tiết do người khác làm họ cũng nhận ra". Thế mới biết vì sao Lan Hương luôn bận rộn, chị nói đùa: "Lắm khi chỉ ước mình có dăm bảy thân để có thể quán xuyến hết tất cả công việc".

 Nhân vật - 'Chính áo dài đã chọn tôi'

Gia đình là sự hậu thuẫn lớn nhất đối với NTK Lan Hương 

Chị bắt đầu sự nghiệp với hai bàn tay trắng. Cô sinh viên 21 tuổi vừa tốt nghiệp trường đại học Văn hoá Hà Nội vào đời với hành trang là chiếc máy may và ít kinh nghiệm trong việc may mặc. Chị vội vã lập gia đình rồi lại vội vã với cuộc mưu sinh. Cũng lạ, ngày còn ở trường, chuyên ngành của chị là sân khấu, nếu theo đúng nghề nghiệp được đào tạo thì có lẽ giờ Lan Hương đã là một đạo diễn cũng không chừng. Vậy mà chị chỉ đam mê với việc thiết kế trang phục, gom góp tiết kiệm, vay mượn khắp nơi mới mua được chiếc máy may để có thể thoả chí theo đuổi sở thích của mình. Từ sở thích rồi thành đam mê, tự chị mày mò, học hỏi sách báo để may những bộ trang phục cho mình và bạn bè.

Tiệm may nho nhỏ được mở ra ở Thanh Trì ban đầu chỉ với mục đích kiếm cơm, duy trì cuộc sống gia đình khi chị còn quá trẻ và chưa tìm được việc làm. Không ngờ, chính cái tiệm may nho nhỏ ấy lại được khách hàng đặc biệt được yêu thích bởi cô thợ may khá "dị". Chị nhất quyết không may theo ý khách bao giờ. Khi khách hàng đến, mang theo một xấp vải, phần còn lại để Lan Hương quyết định. Chị sẽ chọn ra những kiểu dáng nào cho là phù hợp nhất với khách để may. Khách chẳng bao giờ phải phàn nàn mà ngược lại, tiệm may nhỏ ngày càng đông. Tuy công việc suôn sẻ, Lan Hương vẫn cảm thấy không yên tâm với những gì mình đang làm.

Đầu những năm 1990, ở Việt Nam nói chung những bộ trang phục vẫn luôn bó hẹp trong các mục đích tiện lợi, dễ hoà mình nhất trong đám đông. Chị nghĩ tại sao chỉ có cô dâu mới được phép lộng lẫy trong ngày cưới sao cô dâu Việt lại cứ phải diện váy cưới nhập từ nước ngoài? Nghĩ mãi, trăn trở mãi, chị quyết định "liều lĩnh": may áo cưới. Khi mới mở cửa hàng trang điểm và cho thuê áo cưới, chị cũng khá "run". Treo lên mắc năm sáu bộ áo cưới do chính mình thiết kế, chị cũng sợ: "Không biết có ai chịu mặc những bộ áo này không, tuy là mình may xong, mặc lên cũng thấy đẹp hơn những chiếc váy mua sẵn ở những tiệm khác".

"Liều" vậy mà lại hay, các cô dâu trẻ biết tiếng, tìm đến cửa hàng của chị và rất thích thú với những bộ áo cưới được thiết kế trẻ trung, độc đáo. Trong suốt cuộc hành trình của mình, Lan Hương đã hơn một lần… "liều", và mỗi lần "liều" như vậy đều mang đến cho chị những thành công không ngờ.

Tiếng tăm cửa hàng của Lan Hương ngày càng nổi ở khu vực ngoại thành. Bấy giờ bạn bè mới thấy tiếc, "xúi" chị vào phố cho đỡ phí hoài. Chị bàn với chồng và được sự ủng hộ của anh, chị mở một cửa hàng nhỏ ở 46 Đại La (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Chị thấy việc chỉ cho thuê áo cưới đơn thuần thì hơi phí, bản thân muốn "năng nhặt chặt bị", tiết kiệm chi phí cho thuê cửa hàng nên nghĩ đến việc cho thuê thêm trang phục dành cho người nhà cô dâu. Mẹ, em gái và những người bạn cô dâu cũng đều muốn mình trở nên đẹp hơn trong ngày trọng đại.

Nghĩ vậy, Lan Hương mới tự lên chợ Đồng Xuân, tìm mua những mảnh vải áo dài rồi thuê thợ ở phố Lương Văn Can may. Mặc thử những bộ trang phục may sẵn này, chị giật mình nhận thấy nhiều họa tiết lô xô, sự trang trí không hợp lý cùng rất nhiều chi tiết khiến chị không hài lòng: "Tôi mong muốn làm được gì cho trang phục truyền thống để có thể đẹp hơn, có lý hơn". Có lý ở đây chính là ở việc trang trí, đưa họa tiết vào sao cho đẹp hơn và không nhàm chán với dăm ba kiểu đi đâu cũng thấy.

Nghĩ là làm, chị lại mày mò học cách làm áo dài, thiết kế những bộ riêng cho cửa hàng của mình. Đây cũng có thể coi là một bước ngoặt lớn trên con đường sự nghiệp của chị. Thấy những bộ áo dài treo trên cửa tiệm đẹp, nhiều khách hàng đến "gạ" chị may cho mình nhưng chị chỉ lắc đầu: "Em chỉ may để cho thuê thôi, em may cho các chị, nhỡ may hỏng thì em lấy tiền đâu mua vải đền".

Nhân vật - 'Chính áo dài đã chọn tôi' (Hình 2). 

Vẻ đẹp truyền thống vẫn là cốt lõi trong những thiết kế của Lan Hương 

Năm 2000, cơ duyên với chiếc áo dài của chị mới thực sự được đánh dấu. Lần ấy, có một cô bé người quen của Lan Hương tham dự cuộc thi hoa hậu Việt Nam. Phần thi áo dài là phần bắt buộc mà ngày ấy, những nhà thiết kế giỏi rất ít, những bộ áo dài được gọi là đẹp không nhiều. Đến khi cuộc thi đã bắt đầu, lại xảy ra xung đột giữa mẹ cô bé và nhà thiết kế, cuối cùng cô đành phải nhờ đến Lan Hương. Suy nghĩ mãi, chị mới quyết định đồng ý với một điều kiện: "Cháu phải vào được chung kết thì cô sẽ may cho cháu". Không ngờ, chiếc áo mà chị thiết kế lại là chiếc áo dài đẹp nhất trong cuộc thi.

Nhận được sự động viên của bạn bè, người quen, chị quyết định: Bỏ áo cưới làm áo dài. Ban đầu, chị mở cửa hàng ở Hàng Bông cùng với một người bạn rồi không thành, Lan Hương tiếp tục mở cùng với một người khác. Con đường áo dài của chị cũng không phải hoàn toàn thuận lợi như nhiều người nghĩ nhưng cố gắng mãi thì thành công cũng đến. Chị tâm sự với một chữ duyên, duyên là áo dài đã chọn chị hơn là chính chị tự chọn. Cũng nhờ có duyên và sự nỗ lực lao động, chị mới có được thương hiệu "Lan Hương áo dài" ngày hôm nay.

Mỗi người chỉ được sống một lần...

Là một phật tử, Lan Hương vẫn tâm niệm: Mỗi người chỉ được sống một lần trong đời, sẽ không có cơ hội làm lại bản thân lần thứ hai nên hãy sống hết sức thành thật với bản thân mình để không phải tiếc nuối. Những kỳ vọng của khách hàng khiến chị luôn chỉn chu từng đường kim, sợi chỉ. Chị khó tính trong công việc cũng bởi chị luôn nghĩ hai chiều: Những gì khách hàng và mình bỏ ra phải luôn tương xứng với nhau thì mới là cách làm bền vững của những người muốn theo nghề.

Lối suy nghĩ đó không chỉ ảnh hưởng tới chị trong công việc mà cả trong cuộc sống đời thường. Chị vẫn thường dạy các con: "Mẹ không quan trọng các con làm gì, chỉ cần các con cố gắng trên con đường mà các con lựa chọn. Bản thân mẹ cũng chỉ là một cô thợ may, thậm chí không có thầy, không được đào tạo. Nhưng bằng sự cố gắng, kiên trì đi trên con đường đã chọn nên đến giờ những gì mẹ làm đã được mọi người thừa nhận". Chị thấy mình may mắn vì có một gia đình hạnh phúc, một người chồng luôn biết hy sinh cho công việc của vợ và hai cậu con trai ngoan ngoãn, học giỏi. Đó cũng là động lực để chị vượt qua những khó khăn trong công việc và gặt hái được những thành công ngày hôm nay.  

Đỗ Huệ

Tuổi thơ khốn khó của 'Cảnh sát hình sự' Võ Hoài Nam

Thứ 5, 03/01/2013 | 11:12
Tuổi thơ anh là một nỗi giận hờn và tủi thân vì thiếu thốn, mà cái thiếu thốn nhất là tình thương. Đến lớp, bạn bè kì thị, xầm xì đã đành, đến khi nhìn con người ta có đủ cha, đủ mẹ, từng miếng ăn cũng phải dỗ dành, cưng nựng, cũng đến chảy nước mắt ra vì tủi cho mình.

Chân dung ông trùm của những ồn ào showbiz 2012

Thứ 4, 02/01/2013 | 10:27
Ông chủ những show giải trí “format khủng”, “nóng” và “ồn ào” nhất trên truyền hình mấy năm qua, từ Bước nhảy hoàn vũ, rồi Cặp đôi hoàn hảo, và hiện tại là Giọng hát Việt, Tổng giám đốc Công ty Cát Tiên Sa, tiến sĩ nghệ thuật học Nguyễn Quang Minh vốn không phải người kiệm lời với truyền thông.

'Tôi hết lòng chiều 'mẹ chồng' nhưng chỉ chiều được người dễ tính'

Thứ 3, 01/01/2013 | 12:52
Nghệ sĩ là người làm dâu trăm họ, nhưng trăm người trăm tính, không phải ai cũng như ai: "Với tôi, tôi hết lòng chiều “mẹ chồng”, nhưng chỉ có thể là “mẹ chồng” dễ tính, còn mẹ chồng khó tính thì...", Vượng "râu" cười, bỏ lửng câu trả lời của mình.