Chinh phục đỉnh cao hội họa thế giới bằng phong cách riêng

Chinh phục đỉnh cao hội họa thế giới bằng phong cách riêng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Với cá tính mạnh mẽ, sự phá cách siêu tưởng áp dụng trên chất liệu đơn giản nhất đã khiến Vũ Dân Tân trở thành một trong những họa sĩ Việt Nam hiếm hoi được nhiều bảo tàng mỹ thuật danh tiếng trên thế giới săn đón.

Sáng tạo nghệ thuật trên chất liệu... khác người

Trong quá trình tìm hiểu về cuộc đời của nhà viết kịch tài danh Vũ Đình Long, chúng tôi không chỉ bị hút hồn bởi những câu chuyện liên quan đến cuộc đời của soạn giả nổi tiếng này mà còn mê mẩn trước cách làm nghệ thuật khác lạ của những thành viên trong gia đình ông.

Chúng tôi thật sự bất ngờ khi được biết, người con trai độc nhất của ông, họa sĩ Vũ Dân Tân chính là người Việt Nam được cả nền nghệ thuật đương đại thế giới dành sự tôn trọng đặc biệt. Được biết, những tác phẩm hội họa cùng với nghệ thuật sắp đặt bậc thầy mang phong cách Vũ Dân Tân khiến đích danh giám đốc của nhiều bảo tàng nghệ thuật lừng danh trên thế giới (Úc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Đức cùng nhiều quốc gia khác) mời đến triển lãm. Càng khâm phục hơn khi được biết, để đạt đến thành công vang dội đó, Vũ Dân Tân đã phải trải qua quá trình lao động nghệ thuật khó nhọc.

Trong ngôi nhà rêu phong mang đặc trưng của phố cổ Hà Nội, cụ Mai Ngọc Hà (83 tuổi), mẹ của họa sĩ tài danh này tâm sự với chúng tôi về người con yêu dấu của mình. Theo cụ Ngọc Hà, người phát hiện ra tài năng của họa sĩ Dân Tân chính là người bố đáng kính của ông - nhà soạn kịch Vũ Đình Long.

Cụ Ngọc Hà kể rằng, khi mới 3 tuổi, cậu bé Vũ Dân Tân có sở thích đặc biệt là cầm bút vẽ mọi thứ mà cậu ưa thích. Trong những bức tranh nguệch ngoạc của cậu bé đã bước đầu biểu hiện được tố chất hội họa đặc biệt. Chính khả năng vẽ của cậu con trai nhanh chóng lọt vào cặp mắt tinh đời của nhà soạn kịch Vũ Đình Long. Chính vì vậy "ông tổ" của kịch hiện đại Việt Nam đã mang cậu con cưng của mình đến nhờ người bạn thân là họa sĩ Mạnh Quỳnh dạy vẽ.

Theo cụ Mai Ngọc Hà, để có được thành công như ngày hôm nay, họa sĩ Vũ Dân Tân phải trải qua nhiều thử thách hết sức chông gai. Năm 5 tuổi, Vũ Dân Tân đối mặt với một trận ốm thập tử nhất sinh. Chính trận ốm đó khiến một chân của cậu bé bị liệt. Năm 14 tuổi, bố của ông qua đời. Dân Tân sống cùng với mẹ và em gái trong điều kiện hết sức thiếu thốn.

Tốt nghiệp phổ thông, Dân Tân không được học đại học, ông đành gác lại giấc mơ tới giảng đường của mình. Cứ tưởng những trở ngại này làm kiệt quệ ý chí nghị lực của người họa sĩ này. Nhưng nhờ tài năng hội họa hơn người, Vũ Dân Tân được mời tham gia vẽ tại xưởng phim hoạt hình Việt Nam. Cũng từ đó, họa sĩ Vũ Dân Tân có điều kiện gắn bó cuộc đời mình với nghiệp vẽ.

Lạ & Cười - Chinh phục đỉnh cao hội họa thế giới bằng phong cách riêng

Chân dung họa sĩ Vũ Dân Tân.

Chưa từng được đào tạo qua trường lớp bài bản, chỉ được truyền nghề từ người bạn của bố mình, nhưng với bản năng con nhà nòi và ý thức tự học hiếm có, Vũ Dân Tân đã có những cuộc thể nghiệm và bứt phá trong sáng tạo nghệ thuật. Những năm 70 của thế kỷ trước, đa số họa sĩ Việt Nam vẫn trung thành với nền nghệ thuật truyền thống và tranh sơn dầu. Vũ Dân Tân đã tự mày mò tìm cho mình một lối đi riêng.

Đặc biệt, thời điểm những năm 80, họa sĩ Dân Tân được nghỉ mất sức, ông về nhà và bắt đầu theo đuổi con đường nghệ thuật mang phong cách cá nhân. Đặt trong điều kiện lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ, để sáng tạo ra những tác phẩm hội họa được đánh giá vượt lên cả hội họa phương Tây của Vũ Dân Tân đủ thấy được tài năng hơn người của ông.

Nói về chất liệu mà họa sĩ tài danh này dùng để sáng tác, bà Natasa Kraevskaia (người Nga, 60 tuổi, vợ của cố họa sĩ Dân Tân) tự hào trò chuyện với chúng tôi. Ngoài những chất liệu mà họa sĩ Dân Tân thể hiện có thể cảm nhận được tại phòng trưng bày này, ông còn được biết đến là người đầu tiên vẽ khuôn hình mặt nạ ấn tượng trên rổ rá. Cách trang trí trên rổ rá một cách màu mè, ấn tượng được bày bán khắp phố cổ hiện nay bắt chước từ sự sáng tạo nghệ thuật của Vũ Dân Tân.

Để giải thích việc họa sĩ Dân Tân dùng chất liệu rẻ tiền để sáng tác, nhiều người cho rằng điều này bắt nguồn từ hoàn cảnh nước ta trong thời điểm thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Hà Nội lúc đó rất thiếu chất liệu để sáng tác nghệ thuật. Trong khi Vũ Dân Tân với số lương hưu mất sức ít ỏi, không cho phép ông hướng tới chất liệu sang trọng. Trong khi hội họa Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, họa sĩ Vũ Dân Tân đã tìm cho mình một con đường riêng đó là sử dụng chất liệu "siêu rẻ", thậm chí rác thải để sáng tạo.

Chinh phục thế giới bằng phong cách "độc" và "lạ"

Bước vào phòng trưng bày nghệ thuật của cố họa sĩ Vũ Dân Tân, được tận mắt chiêm ngưỡng những bức họa, những khuôn hình bắt mắt, kiểu sắp đặt thách thức thị giác và trí tưởng tượng của người xem khiến chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào một thế giới rất riêng, khó tả. Thực sự, không dễ để cảm nhận sâu sắc những thông điệp mà người họa sĩ tài danh này gửi gắm qua các tác phẩm nghệ thuật của mình.

Bà Natasa Kraevskaia tâm sự rằng, những tháng ngày họa sĩ Vũ Dân Tân khởi nghiệp đi theo khuynh hướng này, nhiều người đều có chung nhận định "không hiểu tác giả đang thể hiện gì" ngay cả những họa sĩ trong nghề. Đa số người đến đây xem đều ngẩn ngơ hồi lâu sau đó bỏ đi. Rất ít người dám bỏ tiền túi ra để mua những tác phẩm nghệ thuật độc đáo này. Chính vì vậy, theo bà Natasa, khi họa sĩ Vũ Tân Dân đi theo con đường sáng tác riêng của mình, tranh không bán được khiến kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Phong cách của họa sĩ Vũ Dân Tân cũng như phòng trưng bày nghệ thuật của họa sĩ tài danh được biết đến nhiều hơn sau lần một vị khách du lịch người Úc viếng thăm. Bà Natasa Kraevskaia kể lại, năm 1996, trong một lần đi du lịch, hiệu trưởng của trường đại học Mỹ thuật Úc tình cờ ghé thăm phòng trưng bày nghệ thuật này. Vị khách lạ bị hút hồn bởi cách thể hiện độc đáo, mới lạ mà ông chưa từng được chứng kiến.

Sau khi chiêm ngưỡng hồi lâu, ông ghi lại tên tuổi, địa chỉ của họa sĩ Dân Tân. Trong năm đó, vị khách lạ này bằng uy tín của mình đã giới thiệu những sáng tác độc đáo của họa sĩ Dân Tân tới ban giám đốc bảo tàng mỹ thuật Úc. Chính những chuyên gia mỹ thuật hàng đầu của Úc sau khi được vị hiệu trưởng này giới thiệu cũng bị chinh phục bởi nét độc đáo khác lạ không trộn lẫn của họa sĩ Vũ Dân Tân.

Ngay trong năm đó, nhân sự kiện thường niên Triển lãm mỹ thuật châu Á tổ chức 3 năm một lần tại bảo tàng mỹ thuật quốc gia Úc, đích thân ban giám đốc của bảo tàng mỹ Thuật Úc viết giấy mời họa sĩ Vũ Dân Tân tham gia. Theo bà Natasa, đây là sự kiện mỹ thuật lớn, uy tín, được tổ chức rất công phu thu hút nhiều nhà phê bình mỹ thuật hàng đầu thế giới. Lần tham dự này chính là lần đầu tiên nghệ thuật mang phong cách Vũ Dân Tân được đi ra nước ngoài.

Sau lần ra mắt ấn tượng đó, họa sĩ Vũ Dân Tân liên tiếp được nhiều bảo tàng nghệ thuật lớn trên thế giới biết đến. Ông được nhiều nước mời đích danh tham gia những sự kiện mỹ thuật uy tín. Kể từ đây, phong cách Vũ Dân Tân được thế giới thừa nhận. Được biết, họa sĩ Vũ Dân Tân đã từng triển lãm tranh thành công ở nhiều quốc gia như Úc, Mỹ, Canada, Đức, Nga, Nhật, Thái Lan, Ma Cao... thậm chí một số quốc gia còn tổ chức triển lãm nghệ thuật Vũ Dân Tân nhiều lần.

Trinh Phúc

Kỳ tới: Người hướng dẫn viên đặc biệt tại Gallery tư nhân đầu tiên của Hà Nội