Chợ Phiên-

Chợ Phiên- "đặc sản" văn hóa vùng ven sông Đà

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Mỗi người đến chợ phiên nơi đây, ngoài mục đích mưu sinh còn có chung một sở thích, đó là được giao lưu, được chia sẻ.

Do đặc thù địa hình men dọc hai bên bờ sông Đà nên những thôn, bản nằm ven hồ giao thông đường thủy có phần thuận lợi hơn giao thông đường bộ. Chính vì vậy ngay từ những ngày đầu dân cư sinh sống tại đây những chợ phiên trên sông đã manh nha hình thành. Dần dần nó trở thành nơi giao lưu giữa các vùng miền. Chợ phiên trên sông Đà không chỉ đơn giản là nơi trao đổi hàng hóa vật chất, với sự tham gia của nhiều dân tộc, nhiều vùng miền nó còn trở thành nơi giao lưu tinh thần đậm nét văn hóa vùng sông nước.

Sự kiện - Chợ Phiên- 'đặc sản' văn hóa vùng ven sông Đà

Một cảnh chợ phiên trên sông Đà (ảnh minh họa, nguồn Internet)

Chợ phiên một tháng ba lần

Từ thị trấn Đà Bắc ngược lên xã Tiền Phong khoảng 40km, chúng tôi phải mất 3 tiếng đồng hồ đi xe máy vì đường quanh co, dốc cao, đôi chỗ bị sạt lở do mưa bão vẫn ngổn ngang đất đá. Dọc con đường ngoằn ngoèo này tìm mỏi mắt mới thấy một quán nhỏ ven đường nhưng cũng chỉ bán vài ba thứ đồ lặt vặt. Muốn mua sắm quần áo, giày dép, thực phẩm khô hay những vật dụng cần thiết khác, người dân phải ra tận thị trấn Đà Bắc hoặc chờ tới chợ phiên trên sông. Đường ra chợ thị trấn vừa xa vừa khó đi, chỉ trường hợp nào quá cần thiết người dân mới phải dành cả hơn nửa ngày đi chơ, còn lại tất cả đều chờ tới chợ phiên.

Dọc bờ sông Đà hình thành rất nhiều chợ phiên. Thường thì những thương lái chất đầy hàng hóa lên thuyền và đi dọc theo sông Đà tham dự tất cả các phiên chợ. Cứ cách một đoạn sông khoảng 1 đến 2 xã thì có một chợ và các chợ thường tổ chức so le các ngày trong tháng. Chợ phiên của xã Tiền Phong nằm tại thôn Oi Nọi nên người ta lấy luôn tên thôn làm tên chợ. Tại khoảng đất trống mới được xã đổ bê tông ngay cạnh bến sông gần UBND xã, chợ họp 1 tháng 3 lần vào các ngày 10, 20 và 30.

Vào các phiên chợ, người dân trong xã gùi ngô, sắn, măng rừng, các loại vật nuôi để bán và mua lại những mặt hàng cần thiết như gạo, mắm muối, mì tôm, quần áo, giày dép, dầu gội…Từ khi rời lòng hồ Hòa Bình lên sườn núi, gạo đối với người dân nơi đây trở nên vô cùng quý giá. Họ hầu như không thể trồng được lúa trên các sườn đồi khô cằn sỏi đá vốn chỉ hợp với trồng ngô, trồng sắn. Và phiên chợ nào họ cũng phải mang theo bao tải để đong gạo.

Gặp chị Hà Thị Mến người thôn Mực đang xách theo một con lợn lửng ra chợ phiên Oi Nọi, chị hồ hởi cho biết: "Chờ mãi hôm nay mới đến chợ, nhà thì hết gạo mất rồi. Lợn nhà tôi toàn thả vườn thôi nên người miền xuôi thích mua lắm. Con này chắc khoảng 10 kg cũng được khoảng 500 - 600 nghìn. Ngoài mua gạo, mua mắm muối còn phải mua quần áo, cặp sách cho đứa thứ hai đang chuẩn bị đi học ở trường dân tộc nội trú.

Theo chân chị Mến, chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước sự nhộn nhịp của phiên chợ. Nói là chợ phiên miền núi nhưng các mặt hàng đều rất phong phú, đa dạng không thiếu thứ gì. Các thương lái đến từ khắp các tỉnh, trong đó nhiều nhất là các thương lái Phú Thọ, Sơn La, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Phòng, Nam Định. Thương lái mỗi tỉnh có những mặt hàng, sản phẩm đặc trưng riêng, trong đó các thương lái miền núi như Sơn La, Hòa Bình chủ yếu là hàng thổ cẩm, thịt, cá. Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định chủ yếu là các mặt hàng khô, quần áo, giày dép, đồ điện tử.

Anh Đỗ Đình Lập (Nam Định) một thương lái đã gắn bó với những phiên chợ ven dòng Đà giang gần 10 năm nay cho biết: "Gia đình tôi rong ruổi buôn bán theo con thuyền này từ đầu những năm 2000. Mặt hàng chủ yếu là quần áo, giày dép nhưng nếu bà con có dặn gì thêm thì tôi cũng lấy giúp. Ngày xưa chỉ có 1- 2 thuyền mà cũng nên chợ. Bây giờ nhiều hơn, mặt hàng cũng đa dạng nên bà con trên này cũng đỡ vất vả. Một điều tôi rất thích khi buôn bán với bà con trên này là họ thật thà, không lươn lẹo hay mánh khóe. Chúng tôi cũng không nỡ thét giá hay bắt nạt họ. Bao năm gắn bó với người dân nơi đây tôi thấy rất yêu quý miền đất này, hầu như đã quen mặt từng người, lâu không lên là thấy nhớ".

Ngay dưới chợ phiên Oi Nọi của xã Tiền Phong là chợ phiên Trà Ang của xã Vầy Nưa họp vào các ngày 5, 15 và 25 hàng tháng. Ở xã này không có khu đất trống bằng phẳng cạnh bờ sông nên chợ chính là các thuyền lớn, nhỏ đậu cạnh bến sông. Người ta bắc một chiếc cầu nhỏ để mọi người lên thuyền xem, mua hàng. Tan chợ các thuyền lại cứ thế nhổ neo tới các bến sau.

"Đặc sản"... miền ngược

Chợ phiên thường 10 ngày mới có một lần nên người dân nơi đây vô cùng háo hức. Họ đến đây không chỉ để trao đổi hàng hóa mà còn để giao lưu chia sẻ. Đã đi chợ phiên một lần thì lần sau lại muốn đến chợ phiên nữa, bởi nhớ không khí đông vui tấp nập, nhớ cả những con người xa lạ có khi chỉ buôn bán trao đổi với nhau một vài lần.

Bà Đinh Thị Sa (70 tuổi), người ở xã Vầy Nưa (cách trung tâm chợ phiên gần 30km) nhưng không tháng nào bà không có mặt ở chợ phiên 3 lần. Chúng tôi ấn tượng bởi câu chuyện có thật của bà mà những người dân có mặt ở chợ phiên không ai là không biết. Những ngày chợ phiên, bà thường dậy từ 3h sáng, đi bộ đến chợ cũng vừa buổi họp 7h. Chợ tan, bà lại thủng thẳng trên con đường gập ghềnh, chập choạng mới đặt chân về đến nhà. Mỗi buổi chợ, lúc đi, trên gùi của bà, người ta chỉ thấy có một đôi cái măng rừng, có khi là vài ba con cá suối, cũng có lúc lại là nải chuối chín vàng. Sau mỗi buổi chợ phiên, bà mang về khi là chai nước mắm, lúc là gói bột canh, cũng có khi chỉ là vài ba cuộn chỉ màu để thêu dệt. Thế nhưng bà vẫn rất vui và háo hức với những phiên chợ như thế. Bởi ở chợ phiên, bà Sa được gặp gỡ với rất nhiều người, bà cảm thấy mình được sống lại một thời tuổi trẻ, tiếp xúc với nhiều người và lại có cơ hội học và rèn luyện vốn tiếng Kinh ít ỏi của mình.

Mỗi người đến chợ phiên nơi đây, ngoài mục đích mưu sinh còn có chung một sở thích, đó là được giao lưu, được chia sẻ. Cái sản vật mà họ bán đi và mua lại không quý giá bằng việc họ được hòa mình vào với tập thể, được chia sẻ vài ba câu chuyện với mọi người. Thế cũng đủ để quên đi cái hoang vắng của núi rừng nơi họ sinh ra và gắn bó cả một đời.

Trong chuyến ngược Đà giang huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, bên cạnh những nét văn hóa đặc sắc vùng miền và cảnh sắc sơn thủy hữu tình của con sông Đà uốn lượn, chúng tôi còn nặng lòng với những nhọc nhằn mà người dân nơi đây phải chấp nhận do địa hình mang lại. Ngay từ trung tâm thị trấn huyện, đã gần 3 năm nay, con đường đang cải tạo mở rộng nên vẫn phải oằn mình chứa những khối cát sỏi lớn dọc hai bên. Trời nắng bụi tung mù mịt, những ngày trời mưa thì lầy lội, sũng nước. Trong khoảng gần 3km chạy dọc thị trấn, cuộc sống của người dân chẳng khác nào nơi công trường.

Những con đường liên xã hầu hết đã được trải nhựa nhưng theo nhận xét vui của người dân thì chủ yếu nhựa được tưới qua một lớp sỏi mỏng. Do đó, đường lỗ chỗ những ổ gà, ổ voi, nhất là những khúc cua tay áo, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Thậm chí việc sạt lở núi vẫn thường xuyên xảy ra. Sau mỗi lần sạt lở, giao thông tắc nghẽn, có khi kéo dài cả vài tuần lễ. Hầu hết đường vào các xóm vẫn là đường đất núi, nhỏ, hẹp, nhiều nơi người dân phải đi bộ cả chục cây số mới ra được trung tâm xã.

Câu chuyện đi xin giấy khai sinh cho con của chị Đinh Thị Sáu, người xóm Mát, xã Tiền Phong khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ. Theo lời chị phàn nàn, chị đi từ nhà ngoài xóm vào trung tâm ủy ban xã khoảng 10 cây số nhưng mất cả nửa ngày đi xe máy do trời mưa, đường trơn. Có những đoạn phải dắt bộ bởi đất sét gặp mưa khiến chiếc bánh xe quay tròn, không thể di chuyển được. Khi chị đến thì UBND hết giờ làm việc. Chị đành ngồi đợi. Tuy nhiên, buổi chiều, chị được thông báo là các đồng chí lãnh đạo đã đi địa bàn hết, không ai có thể xác minh cho chị được. Ngày hôm sau, chị lại lặn lội vào trụ sở ủy ban đúng vào thứ 6 thì gặp chúng tôi cũng vừa từ huyện vào. Nhưng lại một ngày nữa chị nhọc công vô ích vì các đồng chí lãnh đạo vẫn đi địa bàn chưa về.

Nhọc nhằn vất vả là thế nhưng cuộc sống con người bên dòng Đà giang đã bao đời nay khơi gợi sự tò mò và ước muốn khám phá trong lòng mỗi người khách thập phương, trong đó có chúng tôi. Và trong suốt cuộc hành trình, cái lưu luyến nhất có lẽ vẫn là tình người miền sơn cước ven sông.

Dư âm vấn vít kẻ lãng du

Trở lại Hà Nội, trong lòng mỗi chúng tôi đều giữ lại những ký ức đẹp cho riêng mình. Đó là bầu trời đêm huyền ảo trên sông nước, là những bữa nhậu cá sông giản dị mà ấm nghĩa thân tình, là những người mẹ địu con lên rừng hái măng, là người phụ nữ già quẩy vài ba nải chuối rừng vội vàng bước chân leo dốc cho kịp những ngày chợ phiên. Và vương vấn say lòng hơn cả là dòng Đà giang uốn lượn, lúc xanh trong thơ mộng, khi cuộn đỏ giận hờn. Cái tính khí thất thường của dòng sông muôn đời vẫn vậy, hoang sơ mà lại rất đa tình, vấn vít lòng kẻ lãng du ham kiếm tìm những điều mới lạ.

Thu Nhung