Cho Tây ở ghép vì kiếm tiền hay để nâng cao... sĩ diện?

Cho Tây ở ghép vì kiếm tiền hay để nâng cao... sĩ diện?

Thứ 4, 03/04/2013 | 13:58
0
Một số gia đình sống ở khu vực Hồ Tây (Hà Nội), nơi có nhiều nhà cho người nước ngoài thuê, cho chúng tôi biết, thời gian gần đây những con phố như Xuân Diệu, Quảng An, Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân... đang có dịch vụ cho Tây ở cùng gia đình.

Cho Tây ở cùng để nâng cao... sĩ diện?!

Chị Đặng Thị Mai, số nhà 51, phố Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội cho biết, sau khi sửa lại căn nhà cũ, ông xã nhà chị đã chồng thêm tầng, căn nhà với kiến trúc gô - tích ấy thành ra 6 tầng, có cả cầu thang máy. Bốn người trong gia đình chỉ ở hết 3 tầng, thế là chị "nảy" ra ý định cho người nước ngoài thuê 3 tầng còn lại. Sau khi đăng thông tin, có nhiều người hỏi, xem căn nhà. Vì được ở ghép với chủ nên giá của 3 tầng còn lại khá "mềm", chỉ 15 triệu đồng/tháng. Cặp vợ chồng trẻ Philip và Andrea - người Anh, đã quyết định thuê, ở cùng gia đình chị.

Xã hội - Cho Tây ở ghép vì kiếm tiền hay để nâng cao... sĩ diện?

Robetto (bên trái) trông coi cửa hàng xe đạp cho chủ nhà và trò chuyện với khách. Ảnh minh họa

Chuyện cho người nước ngoài ở ghép không còn xa lạ với các nước phương Tây. Nhiều du học sinh về Việt Nam cho biết, khi đi du học, họ được các chủ nhà phương Tây tốt bụng cho ở cùng mà không lấy tiền, thậm chí là sinh hoạt cùng gia đình mà không cảm thấy phiền hà. Còn ở Hà Nội, hình thức người nước ngoài ở ghép với chủ nhà vẫn còn mới mẻ, mang tiếng là ở chung, nhưng mọi sinh hoạt cá nhân đều riêng biệt. Chị Mai cho biết, gia đình chị muốn ở cùng Tây, tức là những người châu Âu, để con cái được tiếp xúc, giao tiếp với họ nhằm bổ sung vốn ngoại ngữ được nâng cao, vì cậu con trai út nhà chị hiện đang học trường quốc tế, nhưng phần phát âm vẫn chưa chuẩn.

Philip và Andrea là điều phối viên của một tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội, họ mới sang Việt Nam được sáu tháng, với vốn tiếng Việt không nhiều. Họ kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống ở chung nhà với những người Việt Nam. Philip cho biết, người Việt Nam sống rất tình cảm, buổi tối gia đình thường quây quần với nhau để ăn uống, nói chuyện và quan tâm đến nhau. Nhiều gia đình Việt Nam nếu có món gì ngon, lại gọi Tây trong nhà mình xuống để thưởng thức, hay ngược lại nên càng thắt chặt tình cảm giữa chủ nhà và Tây. Nhiều lần vào những ngày nghỉ, vợ chồng Philip còn được chị Mai mời xuống nhà, dạy nấu món ăn Việt và ăn cơm cùng gia đình. Sau một thời gian, Andrea đã biết làm nem kiểu Việt Nam nên cô rất thích thú.

Theo giá thị trường hiện nay, một căn nhà khoảng 80m2, xây theo lối hiện đại, tiện nghi đầy đủ, nếu thuê cả căn khoảng 3.000 USD/tháng, cộng với chi phí ăn ở, đi lại ở Việt Nam thì số tiền đó không phải "Tây ba lô" nào cũng "chịu" được. Vì thế việc ở ghép cùng  người  bản địa được nhiều Tây lựa chọn. Anh Đào Quang Tiến, ngõ 27, đường Xuân Diệu, Tây Hồ (Hà Nội) tếu táo: "Cho Tây ở cùng cũng nâng cao... sĩ diện đấy em ạ. Tự nhiên có người nước ngoài ở nhà mình, tiền tiêu rủng rỉnh và lại được mọi người trầm trồ "ở cùng với Tây cơ đấy!", cũng oai ra trò! Hơn nữa, lũ trẻ nhà anh lại được giao tiếp, nói chuyện trực tiếp với họ nên không lo cái khoản ngoại ngữ...".

Robetto - sinh viên khoa Việt Nam học, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) cho biết: "Tôi sang Việt Nam được hai năm, vì đang là sinh viên nên tôi chọn giải pháp ở cùng chủ nhà người Việt Nam tại số nhà 44, ngõ 27 đường Quảng An, Hà Nội. Tôi ở trên tầng 3 với giá tiền 12 triệu đồng/tháng. Dưới tầng 1 của ngôi nhà có dịch vụ cho thuê xe đạp để dạo quanh Hồ Tây, thỉnh thoảng cuối tuần hay những ngày không đi học, tôi hay xuống dưới nói chuyện cùng chủ nhà để hiểu hơn về con người và văn hóa Việt Nam. Có đôi lần chủ nhà bận, tôi còn trông cửa hàng cho thuê xe đạp và hướng dẫn khách đi xe dạo quanh Hồ Tây. Nói chung là tôi thấy "sống ổn" với kiểu ở ghép này".

Xã hội - Cho Tây ở ghép vì kiếm tiền hay để nâng cao... sĩ diện? (Hình 2).

Gia đình chị Elena sống cùng nhà với người Việt Nam. Ảnh minh họa

Chọn Tây mà... ở ghép

Vì đi chung cổng, chung lối ra vào nên mọi "động tĩnh" của chủ nhà hay Tây đều được cho vào "tầm ngắm" của nhau. Chị Trần Mai Anh, ở số  nhà 29, ngõ 31, Quảng An, Hà Nội cho biết, năm ngoái, gia đình chị có cho một cậu thanh niên người Mỹ thuê nhà. Lúc đi cùng người môi giới đến ký hợp đồng thuê nhà, cậu ấy tỏ ra rất ngoan, còn thích chơi với lũ trẻ nhà chị. Nhưng một tuần sau, cậu ấy "quậy" lắm, đi bar đến một, hai giờ sáng mới về, kéo theo cả bạn, làm ầm ĩ cả nhà cửa. Một lần cậu ta còn say rượu, rủ cả bạn về bật nhạc và nhảy đến 2h sáng, khiến cả nhà "méo mặt". Sau đó, cậu ta còn đưa cả bạn gái về sống như vợ chồng. Nói chung là văn hóa phương Tây khác mình, nhưng vì nhà có trẻ con nên chị bị "dị ứng". Có lần, cô cậu tiễn nhau đi làm, ôm và hôn nhau trước cửa nhà, khiến chị không biết giải thích sao với các con... Chị sợ quá, đành "cắt" hợp đồng sớm, chịu thiệt một tí cũng được...

Những người nước ngoài ở ghép cùng gia đình Việt Nam thường là những người "chấp nhận" được những khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia. Tuy nhiên, người nước ngoài rất muốn được tôn trọng quyền riêng tư và tự do cá nhân. Chị Elena Abba - ngõ 31, đường Tô Ngọc Vân cho biết: "Văn hóa phương Tây là tôn trọng tuyệt đối sự riêng tư, kể cả những thành viên trong gia đình thì cũng việc ai nấy làm. Tuy nhiên, gia đình tôi sống cùng căn nhà trước ở phố Yên Phụ thì không được vậy. Họ thường xuyên vào phòng chúng tôi lục đồ, xem xét phòng khi chúng tôi đi vắng. Đồ chơi của lũ trẻ nhà tôi, họ cũng "vô tư" mang ra chơi mà  không hỏi ý kiến. Chúng tôi chuyển đến căn nhà này, hai gia đình sống rất tốt với nhau, không tò mò vào chuyện riêng, chiều chiều lũ trẻ hai nhà còn cùng nhau chơi ở sân nhà nữa, khiến cho tình cảm chúng tôi càng gắn bó...".

Chị Elena cho biết thêm: "Văn hóa Việt Nam có nhiều cái hay, nếu như không tìm hiểu kỹ thì hơi... khó hiểu, như nếu gặp người nước ngoài, người Việt Nam hay hỏi: "Chị đi đâu đấy hay chị ăn cơm chưa", với người phương Tây, câu hỏi đó là sự tò mò nhưng sống quen với người Việt Nam thì tôi biết đấy là sự quan tâm đến nhau nên tôi vẫn vui vẻ trả lời...".

Nhiều gia đình cho Tây ở ghép cho chúng tôi biết, ở đâu cũng vậy, người nào cũng vậy, nếu biết cách sống và sống hòa hợp thì sẽ "sống được". Bởi đa phần người nước ngoài sang Việt Nam là họ đã một phần tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, chỉ cần học một chút, để ý một chút là họ có thể hòa nhập vào văn hóa Việt Nam. Và, chọn Tây ở ghép, thì các gia đình có nhà cho thuê cũng nên chọn những người sống đúng mực, để khỏi ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình. Chị Minh Hương, phố Đặng Thai Mai (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, cuối năm 2012, gia đình chị cho một người đàn ông người Anh thuê tại tầng 4 của ngôi nhà. Sau khi xem xét tầng muốn thuê, ông ta yêu cầu thay toàn bộ nội thất bằng mây, tre đan, lắp thêm lò sưởi, bồn tắm đứng, bếp ga  ngầm... Để chiều khách, gia đình chị cũng gọi thợ vào sửa và lắp theo yêu cầu của ông khách người Anh. Nhưng đến ngày ký hợp đồng, thì ông khách khó tính kia "bặt tăm" khiến gia đình chị phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" bởi hợp đồng chưa ký, không biết khách hàng ở đâu nhưng chị đã phải mất gần 50 triệu đồng để sửa sang tầng 4...

Bác Trần Minh Hà, 56 tuổi ở phố Quảng An còn "bỏ nhỏ" với chúng tôi: "Nếu cho Tây ở ghép, thì nên cho Tây có gia đình rồi ở cùng sẽ... an toàn hơn. Bởi tuy sống cùng nhà, nhưng ở tầng khác, đi cầu thang máy, tách biệt như khách sạn nên không lo "chung đụng". Tây sống cùng gia đình thường "ngoan" hơn, có trách nhiệm hơn nên cũng yên tâm...". Bác Hà còn kể về người hàng xóm tên Ánh của mình, chị Ánh cho một người đàn ông độc thân người Mỹ thuê phòng, mà ông này lại "ở bẩn", đồ ăn và rác không bao giờ chịu đi đổ, cứ vứt xuống tầng 1 khiến cả nhà chị Ánh phải dọn. Có lần, ông xã chị Ánh về quê, các con đi học hết, gã đàn ông kia còn định sàm sỡ chủ nhà khiến chị sợ hãi, mặt tái mét "cắt không còn giọt máu", phải gọi người giúp việc vào ứng cứu. Người đàn ông này sau đó bị gọi ra công an phường làm tường trình và bị đuổi ra khỏi nhà chị Ánh ngay lập tức...                                                       

Kinh nghiệm... “chọn Tây”

Anh Từ Ngọc Nam - làm ở một công ty du lịch cho biết: "Công ty du lịch của chúng tôi kiêm cả dịch vụ môi giới nhà đất cho khách nước ngoài sang Việt Nam tìm nhà để thuê, chúng tôi làm môi giới đã được hai năm. Cho Tây ở ghép cùng một nhà cũng đang là dịch vụ mới mẻ ở Hà Nội, việc này tiết kiệm được tiền cho Tây và tận dụng nhà để không của người Việt. Hầu hết khách Tây nhờ chúng tôi tìm nhà cho thuê là những người có vốn văn hóa, ứng xử tốt. Chủ nhà cần tinh ý, tìm những người có ý thức thì việc sống chung này không có gì bất tiện. Thậm chí nhiều khách Tây khi về nước, còn bảo với chúng tôi là thích sống chung với người Việt, vì sự mến khách và thơm thảo của gia đình chủ - nơi họ đã từng ở...".     

Lạc Thành

Khóc dở mếu dở vì ở ghép với... “gay”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Trước nhu cầu nhà trọ đang tăng nhanh tại các thành phố lớn, PV Người đưa tin đã phát hiện một góc khuất của những nam gay có nhu cầu ở ghép... kết bạn

Hà Anh: Nói về trinh tiết và yêu Tây ròng rã 3 tháng

Thứ 2, 01/04/2013 | 23:45
Siêu mẫu Hà Anh đã cố gắng chứng minh cho sự thoải mái của mình trong chuyện tình cảm.

Kyo York- chàng trai trời Tây tâm sự cuộc sống trên đất Việt

Thứ 6, 29/03/2013 | 14:58
Kyo York nói tiếng Việt rõ ràng đến nỗi khiến nhiều người Việt phải sửng sốt. Nói tốt là một chuyện nhưng Kyo York còn có khả năng hát tiếng Việt hay và chuẩn còn hơn cả một số ca sĩ trong nước. Giữa vô vàn những thứ lai tạp, màu mè nửa Tây, nửa ta thì Kyo York lại là một chàng Bắc Mỹ thứ thiệt đến trời Nam lập nghiệp và đi từng bước vững chắc vào showbiz.

Hai người phụ nữ chạy xe lôi cuối cùng ở miền Tây

Thứ 5, 21/03/2013 | 08:20
Đạp xe lôi đã là một nghề vất vả, xưa nay chỉ những người đàn ông sức dài, vai rộng mới chọn lựa loại phương tiện này để kiếm sống. Nhưng tại thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang), có hai người phụ nữ lại chọn xe lôi làm phương tiện mưu sinh. Họ có lẽ là hai người phụ nữ cuối cùng ở miền Tây chọn phương tiện nặng nhọc này để mưu sinh.