Cho trẻ kinh doanh từ nhỏ, con dao hai lưỡi

Cho trẻ kinh doanh từ nhỏ, con dao hai lưỡi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Gần đây, dư luận đang sửng sốt chuyện một cháu bé 8 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh tự mở công ty. Công ty này cũng có những chiêu khuyến mãi, cạnh tranh để hút khách không kém cạnh các công ty do người lớn lập. Theo các chuyên gia, việc trẻ kinh doanh từ nhỏ sẽ như một con dao hai lưỡi ảnh hưởng đến nhân cách của các em...
8 tuổi đã tự lập “công ty TNHH”

Đó là câu chuyện của cháu Đỗ Nguyễn Hoàng Nhi, học sinh lớp 3C Trường Tiểu học Giồng Ông Tố, quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Năm nay, cháu Nhi mới tròn 8 tuổi nhưng đã tự mình thành lập "Công ty TNHH Buôn bán tập vở, xô vòng, giấy tô màu". Công ty của cháu chuyên kinh doanh các mặt hàng như giấy tô màu, tập vở, vòng đeo tay, nơ buộc tóc. Đối tượng khách hàng là các bạn học sinh cùng lớp và cùng trường.

Theo tiết lộ của “vị” giám đốc nhí này, lúc đầu bé tự làm các đồ để bán. Cháu tự cắt giấy thừa để làm những tập vở nhỏ. Cũng có khi cháu lấy dây rồi xâu các hạt vòng và vỏ ốc thành vòng tay, vòng cổ để bán cho các bạn trong lớp. Được một thời gian, thấy công việc có vẻ “phất” cháu quyết định tuyển dụng thêm 6 bạn khác cùng lớp rồi bổ nhiệm vào các vị trí như phó giám đốc, tổ trưởng nhân viên, phó tổ trưởng nhân viên, nhân viên cắt, nhân viên giao hàng, thủ quỹ.
Ban giám đốc sẽ phân công công việc cụ thể cho từng người như: Người đi mua hột vòng, người cắt giấy, người ghim thành những cuốn sổ nhỏ, người trang trí. Những sản phẩm có giá bán từ 2 - 4.000 đồng. Một phó giám đốc của công ty này cho biết: “Bình quân mỗi ngày bọn con bán được từ 15.000 đến 30.000 đồng, đem nộp cho thủ quỹ. Cuối tháng, tùy theo lượng tiền thu được mà bạn Nhi trả lương cho bọn con”.

Không chỉ phân công công việc khá khoa học, công ty này còn có hẳn chiến lược kinh doanh. Một thành viên của công ty cho biết, thấy công ty làm ăn khấm khá, trong lớp cũng có một nhóm bạn khác thành lập công ty và bán các mặt hàng tương tự. Thấy vậy, công ty của bé Nhi quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh.

Bé và các bạn đi thông báo cho các bạn khác biết: Sẽ giảm giá từ 500 - 1000 đồng/sản phẩm. Thành viên này hớn hở khoe thấy công ty cháu giảm giá, các bạn đua nhau sang công ty cháu mua. Bạn này còn tiết lộ, ngoài việc bán các mặt hàng trên, công ty còn cho các bạn vay lãi(?!). Nếu các bạn vay 2000 đồng thì vài ngày sau sẽ phải trả 3000 đồng. Tất cả số tiền thu được, các thành viên trong công ty đặc biệt này dùng để mua quà vặt.

Cháu Hoàng Nhi cho biết: “ý tưởng kinh doanh và muốn làm giám đốc của cháu xuất phát từ một gợi ý của bố mẹ”. Bố mẹ bé Nhi từng nói với cháu rằng cần dùng đầu để quản lý người khác, nếu không thì cả đời chỉ đi làm thuê mà thôi. Được biết, ở nhà bố mẹ cháu Nhi thường trả mức tiền từ 5 - 6 nghìn đồng để cháu dọn dẹp nhà cửa. Theo bố mẹ cháu, trả tiền như vậy để cháu biết làm ra được đồng tiền khó khăn đến mức nào, từ đó giúp cháu quý trọng đồng tiền.
Xã hội - Cho trẻ kinh doanh từ nhỏ, con dao hai lưỡi
Rất nhiều bé, đặc biệt là trẻ em thành phố đã thể hiện "máu" kinh doanh ngay từ khi còn rất bé (ảnh minh họa)
Làm bài tập thuê lấy tiền tiêu vặt

Ngày trước, ngoài chơi trò đóng giả cô dâu chú rể, trẻ con rất khoái chơi trò buôn bán với nhau theo kiểu chơi đồ hàng. Các cháu thường lấy các loại lá cây giả làm tiền, hoặc lấy các tờ giấy ghi mệnh giá tiền để mua các món đồ lặt vặt như quả táo, quả ổi, cái kẹo, mua xong rồi lại trả lại để lấy đồ còn chơi tiếp. Ngày nay, những kiểu trò chơi đó đã thưa dần, chỉ còn đâu đó ở một vài làng quê vùng nông thôn. Rất nhiều bé, đặc biệt là trẻ em thành phố đã thể hiện "máu" kinh doanh ngay từ khi còn rất bé. Nhưng việc tự thành lập công ty như bé Hoàng Nhi là trường hợp hiếm hoi. Tuy nhiên, việc kinh doanh buôn bán của trẻ trong trường học là việc không còn hiếm.

Trong nhà không uống hết trà lipton, cháu Hà Anh ở một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội mang đến lớp bán với giá 1 nghìn đồng/gói. Bé cho biết, lúc đầu bé cũng mang cho các bạn khác, nhưng cho nhiều thấy tiếc nên chuyển sang bán lấy tiền. Số tiền thu được cháu dùng để thuê truyện tranh và mua kẹp tóc.

Không giống như Hà Anh, cháu Kiều Mai ở một trường trung học cơ sở ở Bắc Ninh lại có cách kiếm tiền khác. Hàng ngày, vào cuối buổi học cháu thường nán lại lớp để nhặt giấy vụn rơi trong các lớp. Số giấy này cháu tích lại đến cuối tuần để bán giấy vụn cũng được mấy chục nghìn. Bên cạnh việc tích giấy vụn, Mai còn mua giấy bìa cứng, hoa khô, bút nhũ, dây ruy băng về để tự sản xuất thiếp. Ngày thường Mai bán thiếp mừng sinh nhật, ngày nhà giáo, ngày quốc tế phụ nữ sẽ có thiếp đặc thù cho mỗi dịp. Với những thiếp được đặt hàng riêng cho một đối tượng đặc biệt sẽ làm cầu kỳ hơn và đắt hơn 1 - 2 nghìn đồng.

Trong khi đó, cháu Nguyễn Nguyệt Hương ở một trường tiểu học của quận Ba Đình, Hà Nội lại kiếm tiền bằng cách làm hộ bài tập cho các bạn. Cháu nhận làm hộ các bạn cùng lớp những bài tập thủ công, vẽ hộ bạn bài mỹ thuật, làm hộ toán. Những bài tập khó bạn Hương sẽ lấy tiền cao hơn những bài tập dễ. Hương tiết lộ, số tiền kiếm được từ việc làm hộ bài cho bạn giúp em rủng rỉnh tiền tiêu vặt mà không cần tiết kiệm tiền ăn sáng như trước nữa.

Được bố mẹ mua cho nhiều truyện tranh, Hùng (Đống Đa, Hà Nội) đã nghĩ kế cho các bạn trong lớp thuê lại để đọc. Chỉ sau thời gian ngắn, cậu trò này khá nổi tiếng với tài săn truyện. Học hành đâu chẳng biết nhưng hễ đến lịch xuất bản các tập truyện là Hùng tìm cách mua bằng được. Thấy "làm ăn" kiểu này lãi đơn lãi kép, cậu đâm mê. Tính ra mỗi cuốn truyện cho thuê, trừ gốc, Hùng lãi được 10-15.000đ. Tiền kiếm được Hùng dùng chơi games. Đến khi cô chủ nhiệm mời bố mẹ đến gặp, họ mới té ngửa. Từ một học trò ngoan, giỏi, Hùng trở thành học sinh lười biếng, dối trá, trốn học đi buôn, đi chơi.

Phản giáo dục!

Xung quanh việc trẻ con kinh doanh, buôn bán và kiếm tiền từ nhỏ có khá nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng khuyến khích trẻ con lao động để kiếm tiền sẽ giúp các cháu chủ động trong cuộc sống, đồng thời biết quý trọng giá trị của đồng tiền. Trẻ sẽ phát huy sức sáng tạo và nuôi dưỡng đam mê kinh doanh ngay từ nhỏ. Nhưng cũng có những ý kiến phản đối việc này, cho rằng đó là việc làm quá sớm.
Xã hội - Cho trẻ kinh doanh từ nhỏ, con dao hai lưỡi (Hình 2).
TS Tùng Lâm
Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, TS. Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, hiệu trưởng Trường Đinh Tiên Hoàng cho biết: "Khuyến khích trẻ kiếm tiền từ nhỏ sẽ khiến trẻ chủ động trong mọi việc. Nhưng đó cũng là một việc có hai mặt. Nếu các cháu buôn bán với nhau như một trò chơi, cùng các bạn tạo nên niềm hứng thú là một việc làm rất tốt. Nhưng nếu lơ là việc học và bằng mọi cách thậm chí gian dối để đạt được mục đích kiếm tiền, là một việc làm cực kỳ nguy hại đến sự phát triển tư duy và nhận thức của trẻ”.

Theo ông Lâm, ở lứa tuổi nhi đồng cần giáo dục cho trẻ biết quý trọng đồng tiền. Những việc như tự dọn dẹp nhà cửa, giúp đỡ bố mẹ việc nhà không nên thưởng tiền cho trẻ. Bởi đó là những việc xuất phát từ tình thương, từ việc muốn được trở thành đứa con ngoan. Không nên lấy giá trị của đồng tiền để đo tất cả mọi thứ. Nó sẽ phản giáo dục.
Hại nhiều hơn lợi Xung quanh việc nhiều cha mẹ muốn tập cho con kinh doanh từ nhỏ để sau này làm lãnh đạo như cha mẹ cháu Hoàng Nhi, TS. Tùng Lâm cho rằng: "Trong phạm vi từ 7 - 8 tuổi mà đã muốn lãnh đạo người khác là không nên. Bố mẹ nhồi nhét điều đó vào đầu con trẻ là việc làm hại nhiều hơn lợi”. Bởi theo ông Lâm: "Nhồi những kiến thức này vào đầu sẽ khiến trẻ tìm mọi cách để ganh đua, gian dối, chiếm lĩnh và điều khiển được người khác. Tư tưởng này sẽ hằn sâu vào đầu óc của trẻ thơ tạo nên một trạng thái tâm lý cực kỳ nguy hiểm. Lớn lên, để đạt được mục đích của mình, những đứa trẻ đó có thể có những hành động gây hại cho người khác và xã hội. Triết lý của ta nên đưa ra là: Hãy là người bình thường làm những việc làm bình thường. Từ những người bình thường ta tìm cách cống hiến cho xã hội nhiều nhất, từ đó mới có thể trở thành người vĩ đại. Nếu ngay từ đầu đã muốn làm người vĩ đại muốn đè nén người khác thì đó là trạng thái tâm lý cực kỳ nguy hiểm, không khéo mê mải mà dẫn đến tội ác. Và ranh giới của nó rất mong manh".
Thành Huế