“Chợ Trời” - Hiện vật sót lại của thời bao cấp

“Chợ Trời” - Hiện vật sót lại của thời bao cấp

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
"Chợ Trời" (hay "chợ Giời") là tên gọi khác của chợ Hòa Bình, là khu chợ tạm lâu nhất và có quy mô lớn nhất ở Hà Nội, được mệnh danh là "tiêu bản sống" của thời bao cấp.

"Chợ Trời" xuất hiện vào khoảng những năm 1945 - 1955. Suốt thời kỳ bao cấp, chợ vẫn được coi là hình thức mậu dịch hợp pháp. Việc mua bán diễn ra ở các cửa hàng mậu dịch quốc doanh.

Có rất nhiều cách giải thích cho cái tên "chợ Trời". Có người cho rằng, chợ bày bán những mặt hàng ở ngoài trời, không có vòm che đậy, nên gọi là "chợ Giời". Cũng một phần do những biến đổi ngôn ngữ theo cách gọi từng vùng, nên người ta còn có tên gọi khác là "chợ Trời". Một số người thì cho rằng, chợ bán toàn hàng dởm, nên có khách mua hàng xong mới thảng thốt nhận ra, họ cũng chỉ biết kêu "Giời".

Trong thời kỳ bao cấp, người dân phải mua hàng hóa bằng tem phiếu. Do nhu cầu mua bán, trao đổi nhiều mặt hàng nhỏ lẻ, nhưng những mặt hàng này lại không được tem phiếu hóa, nên một số tiểu thương đã họp chợ tự phát. Họ bán những mặt hàng không hợp pháp (không có tem phiếu - PV) ở ngoài chợ, đó là những địa điểm bày bán ngoài trời. Vì vậy, người ta quen gọi những địa điểm này là "chợ Giời".

Cùng với những cái tên như: Chợ Đồng Xuân, chợ Mơ, chợ Hôm đã đi vào lịch sử, "chợ Trời" tồn tại đến ngày nay cũng do thói quen của người tiêu dùng. Sau khi kết thúc chế độ bao cấp, hình thức giao dịch bằng tem phiếu cũng dần thay đổi sang cách thức giao dịch bằng tiền. Tuy nhiên, người dân vẫn có nhu cầu sử dụng những mặt hàng bày bán ở các khu "chợ Giời". Do nhu cầu mua bán và trao đổi, nên người mua lẫn kẻ bán cảm thấy tiện lợi đối với phương thức giao dịch tự do này, họ có thể mua được những mặt hàng ưng ý, hợp túi tiền. Có thể nói, thói quen trao đổi, mua bán này đã ăn sâu nhiều thế hệ, khiến những khu chợ này tồn tại cho đến tận ngày nay.

“Chợ Trời” bây giờ bày bán hàng cũ lẫn các mặt hàng mới tinh như loa đài, máy móc, những linh kiện thay thế... Tuy nhiên, đa số là hàng Trung Quốc, vừa rẻ vừa đa dạng chủng loại. Phố Thịnh Yên (tên thời Pháp thuộc là rue Dumoutier) là nơi bày bán các loại đĩa nhạc, phim và các mặt hàng điện tử như tivi, máy tăng âm, dàn nghe nhạc. Phố Chùa Vua là nơi bày bán linh kiện điện tử, đồ vi tính. Người dân coi khu cuối chợ là khu bán hàng thải. Vì nơi đây, người ta bán cả những mặt hàng hết "đát", những hàng hóa có thể bỏ đi, nhưng lại cần với một số người. Một số gian hàng còn bày bán đủ các loại mặt hàng, từ Tây đến Ta, từ hàng chính hãng đến hàng nhái, hàng giả, hàng ăn cắp, ăn trộm…

Anh Nguyễn Tuấn Anh, tay lái buôn các mặt hàng điện tử từ Móng Cái về Hà Nội cho biết: "Chợ Trời" chính là nơi kiếm sống của anh em ngành điện tử. Hầu hết họ nhập hàng nhái từ Trung Quốc về bán ở khắp các tỉnh. “Chợ Trời” cũng là điểm hấp dẫn của hàng này. Ở "chợ Trời", một số lái buôn khi nhập hàng lậu từ Trung Quốc vào thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) sẽ có một đội chuyên "phù phép" nhãn mác. Chúng có thể làm giả nhãn mác của các hãng loa đài, ti vi… đến mác của các thương hiệu Toshiba, Hitachi, Pasonic… Những mặt hàng giả nhãn mác này nhìn không khác gì hàng thật. Tuy nhiên, giá của những sản phẩm này lại rẻ bằng một nửa, thậm chí rẻ hơn 4-5 lần so với giá của hàng chính hãng. Vì vậy, dù biết là hàng Tàu nhưng khách hàng vẫn cứ chuộng.

Dân gian có câu: "Mất đồ thì ra “chợ Giời” tìm". Cái tên "chợ Giời" còn được gắn vào cái mác bán đồ ăn cắp, ăn trộm. Ở "chợ Trời" còn ngang nhiên bày bán các hàng ăn cắp như: Gương, bánh xe, lô gô ô tô của các hãng như Mercedes, Lexus, Toyota, BMW… Ngoài ra, một số gian hàng khác cũng bán hàng cấm như dao, kiếm, phứa, hay các băng đĩa lậu...

Được biết, mới đây, ngày 19/9/2012, UBND quận Hai Bà Trưng và lãnh đạo thành phố Hà Nội đã tiến hành cuộc họp về việc di chuyển chợ Hòa Bình ("chợ Trời"). Theo đó, thành phố Hà Nội chấp nhận chủ trương di chuyển "chợ Trời" về khu vực chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai).

Hoàng Thế Tào


Tag: hàng ăn