Chọn xinh hay chọn đẹp?

Chọn xinh hay chọn đẹp?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Trong khi các cô gái tốn kém hàng giờ để mong mình xinh như mộng thì các chàng trai hoàn toàn… thản nhiên. Bởi vì với họ, xinh và đẹp là các khái niệm cách xa nhau, hoàn toàn chẳng liên quan. Họ nhìn theo cách của họ!

Xinh khác đẹp!

Một buổi chiều đi học về, ngồi sau xe mẹ, chàng trai – khi ấy đang học lớp mẫu giáo lớn - khoe ầm lên về việc hôm nay chàng là người duy nhất trong bọn con trai đã hôn trộm được lên má một cô bạn, khi cô ấy ngủ. Bà mẹ kinh ngạc sẽ hỏi xem vì sao chàng lại cả gan làm thế. Chàng trả lời đơn giản: Đôi má hồng như quả táo làm cho cô bạn ấy xinh nhất lớp. Hừm, lý do thật dễ hiểu. Một cô gái xinh là điều tất cả các chàng trai đều có thể nhìn thấy, bị thu hút và đồng lòng thừa nhận sức hút đó, dù ở bất kỳ độ tuổi nào.

Lớn thêm chút nữa, quan niệm về sự xinh xắn dần dần được định hình. Các chuẩn mực được tiếp nhận từ tranh ảnh, những bộ phim hoạt hình cùng các hình mẫu được xã hội đưa ra khiến người ta không mấy khó khăn khi xác định bản thân và người bên cạnh thuộc hàng xinh hay kém xinh. Càng lớn, người ta càng mở rộng phạm vi về nét thu hút nơi người đối diện. Không chỉ là đôi má hồng hào như quả táo hay đôi mắt tròn xoe như viên bi ve với hàng lông mi búp bê cong vút. Các chàng trai nhỏ bắt đầu thừa nhận cái mũi hếch nhỏ nhắn, khuôn miệng bé xíu như đầu đinh ghim, làn da trắng muốt hay mái tóc dài mềm mại rủ xuống hai bên tai cũng đủ để các chàng đỏ mặt nhìn trộm. Tuy vậy, ở độ tuổi chưa hoàn toàn trưởng thành, thường thì “đường biên” của sự lôi kéo mắt nhìn chỉ dừng đến… vai là chấm dứt. Nhìn chung, quan niệm về sự xinh xắn tập trung chủ yếu vào gương mặt với các đường nét hài hòa. Các đặc điểm chi tiết giới tính kiểu chỉ số hình thể, số đo ba vòng thường bị “lảng tránh” ở địa hạt này…

Sự kiện - Chọn xinh hay chọn đẹp?

Đến đây thì chúng ta có thể lý giải vì sao hình tượng hotgirl - ở đây dùng để chỉ những cô gái xinh nổi bật trong các cộng đồng teen – thường giông giống nhau về hình thức biểu hiện. Hoặc nếu cảm thấy chưa giống lắm, muốn đoạt danh hiệu này, các cô ấy sẽ nỗ lực làm được thành công. Hình mẫu đã có sẵn, dễ dàng xác định nên dễ dàng học theo.

Khi một hotgirl đi ngang qua cửa sổ lớp, ắt có các ánh mắt trông theo cùng những ý nghĩ khác biệt. Các cô bạn gái sẽ thầm rên lên: “Giá mà mình có gương mặt thiên thần như nó thì có phải tốt biết mấy không…”. Thế nhưng các chàng trai chỉ nhìn qua, nghĩ nhanh: “Xinh phết!”, và… hết. Như vậy, đến đây phải rút ra một sự thật không mấy bùi tai: Các cô gái xinh xắn chỉ có giá trị trong mắt lẫn nhau và một số anh chàng cùng độ tuổi, hơi có máu hiếu thắng thể hiện. Thường thì số này không chiếm phần đông. Và khi trưởng thành, những người đàn ông này cũng không phải là những cặp mắt đủ kiên nhẫn lẫn tinh thông để đánh giá nét đẹp hay sức hấp dẫn của phái yếu. Mà hỡi ôi, phải đến khi vượt quá cột mốc 18 tuổi, người ta mới có thể xác định chính xác một cô gái thuộc dòng đẹp hay chỉ là xinh.

Nhưng thực tế nhiều nàng sở hữu lời khen xinh, khi vượt qua mốc tuổi teen chưa hẳn chạm được vào chuẩn đẹp. Và ngược lại, cũng thật may mắn, không ít cô gái lúc còn đi học thuộc dạng “vô hình”, thậm chí “xấu thấy thương”, chỉ cần vài ba năm sau khi ra trường trung học đã có thể nổi bật giữa đám đông vì nhan sắc độc đáo. Đấy chính là lý do vì sao 99% các hoa hậu và người mẫu nổi danh thường kể chung một câu chuyện đầy tính huyền thoại nhưng rất xác thực về ký ức “vịt con xấu xí”.

Chọn xinh hay chọn đẹp?

Ai là người phân định rạch ròi nhất và chính xác nhất giữa xinh và đẹp? Xin thưa, chính là các nhiếp ảnh gia cho các tạp chí. Nếu hai tiêu chí này sử dụng nhầm lẫn, sẽ gây ra hệ quả khôn lường.

Một tờ tạp chí lâu nay vẫn gây ấn tượng bởi những gương mặt ảnh bìa xinh xắn. Một lần, sợ độc giả nhàm, stylist lên ý tưởng làm hẳn bộ ảnh chụp một cô người mẫu mới nổi, được tiếng đẹp gợi cảm để sử dụng cho bìa và mục thời trang áo tắm trang trong. Bộ ảnh chụp xong, cả nhiếp ảnh và stylist đều bóp trán đau đầu. Vẻ gợi cảm của model thì chẳng phải bàn. Nhưng, gương mặt với cặp mắt u tối kèm đôi môi vẩu thế kia mà lên bìa thì… báo làm sao mà bán đây? Thời gian không còn đủ để chụp bộ ảnh với model khác. Art director đành nhúng tay, hết cúp ảnh, photoshop rồi lại chỉnh sáng tối để gương mặt cô người mẫu ¾ chìm trong bóng đêm mờ ảo. Cuối cùng thì vẫn phải… thay ảnh bìa vào giờ chót. Sau vố sai lầm bị sếp gọt một trận te tua, stylist lẫn nhiếp ảnh gia rút ra bài học xương máu: Mặt không xinh, không thể đưa lên làm bìa.

Lại là chuyện cô người mẫu khác cách đây vài năm được giám đốc một nhãn hàng chọn làm người mẫu cho một loại nước uống tinh khiết chuẩn bị vào Việt Nam. Tiếng tăm đang lên như diều gặp gió cùng sức hút cá tính của người mẫu này khiến ê-kip đều tin chắc đây là mẫu hình hoàn hảo. Duy chỉ một chuyên viên casting không đồng tình với lựa chọn này. Lý do anh ta đưa ra nghe khá nghịch tai cả ê-kip: Cô ấy đẹp và nổi tiếng thật đấy, nhưng gương mặt không xinh. Mà người trẻ – đối tượng chính của chiến dịch quảng cáo – vẫn chuộng hơn những gương mặt xinh đẹp chứ không chỉ chăm chú vào số đo của chiều dài đôi chân. Kết quả là đợt quảng bá nước giải khát trị giá tiền triệu (đô) ấy đã thất bại thê thảm, không ngoài dự đoán của tay chuyên viên casting rất sành tâm lý khách hàng nội địa.

Trong lĩnh vực biểu diễn, các ông bầu chọn nữ diễn viên đẹp hay xinh? Tất nhiên, nếu hội tụ cả đẹp và xinh như Hồ Ngọc Hà thì quá chuẩn. Đây cũng là lý do vì sao những gương mặt trẻ của giới biểu diễn được giới trẻ ưa chuộng trong các lĩnh vực từ điện ảnh, sân khấu cho đến âm nhạc thời điểm hiện tại vẫn thường là các cô nàng nhìn rất xinh. Điểm danh sẽ thấy ngay như Tăng Thanh Hà, Kim Hiền, Thanh Thúy… hay những nữ ca sĩ của các nhóm nhạc teen như Mây Trắng, Mắt Ngọc, các nàng công chúa bong bóng, công chúa tuyết rất nhộn nhịp hiện nay. Tất cả đều đáng yêu và xinh. Nhưng, thật “vuớng víu” nếu ngợi ca những ngôi sao này bằng tính từ đẹp. Tình hình này cũng không khác nhiều ở thị trường biểu diễn của các nước lân cận.

Sự kiện - Chọn xinh hay chọn đẹp? (Hình 2).

Nhìn chung, người châu Á vẫn dành nhiều thiện cảm cho vẻ xinh xắn, mịn màng, thanh tú và hoàn thiện kiểu búp bê. Trong khi đó, cái nhìn của phương Tây về nhan sắc lại khác hẳn. Đẹp hút hồn, đẹp gợi cảm, đẹp khác lạ… mới là giá trị đáng tiền đáng bạc. Còn xinh ư? Chỉ dành cho các bộ phim Walt Disney là kịch trần rồi. Không khó hiểu vì sao rất nhiều ngôi sao ca nhạc và điện ảnh tuổi thiếu niên ở phương Tây thường bị bỏ rơi khi đến tuổi trưởng thành. Vì lúc đó, bề ngoài của họ không đạt trong chuẩn đẹp mà xã hội hứng thú nữa. Muốn tồn tại, họ phải thực hiện các cuộc vượt thoát, không chỉ để chứng minh tài năng mà cả thuyết phục rằng họ có năng lực tự lột xác – hòng trưng ra ra một diện mạo mới làm công chúng hài lòng.

Đẹp – một khái niệm mềm dẻo

Khác với xinh dễ được nhiều người đồng lòng thừa nhận, đẹp là một khái niệm do truyền thống, xã hội hoặc tâm lý quy định hơn là do mắt nhìn. Ngay cả một hoa hậu – hình ảnh cụ thể nhất của nhan sắc – khi vừa được bầu chọn nghiêm túc hẳn hoi, vẫn có vô khối comment chê bai hoặc phẫn nộ kiểu “ôi, trông dáng thô thế sao được hoa hậu nhỉ?”, “chỉ được cái cao, chứ mặt nhìn chán chán thế nào ấy!”. Nhưng, chỉ cần một thời gian cần thiết trôi qua, khi hoa hậu lên hình thường xuyên, xuất hiện liên tục ở các sự kiện đình đám, thì người ta ắt sẽ quen mắt với cái “dáng thô” hay cái “mặt chán chán” ấy, rồi tiến đến thừa nhận vẻ đẹp của nàng hoa hậu. Nếu cô ấy giành được giải thưởng nhan sắc quốc tế nào đó, nhỏ thôi cũng được, thì vẻ đẹp của cô lại thành một chuẩn mực mới, khối cô gái khác muốn học theo. Như vậy, đến đây thì chúng ta có thể đồng ý rằng, tranh cãi về đẹp là một việc hao hơi tổn sức mà lắm khi chẳng đưa đến kết quả nào cụ thể.

Phán quyết của thị giác không phải là một điều gì bất di bất dịch. Theo thời gian, phán quyết này sẽ thay đổi theo chiều hướng khó ngờ. Ở đây, có thể dẫn ra trường hợp Mỹ Tâm. Khi cô hát mấy năm đầu, dáng vẻ thô thô bụi bụi khiến chẳng mấy ai nghĩ rằng cô đẹp. Thế nhưng, chỉ cần các bài hit như Cây đàn sinh viên, Tóc nâu môi trầm hay Ước gì làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng, tức khắc có vô khối khán giả trẻ “ước gì” có được mái tóc nâu bồng bềnh của cô, dáng vẻ mạnh mẽ bạo dạn làm chủ không gian của cô. Và việc Mỹ Tâm vọt lên vị thế cô gái đẹp nhất nhì của V-showbiz là việc chẳng cần bàn cãi nữa. Cô đã tạo ra một chuẩn đẹp mới, thiên về sự khỏe mạnh, đầy sức sống pha một chút đường nét Hàn Quốc đang thời thượng. Không chỉ fan của Mỹ Tâm ngợi ca vẻ đẹp của cô, mà có đồng nghiệp khác cũng cố gắng học tập theo. Tất nhiên, sự sao chép nhan sắc này chỉ nên gọi là “ảnh hưởng vô thức”.

Cái đẹp theo định nghĩa hiện đại đang đi gần với “ấn tượng”. Khi uy lực của các lĩnh vực quảng cáo và lĩnh vực giải trí tác động mạnh mẽ đến nhận thức xã hội, thì những vẻ đẹp nổi tiếng nhất, ấn tượng nhất được đám đông thừa nhận thường do hai lĩnh vực này trưng ra. Thế nhưng, chúng ta không nên quên, mục đích tối thượng của quảng cáo và giải trí hiện nay không phải là “làm vừa lòng thị giác” mà là “gây ra ấn tượng độc đáo để bạn khó quên”. Chính vì thế, những người đẹp mà các lĩnh vực này lựa chọn thoạt đầu lại là những cô gái… không đẹp. Thậm chí, họ còn có thể là một tạo vật hơi bị quá tay hoặc do thị hiếu đôi khi lệch lạc của tạo hóa. Kate Moss là một dẫn chứng sắc nét nhất. Kéo thời gian về ngược 20 năm trước, vóc dáng nhỏ thó lẫn gương mặt cau có kiểu trẻ em đường phố bị bạc đãi của cô ta chắc chắn là một thảm họa thời trang khi Kate hiện ra giữa những người mẫu cao lớn, đẹp lộng lẫy như Cindy Crawford, Rachel Hunter hay Claudia Chiffer. Thế nhưng, một khi người ta đã cảm thấy nhàm chán với vẻ đẹp “vạm vỡ” của các siêu mẫu kia, thì sự khác thường đúng thời điểm của Kate Moss đã tạo ra một cuộc cách mạng mang tính lịch sử thời trang, thay đổi hoàn toàn chuẩn đẹp. Giờ đây, bạn có thể hỏi các cô gái trên thế giới này, ai sẽ là người không muốn được có được thân hình cò hương, đôi chân cong và cặp mắt hiếng của Kate?

Đặt qua một bên thế giới của hoa hậu, người mẫu hay các ngôi sao, cái đẹp thực sự và giá trị nhất là khi nó hiện diện giữa cuộc sống thật. Đẹp là một thứ ánh sáng mà bất kỳ người phụ nữ nào đều có thể tự mình thắp lên – dù ánh đèn điện vài ngàn Watt, ánh sáng đèn chùm pha lê hay chỉ là ánh nến ấm áp là do tùy chọn. Trong cái nhìn hiện đại, cái đẹp có thể cân đo đong đếm được bằng nhân trắc học, đồng thời vẫn là một ý niệm mơ hồ. Nhưng, dù mơ hồ, thì người ta vẫn có thể chạm vào nó, bằng sự tự tin, bằng tinh thần sống độc đáo, và bằng khát khao được đẹp theo cách của chính mình.

Phan Hồn Nhiên/Tạp chí 2!ĐẸP