Chống đối cảnh sát: phạt chưa đủ, cần xử lý hình sự

Chống đối cảnh sát: phạt chưa đủ, cần xử lý hình sự

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
0
Việc chống người thi hành công vụ đã đến mức báo động và cần phải làm quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh mức xử phạt hành chính, tước giấy phép, tạm giữ phương tiện... những vụ có dấu hiệu của tội phạm sẽ kiên quyết xử lý hình sự.

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước, đặc biệt là 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, liên tiếp xảy ra những vụ chống đối người thi hành công vụ. Đối tượng vi phạm giao thông thường mạo danh con, cháu "ông to bà lớn", cậy quan hệ với lãnh đạo, ngang nhiên chửi bới, lăng mạ, đe dọa, thậm chí "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" với lực lượng CSGT. Điều đáng lo ngại, mức độ vi phạm của những đối tượng này ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận và hiệu ứng không tốt trong xã hội.

Xung quanh hiện tượng này, PV báo Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với thượng tá Trần Sơn, phó trưởng phòng hướng dẫn Luật và Điều tra Xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt - Bộ Công an).

- Thời gian vừa rồi liên tiếp xảy ra các vụ chống người thi hành công vụ. Đối tượng ngang nhiên chửi bới, lăng mạ, thậm chí đe dọa... "cậy quan hệ" đòi đuổi việc công an. Ông có nhận xét gì về hiện tượng này không?

Qua phân tích các vụ chống đối CSGT, chúng tôi nhận thấy tất cả các hành vi đều xuất phát từ việc vi phạm pháp luật của người tham gia giao thông. Chủ yếu rơi vào các đối tượng ở lứa tuổi thanh niên. Với trách nhiệm của mình, khi phát hiện hành vi vi phạm giao thông, lực lượng CSGT yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra và xử lý. Nếu người tham gia giao thông có ý thức tuân thủ tốt sẽ chấp nhận bị xử phạt coi đó là chuyện bình thường, tuy nhiên những đối tượng này tìm đủ mọi cách chống đối. Họ tìm cách xin xỏ, gọi điện cho người thân để "cầu cứu" thậm chí đưa tiền "hối lộ" lực lượng CSGT để mong được "bỏ qua" vi phạm...

Điều đó cho thấy ý thức tự giác chấp hành giao thông, thực thi pháp luật của họ kém. Nó cũng thể hiện bản tính hung hãn, côn đồ của một bộ phận thanh niên vi phạm. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt những hành vi vi phạm nghiêm trọng tuy đã được nâng lên nhưng vẫn chưa tương xứng, chưa đủ sức răn đe.

Mới đây, Công an Hà Nội đã thành lập 5 tổ 141, tuần tra, kiểm soát đã phát hiện gần 300 vụ có tàng trữ ma túy, vũ khí quân dụng, dao kiếm... Qua điều tra, cơ quan công an cũng phát hiện ra đây là những đối tượng có tiền án tiền sự đang bị truy nã hoặc đang trên đường thực hiện hành vi phạm tội.

Xã hội - Chống đối cảnh sát: phạt chưa đủ, cần xử lý hình sự

Thượng tá Trần Sơn

- Theo ông, xuất phát từ đâu phát sinh hiện tượng chống đối, lăng mạ CSGT với mức độ "lây lan" nhanh như vậy?

Theo tôi, về nguyên nhân khách quan, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân còn kém. Nhiều người mặc nhiên coi việc không chấp hành luật giao thông là việc bình thường. Công tác tuyên truyền nhằm tạo dư luận lên án những hành vi vi phạm cũng còn bất cập. Mọi người đang ở trạng thái, ai vi phạm mặc người ta, mình vẫn "bình chân như vại". Điều này chưa tạo được thái độ lên án cái xấu, gây được hiệu ứng trong dư luận.

- Từ trước đến nay, khi đối tượng có thái độ hỗn láo, chửi bới... lực lượng CSGT, mức xử phạt thường chỉ dừng ở xử lý hành chính, ít khi xử lý hình sự. Trước mức độ nghiêm trọng của hành vi này, theo ông có cần tăng mức xử lý hình sự để răn đe không thưa ông?

Nghị quyết 88 của Chính phủ đã quy định tăng cường công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát các hành vi vi phạm trật tự ATGT. Tại điểm 8 của Nghị quyết đã giao cho Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định quy định về các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc chống người thi hành công vụ và sẽ trình Chính phủ trong quý IV năm 2012. Việc chống người thi hành công vụ đã đến mức báo động và cần phải làm quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh mức xử phạt hành chính, tước giấy phép, tạm giữ phương tiện... những vụ có dấu hiệu của tội phạm sẽ kiên quyết xử lý hình sự. Đồng thời đưa ra xét xử công khai tại nơi đối tượng cư trú, thông qua đó tuyên truyền, giáo dục chung.

- Nhiều người cho rằng, tình trạng lộn xộn, chống người thi hành công vụ có một phần lỗi từ những người thực thi nhiệm vụ, có thể do nhận mãi lộ, tác phong không nghiêm túc khi xử lý sai phạm... Xin ông cho biết quan điểm của mình về luồng ý kiến này?

Việc người vi phạm chống người thi hành công vụ phải ở cả hai phía người tham gia giao thông và người thực thi pháp luật. Đối với lực lượng CSGT, Bộ Công an đã có những quy định rất cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, hình thức, trình tự tuần tra, xử lý...

- Thưa ông, trước việc nhiều đối tượng cậy là con em trong ngành, dựa hơi người thân để vi phạm, bản thân ngành CSGT có biện pháp để hạn chế những sự can thiệp mang tính "ngoại giao" này không?

Bộ trưởng Bộ Công an đã có quy định không cho cán bộ chiến sĩ trong ngành công an can thiệp vào việc xử lý của các lực lượng chức năng. Ai làm trái sẽ bị xử lý theo quy định của ngành và pháp luật.

- Xin cảm ơn ông!

Anh Đức - Minh Lý