Chống “hội chứng vô can”

Chống “hội chứng vô can”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Thanh tra Chính phủ vừa công bố nghiên cứu về các ngành có tỷ lệ tham nhũng nhiều nhất. Mặc dù các cơ quan cũng được gọi thẳng tên, nhưng không ít người vẫn cho rằng đó chỉ là nghiên cứu, ít có tác dụng răn đe trong thực tế, bởi "hội chứng vô can" vẫn còn đó.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng luật Phòng, chống tham nhũng đã được ban hành và vừa qua Quốc hội cũng thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung luật này để cơ quan chống tham nhũng thực quyền hơn. Tuy nhiên, khi luật được thực thi trong thực tiễn chúng ta không ảo tưởng rằng với thời gian ấy chúng ta có thể xoay chuyển được ngay.

Nhưng chúng ta có thể quan sát các động thái, những việc đã làm và những việc cần làm để cho bộ luật này đi vào đời sống, phát huy và góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Nhịp sống - Chống “hội chứng vô can”Nhà sử học - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Nhìn nhận về vấn đề tham nhũng, ông Dương Trung Quốc chia sẻ: "Tôi có cảm nhận rằng, khi đề cập tới vấn đề tham nhũng và đấu tranh chống tham nhũng có một hội chứng mà (tạm gọi) là hội chứng vô can và cảm thấy tham nhũng ở đâu chứ không phải ở mình, ở quanh mình, gần mình, ở cơ quan đơn vị, địa phương mình.

Điều đó thể hiện phần lớn những vụ tham nhũng không phải do chính cơ quan quản lý phát hiện ra. Chúng ta đã có bài học hiện hữu, tại diễn đàn Quốc hội chúng ta đã nghe đại biểu Quốc hội phát biểu hay và chắc chắn đại biểu cũng là người đã nói rất nhiều về việc chống tham nhũng.

Nhưng chính ông ấy lại bị khởi tố với tội danh liên quan đến tham nhũng và ở Tòa án, ông nói là bị lừa.

Vậy thì mỗi người chúng ta ở đây chúng ta có dám nói rằng mình là người miễn dịch không, khi chúng ta coi tham nhũng là một đại dịch. Tôi cho rằng chống tham nhũng là ở chính mỗi người mà người chức càng cao thì nguy cơ tham nhũng càng lớn, đó là biện chứng. Bởi vì tham nhũng gắn liền với quyền lực.

Trong đời sống hàng ngày, những hành vi luôn luôn có những mầm mống, thậm chí có những biểu hiện tham nhũng đã được phủ che bằng rất nhiều lý do khác nhau của đời sống.

Chính vì thế, sau khi Quốc hội ban hành luật khung, Chính phủ cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn, về luật học và tội phạm học, về xã hội học... để cố gắng định danh được tham nhũng là gì, đưa thành quy chế nhằm ngăn cản tham nhũng ngay từ manh nha của nó.

Nói cách khác, bằng cách đó chúng ta mới "tiêm chủng" được. Chúng ta đừng ai nói rằng mình miễn dịch. Đồng thời, Chính phủ phải chỉ đạo, rà soát lại hệ thống chính sách chế độ để dần từng bước hạn chế và triệt tiêu hiện tượng mà các vị đại biểu Quốc hội đã từng nêu lên, dư luận xã hội cũng từng nêu lên là chúng ta phải sống giả nhiều quá.

Vì tham nhũng tồn tại trong bộ phận của công chức, những người có quyền. Cho nên, nhân dân luôn nhìn vào đó để đánh giá hiệu quả đến đâu của luật mà chúng ta đã ban hành.

Luật đã có ý chí từ trên xuống dưới, nhưng chúng ta phải nhìn vấn đề tham nhũng là vấn đề của đời sống, nó không chỉ thuộc phạm trù của ý chí. Đó là lý do vì sao mà chúng ta nói rất nhiều đến chữ "Liêm".

Nhưng "Liêm" cũng là một khái niệm có sức sống của nó, nó không chỉ được nuôi dưỡng bằng tinh thần mà nó nuôi dưỡng bằng cả thể chất. Ngày xưa các cụ đã lĩnh lương, lĩnh bổng rồi nhưng vẫn có khoản tiền "dưỡng liêm" để nuôi dưỡng cái liêm đấy.

Cho nên chính sách, chế độ của chúng ta cũng quan tâm đến điều đó thì mong muốn của chúng ta mới mang tính khả thi, tính hiện thực, nếu không nó chỉ là ý tưởng mà thôi.

Cách đây 2 thế kỷ có một ông quan, cả đời làm quan, cuối đời ông ngẫm nghĩ và tổng kết rằng làm quan khó nhất "nhận hay không nhận". Bởi vì nếu chỉ nhìn vào lương bổng của triều đình thì không thể sống được. Nhưng nếu muốn có những khoản thu nhập khác hàng ngày đến với mình ở nơi công đường hoặc ở trong phòng kín, thì khoản đó nên "nhận hay không nhận".

10 năm nghiên cứu ông viết ra được bộ sách "Từ thụ yếu quy" là những điểm chính yếu dẫn đạo chúng ta xem "nhận hay không nhận", đưa ra 108 điều không nhận, tức là không nhận hối lộ và 5 điều có thể cho phép nhận được. Nhưng khi làm xong cuốn sách ông ta cũng cất trong tủ và để lên bàn thờ để răn dạy con cháu trong dòng tộc mình mà thôi, vì ông nói rằng cuộc đời phức tạp lắm.

Tôi muốn nhắc lại một câu chuyện cũ này để nói rằng: Để luật pháp đi vào đời sống thì chính nó phải là đời sống. Chính vì thế chúng tôi rất mong muốn các cơ quan có trách nhiệm hãy nhìn nhận nó một cách hết sức khoa học và điều rất quan trọng sau khi chúng ta đã có luật khung là chúng ta phải nhận dạng được thế nào là tham nhũng.

Minh Khánh