Chống người thi hành công vụ có thể bị truy cứu tội “giết người”

Chống người thi hành công vụ có thể bị truy cứu tội “giết người”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng, nguyên nhân của tình trạng chống người thi hành công vụ, nhất là đối với lực lượng CSGT đang gia tăng là do việc xử lý hành vi này còn quá nhẹ.

Như Người đưa tin đã phản ánh, ngày 31/7, tại buổi làm việc của UBND Hà Nội với đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, thiếu tướng Trần Thùy (phó giám đốc Công an TP.Hà Nội) đề xuất: “Tại sao không đưa hành vi này vào tội giết người hoặc nâng mức phạt để tăng tính răn đe. Bởi trong ba năm qua, chỉ riêng ở Hà Nội đã xảy ra 132 vụ chống người thi hành công vụ, riêng 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 20 vụ. Đó là con số đáng báo động”.

Xã hội - Chống người thi hành công vụ có thể bị truy cứu tội “giết người”

Nhiều đối tượng đã vi phạm giao thông còn chửi rủa, lăng mạ người thi hành công vụ

Xử lý nhẹ, dân “nhờn” luật

Trao đổi với PV, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết, ông rất bức xúc trước những hành vi tài xế coi thường pháp luật, thậm chí còn chống đối người thi hành công vụ. “Mới đây, ba cảnh sát hình sự quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bị tấn công hay chuyện cô gái vi phạm giao thông còn ngang nhiên tát vào mặt cảnh sát giao thông ở TP.HCM... Tất cả những hành vi đó cần phải bị lên án và xử lý nghiêm”, trung tướng Nhanh cho biết.

Nói về nguyên nhân gia tăng vụ việc chống người thi hành công vụ, trung tướng Nhanh cho rằng, cơ bản là trong một bộ phận thanh thiếu niên có biểu hiện coi thường pháp luật. Hơn nữa, hình phạt tại một số điều luật còn quá nhẹ, nhất là đối với hành vi “chống người thi hành công vụ”. “Khi tòa án xét xử một số vụ chống lại công an, tôi có nghe một số anh em báo cáo là thường tuyên phạt tù treo hoặc mức án rất nhẹ nên không có đủ sức giáo dục và răn đe tội phạm. Nguyên nhân thứ hai là do giáo dục của xã hội, cộng đồng và mỗi gia đình. Lẽ ra, khi ra đường không đội mũ bảo hiểm, đi xe kẹp ba... bị cảnh sát thổi còi phải dừng lại nhưng một số người không chấp hành mà còn chửi bới công an. Điển hình nhất là vụ cô gái tát vào mặt cảnh sát giao thông. Tôi cho rằng hành vi đó phải bắt giam và xử phạt rất nặng đến mức người ta cảm thấy sợ pháp luật thì thôi” – trung tướng Nhanh nói.

Cũng theo giám đốc CA TP.Hà Nội, trong vụ lái xe hất cảnh sát giao thông lên nắp capô, tài xế chạy vòng vèo nhiều cây số nhằm “đẩy” cảnh sát giao thông khỏi xe, gây tai nạn cho người ta. “Tôi cho rằng đó là những vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên, về khách quan, việc một số cán bộ mắc sai sót trong tác phong, ứng xử gây bức xúc cho người bị xử lý vi phạm là có. Khi phát hiện những sự việc này, chúng tôi đã kiểm điểm và kỷ luật cán bộ. Chúng tôi sẽ kiến nghị với các ngành pháp luật, trong đó có Viện kiểm sát, Tòa án phải xử lý nghiêm minh hành vi chống lại người thi hành công vụ” - trung tướng Nhanh khẳng định.

Lý giải nguyên nhân cần xử lý hình sự các đối tượng chống người thi hành công vụ dù hậu quả chưa nghiêm trọng, thiếu tướng Trần Thùy (PGĐ CA TP.Hà Nội) cho rằng, mức phạt 4 triệu đồng đối với hành vi chống người thi hành công vụ, hoặc 1,4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 30 ngày đối với hành vi không tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông là quá thấp. Do đó, số vụ chống người thi hành công vụ không hề giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên, chứng tỏ nhiều người dân đã “nhờn” luật.

Xã hội - Chống người thi hành công vụ có thể bị truy cứu tội “giết người” (Hình 2).

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, GĐ CA TP. Hà Nội

Cùng trao đổi về vấn đề này, thượng tá Trần Sơn, phó Phòng hướng dẫn tuyên truyền luật giao thông (Cục CSGT đường bộ - đường sắt Việt Nam, C67 Bộ Công an) cho rằng, cần phải có một chế tài đủ mạnh để hạn chế tình trạng này. “Chúng tôi sẽ đề xuất những chế tài đặc thù ở những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chính Minh hay Bà Rịa - Vũng Tàu… Bên cạnh đó, Cục cũng đề xuất xem xét tịch thu phương tiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Chúng tôi cũng lưu ý nhắc nhở lực lượng công an thi hành công vụ phải điều chỉnh cách thức giao tiếp, ứng xử để có những kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa người thực thi pháp luật và người vi phạm” - thượng tá Sơn khẳng định.

Trao đổi với PV Người đưa tin trước việc đề xuất xử phạt hình sự đối với những đối tượng có hành vi chống đối người thi hành công vụ, kể cả những trường hợp chưa gây hậu quả nghiêm trọng, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, trưởng Văn phòng luật sư Đức Thịnh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) chia sẻ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của cơ quan công an. Bởi với thực tế như hiện nay, chúng ta cần phải có biện pháp mạnh để răn đe, ngăn chặn cách đối tượng cố ý phạm luật và chống người thi hành công vụ”.

Liên tiếp vụ việc tấn công CSGT

Không chỉ tăng về số lượng các vụ tấn công CSGT, đáng lưu ý, tính chất của các vụ chống đối cũng ngày càng nghiêm trọng. Tính đến giữa tháng 5/2012, đã có 1 chiến sỹ hy sinh và 4 chiến sỹ khác đã bị thương. Đơn cử như sự việc một nam thanh niên đi xe tay ga PCX có dấu hiệu vi phạm luật giao thông, trung tá Chung (PC67 CA TP.Hà Nội) bố trí hơn chục cảnh sát chặn xe. Song, để thoát thân thanh niên này đã tăng ga tông thẳng khiến viên trung tá bị thương nặng. Hay trước đó, dư luận bức xúc trước hành vi của đối tượng Phùng Hồng Phương khi bị Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) ra hiệu lệnh dừng xe đã lớn tiếng thách thức. Đã vậy, Phương còn nhảy lên buồng lái lao thẳng tới buộc trung úy Nguyễn Mạnh Phan phải bám vào cần gạt nước để tránh cú tông trực diện. Chưa dừng lại, Phương tiếp tục tăng tốc mặc cho trung úy Phan lơ lửng trước đầu xe trong suốt quãng đường hơn 1km.

Tuy nhiên, điều khiến những người có trách nhiệm đau đầu nhất là độ tuổi của các đối tượng chống lại người thi hành công vụ ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Thống kê từ Cục Cảnh sát Đường bộ-Đường sắt Việt Nam cho hay, độ tuổi trung bình của nhóm đối tượng này hiện nay rơi vào khoảng từ 17 - 30. Đáng chú ý, nhóm đối tượng 17 - 25 chiếm phần lớn trong số này.

Điều đáng nói, trong nhóm các đối tượng đang ngày càng trẻ hóa này, không ít người là học sinh, sinh viên, thậm chí viên chức Nhà nước. “Nổi tiếng” nhất là vụ nhân viên hợp đồng của Bộ Ngoại giao tông trọng thương một sĩ quan cảnh sát giao thông. Cụ thể, ngày 7/3, tại ngã tư Vọng (quận Thanh Xuân - Hà Nội), Vũ Lê Hoàng (sinh năm 1983, nhân viên hợp đồng của Bộ Ngoại giao) điều khiển xe máy chạy tốc độ cao và không đội mũ bảo hiểm. Khi Tổ Công tác đặc biệt Y1/141 ra tín hiệu dừng xe để xử lý thì Hoàng rú ga bỏ chạy. Thấy vậy, trung tá Nguyễn Đức Chung ra ngăn lại và bị Hoàng lao thẳng xe vào người gây trọng thương.

Theo Phòng CSGT TP.Hà Nội, việc chống đối lại lực lượng CSGT và các lực lượng khác, mà chủ yếu là lực lượng CSGT có mấy nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến sự hiểu biết về mặt thực thi pháp luật bị hạn chế của đối tượng tham gia chống người thi hành công vụ. Trong ý thức của họ, việc vi phạm luật giao thông là hết sức bình thường nên khi bị lực lượng CSGT xử lý thì họ rất bức xúc, tìm mọi cách chống đối lại. Thứ hai, ở nhiều trường hợp, họ chống đối lại lực lượng chức năng là bởi họ sợ, nếu bị bắt lỗi sẽ không có tiền nộp phạt vì đời sống kinh tế gặp khó khăn nhất định. Thứ ba, từ trước đến nay ở phía Bắc có một số bộ phận thanh thiếu niên và 1 số người lớn tuổi, ý thức chấp hành pháp luật kém. Họ cho rằng nếu có cãi lại CSGT thì mức độ xử phạt cũng rất nhẹ, cho nên phải cần thiết tăng mức phạt lên cao hơn nữa kể cả phạt tiền và hình phạt bổ sung là giữ phương tiện, mà nếu đã đến hành vi vi phạm luật hình sự thì đương nhiên bị truy tố, cái này luật rất rõ ràng rồi. Khi xử phạt tăng lên thì từ 1 trường hợp sẽ chính là biện pháp tuyên truyền, làm gương cho những người khác, để người ta thấy rằng nếu chống lại lực lượng chức năng sẽ phải chịu hậu quả như thế nào. Ở nước ngoài, tội chống người thi hành công vụ sẽ bị xử lý rất nặng.

Theo thống kê của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt Việt Nam, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 27 vụ chống đối cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ. Trong năm 2011, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 56 vụ, làm 18 đồng chí bị thương.

Tôi cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ là những vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên, về khách quan, việc một số cán bộ mắc sai sót trong tác phong, ứng xử gây bức xúc cho người bị xử lý vi phạm là có. Khi phát hiện những sự việc này, chúng tôi đã kiểm điểm và kỷ luật cán bộ”.

Chí Công - Cao Tuân