Chùa Bà Đanh: Quãng vắng để viết nên lời

Chùa Bà Đanh: Quãng vắng để viết nên lời

Thứ 4, 21/12/2016 | 21:59
0
Nét duyên cổ kính, trầm mặc ấy là nơi đã cất giữ những niềm vui, nỗi buồn, những suy nghĩ ngô nghê thuở nhỏ của đám con nít chúng tôi
Cuộc đời là một bộ phim dài tập với đầy rẫy những bất ngờ thú vị. Những tưởng khi lớn lên, khi li hương biệt xứ, tôi sẽ nhớ cánh đồng lúa bát ngát, nhớ đụn rơm trước cổng, nhớ góc bếp với những củ khoai giấu tạm,...nhưng không, nơi chiếm giữ nhiều vị trí trong kí ức của tôi nhất lại là hình ảnh một ngôi chùa tĩnh tại, thanh bình - chùa Bà Đanh!
Chùa Bà Đanh còn có tên gọi khác là Bảo Sơn tự, được xây vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) với diện tích 10ha nằm ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam ngày nay. Theo tục truyền, Bà Đanh là người đã có công dựng lên ngôi chùa nên dân gian đã lấy tên của bà để gọi thay vì tên gọi Bảo Sơn.
Chùa quay mặt theo hướng Nam ra mạn sông Đáy. Phía ngoài cùng tiếp giáp với đường đi và gần bờ sông là cổng tam quan của chùa. Nền của ngôi chùa được tôn cao, xây vượt hẳn lên năm bậc và hai đầu xây bít đốc. Tam quan có ba gian, được làm thành hai tầng: Tầng trên có hai lớp mái lợp bằng ngói nam, xung quanh sàn gỗ là hàng lan can với những trấn song con tiện. Tầng này sử dụng làm gác chuông, ba gian dưới có hệ thống cánh cửa bằng gỗ lim.
Tin cũ - Chùa Bà Đanh: Quãng vắng để viết nên lời

"Vắng tanh như chùa Bà Đanh". Ảnh: Internet.

Nằm cạnh ngọn núi Ngọc thơ mộng và là một quần thể kiến trúc độc đáo có nhiều gian thờ với thiết kế tinh tế như: Nhà tổ, thượng điện, trung đường, gian thờ Mẫu,... cùng hình rồng trên mái - tượng trưng cho quyền năng của đấng Thiên Tử (đây cũng là linh vật được xếp bậc nhất trong Tứ linh).
Ngoài ra, chúng ta còn có thể dễ dàng bắt gặp những câu chữ tiếng Nôm hay hoa văn được chạm khắc một cách tỉ mỉ và tinh xảo tạo cảm giác như ta đang ở một thế giới khác: Hoài cổ và tĩnh mịch. Chiếc chuông đồng lớn mỗi lần được thỉnh lại tạo những âm thanh vang vọng, ngân xa càng làm tăng thêm vẻ hư ảo, tịnh không cho ngôi chùa nhất là vào những ngày sương mù dày đặc.
Không chỉ vây, hương thơm của rất nhiều loại hoa như hoa đại, hoa mẫu đơn...cùng màu xanh rêu bao phủ nền gạch lát hòa quyện làm cho nơi đây mang đậm vẻ đẹp rêu phong, xưa cũ.
Tôi đã từng thắc mắc với một số người lớn trong vùng, tại sao một ngôi chùa đẹp, trầm và thơ như vậy lại ít người qua lại. Phải chăng họ ít qua vì muốn giữ nguyên cái tình, cái lặng cho ngôi chùa. Nhưng không, ngôi chùa là nơi vô cùng linh thiêng, ai làm những việc xấu hay đến đất thiêng làm xằng, làm bậy sẽ bị nghiêm phạt. Cái linh của chùa đã khiếm ngôi chùa có một vẻ nghiêm nghị hoài cổ.
Chính sự lạnh lẽo của vắng vẻ đó đã khiến cho nơi đây trở thành một điển hình để so sánh với những nơi cũng heo hút tựa vậy. Và thành ngữ Việt Nam đã có một câu so sánh rất hợp "vần", hợp cảnh: "Vắng như chùa Bà Đanh".
Hay:
"Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên vắng ngắt như chùa Bà Đanh".
Tôi nhớ trong bài "Tụng Tây Hồ phú", Nguyễn Huy Lượng cũng ghi lại cảnh vắng của ngôi chùa bằng những câu thơ:
"Dấu bố cái rêu in nền phủ
Cảnh Bà Đanh hóa đóng cửa chùa".
Có lẽ cũng chính vì sự vắng, sự tách biệt khỏi "bụi trần" nên ngôi chùa mang nét đẹp thanh khiết, thoát tục mà không phải ngôi chùa nào cũng có được.
Nhiều người không muốn đến chùa vì sợ "phạm". Nhưng khi còn là đứa trẻ, tôi lại ngược lại. Tôi yêu sự thanh vắng, yêu cái mùi, yêu cảnh vẻ, màu sắc và những âm thanh ở đấy đấy. Vì vậy nên mỗi khi buồn hay những trưa hè nóng nực, oi ả tôi thường vào chùa để được hóng mát, được hít hà đủ mọi hương thơm được nghe các sư thầy kể chuyện, được nhặt những bông hoa đại rơi rụng sân chùa, kết thành những vòng hoa lớn rồi thả trôi theo dòng nước mát.
Trôi theo cả những kí ức ngày thơ bé của tôi...
Nét duyên cổ kính, trầm mặc ấy là nơi đã cất giữ những niềm vui, nỗi buồn, những suy nghĩ ngô nghê thuở nhỏ của đám con nít chúng tôi mà giờ đây tôi chỉ ước " giá có đoàn tàu quay trở lại tuổi thơ, tôi nhất định sẽ mua một vé", để về với con sông Đáy quê mình, về với tiếng chuông chùa hoài vọng của ngày thơ.
Hồng Thúy/ NĐT
Tag: motthegioi