Chưa có công trình khoa học nào chứng minh công dụng “thần dược”

Chưa có công trình khoa học nào chứng minh công dụng “thần dược”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Nhiều người bỏ ra hàng tỷ đồng để mua nanh vuốt sư tử, báo vì cho rằng nó có thể chữa bách bệnh, kể cả ung thư và tăng cường sức mạnh đàn ông. Thực tế chưa có công trình khoa học nào chứng minh điều đó.

Nhiều chuyên gia y học cổ truyền cho biết, trong các tài liệu, bài thuốc Đông y cho thấy các loại sừng, nanh, vuốt của một số loài động vật có vị chua mặn, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm đau và cầm máu. Bên cạnh đó, các loại nanh, vuốt, sừng còn thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt thương hàn, co giật, sốt vàng da, phát ban, chảy máu cam... Tuy nhiên, các bài thuốc Đông y trên chỉ là được lưu truyền trong dân gian, được truyền miệng, công dụng thật sự vẫn chưa được ai công nhận.

Bà Trần Ái Loan, kỹ sư hóa học cho biết, trong các nghiên cứu thành phần hóa học của các loại nanh, vuốt, sừng của tê giác, sư tử, báo người ta thấy chủ yếu là chất sừng keratin (một loại protein xơ tạo thành mô), ngoài ra còn có canxi cacbonat, canxi photphat... Khi thủy phân, các loại sừng sẽ cho các axit amin như tyrosin, axit tiolactic, xystein, còn các loại nanh, vuốt vẫn chưa có phản ứng tương tự.

Xã hội - Chưa có công trình khoa học nào chứng minh công dụng “thần dược”

Nanh vuốt sư sử được chế tác làm vật trang sức để đem lại may mắn cho người sở hữu nó.

Nhiều người tin vào lời đồn thổi mà tiền mất tật mang vì rước phải họa. Theo tìm hiểu của PV, nhiều con buôn chỉ vì lợi ích cá nhân mà làm giả, làm nhái nanh, vuốt động vật quý hiếm để bán cho người có nhu cầu. Vì tin theo lời khẳng định chữa bách của người bán, anh N.Q.T (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) đã phải nhập viện. Anh T cho biết: "Tôi đã bỏ cả chục triệu đồng để mua hàng của một người tên Hoàng. Người này khẳng định đây là nanh sư tử 100% và kêu tôi chỉ cần trả trước một nửa tiền. Khi mài ra sử dụng, lúc đầu tôi thấy bình thường nhưng càng về sau thấy chán ăn mọi thứ, bụng thì đau âm ỉ. Mới đây tôi đi bệnh viện khám thì được biết bao tử của tôi đã bị loét nặng do uống một loại chất sừng độc, nguy hại đến cơ thể. Nhiều khả năng các chất này có thể gây ung thư cho tôi, bây giờ thật sự tôi rất hoang mang lo sợ”.

Đáng nguy hại hơn, nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, tin vào lời mời chào ngon ngọt của con buôn mà cố sống cố chết mua bằng được một chiếc nanh vuốt sư tử, báo. Bà N.T.N (42 tuổi, ngụ quận 9, TPHCM) cho biết: "Tôi bị mấy chứng bệnh một lúc, vừa bị tim, lại cột sống rồi ung thư vú. Nhà tôi cũng cố gắng tìm mọi cách chữa trị cho tôi. Hễ ai mách nước gì hay là tôi tìm tới chữa bệnh. Khi được một người rao bán nanh sư tử và nghe lời đồn nó có thể chữa bách bệnh, tôi đã mua mấy cái. Thế nhưng sau khi sử dụng, sức khỏe của tôi không những không khá lên mà ngày càng kiệt quệ. Đến bệnh viện kiểm tra lại, các bác sĩ yêu cầu tôi lập tức nhập viện để điều trị khẩn cấp vì bệnh đã nặng lên nhiều do sử dụng hóa chất độc hại. Tôi mới tá hỏa về loại thực phẩm "siêu năng chữa bách bệnh" này”.

Trao đổi với PV, bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM cho biết, việc người dân sử dụng các loại nanh vuốt sư tử, báo chữa bệnh là do ngộ nhận. Thực tế, nó không thể có công dụng tốt cho sức khỏe được. Nhiều bác sĩ khác cũng cho biết, hiện nay cả trong và ngoài nước chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh các loại nanh vuốt sư tử, báo có thể điều trị bách bệnh hay chữa bệnh phòng the.

Trước thực trạng này, các chuyên gia khuyến cáo, sư tử, báo đã được đưa vào sách đỏ để bảo vệ nghiêm ngặt. Do tin đồn về công dụng của chúng nên nanh vuốt sư tử, báo bị làm giả rất nhiều. Không ít người đã mua phải nanh, vuốt sư tử, báo được làm bằng bột đá và nhựa tổng hợp. Việc làm giả nanh vuốt sư tử, báo... hiện nay cũng rất tinh vi nên không thể phân biệt được và cũng không có tiêu chí nào để đánh giá thật giả. Thực tế, ở Việt Nam, nanh vuốt sư tử, báo rất hiếm và gần như không có.

Bà Hà Cẩm Tân, giám đốc Chương trình Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới (WSPA), khuyến cáo: "Các vụ buôn bán, giết hại động vật hoang dã ngày càng gia tăng và có diễn biến phức tạp. Để hạn chế tình trạng trên, cần tăng cường tính thực thi của pháp luật, tăng nặng các hình thức xử lý. Ngoài ra, cần tăng cường việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, bảo vệ các loài động vật hoang dã chính là bảo vệ môi trường sống của con người".

Minh - Nguyên