Chữa dứt bệnh 'luật mẹ chờ luật con'

Chữa dứt bệnh 'luật mẹ chờ luật con'

Thứ 4, 07/08/2013 | 10:26
0
Cần thừa nhận vai trò sáng tạo pháp luật của tòa án. Có thế mới bù đắp được khoảng trống, hạn chế muôn thủa của tư duy xây dựng pháp luật hiện nay, quá cứng nhắc, tuyệt đối hóa luật thành văn.

Mới đây, Thủ tướng đã quyết định chuyển giao trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh từ Văn phòng CP sang Bộ Tư pháp. Liệu điều này có khắc phục được căn bệnh “nợ đọng” trong ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh lâu nay? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường xung quanh nội dung này.

Luật sư - Chữa dứt bệnh 'luật mẹ chờ luật con'

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (ảnh) cho biết:

+ Từ nhiệm kỳ CP khóa trước, tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư đã bộc lộ rồi. Nghị định, thông tư hướng dẫn luật mà ban hành không kịp thời thì vừa làm chậm quá trình đưa luật vào cuộc sống, có khi tạo khoảng trống pháp lý gây lúng túng cho cơ quan quản lý, người dân. QH qua giám sát đã chỉ ra yếu kém này. Trong nhiều nguyên nhân, qua thảo luận, Bộ Tư pháp lúc ấy thấy rằng việc theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành trong xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn bị cắt khúc: Bộ Tư pháp thì thẩm định dự thảo văn bản do các bộ dự thảo, trình, còn theo dõi, đôn đốc việc xây dựng văn bản lại giao cho Văn phòng CP - lúc đó có Ban Xây dựng pháp luật.

Khắc phục hạn chế ấy, thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng CP. Đến cuối 2012, Văn phòng CP đánh giá lại thì thấy số văn bản nợ đọng chỉ còn 27 - mức thấp nhất 10 năm. Nhưng để giải quyết căn bản, anh Vũ Đức Đam (Chủ nhiệm Văn phòng CP - PV) và tôi thống nhất là nên chuyển giao hẳn công việc đó cho Bộ Tư pháp đảm trách.

Thách thức lớn cho Bộ Tư pháp

Cũng là cơ quan ngang bộ, là thành viên CP với nhau nhưng Văn phòng CP gần ngay sát, trực tiếp phục vụ Thủ tướng, các phó thủ tướng thì uy lực khi kiểm tra, đôn đốc ban hành văn bản sẽ mạnh hơn. Nay nhận việc về mình, Bộ Tư pháp thấy thế nào?

+ Họp CP phiên vừa rồi, tôi đã báo cáo Thủ tướng, đây là thách thức với Bộ Tư pháp. Bộ không phải lúc nào cũng có thể báo cáo xin ý kiến Thủ tướng, các phó thủ tướng và càng không thể nhân danh lãnh đạo CP để kiểm tra, đôn đốc các bộ khác được.

Luật sư - Chữa dứt bệnh 'luật mẹ chờ luật con' (Hình 2).

Số lượng văn bản còn nợ theo yêu cầu của Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ 1-7-2013) lên tới 54 văn bản.

Vì vậy, tôi có đề nghị các bộ trưởng chia sẻ khó khăn, thách thức đó. Chia sẻ theo nghĩa: Chúng tôi có đôn đốc, nhắc nhở các bộ thì đó là công việc CP chứ không phải việc riêng gì của Bộ Tư pháp. Rất mừng là một số bộ trưởng, như chị Tiến (Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế - PV), đã ủng hộ, tin cậy chúng tôi.

Bộ Tư pháp và Văn phòng CP đã thảo luận tới đây sẽ ký quy chế phối hợp. Chúng tôi sẽ nối mạng với nhau, một bên lập chương trình xây dựng văn bản của CP, một bên theo dõi, đôn đốc sao cho ăn ý, hiệu quả. Trong đó, một số việc đôn đốc, kiểm tra sẽ được Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp.

Nói thì dễ, viết thành luật rất khó

Thực ra cắt khúc chỉ là một trong nhiều nguyên nhân căn bệnh nợ đọng văn bản hướng dẫn luật. Nay tập trung một đầu mối trách nhiệm, Bộ Tư pháp có giải pháp, hay kiến nghị gì với CP để khắc phục?

+ Không gì khó khăn bằng việc xây dựng và hoàn thiện thể chế. Nói thì dễ nhưng viết thành lời văn của luật để đồng bộ, chặt chẽ, khả thi, hợp lý, ràng buộc được trách nhiệm với nhau... là không đơn giản. Xây dựng luật ở ta, nhiều khi cái khó, không đồng thuận được với nhau thì QH để lại cho CP hướng dẫn. Thành ra đến khâu làm nghị định bị vướng, tắc.

Về giải pháp khắc phục trước mắt thì rất mừng là Thủ tướng đồng ý đưa vào nghị quyết phiên họp CP lần này vấn đề tăng cường lực lượng pháp chế các bộ, ngành, thu hút được chuyên gia làm pháp chế, vừa có kiến thức, kinh nghiệm sâu về lĩnh vực bộ, ngành đang quản lý, vừa hiểu biết pháp luật. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trưởng chú trọng hơn nữa nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế. Mỗi bộ phải có riêng một thứ trưởng chuyên trách về thực hiện chương trình xây dựng văn bản... Được thế thì việc trong mỗi bộ, việc phối kết hợp liên bộ sẽ tốt hơn, chất lượng soạn thảo văn bản sẽ được nâng lên.

Nhưng về lâu dài phải có đột phá. Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần tính đến việc giao cho TAND quyền giải thích pháp luật, áp dụng vào việc tranh chấp cụ thể, làm cơ sở phát triển án lệ. Lập quy ở CP hay lập pháp ở QH không thể lường hết được, điều chỉnh hết được các vấn đề của cuộc sống, vốn thay đổi từng ngày. Cần thừa nhận vai trò sáng tạo pháp luật của tòa án. Có thế mới bù đắp được khoảng trống, hạn chế muôn thủa của tư duy xây dựng pháp luật hiện nay, quá cứng nhắc, tuyệt đối hóa luật thành văn.

Làm hết trách nhiệm để có văn bản tốt

Pháp chế ở các bộ, ngành phàn nàn là kinh phí cho xây dựng văn bản thấp quá, khó đảm bảo chất lượng. Bộ trưởng đánh giá thế nào?

+ Tôi chia sẻ với anh em khó khăn này và đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo tháo gỡ. Đơn cử như hai bộ luật dân sự, hình sự đang nghiên cứu sửa đổi. Riêng việc in, phát tài liệu thì kinh phí phân bổ theo ba-rem của Bộ Tài chính đã không đủ rồi...

Tuy nhiên, tôi cho rằng đã là cán bộ, công chức nhà nước thì luôn phải coi xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ hàng đầu, gắn liền với công việc hằng ngày của mình. Các bộ mà biết điều hành tốt ngân sách, công việc của mình thì vẫn có thể ra được những dự thảo văn bản tốt hơn, chất lượng hơn.

Quan trọng như thế thì có cần tăng thêm các phiên họp CP tập trung thảo luận các dự thảo luật, nghị định không?

+ CP, các thành viên CP phải điều hành các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng rất bận bịu nên quy định hiện tại chỉ họp thường kỳ mỗi tháng một lần. Mỗi lần họp lại không quá 2-3 ngày nên khó thảo luận tập thể sâu vào thể chế được.

Nhưng việc dự thảo các văn bản thì đã có cả ban soạn thảo, có đại diện liên ngành. Nếu ban soạn thảo, bộ chủ trì làm hết trách nhiệm, làm kỹ, chặt chẽ tất cả khâu trình, lấy ý kiến đối tượng tác động, lắng nghe chuyên gia, lấy ý kiến các thành viên CP... thì sẽ có dự thảo tốt. Ra CP bàn sẽ nhanh hơn, chất lượng tốt hơn.

Xin cảm ơn bộ trưởng.

Theo NGHĨA NHÂN (Pháp luật TP Hồ Chí Minh)

Luật pháp vẫn đang đứng ngoài hụi, họ?

Thứ 2, 29/07/2013 | 10:02
Cho đến nay nhiều vụ vỡ hụi, họ vẫn chưa được giải quyết thoả đáng, nhiều người vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" khi mất tiền bởi họ không có đủ thời gian, đủ khả năng để theo đuổi vụ việc đến cùng.

Luật sư mệt mỏi khi xin gặp thân chủ trong trại giam

Thứ 2, 05/08/2013 | 09:23
Ngoài chuyện bị làm khó khi xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa, các luật sư còn mệt mỏi trước việc cứ mỗi giai đoạn tố tụng lại phải làm thủ tục cấp giấy mới.

"Cơ quan điều tra thiếu hiểu biết pháp luật!"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
Đó là khẳng định của luật sư Trần Đình Triển khi được hỏi về việc cơ quan điều tra từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa với lý do luật sư Trần Việt Hùng không xuất trình hợp đồng với thân chủ.

Chậm ban hành văn bản pháp luật: Gây khó cho dân

Thứ 6, 12/07/2013 | 14:42
Hiện vẫn còn tồn tại tình trạng nhiều lĩnh vực chưa được pháp luật điều chỉnh hoặc chậm được điều chỉnh, thậm chí nhiều lĩnh vực dù đã có Luật nhưng lại phải chờ Nghị định còn Nghị định lại phải chờ Thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết mới triển khai, áp dụng được trong thực tế cuộc sống.

Giật mình vì lỗi sơ đẳng trong văn bản hành chính

Thứ 6, 05/07/2013 | 10:21
Ý tưởng ngô nghê, ngôn từ phản cảm, thậm chí là quá mức “đời thường”... đang xuất hiện ngày một nhiều trong các công thư nhân danh cơ quan nhà nước, tổ chức nghề nghiệp... khiến tính trang nghiêm và chuẩn mực vốn có của những văn bản này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

'Không có thuốc mà ban hành văn bản có thuốc'

Thứ 6, 14/06/2013 | 14:34
Đó là một trong những tổng kết của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đánh giá về công tác ban hành văn bản liên quan đến quy định tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.