Chùa Một Cột ở Thành phố Hồ Chí Minh

Chùa Một Cột ở Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Nam thiên nhất trụ (Trời Nam một trụ) được coi là Chùa Một Cột của vùng đất phương Nam.

Tương truyền vào đời vua Lý Thánh Tông (năm 1049), khi nhà vua tuổi đã cao nhưng chưa có con trai để nối dõi, nên thường đến các chùa cầu tự. Một đêm, vua nằm chiêm bao thấy Đức phật Quan Âm hiện trên đài hoa sen ở một hồ nước hình vuông phía Tây thành Thăng Long, tay bế đứa bé trai đưa cho nhà vua. Tỉnh dậy, vua bèn đem chuyện kể lại cho quần thần trong triều. Nghe xong, sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi chung quanh tụng kinh cầu để nhà vua được sống lâu.

Quả nhiên, ít lâu sau, hoàng hậu sinh được người con trai như mong muốn của nhà vua. Và ngôi chùa đó chính là chùa Một Cột ở quận Ba Đình, Hà Nội ngày nay.

Xã hội - Chùa Một Cột ở Thành phố Hồ Chí Minh

Ngôi chùa Một Cột ở Sài Gòn

Năm 1958, khi đất nước hai miền còn chia cắt, nhiều đồng bào từ ngoài Bắc dù đã vào Nam vẫn nhớ về ngôi chùa Một Cột nổi tiếng ở Hà Nội. Nhiều người sống trong Sài Gòn nghe danh ngôi chùa Một Cột ở Thủ đô cũng rất muốn thăm mà không thể ra Hà Nội được. Do đó, hòa thượng Thích Trí Dũng và các tăng ni của mình dựng nên một “phiên bản” chùa Một Cột ở miền Nam, đặt tên là Nam Thiên Nhất Trụ, tọa lạc trên đường Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức.

Chùa Nam Thiên Nhất Trụ được xây dựng với mục đích vừa là di tích lịch sử vừa là danh lam thắng cảnh để nhân dân miền Nam chiêm ngưỡng. Đồng thời, cũng là giúp cho ước mơ của nhà Lý được trọn vẹn. Đó là làm sao để nhân dân cả nước nhớ về cội nguồn tổ tiên, hun đúc hy vọng quốc thái dân an, quê hương hưng thịnh.

Chùa Một Cột ở miền Nam được xây dựng phỏng theo kiến trúc của chùa Một Cột ở Hà Nội, từ rui kèo, xuyên, mái ngói v.v... đến những đường nét hoa văn bài trí cũng như cách bố trí thờ phượng. Nhìn từ cổng tam quan, Nam Thiên Nhất Trụ được xây dựng nằm giữa lòng hồ Long Nhãn, với diện tích mặt hồ khoảng hơn 600m2. Phía dưới là những đóa hoa sen vươn lên khỏi mặt nước, hồng tươi và thơm ngát. Những chú rùa nhỏ cùng bầy cá nhởn nhơ bơi lội, trong cái không khí trầm mặc của cảnh chùa.

Kiến trúc chùa Một Cột chỉ khác một điều là về chất liệu xây dựng. Chùa Một Cột ở ngoài Bắc xây bằng gỗ lim, còn chùa Một Cột trong Nam xây bằng bê tông cốt thép. Và chùa Một Cột trong Nam cũng thấp và nhỏ hơn ở Hà Nội. Chùa được hoàn tất vào năm 1977.

Thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chùa Một Cột ở Sài Gòn cũng là nơi nhiều chiến sĩ, cán bộ Cách mạng thường xuyên lui tới làm nơi hội họp, bàn bạc hoặc ẩn nấp. Còn bây giờ, trong thời bình, chùa Một Cột này được xem như một biểu tượng của tinh thần đoàn kết Bắc - Nam.

Từ đó đến nay, chùa Nam Thiên Nhất Trụ đã qua nhiều lần xây dựng và kiến tạo thêm, để có được không gian và kiến trúc chùa như hiện nay. Khuôn viên chùa rộng khoảng 1 héc ta. Từ cổng Tam Quan vào là Nam Thiên Nhất Trụ giữa một hồ nước. Phía sau là chánh điện, nhà Tú Ân, giảng đường và nhà lưu niệm, thấp thoáng dưới sắc xanh của cỏ cây, hoa lá.

Ở đây có nhiều pho tượng lớn lộ thiên như: tượng đức Phật Di Đà, đức Phật Thích Ca, đức Phật Di Lặc, tượng Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát Địa Tạng… Sau ngôi chánh điện là nhà lưu niệm và bảo tháp Nam Thiên.

Hàng năm, chùa Nam Thiên Nhất Trụ đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước tham quan, khám phá đời sống văn hóa tinh thần đặc sắc của người dân Sài Gòn.

Đến chùa, ngoài mục đích vãn cảnh, nghe một tiếng chuông mõ ngân vang trong trừ tịch, lắng lòng cùng đất Phật, còn là để chiêm ngưỡng nét đẹp của Nam Thiên Nhất Trụ ngay tại TP.HCM. Để thấy như một biểu tượng của Hà Nội thấp thoáng đâu đây giữa lòng Sài Gòn. Để thấy người miền Nam vẫn ngàn đời thương nhớ đất Thăng Long, một lòng hướng về Thủ đô, dù ở bất cứ đâu, bất cứ giai đoạn nào của lịch sử.

Hương Lam