Chưa nghỉ hè thầy cô đã “tiếp thị” học thêm

Chưa nghỉ hè thầy cô đã “tiếp thị” học thêm

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
"Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy" câu tục ngữ đó đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên cái sự "yêu" của các bậc phụ huynh đang bị nhiều thầy cô "tận dụng" thái quá bằng việc tổ chức dạy thêm, học thêm tại gia.

Dạy thêm đối với học sinh yếu, có nhu cầu là việc làm cần thiết nhưng không nên lạm dụng (Ảnh minh họa)

Chiêu học “thử” trước khi học thật

Mặc dù học sinh trên cả nước đang ở trong giai đoạn thi học kỳ chuẩn bị tổng kết năm học nhưng nhiều học sinh và cha mẹ đã phải đau đầu với việc lựa chọn cho con mình nên học thêm hè ở nhà thầy cô nào. Đặc biệt là với các em học sinh tiểu học vì có nhiều thầy cô "tiếp thị" dạy thêm mà chưa biết chọn ai.

Chị Trần Phương Hoài, phụ huynh của một học sinh trường Tiểu học V.Đ Thanh Trì, Hà Nội cho biết, mặc dù còn gần tháng nữa mới kết thúc năm học nhưng cô giáo chủ nhiệm đã có lời với từng phụ huynh về chương trình học hè tại gia của cô. Theo lời cô giáo thì cho các em được học thử một thời gian không lấy tiền. Nếu sau đó học các em tiếp thu tốt thì bố mẹ có thể cho theo học thật. Khi đó cô mới thu phí. Số tiền học thêm được tính theo tháng. Mỗi tháng mức phí dao động từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng với 8 buổi học.

Chị Hoài trăn trở: "Cách cô giáo cho con mình đi học... "thử", tôi thấy nó giống như cách tiếp thị sản phẩm của nhiều công ty ngoài thị trường hiện nay. Tuy nhiên không chỉ tôi mà nhiều phụ huynh khác lo lắng vì cho con mình đi học thử rồi đời nào lại không cho đi học thật. Mà sắp hết năm học, sang năm học mới lại cô chủ nhiệm mới. Cô này cũng tổ chức dạy thêm thì làm thế nào?".

Chỉ có cô con gái của chị Hoài là khổ khi mà suốt ngày về giục mẹ viết đơn xin luyện chữ ở nhà cô. Theo cô bé này thì cô giáo bảo là các bạn khác viết và nộp hết rồi còn mỗi cô bé chưa nộp thôi!

Chị Mai Phương Linh, nhân viên kế toán ở Hà Nội chia sẻ: "Cứ nghĩ bây giờ con mình nó sẽ thoát được cảnh phải học thêm khi không có nhu cầu. Nhưng so với thời chúng tôi đi học cách đây 14 năm thì mọi sự vẫn thế. Nghĩ lại cảnh ngày xưa ở quê, tôi ghét cô giáo tính xấu hay trù học sinh vì một phần do hoàn cảnh kinh tế eo hẹp mà không đi học thêm môn toán. Đến giờ kiểm tra môn Đại số lớp 7, một mình tôi một đề khó nhằn.

Trong khi đó cả lớp làm một đề mà chúng bảo đề này hôm đi học thêm cô cho làm và chữa hết. Chỉ có đúng một câu 1 điểm ở phần bài toán nâng cao là khác. Tôi vẫn đàng hoàng qua môn toán với điểm số 7,2. Sợ con mình thua thiệt tôi vẫn cho cháu theo học. Dù một vài lần nghe cô giáo chủ nhiệm của con dạy rất chán, cháu cũng kêu cô dạy không hiểu nhưng vẫn phải cho đi học đều đặn tuần 2 buổi ở nhà cô vì sợ cô "nhớ" tên quá kỹ" .

“Lệnh cấm” liệu có khả thi?

Mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định 14/2011 quy định về việc quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn. Trong đó có thêm nhiều điểm cấm như không tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh Tiểu học, trừ các trường hợp: Nhận quản lý học sinh giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh yếu, kém; bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao; luyện tập kỹ năng đọc, viết cho học sinh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Mặc dù có thêm văn bản, quy định hành chính về quản lý vấn đề này nhưng theo nhiều bậc phụ huynh và nhiều người tâm huyết với giáo dục thì có cấm cũng khó mà thực hiện được vì nhiều điểm mà giáo viên có thể "lách" dễ dàng.

Một hiệu trưởng trường THPT tại Hà Nội cho biết: "Đến chúng tôi là giáo viên cấp III hoàn toàn có thể dạy con mình đang học tiểu học. Tuy nhiên, tôi vẫn không dám để cháu ở nhà dạy vì sợ thua thiệt cho cháu ở trường. Còn về quy định mới có hiệu lực từ ngày 18/4 của UBND TP. Hà Nội thì không khó để các thầy cô "lách". Việc viết đơn tự nguyện xin được kèm học thêm thì từ lâu các trường đã áp dụng. Các bậc cha mẹ dù muốn hay không thì vẫn cứ viết đơn".

Theo vị này việc quản lý dạy thêm, học thêm đặc biệt là bậc tiểu học là rất khó. Như học sinh trung học cơ sở và Trung học phổ thông thì các em đã lớn, tự ý thức được và biết mình cần đi học hay không. Còn tiểu học thử nghĩ xem nếu con mình mà bị cô miệt thị, không quan tâm, để ý đến thì nó sẽ ra sao? Chắc chắn vì thế mà khả năng tiếp thu kiến thức sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Quyết định nêu trên của UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức dạy thêm học thêm chỉ thu tiền phục vụ trực tiếp cho dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên nhiều phòng giáo dục cho rằng điều này là khó thực hiện khi mà việc kiểm tra, giám sát là rất khó. Bởi hoạt động dạy thêm, học thêm không những ở trường mà còn ở nhà giáo viên. Với số lượng giáo viên đông như vậy thì các phòng không thể có đủ người đi kiểm tra được.

Đỗ Thơm