Chưa nhận bằng cử nhân đã là nghiên cứu sinh tiến sĩ

Chưa nhận bằng cử nhân đã là nghiên cứu sinh tiến sĩ

Thứ 2, 22/07/2013 | 14:49
0
Nhận học bổng tiến sĩ của 5 trường đại học Mỹ khi vừa tốt nghiệp cử nhân vẫn chưa đủ để phác họa hết chân dung Nguyễn Thị Huyền Trang, thủ khoa trường ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội).

Đừng gọi mình là “mọt sách”

Trang chỉ cười xòa khi bị gọi là “mọt sách”. Bạn cho biết: “Nếu ghé qua trang mạng xã hội của Trang, các bạn sẽ thấy mình có hơn 3.000 bức ảnh. Đó là ảnh của các chuyến đi thực địa, ảnh học tập, ảnh vui chơi với bạn bè và rất nhiều ảnh hoạt động tình nguyện và tham gia các câu lạc bộ nữa. Mình học nhiều nhưng cũng dành rất nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội, gia đình và bạn bè”.

Xã hội - Chưa nhận bằng cử nhân đã là nghiên cứu sinh tiến sĩ

Đam mê tìm hiểu về thiên nhiên và con người, Huyền Trang chọn ngành Khoa học môi trường để theo đuổi trong suốt những năm tháng tại giảng đường.

Trang chia sẻ: “Khoa học môi trường có lẽ là ngành học bao quát hết được những mối quan tâm của mình. Đây là một ngành khoa học đa ngành. Mình rất may mắn khi nhận ra được đam mê và chọn đúng ngành học yêu thích”.

Trong 4 năm học, 3 kỳ học đầu tiên khá nặng vì Trang phải học riêng các môn đại cương ở Hệ tài năng. Các kỳ học sau đó, Trang bước vào học chuyên ngành. Trang phải làm rất nhiều tiểu luận nhóm, tiểu luận cá nhân cũng như tiến hành các bài nghiên cứu nhỏ ngoài thực tế hoặc trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, khi được gặp gỡ các thầy cô ở khoa và được tiếp xúc với  kiến thức thuộc lĩnh vực mình đam mê, Trang tìm thấy nhiều cảm hứng học tập và nghiên cứu.

Bí quyết là sự “trì chí”

Trong buổi trao học bổng của Quỹ giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation), khi chưa kịp nhận bằng cử nhân đại học đã được gọi là “Nghiên cứu sinh”, Huyền Trang đã không kìm được những giọt nước mắt.

Cô bạn chia sẻ: “Mình hạnh phúc lắm, gọi điện báo ngay cho bố mẹ. Đôi lúc mình cảm thấy cũng áp lực lắm vì học tiến sĩ đâu có đơn giản. So với các anh chị, mình nghĩ mình còn thiếu nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm học tập, nghiên cứu. Tuy vậy, mình nhớ mãi lời dặn dò của cô giáo trong khoa: “Sang bên đó luôn cố gắng hết mình nhé”. Lời động viên đó giúp mình vững tâm và tin rằng mình có thể làm được nếu luôn biết cố gắng”.

Hiện tại, Huyền Trang đang hoàn thiện một số thủ tục và chuẩn bị hành trang cho quá trình du học 5 năm tại Hoa Kỳ vào tháng 9 sắp tới. Nhìn lại những thành tích học tập, Trang đúc kết, chính sự “trì chí” là bí kíp quan trọng. Cô bạn chia sẻ: “Mình luôn dồn tâm sức vào công việc mình làm, luôn cởi mở và không ngừng học hỏi từ thầy cô, bạn bè. Đó có thể gọi là những bí quyết nhỏ của mình”.

Huyền Trang nhận được học bổng tiến sĩ của nhiều trường khác nhau, nhưng Oregon State University là lựa chọn cuối cùng của cô.

Có nhiều lý do dẫn đến quyết định của Trang nhưng lý do học thuật là quan trọng nhất.  Trang bật mí: “Tại ngôi trường này, mình được học ngành học mình yêu thích, đó là Khoa học đất (Soil Science) với hai giáo sư rất giỏi ở lĩnh vực và hướng nghiên cứu mình muốn theo. Mình tin là được học tập dưới sự hướng dẫn của hai thầy, mình sẽ có thể học hỏi được nhiều cũng như sẽ được nhận những hỗ trợ phù hợp trong 5 năm học tập và nghiên cứu”.

Trang tâm sự: “Ngành học của mình đi thực địa nhiều lắm! Năm nào, chúng mình cũng đi thực địa dài ngày ở khắp các xó xỉnh, hang cùng ngõ hẻm của một số tỉnh miền Bắc, theo chương trình học của khoa. Đợt dài ngày nhất mà chúng mình đi thực địa là 12 ngày ở 4 tỉnh miền Bắc, mỗi ngày đi qua vài dãy núi, vừa đi vừa tốc ký, vẽ và chụp lại những gì mình nhìn thấy trên tuyến thực địa. Bụng đói meo, mồ hôi nhễ nhại, chân tê cứng. Nhưng đối với mình, đó quả là những trải nghiệm tuyệt vời, mình học được nhiều từ thầy cô, bạn bè và các bài học thực tế lắm! Trước khi học ngành này, mình cũng chưa nghĩ tới việc là sướng hay khổ, vất vả hay nhàn nhã, đơn giản là mình rất thích và mình tin rằng, ngành này hợp với mình”.

Theo Sinh Viên Việt Nam

Cử nhân thực tập nghề… bê nước, pha trà

Thứ 4, 02/01/2013 | 15:58
Thực tập là thời điểm bước đầu để sinh viên vận dụng những kiến thức đã học ở trường vào thực tế công việc. Thế nhưng không ít sinh viên lại được trải nghiệm làm nhân viên quét dọn, pha trà… trong kỳ thực tập của mình.

Yêu cầu không công nhận 2.000 bằng cử nhân, thạc sĩ liên kết

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
Tại hội nghi sơ kết 6 tháng đầu năm, diễn ra ngày 28/6, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết quả kiểm tra, xác minh tại 18 trường đại học.

Gia đình nông dân có 12 tiến sĩ, cử nhân

Thứ 7, 06/07/2013 | 10:12
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, tuy không giàu tiền bạc nhưng gia đình ông lại giàu chữ nghĩa tri thức. Ông bà được mọi người trong tổ dân phố biết đến nể phục, bởi bằng đôi bàn tay lao động đã nuôi được cả 6 người con ăn học tử tế thành tài. Tính cả dâu, rể, gia đình ông có 12 tiến sĩ, cử nhân...