Dung túng tiêu cực khi chụp ảnh, ghi hình CSGT phải 'xin phép'?

Dung túng tiêu cực khi chụp ảnh, ghi hình CSGT phải 'xin phép'?

Thứ 6, 23/08/2013 | 15:18
0
Mới đây, cục CSGT Đường bộ - Đường sắt vừa đưa ra quy định muốn chụp ảnh, ghi hình cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ, phải... "xin phép" cảnh sát giao thông. Quy định này khiến không ít người bất bình và cảm thấy lạ lùng bởi dù được lý giải ở góc độ nào nó cũng vẫn bất hợp lý.

Khó như... ghi hình CSGT

Văn bản số 1042/C67-P3 về việc "Giả danh nhà báo ghi hình CSGT" do ông Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng cục CSGT Đường bộ - Đường sắt ký, yêu cầu Trưởng phòng CSGT các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cán bộ chiến sĩ đơn vị mình, đặc biệt là lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm, luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ những đối tượng có lời nói lăng mạ, đe dọa hoặc có hành vi chống đối CSGT đang làm nhiệm vụ.  Văn bản nêu rõ: "... Kiên quyết đấu tranh làm rõ những đối tượng... quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật...". Ở đây văn bản đề cập đến nội dung xử lý hành vi giả danh nhà báo. Nhưng ngôn ngữ trong văn bản lại thiếu rõ ràng, gây khó hiểu cho mọi người.

Xã hội - Dung túng tiêu cực khi chụp ảnh, ghi hình CSGT phải 'xin phép'?

Ảnh minh họa

Theo ông Hà, sở dĩ có văn bản này là do trong quá trình tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, có một số đối tượng giao thông lợi dụng mối quan hệ nhờ tác động xin vi phạm, có đối tượng có thái độ chửi bới, lăng mạ, thậm chí chống lại lực lượng đang thực thi nhiệm vụ, hoặc giả danh các phóng viên báo, đài sử dụng các thiết bị ghi hình lực lượng tuần tra, kiểm soát như đã từng xảy ra ở tỉnh Thanh Hóa, Bình Thuận. Tuy nhiên, căn cứ vào cách lý giải trên, dư luận vẫn không thắc mắc rằng: Nếu theo tinh thần của đoạn văn bản nêu trên, thì ngay cả nhà báo cũng không được quyền chụp ảnh, ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ nếu chưa được sự đồng ý của lực lượng này. Và nếu đối tượng ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ chỉ là một công dân bình thường ghi lại sự việc, không hề mạo danh nhà báo, không có thái độ lăng mạ, xúc phạm CSGT thì có được ghi hình hay vẫn phải xin phép?

Thời gian gần đây, sau hàng loạt các vụ CSGT nhận mãi lộ, đánh đập, có lời  lẽ đe dọa người vi phạm được nhiều người ghi hình lại tung lên mạng, hoặc gửi đến các cơ quan báo đài, thì sự "ra đời" kịp thời của văn bản này khiến không ít người dân bức xúc, và có nhiều ý kiến chỉ ra những điều bất hợp lý của văn bản trên. Ông Ngô Hữu Trí (56 tuổi, ngụ P. 25, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: "Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm trên của ông Trần Sơn Hà. Việc CSGT đang làm việc ở nơi công cộng, cơ quan báo đài hay người dân có quyền quay phim, chụp ảnh. Đó là quyền công dân tối thiểu của chúng tôi, pháp luật nào được phép ngăn cấm. Hơn nữa, nếu các đối tượng vi phạm có hành vi mãi lộ, lăng mạ CSGT thì đã có pháp luật xử lý. Chỉ cần các anh không làm sai, không nhận tiền của họ, không bức xúc quá mà đánh chửi lại họ, thì việc bị ai ghi hình cũng chẳng có gì là quan trọng. Thời gian gần đây, hàng loạt các vụ CSGT nhận mãi lộ, chung chi tiền với chủ xe đều được phát hiện nhờ quay hình lén, chụp trộm mà có. Quy định này khác nào che giấu cho những hành vi tiêu cực của ngành CSGT?”.

Xã hội - Dung túng tiêu cực khi chụp ảnh, ghi hình CSGT phải 'xin phép'? (Hình 2).

Vụ CSGT bắn bị thương 2 người dân tại Thanh Hoá, clip người dân quay “không xin phép” đã chứng minh rằng, nạn nhân đã cố tình khiêu khích cảnh sát.(Ảnh từ clip do Công an Thanh Hóa cung cấp)

Các hành vi tiêu cực có thể sẽ mãi... ở trong bóng tối?

Dựa vào nội dung của đoạn văn bản liên quan nêu trên, dư luận đặt ra nghi vấn rằng: Đây phải chăng là động thái che giấu đi những mặt không tốt của CSGT, hay bao che, mở đường cho những hành vi tiêu cực của CSGT, vốn từ lâu chưa lấy được lòng tin trong nhân dân. Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải phóng, đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: "Theo nội dung trích đoạn này, cho chúng ta thấy rằng, tinh thần đấu tranh với những đối tượng giả danh nhà báo của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt là điều hết sức hoan nghênh. Tuy nhiên, vô hình trung, thông qua đây có thể trở thành biện pháp để cản trở hoạt động tác nghiệp báo chí của những nhà báo chân chính, và hoạt động đấu tranh chống tiêu cực của nhân dân".

Liên quan đến quyền tác nghiệp của nhà báo thông qua văn bản này, Phó Chủ tịch thường trực hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ khẳng định: Khi tác nghiệp, nhà báo thực hiện các quyền được quy định trong luật Báo chí. Nhà báo thực hiện thông tin bằng hình ảnh, âm thanh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. "Sai thì đã có cơ quan chủ quản, tòa soạn,... xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu nhà báo phải xin phép trước khi chụp ảnh, ghi hình CSGT đang thi hành công vụ là không phù hợp với luật Báo chí, không phù hợp với chức năng nhiệm vụ mà nhà báo đang được giao. Đối với những kẻ giả danh nhà báo làm những việc khác thì không thuộc phạm trù của luật Báo chí".

Trước phản ứng gay gắt của dư luận, các cơ quan báo đài và các nhà chuyên môn khác, để lý giải rõ hơn về văn bản do mình ký, đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C67 - Bộ Công an) khẳng định, trong văn bản do mình ký duyệt gửi Trưởng phòng CSGT các địa phương không có chữ "cấm" nào cả: "Ở đây không phải là xin phép mà là các anh đến làm việc với tôi về việc đảm bảo giao thông, xử lý vi phạm thì các anh phải đến đặt vấn đề là chúng tôi làm việc với các anh để giám sát, thu thập. Người dân giám sát CSGT với mục đích xây dựng là tốt. Nhưng cũng có rất nhiều người dân vi phạm lại quay clip rồi đưa lên mạng, facebook và bình luận chả đâu vào đâu cả". Cũng theo ông Hà, mục đích chính của văn bản này nhằm làm trong sạch, vững mạnh lực lượng và đảm bảo quyền giám sát của người dân, đề phòng các đối tượng giả danh, lợi dụng quay phim, chụp ảnh để làm bậy. 

Có cái nhìn thận trọng hơn về văn bản này, TS.Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí Truyền thông trường ĐHKHXH &â NV TP.HCM cho biết: "Tôi chưa được tiếp cận với toàn văn bản quy định của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt nên không thể bình luận nhiều. Tuy nhiên, tôi nghĩ văn bản này cũng không phải là một quy định có hiệu lực chung trong xã hội, mà có vẻ chỉ là một văn bản nội bộ của ngành họ. Còn nếu xem xét về nội dung đoạn trích dẫn này thì không thể chấp nhận được, về cả phương diện luật pháp lẫn phương diện văn hóa".

Trong ngày 20/8, tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (bộ Tư pháp) cho biết, cơ quan này sẽ tiến hành kiểm tra nội dung văn bản chỉ đạo của C67. Việc này nhằm khẳng định văn bản có dấu hiệu trái luật hay không để có ý kiến với bộ Công an.

Nội dung đoạn trích trong văn bản có thể gây nhầm lẫn

"Đúng như phản ánh của một số báo đã nêu, nội dung trích đoạn công văn này có thể gây nhầm lẫn rằng: Công dân, nhà báo sẽ không được ghi hình, giám sát CSGT đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, để đánh giá tính pháp lý của một công văn, cần phải nắm toàn bộ tinh thần của một công văn, chứ không phải một trích đoạn trong đó. Nếu thực sự, có việc cấm công dân, nhà báo quay phim, chụp ảnh về những hình ảnh tiêu cực của CSGT đang làm nhiệm vụ là vi phạm pháp luật nói chung, luật Báo chí nói riêng. Mọi công dân Việt Nam đều có quyền thu thập, phát hiện và tố cáo mọi hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức. Không ai được phép cản trở cái quyền này", luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho biết.

Ghi hình "không xin phép" từng minh oan cho CSGT

Trong một số trường hợp chính những đoạn ghi hình mà không “xin phép” lại là bằng chứng minh oan cho CSGT. Điển hình gần đây nhất là bằng chứng vụ việc CSGT Thanh Hóa bị tố nổ súng vào người vi phạm. Tuy nhiên, chính chủ nhân của đoạn clip đó kể rằng: "Đang trên đường về nhà, thấy CSGT đuổi theo hai người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, lại có hành vi khiêu khích, đánh võng, cầm mũ bảo hiểm giơ lên đánh với vào người CSGT, bất bình quá nên tôi lấy điện thoại ghi lại. Càng chứng kiến càng thấy hai người vi phạm đánh võng trên đường rất nguy hiểm cho nhiều người. Chứng kiến sự việc trên ai cũng cảm thấy bức xúc chứ không riêng gì tôi. Anh CSGT đã bắn chỉ thiên lên trời 3 phát mà họ không chịu dừng lại". Tác giả clip cũng cho biết, lời khai của hai người vi phạm là hoàn toàn trái ngược với những gì anh đã chứng kiến, nên anh quyết định lên tiếng.

LAM GIANG - SUỐI MAI