Chuyến bay làm nên lịch sử ngành hàng không

Chuyến bay làm nên lịch sử ngành hàng không

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
(Nguoiduatinn.vn) – Chuyến bay đầu tiên đánh dấu sự ra đời của ngành hàng không bị nghi ngờ tính khả thi của việc "chạm" đến bầu trời.

Chuyến bay 12 giây đi vào lịch sử

Mơ ước bay lên bầu trời luôn là khát vọng của con người, nhiều nhà tiên phong đã đối mặt với nguy hiểm từ hàng thế kỷ trước để nghiên cứu cách đưa con người khỏi mặt đất, chiến thắng định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, thậm chí có người còn chế tạo những chiếc cánh giả, đeo vào người và lượn thử xuống dưới từ trên vách núi. Năm 1783, chiếc khinh khí cầu đầu tiên ra đời mang lại niềm vui cho toàn giới khoa học, nhen nhóm trong lòng họ một niềm tin chinh phục bầu trời. Tuy nhiên, chiếc khinh khí cầu vào thời gian đó không thể đưa người ta bay lên cao hoặc không thể bay xa như mong muốn lại không đảm bảo an toàn cho người bay.

Trong những nhà tiên phong đó có anh em nhà Wright là Orville Wright (1871-1948) và Wilbur Wright (1867-1912). Họ đã muốn chế tạo một cỗ máy giúp họ bay lên trời ngay từ khi còn là những đứa trẻ. Mong ước cháy bỏng thôi thúc họ từng ngày. Những năm hai anh em là thiếu niên, cả hai đã đứng trước làng tuyên bố: "Chúng tôi sẽ bay lên trời bằng cỗ máy có thể bay được".

Tất nhiên, cả làng không ai tin vào hai cậu thanh niên nghịch ngợm, học kém này. Có người còn cho rằng, hai cậu bé nhà Wright bị thần kinh. Thậm chí, bố mẹ hai cậu bé còn khuyên hai người nên từ bỏ ý định "điên rồ" này. Orville đã bắt đầu cảm thấy chán nản khi không một ai động viên hoặc khích lệ họ. Thấy em trai có ý muốn bỏ dở ước mơ, Wilbur đã cố thuyết phục Orville: "Khinh khí cầu đã ra đời được, vậy chúng ta cũng sẽ tạo ra được cỗ máy giúp ta bay cao hơn bằng động cơ thực sự". Trong một lần thử nghiệm, Wilbur đã bị thương nặng do cỗ máy bất ngờ phát nổ.

Tưởng không thể qua khỏi, Wilbur ghi trong nhật ký: "Trong nhiều năm, tôi đã khổ sở với niềm tin con người có thể bay được. Bệnh của tôi ngày càng trầm trọng hơn, không biết có thể qua khỏi được không. Việc nghiên cứu đã ngốn rất nhiều tiền của, nếu không nói là cả cuộc sống của tôi nữa". Rất may, Wilbur đã nhanh chóng phục hồi. Ngay khi có thể đi lại được, Wilbur đã lao vào giúp Orville tiếp tục nghiên cứu.

Ba năm sau, anh em nhà Wright đã cho ra đời "cỗ máy bay" đầu tiên giúp họ cất cánh bay lên bầu trời. Lần này, phi công là Orville bởi Wilbur đã thất bại trong lần bay trước. Chuyến bay của Wright trong không trung chỉ kéo dài 12 giây và đi được 36m khiến họ vừa vui vừa buồn. Họ vui bởi họ đã tạo nên được cỗ máy có thể đưa họ bay lên trời, còn buồn vì cỗ máy này khiến họ bị chê cười. Họ thực sự không biết rằng chính chuyến bay 12 giây đó đã đi vào lịch sử với chiếc máy có gắn động cơ đầu tiên.

Ô tô-Xe máy - Chuyến bay làm nên lịch sử ngành hàng không

Anh em nhà Wright

So với các phương tiện cùng thời, động cơ máy bay của anh em nhà Wright khỏe và nhẹ chưa từng thấy. Chỉ tiếc rằng không một bản thiết kế nào của chiếc máy bay còn sót lại. Mãi sau này, khi hai anh em nhà Wright đã qua đời, một nhóm nghiên cứu của hãng hàng không American đã cố gắng tìm hiểu cách chế tạo máy bay của họ để hoàn chỉnh chiếc máy bay cổ xưa. Họ đã phục chế một động cơ mà nhà Wright chế tạo, sửa chữa để nó có thể hoạt động bình thường.

Dựa trên những điều học được, họ đã chế tạo lại một động cơ mới cho chiếc Flyer 2003. Trong khi đó, trưởng nhóm chế tạo, ông Larry Parks, dồn sức cho những cánh quạt của chiếc máy bay chỉ bằng tay, sử dụng những công cụ giống hệt như công cụ mà Wright đã dùng. Tất cả tài liệu nhóm nghiên cứu có chỉ là một vài bức ảnh cũ.

Ông Park cho hay: "Chúng tôi thực sự phải đi lại từ đầu và tìm hiểu điều gì đã xuất hiện trong đầu họ". Ông trông cậy tất cả vào nguồn thông tin phong phú nhất mà anh em nhà Wright để lại, đó là những bức thư họ trao đổi với một nhà thiết kế bí ẩn. Cuối cùng, sau một thời gian tìm tòi, chiếc phi cơ đầu tiên đã được lắp ráp lại. Hiện nay, chiếc máy bay đang được treo trong Bảo tàng Vũ trụ và Hàng không quốc gia Mỹ ở Washington.

Chiếc máy bay bằng gỗ và vải muxelin lập nên kỳ tích

Một loạt các loại tàu lượn không người lái được anh em nhà Wright thiết kế và đưa vào thử nghiệm. Họ nhận ra rằng, việc kiểm soát máy bay là vấn đề quan trọng và khó khăn nhất. Họ chọn Kitty Hawk, Bắc Carolina là địa điểm thử nghiệm bởi đây là vùng đồi rộng, sức gió vừa đủ để thực hiện chuyến bay. Năm 1900, anh em Wright đã thử nghiệm thành công một chiếc tàu lượn không người lái, nặng 50 pound (khoảng 22,5kg) có hai lớp cánh với sải cánh dài 5m. Chiếc tàu lượn này chính là thành công bước đầu của họ.

Điều khiến họ đau đầu hơn chính là việc điều khiển chiếc tàu bay theo ý muốn. Chỉ có cách duy nhất là chính bản thân họ phải ngồi trên tàu lượn và điều khiển nó trực tiếp. Bởi vậy, họ đã chế tạo một con tàu lớn và đủ khỏe có thể chở thêm một người.

Năm đó, tại Kill Devil Hills, Bắc Carolina, anh em nhà Wright đã thực hiện chuyến bay có người đầu tiên trên chiếc tàu lượn có trọng lượng gần 100kg, sải cánh dài 6,5m. Người điều khiển chiếc tàu chính là Wilbur nhưng vì cánh chiếc máy bay không đủ khỏe để tải thêm con người, động cơ chạy quá tải và bất ngờ phát nổ. Chính thử nghiệm này đã khiến Wilbur bị thương nặng, không đi lại được.

Nỗi thất vọng khiến Wilbur suy sụp, cộng thêm vết thương nặng khiến Wilbur yếu đi nhiều. Orville vẫn tiếp tục nghiên cứu trong thời gian anh trai dưỡng bệnh. Orville cuối cùng cũng tìm ra nguyên nhân khiến tàu lượn không thể tải thêm người là do sải cánh quá yếu và không đủ dài. Orville đã bàn với anh trai chế tạo ra chiếc tàu khác với sải cánh dài gần 10m, một cái đuôi giúp tàu thăng bằng và ổn định hơn.

Ngày 17/12/1903 đã trở thành dấu mốc lịch sử, đánh dấu sự ra đời của ngành hàng không thế giới. Trên một chiếc máy bay hai tầng cánh được đặt tên là Flyer, anh em nhà Wright đã thực hiện chuyến bay 12 giây lịch sử. Orville lái, trong khi Wilbur chạy bộ bên cạnh. Chiếc máy bay được chế tạo hết sức thô sơ, chỉ bằng gỗ vân sam và tần bì, cánh bọc vải muxơlin. Cũng trong ngày hôm đó, Flyer còn thực hiện thêm 3 lần cất cánh nữa, nhưng một cơn gió mạnh thổi qua, hất tung chiếc máy bay lên cao và phá hủy nó. Không chỉ có chiếc máy bay bị hư hỏng mà tài liệu về công trình này cũng không còn sau vụ cháy nhà kho.

Việc chiếc máy bay chỉ cất cánh trong vẻn vẹn 12 giây đã khiến anh em Wright bị chế nhạo rất nhiều. Một số bài báo cũng đưa tin về chuyến bay của anh em họ nhưng chủ yếu là nói về sự "không bình thường và thất bại" của chuyến bay "kỳ cục". Do lo ngại về những người cạnh tranh trong cuộc chạy đua đăng ký bằng sáng chế cho máy bay, anh em Wright đã không để lại bản thiết kế nào và công bố rất ít trên các tạp chí khoa học. Họ cũng đã hủy tất cả những chiếc tàu lượn đầu tiên. Nhưng nhà Wright không ngờ rằng, chính sự cẩn thận này khiến họ gặp rắc rối trong một vụ kiện ầm ĩ với một đối thủ cạnh tranh về máy bay cung cấp cho quân đoàn Thông tin Hoa kỳ.

Thành tựu của anh em nhà Wright đôi khi bị gọi nhầm thành "chuyến bay có động cơ đầu tiên". Thực tế, chuyến bay có động cơ đầu tiên là một chiếc khí cầu chạy bằng hơi nước của Henri Giffard thực hiện năm 1852. Ngày 24/9 năm đó, Giffard đã bay gần 27km từ Paris tới Trappes với tốc độ khoảng 10km/giờ.

Mặc dù vậy, chiếc khí cầu này chỉ có thể lái được trong điều kiện trời lặng gió. Còn khi gió nổi lên, nó chỉ có thể bay tròn chậm chạp. Như thế, thành tựu của anh em nhà Wright được gọi là "Chuyến bay đầu tiên có người lái gắn động cơ và có kiểm soát".

Wright vướng vào vụ kiện về bằng sáng chế

Sau tai nạn của chiếc Flyer, anh em nhà Wright chuyển xác Flyer về cửa hàng xe đạp của họ ở Dayton, bang Ohio để cất trong hòm và bị phá tan tành trong trận lụt năm 1913. Đến ngày 18/7/1914, quân đoàn Thông tin Hoa Kỳ (thuộc quân đội Mỹ) được thành lập. Anh em Wright được chọn là nhà cung cấp máy bay cho quân đoàn. Tuy nhiên, hãng Glenn Curtiss đã đánh bật Wright để trở thành nhà cung cấp hàng đầu của quân đội. Bên cạnh đó, Curtiss còn gửi đơn kiện lên Tòa án Mỹ, kiện anh em Wright ăn cắp các phát minh của họ. Rất may, Tòa án Mỹ đã đứng về phía anh em nhà Wright và lấy lại công bằng cho anh em họ. Mặc dù Curtiss có bằng sáng chế nhưng những chiếc ailerons (loại máy bay cánh nhỏ) của Curtiss khác xa với cơ chế cánh cong của Wright cung cấp cho quân đội. Tòa án xác định, việc Curtiss lấy các sáng chế của anh em Wright để chế tạo thành sản phẩm riêng là trái với quy định pháp luật, đồng thời anh em Wright sẽ lại là nhà cung cấp máy bay duy nhất cho quân đội.

Hồng Nhung (Theo Inventor/ Wright House)