Chuyện chưa biết về

Chuyện chưa biết về "vua Mèo" Vương Chí Sình

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
1
Từ trước đến nay, không riêng gì người Hà Giang, với cả những người khác mà "bán kính" sinh sống xa dần nơi địa đầu Tổ quốc thì Vương Chí Sình ông "vua" người Mông cực Bắc vẫn là một cái gì đó rất bí hiểm và gây ra nhiều sự tò mò, hiếu kỳ. Thực tế Vương Chí Sình là người thế nào?

Gặp nhân chứng

Đến thung lũng Sà Phìn, chúng tôi háo hức bước trên những bậc đá cao từ trung tâm chợ Sà Phìn vào Nhà Vương để tìm hiểu về những thứ gắn bó với một ông "vua" nổi tiếng miền cực Bắc. Một trong những công trình để lại nhiều ấn tượng, điểm tham quan hấp dẫn của du khách khi đến Cao nguyên đá Đồng Văn là Nhà Vương, nơi ở của "vua Mèo" Vương Chí Sình, người đã xưng hùng bá một thời và được Bác Hồ cảm hóa, trở thành Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên. Rất bất ngờ, chúng tôi đã "may mắn" gặp lại và có cuộc nói chuyện với ông Vù Mý Kẻ - Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tuyên cũ, Đại biểu Quốc hội khóa II đến khóa VII, một người rất thân tín với Vương Chí Sình.

Chân dung ông Vù Mý Kẻ

Người chưa biết thì hỏi, người biết thì không tường tận, cụ thể nên trong câu chuyện "làm quà" đã có ý "xê dịch nội dung", thậm chí bịa đặt cho cuộc đời vị "vua" này thêm nhiều yếu tố để có tính hấp dẫn. Cái kiểu "tam sao thất bản" trên đã tạo ra những huyền thoại, những câu chuyện kỳ ảo "xoay tít mù" xung quanh con người Vương Chí Sình. Ngoài sự giầu có, ngoài tài năng hơn người đời... nhiều người còn quả quyết là Vương Chí Sình còn có phép thuật, tà đạo để thuyết dụ mọi người, đặc biệt các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc.

Theo ông Kẻ, Vương Chí Sình không thích người ta gọi mình là "vua". Ông ta cũng chưa bao giờ vỗ ngực hay tự quảng bá cái danh hiệu ấy của mình trước bàn dân thiên hạ. Theo ông Kẻ có lẽ người đời "quen gọi" Vương Chí Sình là Vua bắt đầu từ tên họ của ông.

Hà Giang ngày nước ta chưa độc lập thì đây là vùng khá âm u và tù hãm. Người dân tộc thiểu số đặc biệt là người Mông, ngoài văn hóa riêng của mình còn bị ảnh hưởng khá lớn bởi nền văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là văn hóa vùng Quảng Đông. Bị ảnh hưởng, những người có vị thế và hiểu biết trong xã hội ở cộng đồng dân tộc này đã dùng họ để gọi nhau như một sự tôn trọng. Người ta đã gọi ông Sình là ông Vương, và sự hoán vị giữa họ và cách dịch nôm Vương - Vua đã cho ra đời một chức hiệu.

Giai thoại miền đá

Vương Chí Sình (tên thật là Vàng Seo Lử, được Bác Hồ đặt tên là Vương Chí Thành) có một dinh thự tại Sà Phìn (huyện Đồng Văn - Hà Giang). Chiếc nhà này bây giờ là nơi làm việc của ủy ban nhân dân xã Sà Phìn. Ngay cả việc dựng chiếc dinh thự này cũng có bao điều thực hư. Về số tiền xây dựng, số nhân công góp sức đến những viên đá xanh có mài bạc cùng hai chiếc cột đá ngoài cổng vào cũng tiềm ẩn bao chuyện hoang đường, mỗi người một kiểu.

Phần mộ của ông Vương Chí Sình

Cũng theo ông Kẻ, dinh thự này được xây dựng là do tính thích ngao du của Vương Chí Sình: Ngoài các các tỉnh phía Bắc thậm chí ông còn đến Bắc Kinh, Thượng Hải của Trung Quốc. Được đi, tầm nhìn được khám phá, lại là người có tiền nên Vương Chí Sình đã quyết định xây ngôi nhà có dáng dấp một biệt thự để nghỉ ngơi. Người dân thấy to, không quen với cái danh từ biệt thự nên gọi dinh và gọi mãi thành quen. Dinh thự này nằm trên một quả đồi nhỏ trong thung lũng Sà Phìn, xung quanh là các ngọn núi đá nhô lên. Ngoài phần đá xanh, ngói ống xây nhà được gia cố theo phương pháp thủ công, dinh thự này còn có vườn, có đồi cây trồng loại thông sa mộc rất đẹp.

Theo mô tả của ông Vù Mý Kẻ thì Vương Chí Sình cao khoảng 1m64. Ông ta ăn uống khá điều độ, không khó tính. Tuy không cao nhưng Vương luôn biết giữ sức khỏe nên ông ta rất nặng. Ông Kẻ không biết rõ ông ta nặng bao nhiêu nhưng mỗi lần Vương đi đâu thì đám người giúp việc cáng phải cần đến 6 người và khiêng rất vất vả. Khác với những gì được mô tả trong nhiều truyện (do sự chi phối của bút pháp văn học) hay các phim xây dựng về nhân vật này thì Vương Chí Sình khá sạch và có biết làm chính trị. Ngoài đến với dân theo kiểu giao lưu hàng xóm láng giềng hay giữa những người cùng sắc tộc thì bao giờ ông ta cũng mặc áo sơ mi có com - lê mặc ngoài. Tất cả mọi thái độ, cử chỉ và cách ăn mặc của ông ta rất đĩnh đạc và phong thái.

Ngày nay trong dinh thự của Vương Chí Sình ở Sà Phìn thì hậu duệ (nghe đâu đã là đời thứ 4, thứ 5) của ông vẫn còn người ở lại. Cũng có lời đồn đại rằng trong dinh thự của Vương vẫn còn được chôn cất khá nhiều vàng bạc của cải nên sự có mặt của những người kia chỉ là "cái cớ" để bảo vệ kho báu vô giá ấy. Nhưng theo ông Kẻ thì Vương Chí Sình không còn nhiều của sau đợt tự nguyện quyên góp vàng bạc trong Tuần lễ vàng của Chính phủ (Trong đợt quyên góp này, Vương Chí Sình đã đóng góp 22.000 đồng bạc trắng hoa xòe và và 9 cân vàng).

Điều làm nên uy tín "vua Mèo"

Ông Kẻ cho biết: "Tôi thấy cái mà Vương làm mọi người nể phục và thu phục sự chú ý, phục tùng của nhiều người chính là ở chỗ Vương sống rất người và rất đời thường. Của cải Vương có được hơn người chính là do sự lao động và tính toán của Vương, kể cả sự buôn bán. Vương không bao giờ bắt phu phen và chỉ dừng lại ở chỗ huy động mọi người để làm một cái gì đó cho gia đình và bản thân. Ngoài chuyện cơm nuôi hàng ngày thì Vương đều có một chế độ trả công cho từng người với các mức độ khác nhau.

Cửa chính dinh thự ông Vương Chí Sình

Ngoài bản tính trên Vương còn là người ít nói và rất giữ lời hứa. Tuy biết nhiều, có tiền của nhưng Vương rất biết mình và khiêm tốn, nói ít. Thế nhưng đã nói thì nói đâu ra đó và đã hứa thì phải làm bằng được và rất có tình có lý. Với bản lĩnh và tính cách như vậy nên đã tạo cho bộ phận người dân ở đây những tin cẩn và dần dần trở thành "trọng tài" trong "những trận đấu" với bao khúc mắc của người dân. Như để minh chứng cho lời kể này, ông Vù Mý Kẻ đã kể lại hai mẩu chuyện nhỏ như một kỷ niệm về những ngày được sống cùng Vương.

Ngoài dinh thự Sà Phìn, Vương còn có một ngôi nhà nữa ở Phó Bảng. Hôm ấy Vương Chí Sình cùng Vù Mý Kẻ xuống Hà Giang để trao đổi một số công việc bởi lúc này Vương đã tham gia một số công việc cho cách mạng giao. Vì có chuyện giải quyết cho dân theo ngày mà Vương đã hứa nên mặc dù hôm đó trời mưa rất to nhưng Vương vẫn quyết định trở về Phó Bảng (đường từ thị xã Hà Giang về Phó Bảng dài trên 150km). Đường trơn, mưa to, phu cáng mệt nên Vương đã quyết định thay người khiêng.

Vì trời tối, dân ngủ hết, không tìm được người nên Vương đã quyết định cưỡi ngựa về Phó Bảng. Thế nhưng một phần do Vương nặng, phần vì mưa gió và nên con ngựa lạ đã hất Vương xuống. Tuy bị ngã rất đau, trước sự can ngăn của mọi người trong đó có Vù Mý Kẻ nhưng Vương vẫn không nghỉ lại mà vẫn nhất quyết về cho được tới Phó Bảng. Mãi gần sáng hôm sau mọi người mới về đến nơi, do mệt đều lăn ra ngủ nhưng Vương không ngủ. Ông ta tắm rửa, ăn sáng rồi kêu dân đến làm việc ngay.

Chuyện thứ hai được ông Kẻ kể cũng xẩy ra tại Phó Bảng. Hôm ấy chợ Phó Bảng họp, không hiểu sao đám thanh niên người Mông đi chợ lại xô xát với nhau. Rượu vào cùng tính khí của trai mới lớn họ lao vào đánh nhau loạn xị ngậu thậm chí còn dùng cả súng kíp để bắn và uy hiếp nhau. Lúc này Vương đang nghỉ ở Phó Bảng, trước tình cảnh ấy, Vương đã ra trước nhà dõng dạc: "Tụi người kia, đi chơi chợ, cùng anh em sao lại đánh nhau như vậy? Có thôi ngay không". Ông Kẻ kể, chẳng hiểu sao, chưa kịp biết ai nói, nhưng nghe tiếng nói và cách nói ấy chợ đã im bặt tiếng súng.

Với vài dòng ghi lại để mọi người hiểu thêm về một con người. Dĩ nhiên cuộc đời một con người đã trở thành biểu tượng miền đá cực Bắc một thời này vẫn còn những huyền sử ngang dọc.

Đơn Thương

Tag: Vua Mèo