Chuyện chưa kể về huyền thoại... Vũng Rô

Chuyện chưa kể về huyền thoại... Vũng Rô

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
– Vịnh Vũng Rô thuộc xã Hòa Tâm (trước kia là xã Hòa Hiệp Nam), huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên là nơi đã gắn liền với nhiều chiến công hiển hách của dân tộc.

Vào tháng 10/1961 tin tức cho hay: Đã có những chuyến tàu đi biển của ta vào đến bưng biền Nam Bộ chi viện chiến trường miền Nam. Điều này thôi thúc quân ta bằng mọi cách phải tổ chức tuyến đường vận tải biển để kịp thời trang bị vũ khí cho Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang rất thiếu thốn. Sau khi Khu ủy khu 5 chấp nhận đề nghị, Tỉnh ủy Phú Yên chọn một số thanh niên để đưa đi đào tạo. Tháng 3/1963 một tổ gồm: Lê Kim Tự, Trần Kiêu, Lê Xuân ở Hòa Hiệp đã theo đường giao liên ra Bắc chuẩn bị hướng dẫn tàu trở về.

Xã hội - Chuyện chưa kể về huyền thoại... Vũng Rô

Vị thuyền trưởng anh hùng một thời nay vẫn chưa thể thảnh thơi

Liên tỉnh 3 phân công đồng chí Trần Suyền (nguyên bí thư Tỉnh ủy Phú Yên 1961 - 1963) về giúp công tác đặc biệt này. Một cuộc họp giữa liên tỉnh 3, phân khu Nam và Phú Yên để xác định bến đón tàu. Vịnh Vũng Rô được chọn làm nơi cập bến. Vì nơi này nước sâu, lắm gió, hẻo lánh có nhiều hang núi, gộp đá, cây rừng che chắn, dễ cất giấu vũ khí trước khi vận chuyển đi các tỉnh. Vũng Rô nằm sát vùng quân giải phóng làm chủ, có lực lượng vũ trang cùng quần chúng mạnh đủ sức đón nhận. Quân ủy Trung ương quyết định giao cho Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức chuyến đi đảm bảo thắng lợi.

Mặt khác, cơ sở phải triển khai công tác bảo vệ bến, bảo vệ tàu và thật sự bí mật. Quân khu đưa vào tổ điện đài 15W gồm ba đồng chí, phân khu nam cử một trung đội nhằm tăng cường khi biến động, cùng hàng trăm dân công các xã, tổ chức đường dây từ bãi Chính qua bãi Môn đến bãi Tiên.

Các mũi công tác liên tục đột nhập ấp chiến lược diệt ác, tìm gặp người trông nom mũi Điện (hải đăng Capvarella) để giải thích cần giữ bí mật tuyệt đối. Từ cửa sông Đà Nông, người của ta mở các chuyến đò đón bộ đội, dân công để dọn đường, làm kho, chặt cây xẻ gỗ, làm 20m cầu tàu ra biển, ngày tháo, đêm ráp. Bí mật đến nổi địch trên bót Pơ Tý phía Đèo Cả không hay biết, máy bay tuần tra Mỹ không phát hiện nghi vấn nào cả.

Báo chí Sài Gòn lúc đó đã đưa những tít lớn lên ngay trang 1 là miền Bắc có những con tàu hiện đại chở vũ khí vào Nam làm xôn xao công luận. Tờ Tạp chí Usnaval ngày 16/2/1965 đưa tin: Một hội nghị được tổ chức ở Nha Trang do thiếu tướng Lục quân Mỹ Wiliam Edepuy thuộc Bộ Tham mưu F3 của Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ ở VN (MACY) chủ trì, có đại diện Sư đoàn 23 Lục quân ngụy, có các lực lượng đặc biệt, Hải quân Ngụy và Hải quân Mỹ.

Một kế hoạch hành động được vạch ra bao gồm: Một lực lượng ngăn chặn với 2 tiểu đoàn chiếm lấy đất liền theo quốc lộ IA; một đại đội thuộc lực lượng đặc biệt đổ xuống Đại Lãnh bằng máy bay lên thẳng, rồi lên tàu L.S 405 tiếp cận con tàu bí mật; một đại đội khác tiến dọc bờ biển từ căn cứ Đèo Cả phía bót Pơ Tý; hải thuyền PC 04 của Hải quân Ngụy đưa người nhái cùng Đại úy Phraklia Wandessddens hợp lực cùng máy bay lên thẳng và pháo Hải quân Ngụy.

Tại Vũng Rô, ngay sáng 16/2, địch huy động lực lượng hải quân ở Phú Yên, không quân ở quân đoàn II Nha Trang bao vây đánh phá suốt 3 ngày, tăng cường một đại đội của Sư đoàn 23 bằng tàu đổ bộ L.S 405 và đội người nhái của Hải quân ngụy. Hàng loạt máy bay khu trục, trực thăng vũ trang cùng tàu chiến vừa bắn phá, vừa đổ quân áp sát bãi Chính, mở đường lên bãi Xép đánh vào Bùng Binh, Hang Vàng. Du kích, bộ đội đã đánh trả nhiều đợt, dùng củi khô chất đốt hàng tấn thuốc nổ và cho mìn phá tàu, không để lọt vào tay địch, tổ chức đưa 14 thủy thủ lên đường Trường Sơn ra lại miền Bắc.

Và cũng chưa lúc nào, người dân Phú Yên cùng các xã ven biển đã tập trung sức lực và xương máu chịu đựng sự tàn phá tiếp theo của địch trong nhiều tháng liền, từ máy bay B.52 rải bom dọc các hành lang phía Nam huyện Tuy Hòa, đến hàng loạt xe M.113 càn xuống phía Đông, máy bay khu trục tiêu hủy toàn bộ thôn Lạc Long, cả Trung đoàn ngụy càn quét xã Hòa Hiệp...

Ngay sau khi bến Vũng Rô ngừng nhiệm vụ đón tàu 0 số thì Mỹ bắt tay vào xây dựng Vũng Rô thành cảng quân sự nối liền sân bay Đông Tác, một lợi thế địa lý có ý nghĩa chiến lược mà chúng vừa mới biết để phong tỏa khu vực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên.

Vịnh Vũng Rô ngày nay đang được quy hoạch là vùng tam giác du lịch Mũi Điện - Đá Bia - Vũng Rô, liền kề dự án nhà máy hóa dầu đang được khởi công và vẫn như trước kia, là địa thế lý tưởng của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và cũng lý tưởng lúc thời bình để xây dựng đất nước.

Ngày 21/10/2011, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 7 tập thể và 6 cá nhân đoàn tàu 0 số vì đã có công lao to lớn, thành tích xuất sắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp Cách mạng của Đảng và của dân tộc.

V.T