Người thầy giáo... không tay làm hoạ sĩ

Người thầy giáo... không tay làm hoạ sĩ

Thứ 2, 04/02/2013 | 15:51
0
Năm 12 tuổi, hai cánh tay đứt lìa tới khuỷu, con mắt phải bị mù. Vậy mà đến bây giờ, người đàn ông đó là một nhà giáo xuất sắc với hơn 20 năm đứng trên bục giảng với đôi tay tật nguyền. Đó là thầy giáo Khanh Rong, người Khmer ngụ tại xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.

Bom mìn chiến tranh cướp đi tuổi thơ

Gặp thầy giáo Khanh Rong vào buổi tối, là lúc mọi người đã nghỉ ngơi và quây quần bên gia đình. Vậy mà thầy Khanh Rong vẫn miệt mài bên giá vẽ, con mắt còn lại nhìn chăm chú, tập trung vào từng nét vẽ của mình. Khi ông ngừng vẽ quay lại chào người khách lạ, tôi phát hiện ra đôi mắt của ông chỉ còn một bên. Vậy mà dưới ánh đèn điện nhập nhoè lúc tối trời, ông vẫn vẽ được bình thường không lấy gì làm khó khăn. Ông cười nói: "Trời cũng còn thương tui, tuy còn một con mắt nhưng vẫn tinh tường lắm, chẳng mấy khi dùng tới kính". Nói rồi, ông dọn dẹp giá vẽ, tự tay kéo ghế, kéo bàn mời khách ngồi. Tất cả những công việc đó được ông dùng hai phần tay còn lại làm một cách bình thường, nhẹ nhàng như bao người bình thường khác.

Xã hội - Người thầy giáo... không tay làm hoạ sĩ

Thầy giáo Khanh Rong

Ngấp một ngụm trà, hướng con mắt còn lại ra phía cửa, thầy Khanh Rong chậm rãi kể về những thăng trầm và những thăng hoa với nghề dạy vẽ trong cuộc đời mình. Từ nhỏ, ông đã cùng gia đình di cư đến Biên Hòa (Đồng Nai) để lập nghiệp. Ở nơi xứ lạ, tình cảnh gia đình lại càng khốn khó hơn. Đến năm ông 10 tuổi, cả gia đình gồm 7 người lại dắt díu nhau về lại quê hương, bám đất bám làng để sinh sống. Do gia cảnh nghèo khó, lúc này được đi đến trường là điều hết sức xa xỉ với ông. Năm 12 tuổi, trong một lần chăn trâu, ông cùng với hai người bạn nghịch ngợm đang chơi đùa thì thấy có một vật lạ đang nương theo những thân lục bình trôi dập dềnh trên sông. Ba đứa trẻ hiếu kỳ bơi lại nhặt lên để xem, mà không hề biết đó là một quả mìn còn sót lại sau chiến tranh. Bất thình lình một tiếng nổ đinh tai vang lên, một người bạn của ông đã chết ngay tại chỗ, một người bạn khác bị thương nặng, và ông cũng bất tỉnh ngay lúc đó. Tỉnh dậy, ông bàng hoàng biết rằng đôi tay mình bị nát bấy, và một con mắt bị mảnh mìn văng vào, vĩnh viễn không nhìn thấy được nữa.

Tuổi thơ của cậu bé 12 tuổi như chấm dứt từ đó. Một thời gian sau, ông hồi phục với những thương tật thương tật vĩnh viễn trên mình. Mọi sinh hoạt của ông đều nhờ tới cha mẹ và anh chị em. Gia đình ông như tuyệt vọng, không biết rồi đây tương lai của ông sẽ như thế nào. Lúc này, cả nhà mới quyết định dốc sức để lo cho cậu bé Khanh Rong được đi học, những mong khi biết được cái chữ thì tương lai sẽ khác đi. Tâm tư thế, nhưng ai cũng lo một cậu bé 12 tuổi với đôi tay tật nguyền như vậy liệu có thể làm được những gì. Khó khăn cũng đến, khi cậu bé Khanh Rong muốn đi học không phải thầy cô nào cũng dám nhận. Ngay lúc cậu vào xin học lớp 1, cô giáo đã lắc đầu bảo rằng nếu không cầm được bút thì làm sao viết chữ được. Phải cầm được bút được thì cô giáo mới nhận vào học. Thế là cậu bé Khanh Rong trở về nhà và miệt mài tập tành cầm bút trên hai phần tay con lại của mình để có thể đến trường như bao bạn khác. Sau nhiều tuần kiên nhẫn, bút đã cầm chắc trên tay nhưng để viết được con chữ là điều còn khó khăn hơn gấp bội.

Ngoài những giờ học trên lớp, về nhà ông lại miệt mài tập viết không ngừng nghỉ, viết đến khi hai tay mất cảm giác, đến khi rướm máu ở hai cùi tay nhỏ bé. Miệt mài hơn hai tháng, ông cuối cùngcũng đã viết được những con chữ tròn trịa như bao bạn khác. Cũng trong thời gian này, ông bắt đầu nhận ra niềm đam mê của mình với hội họa, ông yêu những bức tranh và mơ ước được vẽ. Nuôi dưỡng ước mơ suốt thời gian dài, đến năm học lớp 8 ông đã bắt đầu bộc lộ được tài năng của mình. Bắt đầu bằng hình thức tham gia trang trí báo tường, ông cầm cọ và vẽ lên được những bức hình từ suy nghĩ, cảm xúc của mình. Từ đó, ông được thầy cô hun đúc tài năng, được bạn bè ngưỡng mộ vì sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và có một chút tài hoa trong đó nữa.

Xã hội - Người thầy giáo... không tay làm hoạ sĩ (Hình 2).

Thầy giáo Khanh Rong và vợ

Trở thành thầy giáo không tay

Học hết cấp III, ông xin được dự thì vào trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Hậu Giang. Dù đã đậu với số điểm thuyết phục nhưng nhà trường không nhận vì ông cụt hai tay. Nhưng ông không chịu bỏ cuộc, năm sau ông tiếp tục nộp đơn xin dự tuyển vào trường và vượt qua kì thi ông lại đậu. Lúc đó, nhà trường đồng ý cho ông học ở lớp sơ cấp họa trong vòng bốn tháng để thử thách. Vậy là cậu bé năm nào đã có cơ hội tiếp cận với ngành nghệ thuật mà mình yêu thích. Thời gian ông mới vào học, bạn bè trong lớp nhìn ông với một ánh mắt khác biệt, ông ngại lắm, biết thân phận mình không được như người ta, ông chỉ lo học xong rồi về nhà. Phải mất một thời gian sau, ông mới hòa nhập với bạn bè trong lớp, trong trường.

Trong thời gian này, biết được hoàn cảnh của ông khó khăn nên những cán bộ ở xã nơi ông ở ngỏ ý mời ông vào làm với những công việc liên quan đến ngành vẽ mà ông đang theo học. Ngoài những công việc trang trí băng rôn, khẩu hiệu hay trang trí sân khấu, phông màn cho những buổi hội nghị ở xã, ông còn đi vẽ thuê khi có người cần, từ chân dung người đến trang trí nhà cửãa, ai thuê dù xa ở đâu ông cũng đi để kiếm tiền trang trải cuộc sống cho mình.

Đến năm 1992, ông nhận dạy hợp đồng ở trường THCS Thạnh Trị với đúng chuyên ngành của mình. Lúc này, ông cũng nghỉ việc ở bên Ủy ban xã để chuyên tâm với sự nghiệp giảng dạy. Đây cũng là ngôi trường đã gắn bó với ông cho đến tận ngày hôm nay. Đứng trên bục giảng, trước hàng chục học sinh trong lớp, mọi thao tác cầm phấn, cầm bút, mở giáo án được ông thực hiện trôi chảy không chút vấp váp nào. Học sinh đều thích thú và mong chờ đến giờ lên lớp của ông. Ông giảng dạy rất nhiệt tình mà dễ hiểu, quan tâm đến từng em học sinh, cầm cọ chỉ từng nét vẽ cho mỗi em. Đối với đồng nghiệp ông luôn cư xử hòa nhã, đúng mực. Chính vì thế, mọi người luôn dành cho ông sự cảm mến và kính phục cho một con người vượt lên số phận và chứng minh được giá trị của mình.

Chưa bằng lòng với những gì mình đang có, người thầy giáo này vẫn muốn được học thêm nâng cao trình độ của mình. Cứ hai ngày cuối tuần, ông lại bắt xe buýt đến TP. Bạc Liêu cách nhà gần 30 cây số để theo học lớp đại học liên thông, ngành Sư phạm Mỹ thuật. Ông mong muốn được trau dồi thêm kiến thức, học hỏi thêm nhiều điều nữa từ trường lớp và bạn bè học cùng ngành. Những việc ông đang làm không khỏi khiến nhiều người khâm phục. Những tưởng tương lai của cậu bé 12 tuổi không may mắn năm xưa sẽ gặp nhiều khó khăn sóng gió. Nhưng những gì hiện tại mà mọi người nhìn thấy là một tấm gương vượt khó, một nghị lực kiên cường, một con người đã có những đóng góp cho đất nước và xã hội. Thật đúng với câu tàn nhưng không phế.

Thầy Khanh Rong mỉm cười hạnh phúc khi kể về gia đình hiện tại của mình. Ông và vợ là bà Bùi Thị Cẩm (SN 1960, quê ở Thanh Hóa) gặp nhau trong một lần ông đi ký họa ở Nhà máy thuốc lá Ô Môn (Cần Thơ). Trong một tháng làm việc ở đây, bắt đầu từ những câu chuyện thường ngày và dần hai người đã nảy sinh tình cảm. Khi ông về lại Sóc Trăng, hai người tiếp tục thư từ qua lại và tình yêu giữa hai người đã đơm bông kết trái. Vượt qua những rào cản từ phía gia đình bà Cẩm, hai người đã trở thành vợ chồng vào năm 1990. Hiện tại, hạnh phúc lớn nhất của ông Khanh Rong và bà Cẩm là đứa con trai đang học lớp 9 ngoan hiền và lễ phép. Trong công việc, ông là một người tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, một họa sĩ có tâm với nghề, với quê hương. Trong gia đình, ông là người chồng, người cha có trách nhiệm, yêu vợ, thương con và là trụ cột chính trong gia đình.     

Nguyên Việt

Chuyện về thầy giáo mù gieo chữ trên đồi cát

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Không trường không lớp, không phấn trắng mực đen, lớp học trên đồi cát Bay (hay còn gọi là đồi Hồng, Mũi Né – Bình Thuận) của thầy giáo mù có những đứa trẻ lấm lem, vất vả với mưu sinh.

Vợ chồng thầy giáo già hàng ngày nhặt rác không công

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Từng đứng trên bục giảng truyền con chữ, bài học làm người cho biết bao thế hệ học sinh, giờ đây, khi đã về hưu, ông bà vẫn cần mẫn gieo những bài học làm người cho thế hệ trẻ với việc làm thiết thực của mình ở trường đời.

Thầy giáo khiếm thị dạy tiếng Anh cho người sáng mắt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Mới 10 tuổi, Nguyễn Phước Thiện đã bị bệnh tật cướp đi đôi mắt, không nản chí, cậu vẫn cố gắng học tập. Bằng nghị lực của mình, giờ Thiện đã có thâm niên hơn 20 năm dạy tiếng Anh cho người sáng mắt.