Tuổi thơ khốn khó của một nhà thơ lập dị

Tuổi thơ khốn khó của một nhà thơ lập dị

Thứ 5, 07/03/2013 | 17:15
0
Ngày làm lụng giúp mẹ, đêm về học bài cho đến khi gà trong xóm lên tiếng gáy động canh, cậu bé mới xếp sách đi ngủ.

Tuổi thơ khốn khó

Ông là Đào Hoa Khách (57 tuổi, TP. Rạch Giá, Kiên Giang). Ông bảo mình không phải là nhà thơ nổi tiếng để được độc giả bốn phương biết đến, cũng chẳng phải một triết gia với những học thuyết có ảnh hưởng đến nhân loại. Ông chỉ nhận bản thân là một người yêu thơ, biết cảm nhận dư vị cuộc sống để làm nên những vần điệu thơ bay bổng mà thôi. Và, khi đi ra từ sự xoay vần của số phận, ông chiêm nghiệm được quy luật cuộc sống trong những năm tháng bôn ba, lang bạt khắp nơi. Để rồi bây giờ ở tuổi 57, ông bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực triết học với tập bản thảo Thuyết tuần hoàn.

Nói về thơ, cuốn Dấu xưa có lẽ là tác phẩm đầu tay và cũng là tác phẩm cuối cùng của một khách thơ ghé lại trên chuyến xe rong ruổi cuộc đời. Cơm áo không đùa với khách thơ, Đào Hoa Khách chưa bao giờ sống bằng nghiệp cầm bút, vậy nên thơ ông là tiếng lòng, là cuốn tự sự cuộc đời mình, về một tuổi thơ hụt tình thương, thiếu tình cảm và đoạn đời đã qua đầy góc khuất. "Ba qua đời khi tôi còn đỏ hỏn, mẹ tảo tần khuya sớm nuôi tôi, người cậu ruột chỉ hơn tôi 9 tuổi vừa là bạn, cũng như là cha. Rồi mẹ tôi ra đi khi sự học của tôi còn dang dở, tiếp sau đó là cậu tôi. Một mình trên thế gian, không anh em họ hàng, tôi chư cánh chim đơn côi giữa biển đời mênh mông", ông ngược miền ký ức nhớ lại thời thơ ấu bất hạnh của mình.

Nhưng không phải vì hoàn cảnh không may mắn mà buông xuôi, ông cố gắng sống và vươn lên để vượt qua mọi khó khăn trắc trở trong cuộc sống. Ngày làm lụng giúp mẹ, đêm về học bài cho đến khi gà trong xóm lên tiếng gáy động canh, cậu bé mới xếp sách đi ngủ. Đào Hoa Khách không chỉ chăm học mà còn rất thông minh, bao giờ cũng đứng hàng top của lớp, cậu lấy học bổng để trả chi phí cho học tập. Điều đặc biệt là Đào Hoa Khách sớm bộc lộ năng khiếu thơ, biết làm thơ từ hồi tiểu học.

Dấu ấn đầu tiên là năm lớp 9 ông nhận được giải thưởng quốc gia về thơ do Bộ giáo dục miền Nam trao với bài thơ Mộng hoàn thành. Đây là bài thơ già dặn của một cậu học sinh cấp 2 làm trong chuyến thăm kinh thành Huế, nội dung nói về giấc mộng dang dở của các vương triều phong kiến nước ta. Với bài thơ này, ông được hội đồng giám khảo cho rằng một cây bút xuất chúng, cả nội dung và nghệ thuật theo tiêu chí của thể loại thơ Đường. "Tôi còn nhớ, khi thầy giáo lấy bài thơ của tôi giảng trước lớp, thầy cứ xuýt xoa tự hào mãi. Trong khi bản thân tôi cũng không hiểu sao phút giây đó tôi lại làm được bài thơ đó", ông nhớ lại.

Nhân vật - Tuổi thơ khốn khó của một nhà thơ lập dị

Đào Hoa Khách và tập thơ Dấu xưa.

Nhịp trầm của bài thơ cuộc đời

Sau dấu mốc Mộng hoàn thành, ông trở thành thần tượng của lớp học, mỗi buổi tranh luận thơ đều trở thành tâm điểm của bài giảng, được thầy cô và bạn bè mến mộ. "Dù cùng trang lứa nhưng tôi lại già dặn hơn các bạn cả về suy nghĩ và hành động. Nhất là khi nói về chủ đề tình yêu, tôi nói rất say sưa, khiến nhiều cô bạn gái thích, thế là chúng bạn gọi tôi là số đào hoa. Sau khi đoạt giải với bài thơ Mộng hoàn thành thì mọi người khuyên tôi lấy tên Đào Hoa Khách, đó cũng là tên bút danh theo tôi mãi đến bây giờ".

Công việc học tập của Đào Hoa Khách vẫn tiếp tục sau đó cho đến lúc lên đến đại học. Thế nhưng cuộc đời không như mong muốn, đang học dở năm 2 khoa văn của đại học Văn khoa Sài Gòn thì ông phải nghỉ hẳn vì cậu ruột mất. Không còn ai nương tựa, ông trở về quê Phú Yên rồi thất nghiệp. Đào Hoa Khách phải làm đủ thứ công việc mưu sinh, đi cuốc đất, đốt than, đốn củi bán... để lo miếng ăn qua ngày. “Lúc đó con đường đi đến ước mơ nghiệp văn chương của tôi ngày càng mù mờ, những suy nghĩ cứ tì mãi vào miếng ăn, đó là những năm sau giải phóng", ông kể.

Không được quay lại trường đại học nữa, ông một thân một mình quyết định tha hương, để nuôi giấc mộng văn chương vẫn luôn âm ỉ. Ông đi đến những vùng xa xôi, làm những công việc của người cần lao, để trải đời, thu thập vốn sống chuẩn bị cho những tác phẩm thơ sau này. Bước chân của chàng trai Nam Trung Bộ đã phiêu bạt khắp nơi. Ông bảo miền Nam bây giờ nơi nào cũng từng lưu dấu chân ông. Trong tâm hồn đa cảm, ông trân trọng dành mỗi nơi một miền đất. "Long An, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang rồi Cà Mau tôi đều đến, không nơi nào tôi ở lâu và không việc gì tôi không làm. Tôi đi xách hồ thuê, đào mương, phát rừng, xây nhà, làm bảo vệ, làm thủ kho cho xí nghiệp... Có thể tâm hồn tôi như tiếng đàn lạc nhịp giữa bản nhạc cuộc đời", Đào Hoa Khách triết lý về phương cách sống của đời mình.

Thơ của ông nói đúng hơn là tiếng lòng, là bản nhật ký về quãng đời ấu thơ khốn khó, có gì đó phảng phất buồn. Ông ngâm hai câu mở đầu của bài Dấu xưa trong tập thơ cùng tên cho tôi nghe: "Thả hồn về với ấu thơ/ Dấu xưa giờ đã lu mờ còn đâu". Đôi lúc ông muốn trở về ngày xưa, thèm được một lần ngồi vào lòng mẹ, rồi được cảm nhận tình thương của người cậu ruột. Ngày đó sao đẹp quá, nhưng tất cả giờ đã nhạt nhòa, sực tỉnh, cuộc mưu sinh đang đối mặt đã kéo ông quay về thực tại. Nhưng kể cả chuyện bản thân đang là nhân viên bảo vệ cho nhà thiếu nhi tỉnh Kiên Giang thì cũng chẳng làm ông chán nản.

Khi khách thơ "lấn sân" sang triết học

Không kháng lại được quy luật đất trời, chàng trai ngày nào giờ sắp đến  tuổi lục tuần. "Người ta sự nghiệp, con cái đề huề, riêng tôi chỉ 2 bàn tay trắng", ông thừa nhận. Ở Đào Hoa Khách cái gì cũng lỡ. Lỡ tuổi thơ, lỡ sự nghiệp, lỡ gia đình và đến nay như ông nói thì lỡ cả cuộc đời.  Mà cũng lạ, có thấy bao giờ Đào Hoa Khách buồn chán đâu. Đời không cho ông hoàn thiện ước mơ, thì phú cho ông tâm hồn trong sáng. Ông vẫn lao động bằng chính công sức của mình.

Đào Hoa Khách bảo, có lẽ sự nghiệp văn chương của ông cũng chỉ đừng lại ở Dấu xưa mà thôi. Hiện nay, ông vẫn còn một bản thảo thơ Đường, nhưng vẫn chưa dám xuất bản và cũng có lẽ chẳng bao giờ in nữa, vì không có vốn. Với một người làm thơ chân chính, phi vụ lợi và thu nhập từ nghề bảo vệ như ông, nếu in ra không bán được để thu hồi lại vốn thì coi như vỡ nợ. Ông nói: "Không bán được không phải là thơ không hay, mà hình như bây giờ thơ đã lạc nhịp với đời sống hiện đại rồi. Người ta ít tìm đến thơ, việc cảm nhận thơ của tuổi trẻ đã trở nên ngày càng hời hợt, nhất là thể thơ Đường luật thì đã là kẻ sống nhầm thế kỷ. Quy luật xã hội đành phải chấp nhận thôi, dù nó có phũ phàng". Thế rồi, ông tạm gác lại lĩnh vực thơ để lấn sân sang triết học, một bước đi mà như bạn bè ông nói là táo bạo.

Và rồi, vào một đêm ở TP. Rạch Giá, nhà thơ Đào Hoa Khách lại hẹn ở một quán cà phê, chờ tôi đến rồi dúi cho tập bản thảo Thuyết tuần hoàn. Không đợi để khách trả lời, ông nói luôn: "Đó là một bản thảo của cuốn sách viết về triết học, là ý định cuối đời mà tôi rất tâm đắc. Ông bảo, Thuyết tuần hoàn hiện đã xong về phần nội dung, ông đang rà soát lại lần cuối để gửi nhà xuất bản xem và dự tính thì sang đầu năm sau sẽ in”.

Ông cho biết, tập bản thảo này được hoàn thành trong quãng thời gian ông làm bảo vệ cho một công ty ở TP. HCM. Không nhà cửa, ông được công ty lo luôn một phòng nhỏ, ăn ngủ tại chỗ và chừng ấy cũng đủ cho một người viết triết lập dị thỏa chí sáng tạo. "Điều xuyên suốt của cuốn sách là đã phá mê tín dị đoan trong đời sống hiện đại, thông qua sự lý giải từ góc nhìn của riêng tôi về quy luật tuần hoàn của vũ trụ. Tất cả đều được chứng minh theo phương pháp khoa học và tôi hi vọng, đó là một góc nhìn mới, góp phần hướng đến xây dựng một xã hội tiến bộ, tốt đẹp hơn", Đào Hoa Khách cho biết.              

Đào Hoa Khách tên thật là Dương Quốc Tuấn (SN 1955), quê gốc Phú Yên, hiện đang sống tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang). Năm 2010 ông ghi dấu ấn đầu tiên với tập thơ Dấu xưa, gồm những bài thơ viết về thời thơ ấu lầm than, được đông đảo bạn đọc đón nhận. Hiện, ông đang gấp rút bản thảo cuốn sách triết học Thuyết tuần hoàn. Điều đáng nói, những tác phẩm của mình, ông đều tranh thủ viết trong lúc rảnh rỗi khi đang đi làm mướn. Ông được xem là nhà thơ, người viết triết lập dị.  

Hải Đăng

Hình ảnh trong lễ ăn hỏi của 'giáo sư' Cù Trọng Xoay

Thứ 4, 06/03/2013 | 15:00
Như vậy, sau status gây bão trên trang cá nhân thông báo về việc mình sắp lấy vợ, sáng nay (6/3), Đinh Tiến Dũng đã chính thức làm lễ ăn hỏi trước khi có một đám cưới rình rang cùng cô dâu xinh đẹp - MC Hồng Nga.

Ngắm nhan sắc giai nhân Việt trên màn ảnh nhỏ

Thứ 5, 07/03/2013 | 13:10
Cùng nhìn lại hình ảnh đẹp của phụ nữ Việt Nam qua những thước phim để đời.

Bảo Trúc từng nghĩ đến cái chết vì bị chồng đánh đập

Thứ 5, 07/03/2013 | 11:36
Có lúc không chịu được cuộc hôn nhân bi kịch, nữ diễn viên 'Người mẫu' đã lấy dao định cứa tay kết thúc cuộc đời.