Nhà thơ Chăm từng bỏ giảng đường về cày ruộng

Nhà thơ Chăm từng bỏ giảng đường về cày ruộng

Thứ 3, 14/05/2013 | 14:39
0
Khi quyết định từ bỏ giảng đường để quay về quê cày ruộng ông luôn tìm cách để học hỏi, nghiên cứu sáng tác các tác phẩm liên quan đến văn hóa Chăm.

Nhà thơ Inrasana Phú Trạm là một người luôn có những quyết định và hướng đi của riêng mình, có những lúc ông xem công việc mà nhiều người mơ ước để về cày ruộng. Bởi trong ông luôn có cái "ngông" của một nghệ sỹ. Cuộc đời ông vô số những gian truân thử thách. Nhưng chính những điều ấy lại hình thành nên một nhân cách đáng kính và một bản lĩnh kiên cường. Để rồi, sau này ông đã có những cống hiến cho dân tộc Chăm của mình với những tác phẩm nghiên cứu, sáng tác để đời. Với người Chăm, ông chính là biểu tượng về một tấm gương đầy nghị lực vươn lên từ chông gai thử thách.

Nhân vật - Nhà thơ Chăm từng bỏ giảng đường về cày ruộng

Nhà thơ Phú Trạm nhận giải thưởng Đông Nam Á lần thứ 3.

Bỏ đèn sách, cày ruộng... rồi đi tu

Tôi ấn tượng về nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu Inrasana Phú Trạm (SN 1957, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) từ câu chuyện kể của một nhà thơ ở TP.HCM. Tôi tìm cách liên lạc với ông Phú Trạm thì được biết hiện ông đang công tác ở Tây Nguyên. Trước một con người kỳ lạ và nhiều điều lý thú, chúng tôi liền tìm lên Tây Nguyên gặp ông. Gặp chúng tôi, giọng ông Phú Trạm trong trẻo, thân thiện khiến chúng tôi càng không thể hiểu nổi vì sao ở một con người như thế lại có những lúc quyết định gây chấn động mọi người đến vậy. Chia sẻ với chúng tôi, ông Phú Trạm cho hay: "Tôi sinh ra cũng trong một gia đình khó khăn tại làng Chakleng (thị trấn Phước Dân). Thuở nhỏ tôi đã chứng kiến cái cảnh đói khổ của gia đình và những quyết định "lì lợm" của cha tôi. Ông là người duy nhất trong làng dám cấy lúa trái vụ ba trăng thay vì lúa chiêm".

Thấy thế ông ra sức học tập chỉ mong đời sau này có cuộc sống vững vàng hơn. Ông học sáng dạ, chưa đến tuổi đi học thì đã đòi cha mẹ dắt đến trường cho bằng được. Ông nhỏ con nhất lớp vì chưa đủ tuổi, nhưng lại là đứa đứng đầu lớp về học lực. Nhớ lại buổi ban đầu cắp sách tới trường ấy, ông kể: "Ngày khai giảng, lứa bạn chơi cùng trang lứa cùng nhau rủ đến trường. Tất cả được vào lớp, riêng tôi thầy chê nhỏ quá (một phần vì nhỏ con, một phần vì vẫn chưa đủ tuổi đến trường - PV), thầy đuổi về, thầy bảo sang năm em mới vào học được. Tôi vừa khóc, vừa chạy về nhà níu váy mẹ đòi vào lớp cho bằng được. Thấy thế, mẹ dắt tôi trở lại trường, gặp thầy, mẹ năn nỉ thầy cho tôi "học gửi". Vậy mà, chỉ cần qua một buổi học, thầy cho tôi lên hàng ghế đầu ngồi luôn. Từ đó hiếm khi tôi đứng nhì lớp về học lực. Riêng tiếng Chăm, tôi thuộc lòng mấy thi phẩm ông ngoại đọc ngâm vào những đêm trăng, thuở còn chưa cắp sách tới trường".

Thông minh khác người là thế, nhưng đối với ông Phú Trạm lại luôn có những quyết định tưởng như bồng bột. Năm 1977, ông Phú Trạm thi đỗ vào Khoa Văn, trường đại học Sư phạm TP.HCM. Ông cũng là người hiếm hoi trong làng, trong dân tộc Chăm đỗ đại học, nên người nhà ông cố hết sức để chăm lo cho đi học. Thế nhưng, chỉ sau một tuần nhập lớp ông cãi lại vị giáo sư. Ông chán khoa Văn và chuyển sang khoa Anh sau một kỳ thi. Sang khoa Anh chưa hết học kỳ, ông lại có những lập luận riêng của mình với thầy cô giáo. "Cô giáo nói tôi sai, lớp trưởng kêu tôi là sai tư tưởng. Thế là tôi chán môn này. Gần cuối năm nhất tôi từ bỏ luôn giảng đường". Bỏ trường đại học để về cày ruộng và tự học, tự nghiên cứu chính là cách mà ông Phú Trạm lựa chọn.

Sau khi bỏ học, ông ra Nha Trang lên chùa tu. Được một thời gian vì thiếu sách nên ông trở về quê cày ruộng thuê, mục đích là để có tiền mua sách. Nhưng gần như cứ mỗi tháng một lần ông nhảy xe lửa vào thành phố ôm cả đống sách về đọc. Cày và đọc. Nhà thơ Phú Trạm cho biết: "Năm 1978, tôi viết tiểu luận hơn trăm trang về Krishnamurti (dịch thơ của vài tác giả Pháp), làm vài trăm bài thơ và 3 trường ca cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt". Ông trở nên nổi tiếng từ những nghiên cứu ấy. Chính vì lẽ đó, ông được Ban biên soạn sách chữ Chăm mời vào làm việc. Được một thời gian, chừng 4 năm, nắm bắt được Ban biên soạn chỉ bó hẹp ở việc biên soạn sách cho bậc tiểu học, trong khi ông luôn có một ý nghĩ trong đầu là phải làm sao đưa chữ viết Chăm đi xa hơn thế nữa, thế là Phú Trạm lại khăn gói ra đi về quê cày ruộng và làm đủ việc để sinh nhai.

Nhân vật - Nhà thơ Chăm từng bỏ giảng đường về cày ruộng (Hình 2).

Nhà thơ Phú Trạm.

Luôn tìm tòi, đổi mới

Là một người con của dân tộc Chăm có truyền thống lâu đời, hơn nữa ông lại là người đỗ đạt duy nhất trong làng, thế nên ông tự đặt trách nhiệm nặng nề với chính bản thân mình là giới thiệu với thế giới bên ngoài về cộng đồng văn hóa Chăm. Nhà thơ Phú Trạm chia sẻ: "Tôi muốn tìm hiểu tâm hồn dân tộc Chăm và tôi cho rằng văn chương là biểu hiện trọn vẹn nhất. Do đó, tôi nghiên cứu là để giới thiệu với thế giới bên ngoài một nền văn học có bề dày truyền thống nhưng đang có nguy cơ bị thất truyền. Muốn nghiên cứu thấu đáo nền văn học này song điều kiện tiên quyết là phải nắm vững vốn cổ ngữ Chăm". Chính những thiếu sót đó ông đã sáng suốt tập trung nghiên cứu sâu lĩnh vực này.

Tuy cuộc sống quá nhiều thăng trầm, lam lũ nhưng Phú Trạm luôn có một định hướng rất rõ ràng. Khi quyết định từ bỏ giảng đường để quay về quê cày ruộng ông luôn tìm cách để học hỏi, nghiên cứu sáng tác các tác phẩm liên quan đến văn hóa Chăm. Nhưng lâu nay, khi nói đến vương quốc Chăm người ta chỉ biết tới một nền kiến trúc, điêu khắc quý hiếm và cổ kính, hay những điệu múa chân chất nhưng mang đậm nét văn hóa bản địa, những điệu dân ca còn lưu truyền. Còn văn học thì ít được đề cập, ngay trong văn học sử, một trang về văn học sử cũng không thấy. Bởi vậy, bộ ba ( Văn học Chăm - Khái luận - Văn tuyển ) được nhà thơ Phú Trạm cho ra đời (năm 1995), nghiên cứu chỉ trong vòng 1 năm. Trong đó có phần khái luận, trường ca và văn học dân gian. Chủ định của ông trong tập này là ông chỉ muốn giới thiệu khái quát khuôn mặt nó với công chúng và giới chuyên môn. Mười năm sau, ông tiếp tục làm bộ sách khác với tên gọi "Tủ sách văn học Chăm", gồm 10 tập khoảng 5.000 trang. Ở đây, ông có ước mong độc giả các nơi nhận diện được khuôn mặt thật và tương đối toàn diện của nên văn học dân tộc.

Tuy biết làm thơ từ khi mới 14 tuổi, cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt, nhưng kể từ khi nghiên cứu văn học và ngôn ngữ dân tộc đã cung cấp vốn liếng quan trọng cho công việc làm thơ. Nhớ lại kỷ niệm tập thơ đầu đời được phát hành rộng rãi và được công chúng đón nhận, ông hồ hởi chia sẻ: "Năm 18 tuổi, tôi mang các bài thơ và trường ca tiếng Chăm cho bài đọc thêm khóa tiếng Chăm và nhóm bạn ở quê. Dừng lại ở đó thôi chứ không có ý định đăng báo hay in tập. Cả khi tôi vào làm việc tại đại học Tổng hợp TP.HCM năm 1992, tôi vẫn không có ý định đăng thơ. Năm 1994, không biết ai giới thiệu, nhà thơ Nông Quốc Chấn gặp tôi ở Sài Gòn và đọc qua bản thảo. Ông nói thơ hay lắm, ông bảo tôi làm cho nguyên một tập bản thảo để mang ra ngoài Hà Nội in. Nhưng mãi sau hai năm, tập đầu tay Tháp nắng mới ra đời". Từ đó, thơ ông xuất hiện thường xuyên và khá dày trên các phương tiện truyền thông đại chúng. 

Chia sẻ về sự khác biệt trong quan niệm sáng tác của mình với các nhà thơ khác, nhà thơ Phú Trạm cho hay: "Thứ nhất, tôi ham thích triết học và đọc nhiều tác phẩm triết học. Thứ hai, tôi đến từng miền văn hóa Chăm, ở đó có nhiều tác phẩm mang tính suy tư, qua cấu trúc hai ngôn ngữ dân tộc Việt Chăm cũng tạo nên sự khác biệt. Cuối cùng, từ vùng miền văn hóa kia, chất liệu thơ cũng khác rất nhiều". Ngoài ba nguyên nhân ấy, ông còn tìm tòi khai phá, nên qua mỗi tác phẩm hay mỗi chặng đường, chẳng những ông thay đổi phong cách viết mà thay đổi cả hệ mĩ học. Nếu Tháp nắng (1996) thuộc hệ mĩ học hậu thời và tiền hiện đại, thì sang Lễ tẩy trần tháng tư (2002), người ta thấy rõ dấu ấn mĩ học hiện đại. Sau đó Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức (2006), được viết theo thi pháp thơ tân hình thức, sang Ở nơi ấy thơ thời cuộc (2010) thì ông chuyển hẳn sang hệ mĩ học thời hậu hiện đại.

Nhà thơ Phú Trạm được xem là người làm nhiều nghề nhất để mưu sinh. Nhắc về chuyện này, nhà thơ Phú Trạm bộc bạch: "Thú thật là tôi từng buôn thuốc lá, làm nho, cày ruộng, làm thú y, dạy võ, câu cá, mua lúa về xay ra gạo đem bán... để nuôi gia đình. Nhưng ấn tượng với tôi nhất có lẽ là lần bán nhà vào miền Tây để buôn thổ cẩm dân tộc Chăm nhưng sau đó thất bại ê chề. Về quê chúng tôi thuê cửa hàng hợp tác xã để bán cà phê, tạp hóa...".

Hà Hưng - Hoàng Minh

Nhạc sĩ Đức Huy kể về cuộc sống với vợ kém 40 tuổi

Thứ 6, 03/05/2013 | 10:48
Anh đang sống một quãng thời gian mà mọi thứ đều rất tươi mới, dạt dào cảm xúc cuộc sống, cũng như sự thăng hoa của nghệ thuật.

'Bóng hồng' trong ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Thứ 6, 22/03/2013 | 14:02
Trong số lượng sáng tác khổng lồ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có hai ca khúc mà dư luận cho rằng chàng nhạc sĩ họ Trịnh viết để gửi gấm tâm sự mình đến với ca sĩ Thanh Thúy từ năm cô 16 tuổi, lúc mới bắt đầu đi hát. Đó là hai ca khúc đầu tay "Ướt mi" và "Thương một người".

Ca sĩ - diễn viên: Người 'nhặt' trăm ngàn, kẻ tiêu trăm triệu

Thứ 3, 07/05/2013 | 15:17
Trong làng giải trí Việt Nam hiện nay thì không khó để nhận thấy sự chênh lệch đáng kể giữa nghiệp hát và nghiệp diễn.