Chuyện gì đang xảy ra ở Cty khoáng sản Lào Việt?

Chuyện gì đang xảy ra ở Cty khoáng sản Lào Việt?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Những tưởng chuyện tranh chấp kinh tế "bị" hình sự hóa đã xưa cũ nhưng mới đây nó lại xảy ra ở Công ty liên doanh khoáng sản Lào Việt...

Không giả mà thành giả

Công ty TNHH Thái Dương Nghệ An nằm tại số 35 đường Phan Chu Trinh phường Lê Lợi thành phố Vinh do ông Thái Lương Trí làm giám đốc. Ông Trí còn là Giám đốc Công ty liên doanh khoáng sản Lào Việt được thành lập theo giấy đăng ký kinh doanh số 0790/PĐK do Phòng đăng ký doanh nghiệp thuộc Cục Nội thương Bộ Công thương Lào cấp ngày 31.10.2008.

Được biết, từ năm 2003 đến cuối năm 2006 Công ty TNHH Thái Dương Nghệ An đã đầu tư hơn 35 tỉ đồng để thăm dò, chuẩn bị các điều kiện để đầu tư khai thác mỏ Huổi Chùn tại huyện Sầm Tờ tỉnh Hủa Phăn, Lào.

Ngày 12.11.2004 Công ty TNHH Thái Dương Nghệ An đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh 30 năm với Công ty Thảo Oong Khăm – Lào để cùng khai thác mỏ Huổi Chùn, theo đó phía Công ty TNHH Thái Dương góp 100% vốn, công nghệ, máy móc thiết bị và được hưởng 65% lợi nhuận, Công ty Oong Khăm hưởng 35%.

Đầu năm 2007 Công ty TNHH Thái Dương Nghệ An đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01/HĐHT/2005 với các đối tác là Công ty cổ phần và Dạy nghề Thái Dương Hà Nội do ông Đoàn Văn Huấn làm đại diện, và Công ty TNHH Thiên Phú do bà Chu Thị Thành làm đại diện.

Các bên đã thỏa thuận với nhau là trong số 65% vốn mà Công ty TNHH Thái Dương Nghệ An cam kết góp vào liên doanh, thì Công ty TNHH Thái Dương Nghệ An góp 35%; Công ty cổ phần và Dạy nghề Thái Dương Hà Nội góp 45% và Công ty TNHH Thiên Phú góp 20%. Phần vốn này sẽ được đầu tư dần theo tiến độ của dự án.

Tuy nhiên, đến ngày 27.10.2007 các thành viên này lại thỏa thuận tại Phụ lục Hợp đồng số 01/PLHĐ thay đổi tỉ lệ vốn góp mà theo đó Công ty TNHH Thái Dương Nghệ An góp 37%; Công ty cổ phần và Dạy nghề Thái Dương Hà Nội góp 18% và Công ty TNHH Thiên Phú góp 10% trong số 65% vốn của phía Việt Nam trong liên doanh.

Cho đến nay, số tiền vốn góp nêu trên mới chỉ là cam kết, thực tế các bên chưa góp đủ số vốn như đã thỏa thuận.

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, giữa các thành viên góp vốn trong liên doanh đã xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến việc tố cáo nhau tới các cơ quan pháp luật.

Vì lý do này, ông Thái Lương Trí đã bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Tại bản kết luận điều tra số 23/ANĐT ngày 19.3.2010 của cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an Việt Nam đã cho rằngcon dấu mà Công ty cổ phần khoáng sản Lào Việt sử dụng từ tháng 4.2008 để đóng dấu các văn bản giao dịch và ký hợp đồng với Chính phủ Lào cho đến khi ông Trí bị tạm giam là con dấu không hợp pháp vì mới chỉ có thủ tục của Cục Nội thương - Bộ Công thương Lào cho phép mà chưa có giấy phép khắc dấu và sử dụng dấu của Cục Quản lý hành chính - Bộ An ninh Lào nên là con dấu giả.

Cũng theo bản kết luận điều tra nêu trên, chữ ký và con dấu được đóng vào hợp đồng liên doanh ngày 15.6.2006 giữa Công ty TNHH Thái Dương Nghệ An và Công ty Oong Khăm Lào là dấu và chữ ký giả.

Tuy nhiên, bản dịch Bản kết luận kết quả kiểm tra xác minh số 089/CKTHS ngày 10.7.2007 của Cục cảnh sát ký thuật hình sự Bộ An ninh Lào lại xác nhận dấu được đóng vào bản hợp đồng nói trên là dấu thật của công ty Oong Khăm Lào và chữ ký trong hợp đồng là chữ ký thật của ông Oong Khăm.

Trước những chứng cứ nêu trên, ngày 17.5.2010 Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Việt Nam đã ra quyết định số 07/QĐ-VKSTC-V2 đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với ông Thái Lương Trí.

… và những điều không bình thường

Tưởng sau sự kiện này, ông Thái Lương Trí được thoát vòng lao lý để trở lại kinh doanh, nhưng đến ngày 19.5.2010 Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao lại ban hành quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn số 02/QĐ-VKSTC-V2 cùng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú số 01/QĐ-VKSTC-V2 đối với ông Thái Lương Trí.

Và chỉ sau 4 ngày được trả tự do, ông Trí lại bị bắt giữ ngay tại Bệnh viện Đa khoa Đông Âu thành phố Vinh. Mặc dù cho tới ngày 25.5.2010 cơ quan An ninh điều tra mới ra thông báo số 65 về việc bắt ông Trí để tạm giam với các hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ qaun, tổ chức và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Được biết, trong giai đoạn ông Thái Lương Trí đang bị tạm giam tại trại B14, thì ngày 3.2.2010 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành tổ chức một cuộc họp để thỏa thuận về tỉ lệ góp vốn giữa các bên tham gia Công ty liên doanh khai thác khoáng sản Lào Việt với các thành phần tham gia gồm có ông Thái Lương Trí - Giám đốc Công ty TNHH Thái Dương; ông Đoàn Văn Huấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ và dạy nghề Thái Dương và bà Chu Thị Thành - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phú.

Vậy mà ông Trí đang bị giam giữ mà đã được đưa đến tham gia cuộc họp này.

Theo Luật sư Trần Đình Triển – văn phòng Luật sư Vì Dân cho biết, đây là sự vi phạm nghiêm trọng Bộ Luật tố tụng hình sự và Nghị định của Chính phủ về công tác quản lý tạm giữ - tạm giam.

Điều đáng nói là ngay khi ông Thái Lương Trí bị khởi tố, ngày 10.7.2010 Hội đồng thành viên của Công ty TNHH Thái Dương đã họp bất thường và cử ông Nguyễn Đình Lập là người đại diện hợp pháp của Hội đồng thành viên và điều hành công ty thay cho ông Thái Lương Trí.

Do đó, mọi sự thỏa thuận của ông Thái Lương Trí trong thời gian bị khởi tố, tạm giam là không có giá trị pháp lý.

Vậy mà kết quả cuộc họp giữa bị can Thái Lương Trí với các đối tác góp vốn tại Bộ Kế hoạch và đầu tư ngày 3.2.2010 vẫn được Bộ này chấp thuận sự thỏa thuận của 3 đối tác gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương 28%; Công ty TNHH Thái Dương 25%; Công ty TNHH Thiên Phú 12%. Và trong công hàm số 109/BKH-ĐTNN ngày 24.5.2010 Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đề nghị phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cấp giấy phép đầu tư nước ngoài cho liên doanh với các cá nhân góp vốn gồm ông Đoàn văn Huấn nắm giữ 28%, ông Thái Lương Trí 25% và bà Chu Thị Thành 12%.

Như vậy, bên cạnh việc vi phạm pháp luật về việc quản lý phạm nhân, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì kết quả cuộc họp ngày 3.2.2010, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mà không có ý kiến chấp thuận của Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thái Dương và Công ty TNHH Thiên Phú, cùng Hội đồng quản trị công ty cổ phần dịch vụ và dạy nghề Thái Dương thì đó là việc làm vô hiệu, vi phạm tiết c,d khoản 2 điều 47 và tiết e,g khoản 2 điều 108 Luật Doanh nghiệp. và Bộ Luật Dân sự.

Được biết, vụ việc nêu trên chỉ là việc tranh chấp quyền lợi giữa các bên tham gia ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh . Nếu có tranh chấp thì các bên cùng nhau giải quyết, trong trường hợp không thể ngồi bàn bạc được cùng nhau, thì các bên có thể khởi kiện ra Tòa án kinh tế hoặc Trọng tài Quốc tế như đã thỏa thuận với nhau khi ký hợp đồng. Vậy mà vụ việc lại được Bộ Kế hoạch Đầu tư, cùng với các cơ quan bảo vệ pháp luật “can thiệp” trái với những cam kết đã ký của các đối tác tham gia trong Công ty cổ phần khoáng sản Lào Việt.

Theo VNT