Chuyện kể từ sòng bạc đẹp nhất thế giới

Chuyện kể từ sòng bạc đẹp nhất thế giới

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
"Chơi roulette đến 6 giờ tối. Thua sạch". Đó là một dòng ngắn gọn trong nhật ký của nhà văn Leo Tolstoy (18281910) vào ngày 14 tháng 7 năm 1885.

Sòng bạc trong thành phố Baden-Baden ở miền Nam của nước Đức cũng là nơi tìm cảm hứng của nhiều nhà thơ, nhà văn người Nga khác, trong đó có Ivan Turgenev (1818-1883), người đã sống 7 năm trong thành phố điều dưỡng này. Ông đã viết quyển tiểu thuyết "Khói" ở đấy. Fyodor Mikhailovich Dostoevsky (1821-1881) đánh bạc thua cả chiếc nhẫn cưới và đã đưa những trải nghiệm tại bàn roulette vào trong quyển tiểu thuyết "Con bạc".

Sòng bạc Baden-Baden. Ảnh: Wolfgang Rössig

Nhìn từ bên ngoài sòng bạc nổi tiếng thế giới trong cánh phải của tòa nhà điều dưỡng mang tên Kurhaus Baden-Baden không có gì đặc biệt cho lắm, nhưng bên trong những người Pháp thuê lại đã thiết kế 4 gian sảnh theo phong cách đẹp nhất của Belle Époque, "thời kỳ tươi đẹp" của châu Âu từ cuối thế kỷ 19 cho đến khi Đệ nhất thế chiến bùng nổ.

Đỉnh cao đầu tiên của sòng bạc là nhờ vào người Pháp Antoine Chabert. Người ta nói rằng năm 1827 ông đã cho mang chiếc đàn dương cầm ra khỏi sòng bạc vì Felix Mendelssohn-Bartholdy (1809-1847) với một lần chơi đàn tự phát đã làm cho khách quên cả việc phải tiếp tục mất tiền. Các nhạc sĩ thiên tài Niccolò Paganini (1782-1840), Johannes Brahms (1833-1897), Clara Schumann (1819-1896) và Franz Liszt (1811-1886) cũng đã từng cuốn hút những người khách nổi tiếng của Baden-Baden.

Nhà điều dưỡng Kurhaus Baden-Baden có sòng bạc nổi tiếng thế giới. Ảnh: Badenpage.de

Năm 1838, sau khi những sòng bạc Pháp bị đóng cửa, người thuê sòng bạc ở Paris Oscar Jacques Bénazet đã thuê lại sòng bạc Baden-Baden. "Ông vua của Baden" và sau đó là con trai Edouard đã biến thành phố điều dưỡng nhỏ bé trở thành thủ đô mùa Hè của châu Âu.

Đồng tiền tội lỗi từ sòng bạc đã giúp xây dựng đại lộ Lichtental, nhà ga đầu tiên của Baden-Baden và nhà hát theo phong cách Tân Baroque mà Hector Berlioz (1803-1869) đã viết vở nhạc kịch "Beátrice et Bénédict" đặc biệt cho lần khai trương. Trong một lần đến thăm Baden-Baden, nữ diễn viên nổi tiếng Marlene Dietrich (1901-1992) đã từng thốt lên rằng đây là "sòng bạc đẹp nhất thế giới".

Nhà hát Baden-Baden. Ảnh: Thomas Tölch/Fotocommunity

Năm 1872, chính phủ Đức ra lệnh đóng cửa toàn bộ các sòng bạc ở Đức và Baden-Baden lại quay trở lại với các nguồn suối khoáng nóng nổi tiếng của thành phố.

Thủa xa xưa, các bể tắm ở đây chỉ phục vụ cho đạo quân La Mã thứ 8 đóng ở thành phố Strasbourg gần đấy. Nhưng đó chỉ là khởi đầu cho một truyền thống lâu dài của Baden-Baden. Năm 213 Hoàng đế La Mã Caracalla (188-217) đã từng đến đây để điều dưỡng.

Nhà ga cũ của Baden-Baden. Ảnh: Badenpage.de

Tiếp theo chiến tranh 30 năm (1618-1648) là cuộc chiến tranh kế thừa vùng Pfalz (1688-1697). Vùng đất cạnh biên giới với Pháp bị tàn phá nặng nề. Thành phố Baden-Baden cháy rụi năm 1689. Năm 1706 khi bá tước Ludwig Wilhelm (1655-1707) của Baden dời nơi ngự trị về Rastatt, ngôi sao Baden-Baden bắt đầu lu mờ.

Nhưng vào cuối thế kỷ 18, Baden-Baden lại bắt đầu vươn lên trở thành nơi nghỉ dưỡng của châu Âu. Ngôi nhà điều dưỡng kiểu cổ điển Kurhaus Baden-Baden được xây năm 1823. Hoàn thành năm 1877, tòa nhà Friedrichsbad thuộc trong số các nhà tắm nước suối khoáng nóng đẹp nhất của châu Âu. Năm 1863, có đến ba vị hoàng đế gặp nhau trong khách sạn d'Angleterre: Franz-Joseph của Áo, Nga hoàng Alexander và Napoleon III.

Nhà tắm suối khoáng nóng Friedrichsbad. Ảnh: Wikipedia

Giới tinh hoa của châu Âu, nhưng cũng gồm cả những kỹ nữ đắt tiền nhất của họ, đã bước chân vào những khách sạn sang trọng nhất của thành phố. Marie Duplessis đến thành phố điều dưỡng này năm 1842, chính là "Trà hoa nữ" của Alexandre Dumas (1824-1895) trong tác phẩm cùng tên và cũng là nhân vật gây cảm hứng cho tác phẩm ca kịch "La Traviata" của Giuseppe Verdi (1813-1901).

Một xuất hiện sáng chói khác là "Gái giang hồ" (tác phẩm của Dumas): Cora Pearl, đến đấy năm 1864 như một bà hoàng đầy quyến rũ. Và với lần tái khai trương sòng bạc trong năm 1950 lại có nhiều vị khách nổi tiếng đến thành phố cạnh sông Oos có đại lộ Lichtental dài 3 km.

Dọc theo Đại lộ Lichtental (Lichtentaler Allee). Ảnh: Fotocommunity

Ở đầu đại lộ Lichtental trong thành phố, Nhà Nghệ thuật Quốc gia và Viện bảo tàng Frieder Burda tạo 2 điểm nghệ thuật khởi đầu cho một chuyến đi dạo. Tu viện Lichtenthal của các nữ tu sĩ dòng Xitô ở cuối đường. Nhà thờ của tu viện được khánh thành năm 1256, nhưng đã được cải dáng sang Gothic ngay từ năm 1300. Nhà Brahms cách đấy không xa, nơi nhà soạn nhạc nổi tiếng Johannes Brahm thường đến ở vào những tháng mùa hè cho đến năm 1874, là điểm kết đẹp cho một chuyến đi thăm thủ đô mùa hè của châu Âu.

Phan Ba

Tag: sống