Chuyện khó tin ở “kinh đô bánh kẹo nhái” La Phù

Chuyện khó tin ở “kinh đô bánh kẹo nhái” La Phù

Thứ 6, 18/11/2016 | 16:47
0
Hơn mười năm trước, xã La Phù (Hoài Đức Hà Nội) vẫn là làng quê yên bình, người dân quanh năm quen với khung cửi. Thời gian trôi đi, những khung cửi nức tiếng một thời đã nhường chỗ cho các xưởng sả

Trong những ngày cuối năm, cảnh xôm tụ mua bán, vận chuyển hàng hóa đã xé toang bức tranh yên bình làng quê vốn có, thậm chí, các ngả đường ở La Phù đều tắc nghẽn bởi ô tô tải các loại.

Xã hội - Chuyện khó tin ở “kinh đô bánh kẹo nhái” La Phù

Xe “ăn hàng” ùn ùn đổ về La Phù

"Kỹ nghệ nhái" hoàn hảo đến từng chi tiết

Vừa đến đầu làng, cảnh xe tải ùn ứ rồng rắn xếp hàng đợi "ăn hàng" đã trở nên phổ biến, nhất là những dịp cận Tết như thế này. Vì có hẹn trước với một thổ dân nơi đây, vốn là một cửu vạn ở làng đã giải nghệ, nên tôi nhanh chóng được Q. dẫn đến mục sở thị các xưởng sản xuất, các tổng đại lý bánh kẹo ở trung tâm La Phù. Đang lớ ngớ ngắm những thùng bánh Chocopie, bánh Huda chất đống tràn ra cả lề đường, Q. vội kéo tôi chui tọt vào một xưởng sản xuất bao bì có tên X.L, mà theo lời kể của Q. thì đây là nơi anh bắt đầu khởi nghiệp.

Xưởng rộng chừng 150m2, các loại máy móc công nghiệp kêu xình xịch, tiếng máy dập kêu ầm ầm, tại xưởng có khoảng 20 công nhân đang làm việc. Theo tìm hiểu, thì ở La Phù có khoảng 3-4 xưởng sản xuất các loại bao bì, đủ cung cấp cho các công ty, các xưởng sản xuất bánh kẹo ở đây. Tại xưởng X.L, dễ dàng bắt gặp các loại bao bì đủ kích cỡ của các hãng sản xuất uy tín đã bị làm nhái như BK HN, KĐ...

Quan sát thực tế tại "kinh đô hàng nhái" mới thấy quy trình sản xuất của La Phù hoàn hảo đến từng chi tiết, hoàn toàn khép kín với bên ngoài. Có khoảng 3 cơ sở chuyên sản xuất bao bì nhái các hãng uy tín, chỉ cần yêu cầu kích cỡ, tên bao bì, thương hiệu cần làm nhái thì sẽ có ngay.

"Người khôn của khó, bây giờ làm giả rất nguy hiểm, nên chuyển qua làm...nhái cho lành", đó là cách nói của ông H.V.N chủ một cơ sở sản xuất bao bì. Theo ông N. cách dễ làm nhất là dựa trên các bao bì hàng thật, các chủ hàng sẽ đặt xưởng của ông làm giống hệt hàng thật về màu sắc, kích cỡ,...và chỉ thay đổi một vài chữ trên thương hiệu đó. Chủ hàng chỉ việc mang bao bì về đóng hàng vào, ghi đầy đủ địa chỉ sản xuất made in La Phù.

Thực tế, hàng nhái bao bì này tiêu thụ ở các thành phố lớn rất dễ bị cơ quan chức năng phát hiện, khó qua mặt được người tiêu dùng sành sỏi. Tuy nhiên, nếu đưa về tiêu thụ ở các làng quê thì lại rất đắt hàng, vì giá rẻ lại giống sản phẩm được quảng cáo trên ti vi. Dù vậy, nếu so sánh thì bánh kẹo La Phù được ngụy trang bằng cái tên na ná sản phẩm thật: Kẹo Applebe Original với Apllebe OY, kẹo Cheng Gum với Chewing Gum, Technoment thay Doublemin, Sunnife với Sunlife...

Theo ông N.T.T chủ một xưởng sản xuất bánh quy xốp bơ, ở La Phù không chỉ sản xuất hàng nhái (nhái có thương hiệu - PV) mà còn nhận đóng gói, gia công cho các công ty có thương hiệu trên thị trường. Tận dụng kỹ thuật khéo léo của thợ La Phù, đặc biệt là giá nhân công rẻ, nhiều công ty bánh kẹo, thực phẩm đã mang bao bì, nhãn mác vào tận xưởng để thuê công nhân làm sản phẩm theo thương hiệu mình. Và tất nhiên, sau khi sản xuất, các loại bánh kẹo đó đều được mặc áo mới với nhãn mác chính hãng có uy tín. Dù chúng tôi rất khéo léo khai thác nhưng ông chủ T. vẫn không hé lộ tên của các hãng đặt hàng ở La Phù.

Mất vệ sinh nhưng xe về “ăn hàng” vẫn như mắc cửi

Cũng ngay tại xưởng sản xuất bánh quy xốp bơ của ông N.T.T, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh làm việc của công nhân. Khoảng 20 người đang lúi húi vo tròn một loại bột màu trắng được gọi là kem kẹp giữa hai chiếc bánh quy, trong số họ không ai đeo khẩu trang, găng tay. Đằng sau xưởng là mảnh ruộng bỏ hoang chất đầy rác thải, mùi hôi thối xộc lên nồng nặc...

Nhái đủ loại cùng muôn vẻ gian dối

Đến với La Phù đã thấy bát ngát nào là bánh ngọt Chocopie, bim bim Oishi... các loại nước ngọt như Cocacola, bò húc, tăng lực... la liệt tại các đại lý, thậm chí xếp từng đống bên đường. Trong khi đó, địa chỉ xuất xứ thực của các mặt hàng này ở tận miền Nam. Để qua mặt các cơ quan chức năng và đánh lừa người tiêu dùng, các chủ hàng còn sử dụng chiêu mua hàng thật về, rút lõi rồi nhét hàng made in... La Phù vào và đem đi tiêu thụ. Tỷ lệ rút lõi thường thì 40 - 50 %, có một số chủ hàng vì lợi nhuận đã ăn chặn lên tới 70 - 80%.

Đối với người dân La Phù thì hàng chục năm trở lại đây không có giờ nghỉ trưa, càng trưa cảnh xôm tụ mua bán càng tấp nập. Các dòng xe tải lớn nhỏ từ 500kg cho đến các loại container trọng tải lên tới hàng chục tấn nườm nượp ra vào để chuyển hàng đi các tỉnh. Theo nhẩm đếm của phóng viên thì trong khoảng nửa ngày 13/12, có đến hàng trăm xe ô tô lớn nhỏ đến bốc hàng. Nhìn biển số thì thấy đủ các tỉnh: Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, xa hơn có Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai...Vì tắc đường nên cánh tài xế tụ tập ở các quán nước ven đường để giết thời gian. Tài xế tên T chạy con xe Huyndai 3,2 tấn biển 34 T.... vừa uống nước vừa càu nhàu, hôm nay lại tắc, bình thường mỗi ngày đi được 2 chuyến, giờ cứ ùn ứ kiểu này có khi đến tối may ra mới về được.

Tài xế L.V.T từ tận Quảng Trị cũng ra đây đánh hàng, vì đường sá xa xôi, mỗi tháng mới ra lấy một lần nên chủ hàng phải điều hẳn con container tải trọng trên 30 tấn. Tài xế T. cũng cho biết, hàng ở đây tuy là "dỏm thiệt", nhưng khi được tiêu thụ tại các địa phương ở miền núi thì lại rất đắt hàng, bởi giá rẻ, mẫu mã cũng rất đẹp. Ông chủ của T. dự tính từ giờ đến cuối năm còn ra đánh thêm vài chuyến nữa, vì trong đó đang rất khan hàng.

Con đường làng ở trung tâm La Phù dài chừng 1km và được cơi nới khá rộng rãi như đường quốc lộ. Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 12 này luôn luôn tắc nghẽn, cánh tài xế còn cho biết, năm nay chưa vào độ lấy hàng, nên lượng xe đổ về cũng chưa nhiều. Năm ngoái vào dịp này thì xe tải chật như nêm, khó khăn lắm mới lấy được hàng.

Hà Khê