Chuyện khôi hài ở làng văn hóa 'có thánh hiện'

Chuyện khôi hài ở làng văn hóa 'có thánh hiện'

Thứ 2, 04/03/2013 | 20:14
0
Làng Lưu Khánh nhiều năm nay bỗng dưng xuất hiện nhiều thầy bà, thầy ông thu hút đông đảo người dân tứ xứ đổ về cầu khấn đang làm nhiều người dân nơi đây bức xúc.

"Ngài ứng vào mới phán được" (?!)

Làng Lưu Khánh (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) có trên dưới gần chục người hành nghề bói toán, nhưng ai cũng nức tiếng gần xa. Từ TP.HCM cho đến Hà Nội, có khi tận cả trời Tây cũng tìm về đây để thầy gieo quẻ, giải hạn. Tuy nhiên, có điều lạ là hầu như những người hành nghề bói toán, đoán số đều là dân nhập cư chứ không phải là con dân của làng Lưu Khánh. Họ là dân xứ khác đến làng sinh sống, hoặc đến làm rể trong làng.

Hiện nay, tại làng Lưu Khánh, thầy bói nổi tiếng nhất liên tục được nhiều người dân tìm đến chính là thầy Trần Đại Vầy (SN 1964, nguyên quán ở làng Dương Nổ Đông, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, nay sống ở làng Lưu Khánh, xã Phú Dương, huyện Phú Vang).

Xã hội - Chuyện khôi hài ở làng văn hóa 'có thánh hiện'

Ông Võ Cò, Trưởng ban văn hóa thôn Lưu Khánh.

Gặp thầy tại nhà riêng cũng là nơi khách xem bói thường xuyên lui tới, thầy Vầy ăn mặc như người dân bình thường ra đón chúng tôi. Khi biết chúng tôi là PV tìm hiểu về những người coi bói ở làng Lưu Khánh, thầy Vầy lúc đầu e ngại nhưng sau khi tìm được sự đồng điệu, thầy tâm sự: "Tôi hồi trẻ làm nghề xây dựng cho đến năm 33 tuổi thì bổng dưng bị khùng, người cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, chẳng làm được việc gì, người dân trong vùng hồi đó gọi tôi là Vầy điên.

Chiều chiều, tôi thơ thẩn đạp xe từ Phú Vang lên Điện Hòn Chén tận ngã ba Tuần chỉ để vào điện thắp nhang rồi lại gò lưng đạp về. Tôi ròng rã một năm như thế. Tôi vì bị điên nên cũng không hiểu hết hành động ngớ ngẩn của mình. Một hôm khi lên điện thắp nhang, tôi được ngài ứng vào và phán liên tiếp cho mấy người. Họ bảo tôi phán đúng nên rất tin. Cũng từ đó tôi không còn ngơ ngẩn nữa".

Kể tiếp câu chuyện đang dở dang, thầy Vầy thật bụng nói: "Sau sự việc trên, tôi dần sống thu mình hơn. Tuy nhiên, một hôm đang đi gặt lúa mướn trong làng thì bỗng nhiên thấy trời đất như tối lại, có bóng người đứng trước mặt bảo về nhà đi, không được làm nữa. Tôi nghĩ bụng mình đi làm mướn, giữa chừng bỏ về, ai trả công cho nên tiếp tục làm, không may cắt nhầm vào ngón út suýt đứt lìa phải đi viện. Từ đó tôi thôi không đi làm bên ngoài nữa mà ở nhà làm thầy". 

Hỏi thầy Vầy chuyện về những người từng đến xem bói mà được thầy giúp hoàn thành ý nguyện, thầy Vầy hồ hởi kể: "Tôi nhớ có một anh quê ở Quảng Bình tên Hùng, công tác tận ngoài hải đảo tìm về nhà tôi nhờ làm lễ cầu tự theo kiểu có bệnh vái tứ phương. Vợ anh hiếm muộn, ba lần vào viện tiến hành thụ tinh nhân tạo nhưng vẫn không thành công, sau lễ cầu tự hai tháng, anh Hùng gọi điện vào nhờ tôi làm tiếp một lễ cầu tự nữa. Tôi gieo quẻ thì biết được nhà anh đã có tin vui nên bảo anh chở vợ đi bệnh viện khám, quả nhiên vợ anh đã mang thai mà không hay (?).

Nhớ ơn người đã góp phần giúp gia đình có niềm vui lớn, cứ mỗi độ xuân về tết đến, anh Hùng lại gọi điện hỏi thăm, chúc tết ân nhân". Ông Vầy cho biết thêm, cũng như thụ tinh nhân tạo vậy, có người thành công, có người thất bại, cầu tự cũng có khi thành khi bại, giống như duyên may vậy.

Xã hội - Chuyện khôi hài ở làng văn hóa 'có thánh hiện' (Hình 2).

Bàn thờ trong nhà “thầy” Vầy.

"Làng văn hóa" thành làng bói... "nổi danh"

Ở đất Lưu Khánh này, ngoài thầy Vầy còn có thầy Hợp, thầy Minh, thầy Sáng, thầy Út những người này mỗi khi gieo quẻ đều cho rằng, có người cõi trên giáng xuống hay nhập vào và họ chỉ làm theo, lúc ấy, họ hoàn toàn mất tự chủ và mất ý thức. Thắc mắc về việc người dân đến xem quẻ đều là dân xứ khác, một người làng Lưu Khánh cho hay, dân ở đây ít đến xem vì có lẽ bụt nhà không thiêng. Người này còn lý giải, tiền mình cất ở đâu trong nhà, hàng xóm còn biết thì còn đến thầy gieo quẻ mà làm gì.

Các thầy ở làng Lưu Khánh xem đúng sai chưa biết, chỉ biết rằng, nhà mỗi thầy, khách vào ra lúc nào cũng nườm nượp. Tiếng "lành" đồn xa, dân ngoại tỉnh cũng ồ ạt kéo đến, xe trước nhà thầy chỉ toàn là biển số ngoại tỉnh, từ xe máy cho đến xe ô tô. Chẳng biết sau khi được các thầy gieo quẻ, giải hạn, đường công danh sự nghiệp, tiền tài, danh vọng của của họ có tấn tới hay không nhưng cơ ngơi sự nghiệp của các thầy thì nổi lên thấy rõ.

Năm 2001, làng Lưu Khánh được công nhận là làng văn hóa. Toàn xã Phú Dương có 9 làng nhưng đến nay chỉ có làng Lưu Khánh và làng Phò An được công nhận là làng văn hóa. Trong hương ước làng văn hóa Lưu Khánh gồm 8 chương, 27 điều khoản có mục về bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan. Tuy nhiên đến nay, làng Lưu Khánh lại nổi danh khắp nơi không phải vì những nét đẹp văn hóa của làng xã mà chính là nghề bói toán. Kể từ khi làng Lưu Khánh nổi danh về nghề bói toán, khắp làng ngày nào cũng nghi ngút khói hương. Vấn đề ô nhiễm môi trường bỗng chốc trở thành vấn nạn.

Nhiều người đến cúng, tiền mua vàng mã để đốt có khi từ vài triệu lên đến vài chục triệu đồng, cho nên quanh làng, tàn tro lúc nào cũng bay khắp trời. Trước tình hình đó, người dân trong làng bức xúc đã đề nghị ủy ban nhân dân xã có những biện pháp xử lý, tránh việc gây ô nhiễm môi trường cũng như nguy cơ hỏa hoạn từ nghề bói toán. Cuối cùng những gia đình hành nghề bói toán đều gò một thùng nhôm lớn hoặc xây một bể xi măng trước nhà để dùng cho việc đốt vàng mã.

Ông Võ Cò, trưởng ban văn hóa thôn Lưu Khánh cho biết, việc bài trừ mê tín dị đoan trong thôn hiện nay chủ yếu được thực hiện theo phương thức vận động thuyết phục là chính nên kết quả đưa lại không cao. Bên cạnh đó, những người hành nghề bói toán đều là dân xứ khác đến ngụ cư, tuy đã nhập làng xã nhưng lại chưa hình thành họ tộc ở Lưu Khánh nên càng khó. Khi có việc, ngoài các ban ngành vận động, trưởng các họ tộc cũng có nhiệm vụ động viên về các phái, các chi trong hộ để con cháu trong họ chấp hành đúng những chính sách của Đảng và Nhà nước.

Do đó, việc các thầy bói toán ở làng Lưu Khánh là dân ngụ cư cũng góp thêm một phần khó trong việc vận động bài trừ tệ nạn mê tín. Lại nói thêm, vì có cầu nên mới có cung. Thiết nghĩ, nếu không có những người mê muội ùn ùn kéo về Lưu Khánh, thì các thầy ở đây dù có cao tay đến mấy cũng chẳng có đất hành nghề.                          

Bài trừ mê tín dị đoan vẫn loay hoay ở ngõ cụt

Ông Võ Cò, Trưởng Ban Văn hóa của thôn Lưu Khánh cho biết, việc bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan của thôn đến nay vẫn đang ở trong ngõ cụt. Ban chấp hành thôn Lưu Khánh cũng nhiều lần đề xuất cấp trên cần có những chỉ đạo cũng như biện pháp để xử lý tệ nạn mê tín đang tồn tại và ngày càng bành chướng ở thôn Lưu Khánh, tuy nhiên hiện ở xã Phú Dương nói riêng cũng như huyện Phú Vang nói chung vẫn chưa có những biện pháp xử lý cụ thể nào. Đó là lý do vì sao ở một ngôi làng suốt mười hai năm liền đạt danh hiệu làng văn hóa lại tồn tại và phát triển nghề mê tín như thế.

Nhất Nghệ - Trung Nghĩa

Chuyện thánh 'vật' ở đình làng Lệ Mật

Thứ 2, 25/02/2013 | 08:47
Theo sử sách ghi lại, đình Lệ Mật được xây dựng từ thế kỷ 12, đời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127, cũng có nơi ghi 1066 - 1127) tại xã Việt Hưng thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay là phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Là di tích lịch sử hàng nghìn năm tuổi, đình Lệ Mật có rất nhiều huyền tích bí ẩn và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh vô cùng linh thiêng của người dân nơi đây.

Sự thật lời đồn “cả họ bị thánh vật”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Ngồi trước mặt chúng tôi, chị Cấn Thị Sâm (SN 1979) khuôn mặt vẫn đờ đẫn mệt mỏi. Khắp người chị sực mùi dầu cao, gương mặt hốc hác, mắt thâm quầng. Được biết cả tuần nay chị Sâm không ngủ được và ăn uống được rất ít, cơ thể bủn rủn, rã rời.

Thần thánh và hoang đường những chuyện lạ chỉ là tạo dựng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Chuyện lạ có khi là ngẫu nhiên, đôi khi là sự tạo dựng cố tình và nó gắn với sự đồn thổi mang tính huyền bí, siêu nhiên đã kéo người dân đến chiêm bái theo tâm lý đám đông một cách vô thức. Đó là đánh giá chung của nhiều nhà nghiên cứu.

Giấc mơ gặp mẹ ở xứ người thành hiện thực

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
Những ngày tháng làm nô lệ cho gia đình nhà chồng của bà Liên biến Quân thành người đau khổ nhất, tương lai tìm mẹ, đến tính mạng của chính bản thân mình cũng chưa biết rồi sẽ ra sao.